Mới đây, sự ra mắt của bộ phim Sully đánh dấu sự trở lại của vị đạo diễn từng 4 lần đoạt giải Oscar – Clint Eastwood cùng 1 diễn viên được giới phê bình mến mộ là Tom Hanks. Dù không được quảng bá rầm rộ, Sully trong những suất chiếu sớm vẫn giành được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình (Rotten Tomatoes 81%, Metascritics 74). Theo đánh giá của cá nhân mình, Sully là một bộ phim hay nhưng chưa đủ xuất sắc.
Đầu tiên xét về cốt truyện, Sully được chuyển thể theo cuốn hồi ký “Highest Duty” của cơ trưởng Sullenberger, bởi vậy nội dung phim tập trung chủ yếu vào Sully và những chấn động tâm lý, rắc rối, bế tắc mà Sully gặp phải sau vụ máy bay. Một sự mạo hiểm mà bộ phim Sully đã tự đặt mình vào, đó chính là việc công bố sự thành công của cơ trưởng Sully trong việc hạ cánh máy bay xuống dòng sông và toàn bộ 155 hành khách được cứu sống. Trước đây, Hollywood từng có một dòng phim thành công và nở rộ, đó là những bộ phim về các vụ tai nạn, sự cố như lũ lụt, tai nạn tàu hỏa, cháy nhà, động đất…và sự kịch tính của thể loại này nằm ở việc những người gặp tai nạn phải đương đầu ra sao, họ có thể thoát khỏi đó an toàn hay không. Nhưng Sully không làm theo cách như vậy, việc công bố kết quả của tai nạn máy bay từ trước khi phim ra mắt có thể khiến những người nôn nóng, yêu thích hành động, giật gân thất vọng, nhưng nếu như chịu khó theo dõi tới cuối bộ phim, sẽ còn đó đoạn cao trào đầy kịch tính, hồi hộp mà người xem phải nín thở theo dõi, bởi dù máy bay Airbus A320 đã hạ cánh an toàn nhưng vẫn còn đó một chuyến bay khác, liên quan đến cuộc đời của người anh hùng Sully.
Đến với Sully, người xem có thể phần nào hiểu hơn về công việc và cuộc sống của một người phi công, về những áp lực và trách nhiệm họ phải gánh vác mỗi ngày. Đặc biệt, bộ phim mở ra một cánh cổng hoàn toàn mới sau khi chuyến bay đã hạ cánh an toàn, ngỡ tưởng mọi chuyện đã kết thúc và Sully được gọi là anh hùng, thì những chấn thương tâm lý, rắc rối, phiền toái…đến với Sully khiến vị cơ trưởng gắn bó 42 năm với bầu trời phải thốt lên rằng, “Hơn 40 năm trên không, cuối cùng tôi lại bị phán xử bởi 208 giây”
Bộ phim cũng cho chúng ta thấy một cuộc đấu tranh dữ dội giữa cảm tính và lý tính, giữa kinh nghiệm và lý thuyết, giữa yếu tố con người và máy móc thống kê. Vậy đứng trước một tình huống đặc biệt nguy hiểm với 155 mạng sống phụ thuộc vào quyết định của mình, bạn sẽ chọn hành động theo kinh nghiệm hay lý thuyết? Cơ trường Sully đã đưa ra quyết định, và ông chỉ có 208 giây để vừa suy nghĩ, quyết định, vừa hành động mà thôi.
Xét về mặt kỹ thuật, đạo diễn Clint Eastwood đã làm rất tốt công việc của mình ở phần hình ảnh và âm thanh. Bộ phim có tông màu chủ đạo là màu xám trắng – màu của máy bay, của bầu trời, của dòng sông và của những tòa nhà ở New York. Cùng với đó, toàn bộ sự cố máy bay được thể hiện chân thực và công phu, với những thước phim vừa đẹp, vừa hoành tráng, vừa khiến khán giả run run vì lo lắng, vừa khiến khán giả cảm thấy cảm thương, như cảnh máy bay Airbus A320 lao xuống giữa những tòa nhà chọc trời ở New York, cảnh máy bay lao xuống dòng sông, cảnh đoàn hành khách tràn ra đứng kín trên thân máy bay chìm dần giữa dòng sông…Cùng với những âm thanh chân thực, sống động, tất cả cho thấy cái tài của vị đạo diễn 86 tuổi này.
Tom Hanks cũng có một vai diễn khá thành công, tiếp nối sự thành công của Bridge Of Spies và Captain Phillips, đặc biệt là vai diễn thuyền trưởng Phillips khi mà một phim là thuyền trưởng của con tàu còn bên kia là cơ trưởng của một chiếc máy bay Airbus.
Tuy nhiên ta cũng phải nói đến lý do Sully không được đánh giá xuất sắc, có lẽ bởi nhịp phim chậm, mang tính tự truyện và kết quả vụ tai nạn máy bay đã biết trước, khiến phim phần nào đó trở nên khó xem hơn. Bởi vậy dù nhận được khá nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình và là một trong những phim mà Warner Bros. đặt kỳ vọng trong kỳ Oscar tới, Sully vẫn có phần nào đó hơi non và nếu đặt lên bàn cân với các đối thủ cạnh tranh Oscar, Sully sẽ khó có thể giành chiến thắng. Dù sao đi nữa, Sully cũng là một bộ phim hay và là bộ phim đáng xem đối với những người đam mê điện ảnh.