7 năm sau bộ phim Cô Gái Có Hình Xăm Rồng (The Girl with the Dragon Tattoo) của đạo diễn David Fincher được đánh giá cao về mặt nội dung, Hollywood quyết định thực hiện phần tiếp theo với tên gọi Cô Gái Trong Lưới Nhện Ảo (The Girl in the Spider’s Web) do Fede Alvarez cầm trịch. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục duy trì chất lượng, các nhà sản xuất đã quyết định chuyển thể tiểu thuyết cùng tên của tác giả David Lagercrantz nhưng vẫn thuộc series Millennium của Stieg Larsson để reboot thương hiệu này và hướng tới thành công nơi doanh thu phòng vé. Vừa mới công chiếu nên thật khó nói liệu Cô Gái Trong Lưới Nhện Ảo có thật sự ăn nên làm ra hay không nhưng với một nội dung hỗn độn, không thể giải thích hay làm rõ quá khứ của Lisbeth mà còn phá hoại những gì khán giả từng yêu thích từ bộ phim trước, cá nhân người viết mong rằng phim sẽ thất bại để Hollywood khỏi mất công “vắt sữa”.
Vấn đề đầu tiên và khiến phim mất điểm trầm trọng nhất chính là cốt truyện. Cô Gái Có Hình Xăm Rồng được đánh giá cao nhờ nội dung tập trung vào hành trình phá án, lần theo manh mối của một cô gái bị mất tích 40 năm trời để rồi phát hiện ra một kẻ giết người hàng loạt cực kỳ biến thái của bộ đôi nhà báo Mikael Blomkvist và Lisbeth Salander. Tuy nhiên, giữa một thời đại ngập tràn phim ảnh về các siêu điệp viên chuyên ngăn chặn các tổ chức xấu xa đánh cắp, sử dụng các đầu đạn hạt nhân từ chính phủ, Cô Gái Trong Lưới Nhện Ảo cũng không ngoại lệ.
Đây là một bước đi hoàn toàn sai lầm vì đã có quá nhiều bộ phim có nội dung như thế rồi, liệu cuộc phiêu lưu của Lisbeth có gì đặc sắc hơn ngoài chuyện tìm hiểu nguyên nhân, xâm nhập tổ chức xấu xa, hành động và mắc bẫy nhưng cuối cùng lại thành công? Điều khán giả cần lúc này là một cuộc điều tra thật sự nghẹt thở, khai thác triệt để những mặt xấu của xã hội chứ không phải một bộ phim chỉ tràn ngập những cảnh hành động. Cô Gái Trong Lưới Nhện Ảo cố gắng thêm thắt yếu tố gia đình để bộ phim có chút cảm động, sâu sắc như Tử Địa Skyfall nhưng rất tiếc, chi tiết đó chẳng những thừa thãi mà còn khiến tuyến truyện về nhân vật Lisbeth trở nên rối ren và thiếu thuyết phục.
Thậm chí những pha đánh tay đôi, bắn tỉa và đua xe... vốn là đặc trưng của dòng phim hành động điệp viên lại không được thực hiện một cách chỉn chu. Không chỉ lỗi thời, nhiều phân cảnh hành động có góc quay khá rối mắt khiến khán giả cảm thấy bực bội nhiều hơn là nghẹt thở. Trong Cô Gái Có Hình Xăm Rồng, những cảnh hành động tuy ít và không màu mè nhưng lại là yếu tố bổ sung cần thiết, giúp bộ phim trở nên gây cấn hơn. Những cảnh hành động trong Cô Gái Trong Lưới Nhện Ảo thật sự... ảo và vô lý đến mức không thể chấp nhận được. Tất cả như đang làm nền cho một siêu anh hùng Lisbeth. Chính vì thế, diễn biến tuy ban đầu khá kịch tính nhưng càng lúc càng nhạt dần, trái ngược với Cô Gái Có Hình Xăm Rồng có mạch phim chậm mà lại rất cuốn hút.
Chính vì quá tập trung vào hành động, giành lại chương trình điều khiển hạt nhân mà phim thiếu những tình tiết được khai thác chân thật đến mức ám ảnh. Đâu rồi những cảnh Lisbeth bị lạm dụng tình dục vì tiền, những tấm hình các cô gái bị sát hại đến mức dã man thách thức sức chịu đựng của người xem? Cô Gái Trong Lưới Nhện Ảo chỉ đơn thuần hé lộ quá khứ bị chính cha ruột bạo hành, tra tấn qua lời kể của cô em gái Camilla và không có một chút gì khiến khán giả cảm thấy ớn lạnh.
