CUỘC ĐỜI CỦA YẾN kể lại một câu chuyện hết sức cá nhân, không có bóng dáng chiến tranh, trong một giai đoạn lịch sử đã được mô tả đến cũ mòn, riêng điều đó nó đã xứng đáng là một bộ phim đáng chú ý.
Có thể nói rằng, với bộ phim này đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã thể hiện một sự trưởng thành so với bộ phim đầu tay 3 năm trước. Anh tỏ ra khúc chiết và đầy tính toán trong dàn cảnh, nếu như tinh hơn một chút nữa thì đã có thể nói rằng công tác đạo diễn đã cứng cựạ. Đoạn kết xử lý như một Reprise thực sự là một cảnh kết hoàn hảo, cảm xúc lắng đọng. Phim cũng rất tốt về Art Direction, phục dựng được không khí của miền Bắc thế kỷ trước một cách thông minh, giản dị nhưng đủ và đẹp.
Điểm đáng chê, tiếc thay lại là một điều hết sức cốt tuỷ, phim đã chọn sai nhân vật chính để kể. Điểm này phim đã phạm đúng cái sai lầm mà một phim Việt Nam khác gặp phải trong năm 2015, QUYÊN. Nếu như QUYÊN nhẽ ra phải mang tên HÙNG thì CUỘC ĐỜI CỦA YẾU nên phải là SỰ LỰA CHỌN CỦA HẠNH (hay đại loại thế...). Là một kịch bản xây dựng trên chuyện đời có thật, nó không thiếu các yếu tố cảm động và nhân hậu. Nhưng như thế chưa đủ để trở thành một bộ phim hay. Một phim hay cần một nhân vật chính đa chiều, như vậy mới khiến bộ phim là character driven chứ không phải plot driven, mà rất tiếc đó lại không phải là Yến.
Đôi khi xem phim, chúng ta thường thấy có trường hợp mà nhân vật chính bị hoàn toàn lấn át bởi một nhân vật phụ. Điều đó xảy ra khi nhân vật chính bị Nhạt. Nhạt ở đây là sự tròn chặn, ít biến thiên. Một nguyên tắc vàng của điện ảnh là nhân vật khởi đầu càng khiếm khuyết và mâu thuẫn, thì càng xứng đáng làm nhân vật chính, bởi vì quá trình anh ta đau đớn phá kén để trở nên một người tốt hơn mới là cái đáng xem, đáng cảm, và đem lại nhiều ý nghĩa cho khán giả. Nhân vật Hạnh, chồng của Yến, là một nhân vật như thế khi mà anh ta mang trong mình những dằn vặt tâm lý, mâu thuẫn nội tâm rất con người. Thế nhưng khi bộ phim chọn "thân phận người phụ nữ" của Yến làm nội dung chính đã khiến cho Hạnh trở thành một chân dung nhạt nhoà, yếu ớt. Nhất là những sự "ác nhân hoá" Hạnh (và cả cô Lanh vợ bé) đã khiến cho tính chất người của nhân vật bị bóp méo qua lăng kính đạo đức máy móc, trờ thành một hạt sạn tuy không to nhưng gây khó chịu. Chọn Yến làm nhân vật chính đã khiến cho luân lý nặng hơn con người, mà điện ảnh phải là nghệ thuật nói về con người, vô hình chung phủ lên bộ phim một cảm giác cũ kỹ khuôn sáo.
Thực sự đáng tiếc, CUỘC ĐỜI CỦA YẾN mới chỉ tốt trên phương diện kỹ thuật, mà bỏ qua cơ hội trở thành một tác phẩm điện ảnh có tầm vóc nhất định. Mong rằng đây là sai lầm mà không còn nhà làm phim, nhà biên kịch nào ở nước ta phạm phải nữa.
Xem lịch chiếu Cuộc Đời Của Yến.