Khi John Wick xuất hiện năm 2014, người ta phát cuồng vì nhân vật này. Nhưng những người hâm mộ Keanu Reeves thì ngoài sự tán thưởng bộ phim ra, còn có một thứ cảm xúc đặc biệt như thể vừa được uống một ly rượu và nghe Keanu tâm sự về cuộc đời của mình vậy. Tại sao ư? Hãy cùng Moveek lội ngược dòng thời gian để tìm hiểu về chàng diễn viên 53 tuổi này nhé.
Phần lớn người hâm mộ Việt Nam biết đến Reeves qua bộ phim “Speed” năm 1994 đóng cùng Sandra Bullock, và gọi tên anh là Neo vì bộ ba phim “Ma Trận”. Nhưng tài tử sinh năm 1964 này đã nổi tiếng từ trước đó rất lâu. Được tham gia giới phim ảnh từ trẻ, bộ phim kinh phí lớn đầu tiên Keanu Reeves tham gia là “Point break” năm 1992. Bộ phim này đã đem về cho anh giải “Nam tài tử được khao khát nhất năm” của kênh MTV. (Nếu bạn nào thích bộ phim “Hot fuzz” năm 2007 của Simon Pegg, thì nhân vật Danny béo ú là một fan của Keanu Reeeves và phim “Point Break” này).
Sau đó khi thế giới bước qua thế kỉ mới, Keanu xuất hiện trong hàng loạt vai anh hùng cứu thế. Đó là Neo trong “Matrix” trilogy, là Constantine trong bộ phim chuyển thể cùng tên năm 2005, hay anh chàng ngoài hành tinh trong “The day the Earth stood still” (2008).
Nhưng Hollywood có rất nhiều anh hùng cứu thế trong giai đoạn đó, chẳng hạn như Will Smith chiến đấu với alien cứu thế giới trong “Men in black”, Ben Affleck phá hủy thiên thạch giải cứu loài người trong “Amaggeddon” năm 2000 v.v. Điều gì giữ cho Keanu Reeves luôn nổi bật giữa một “rừng” anh hùng các thể loại?
Đó chính là hành trình cứu thế của những nhân vật do Keanu đóng luôn song song với hành trình đào sâu vào bản ngã con người, hiểu thấu về bản ngã để rồi đưa ra quyết định đúng đắn.
Bạn hẳn còn nhớ chàng Neo của Keanu trong loạt 3 phim chứ? Từ phần 1 đến phần 3, ngoài những màn đánh võ, bắn súng, là những câu đố hóc búa mà đủ loại đối thủ tặng cho chàng ta.
Agent Smith (Hugo Weaving) thì nhẹ nhàng châm biếm:
“Anh chỉ là một con người” để rồi kết luận “Loài người định nghĩa thực tại qua nỗi đau và khổ ải của chúng”.
Hay kiến trúc sư tạo ra ma trận thì định nghĩa anh với một câu nói bao quát tri thức của triết học, lập trình học :
“Cuộc đời của anh chỉ là tổng thể của những gì còn sót lại của một phương trình bất đối xứng vốn có trong sự lập trình của ma trận. Anh là một diễn biến tuần tự của một dị biến, mà mặc cho nỗ lực của tôi, đã không bị triệt tiêu khỏi trật tự chính xác của toán học. Cơ mà dù cho sự tồn tại của anh là một lỗi không tránh được, nó vẫn không vượt quá khỏi các biện pháp khống chế”.
Chàng Neo của chúng ta sau khi phá vỡ sự ràng buộc với Ma Trận, đã dấn thân vào cuộc chiến giành tự do cho loài người. Nhưng những đối thủ “khó nhằn” nhất của chàng, không ngờ lại là những mệnh đề đầy mâu thuẫn về sự tự do và ràng buộc giữa con người và định mệnh.
Và diễn đạt được điều đó, chỉ có Keanu Reeves. Đôi mắt luôn sáng nhưng luôn đau đáu nhìn về phía trước, khuôn mặt kiên nghị nhưng luôn phảng phất nét u sầu của anh thể hiện một tâm hồn không ngừng tự vấn về bản chất của mọi thứ trên đời.
Và Keanu mang luôn nét buồn đầy triết lý đó vào những bộ phim sau của anh, tạo nên một không khí trầm mặc rất đặc trưng chỉ có trong phim của anh.
Ngay cả trong phim tình cảm, Keanu cũng diễn những vai mang nét u uất phảng phất. Khi thì là Nelson bị Sarah bỏ bơ vơ giữa công viên (Sweet November), khi thì là chàng cựu binh Paul giả làm chồng Victoria và rồi yêu nàng mà không dám nói (A Walk in Cloud). Nhân vật của Keanu không hề yếu đuối, nhưng nỗi u sầu phảng phất và sự tham ngộ đối với thế giới luôn tạo ra một nét xa cách, cô độc cho các nhân vật đó và khắc sâu vào tâm trí người xem.