Điểm sáng le lói trong bộ phim này là diễn xuất của Claire Foy. Là một diễn viên đang được đánh giá cao, nhận được các giải thưởng uy tín, Foy đã làm tròn nhiệm vụ hoá thân thành Lisbeth Salander nhưng vẫn chưa đủ để khen ngợi nếu so với những bộ phim mà cô đã tham gia gần đây. Chưa kể, nhân vật Lisbeth trong bộ phim lần này không chỉ mất đi chất điên loạn ở tạo hình mà còn trở nên uỷ mị, yếu đuối một cách lộ liễu. Nếu phiên bản do Rooney Mara thể hiện cho khán giả thấy được hai khía cạnh thiên tài và lập dị nơi Lisbeth thì Cô Gái Trong Lưới Nhện Ảo lại xây dựng nhân vật này theo hình tượng siêu điệp viên. Trong bộ phim trước, chúng ta thấy Lisbeth xem xét mọi khía cạnh, nghiêng cứu chăm chỉ thì phần này, cô chỉ cần quẹt màn hình vài cái, gõ laptop lạch cạch là giải quyết được vấn đề. Chẳng những thế, Lisbeth còn liều mạng đột nhập, ngang nhiên đi đến những địa điểm công cộng, làm những việc gây chú ý mà chẳng cần cải trang, có lẽ biên kịch bị lậm phong cách James Bond chăng?
Nhắc tới người hùng thì không thể thiếu bóng dáng của phản diện. Lần này, Lisbeth buộc phải đối đầu với tổ chức The Spider của cô em gái đã xa cách bấy lâu nay. Tuy nhiên, nhân vật Camilla Salander (Sylvia Hoeks) chẳng có vẻ gì đáng sợ ngoài việc mặc bộ đồ đỏ chót, chỉ tay năm ngón cho thuộc hạ. Hơn hết, động cơ mà Camilla nhắm vào Lisbeth là hết sức nhảm nhí và trẻ con không thể tả, thua xa Martin Vanger tâm thần, đầy ma mãnh do Stellan Skarsgård thủ vai.
Nhân vật chính và phản diện gây thất vọng thì dàn nhân vật phụ còn nhạt nhoà hơn. Không hiểu nỗi ý đồ của đạo diễn khi giao vai Mikael cho diễn viên Sverrir Gudnason với vẻ ngoài trẻ măng và nhân vật này không chỉ vô tích sự mà còn làm vướng chân Lisbeth. Chính vì thế, Cô Gái Trong Lưới Nhện Ảo hoàn toàn không có màn phối hợp phá án ăn ý và chemistry giữa hai người như phần đầu tiên. Mikael của Daniel Craig có chút khốn nạn nhưng mọi hành động anh làm cũng đều có sự cẩn thận, toan tính chứ không hề bộp chộp. Một nhân vật gây bối rối không kém là anh chàng hacker Plague – trợ lý của Lisbeth có ngoại hình tương đồng với kẻ đã cưỡng hiếp cô trong phần đầu tiên và nhân vật này cũng chẳng cần thiết cho lắm khi những việc anh làm, Lisbeth đều có thể thực hiện được. Hay là vì phim ráng khai thác theo hướng của 007, Nhiệm Vụ Bất Khả Thi... nên đành phải nhét kiểu nhân vật thế này vào? Đừng quên dàn nhân vật phụ của Cô Gái Có Hình Xăm Rồng đều có vai trò nhất định cùng diễn xuất dễ đánh lừa người xem, giúp bộ phim trở nên trọn vẹn.
Và cuối cùng, plot twist của phim gây thất vọng không kém những yếu tố trên là bao. Cô Gái Có Hình Xăm Rồng có 2 nhân vật Martin và Harriet khiến khán giả bất ngờ và cả 2 đều được xây dựng vô cùng chặt chẽ, hợp lý còn nhân vật hai mang trong Cô Gái Trong Lưới Nhện Ảo chẳng khác nào được nhồi nhét vào cho có, dẫn đến việc gượng gạo và nhạt nhoà không thể tả.
Dẫu biết Cô Gái Trong Lưới Nhện Ảo cần điều gì đó đột phá để các nhà sản xuất kiếm lời nhưng việc đưa bộ phim rẽ theo một hướng mà vốn dĩ không thích hợp ngay từ đầu thì có cố gắng cũng vô ích. Mỗi thương hiệu đều có mỗi đặc trưng riêng, chẳng hạn như thám tử Sherlock Holmes, Hercule Poirot hay các anh điệp viên James Bond, Ethan Hunt đều có hành trình và sứ mệnh của riêng họ. Lisbeth cũng thế và cô sinh ra để giúp những người phụ nữ bị ngược đãi, cô âm thầm đem lại công lý cho họ nên việc xử lý nhiệm vụ liên quan đến vũ khí hạt nhân không phải là chuyện mà cô cần nhúng tay.