Rõ ràng là Keanu Reeves có tài diễn xuất nên đã diễn đạt rất có thần những vai diễn như thế. Nhưng có một câu chuyện đã làm nên chất liệu cho phong cách diễn xuất của anh. Câu chuyện ấy, buồn thay, lại mang tên cuộc đời anh.
Năm 3 tuổi, cha ruột của Reeves bị bắt vì buôn bán heroin. Mẹ anh mang anh phiêu bạt đến Úc, rồi đến Mỹ. Trong suốt thời thơ ấu của mình Reeves chứng kiến mẹ tái hốn rồi li hôn nhiều lần.
Cuộc sống bất ổn từ bé khiến Keanu trở thành một đứa bé cá biệt trong trường, đến nỗi anh có khuynh hướng chống đối và bị đuổi học. May thay, một phần của cuộc đời này là những người ở bên cạnh anh. Chẳng hạn như bà nội anh gốc người Trung Quốc, nên Keanu dù không được cha mẹ quan tâm đầy đủ, vẫn có một không gian trưởng thành đầy màu sắc văn hóa phương Đông chứ không bị rủ rê vào những thói hư tật xấu. Cũng vì vậy mà dù không được cấp bằng tốt nghiệp, anh vẫn ham đọc sách và tự học.
Có lẽ điều giá trị nhất trong những cuộc tình của mẹ anh, là người chồng Paul Aaron làm nghề đạo diễn Broadway và Hollywood. Từ năm 15 tuổi, Keanu đã làm việc trong hãng của Paul như một trợ lý sản xuất. Điều này đã tạo nền tảng cho anh đi lên trong ngành điện ảnh. Và cùng với sự nghiệp diễn xuất của mình, Keanu đã cố gắng xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho riêng mình.
Nhưng tạo hóa nghiệt ngã cứ dần dần tước đi khỏi Keanu những người mà anh yêu quí: năm 1993, người bạn thân của anh là River Phoenix chết vì dùng ma túy quá liều. Năm 1999, con gái của Keanu và Jennifer sinh non và chết yểu, dẫn đến việc họ chia tay. Và nửa năm sau, Jennifer qua đời trong một tai nạn xe hơi. Cái chết của nàng như một nhát dao cắt đứt mọi mối liên kết đến hai chữ “Hạnh phúc” của Keanu.
Nhưng cũng như Neo tiếp tục hành trình cứu thế mà không có Trinity, Keanu vẫn sống, và sống thật tốt dù bản thân không còn cần hạnh phúc.
Giới hâm mộ phim nhắc nhiều đến Keanu và cả sự tử tế của anh ta. Anh giảm bớt 80 triệu USD trong cát sê của mình để các nhân viên hậu trường, make up được trả thêm tiền. Anh tình nguyện nhận ít tiền lại để đoàn phim “The Devil’s Advocates” có đủ chi phí mời siêu sao Al Pacino (người lừng danh với vai Micheal trong “Bố già”) tham gia phim.
Chính vì thế, mà khi xem “John Wick”, ngoài chất lạnh lùng của cốt truyện về một thế giới sát thủ, thì sự tương tác giữa cuộc đời Keanu Reeves và John Wick trở thành một nét hấp dẫn khác. Cả John lẫn Keanu đều là những người tài giỏi, sống tiếp cuộc đời khi mất đi những gì yêu quý nhất. Phim không khai thác hình ảnh của John Wick trong quá khứ, mà chỉ khai thác về hiện tại. Nhưng có lẽ John Wick ở hiện tại (trong 2 phần phim) mới là “Ông Kẹ” (Boogeyman) đích thực: một kẻ không còn hạnh phúc, không còn hi vọng. Thứ hắn còn giữ trong tay chỉ là những khẩu súng, những con dao và một luồng sát khí không thể dừng lại.
“John Wick: Chapter Two” đã ra rạp và tôi đã coi suất đầu tiên. Người ta thích thú vì John bắn giết rất hay, đánh võ rất ngầu. Còn tôi, tôi xem film và tự hỏi rằng liệu có còn một niềm hạnh phúc muộn màng nào đó cho người đàn ông tài ba này? John Wick chỉ “sống động” nhất khi tỏ ra hận thù và đe dọa. Những cảnh quay mà John vuốt ve chú chó mình nuôi, hay xem lại những di vật của vợ dần dần chìm vào trong sự im lặng.
Tôi đã xem “John Wick” phần một và đã thích thú. Xem phần 2 thì buồn. Và nếu có phần 3, tôi hi vọng nó là một bước chuyển cho chàng Neo tốt bụng và đáng thương mà mình hâm mộ.