Với lời ca đầy da diết cùng những hoài niệm về quê hương, NSƯT Hoài Linh đã thể hiện thành công hình ảnh một ông cụ cô đơn, lạc lõng ngay trong chính gia đình trên đất khách.
Bài viết có tiết lộ ít nội dung phim, bạn đọc hãy cân nhắc.
Có lẽ với một khán giả trẻ, bộ phim còn thiếu chút gì đó cao trào để lấy đi nước mắt của họ, nhưng với những khán giả trung niên, đặc biệt là những kiều bào, hẳn không ít người phải xúc động trước Dạ Cổ Hoài Lang phiên bản điện ảnh này, vì nó đã đánh vào tâm lý của những người đi xa. Được chuyển thể từ vở kịch cùng tên, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã khắc hoạ câu chuyện của một người đàn ông trung niên qua Mỹ để đoàn tụ con cháu nhưng lại bị chính những thành viên trong gia đình đưa vào viện dưỡng lão. Không chỉ là khoảng cách giữa hai thế hệ, ông Tư Lành (do NSƯT Hoài Linh thủ vai) cũng chịu sự xa lánh của cô cháu Tammy vì khác biệt văn hoá. Bên cạnh đó, bộ phim còn lồng ghép thông điệp lạm dụng tình dục đầy tế nhị.
Có lẽ, khoảng cách tuổi tác vẫn không đáng kể so với khác biệt văn hoá. Trong tiềm thức của người Việt Nam ngày trước, việc con cháu được cha mẹ, ông bà đắp chăn khi ngủ, đánh đòn, đọc trộm nhật ký để hiểu hơn về con mình là những hành động đầy yêu thương, thể hiện sự lo lắng của đấng sinh thành. Tuy nhiên, những điều đó làm cô cháu Tammy của ông sợ hãi, vì cô bé cho rằng ông nội cô đã xâm phạm quyền riêng tư, có ý đồ hành hung và tấn công tình dục cô. Trong những tình huống này, cô không sai, ông nội cũng không sai, chỉ là họ không chia sẻ cùng một nền văn hoá. Nhưng sự khác biệt ấy đã để cho những rào cản vô hình dần ngăn cản những người thân trong gia đình nơi đất khách, một nơi mà cần lắm tình yêu thương và sự sẻ chia.
Đối lập với sự cô đơn ở xứ người là hình ảnh làng quê Việt Nam thân thiện với cánh đồng bát ngát cùng những cánh cò bay lả. Khoảnh khắc những cậu bé chơi đùa cùng nhau khiến khán giả bồi hồi nhớ lại một thời ấu thơ với những trò chơi dân gian trên những cây cầu khỉ bắt ngang qua bờ sông. Những diễn biến thời niên thiếu của bộ ba Tư Lành – Út Trong – Năm Triều ôi sao mà dễ thương quá, dù có những lúc họ ganh nhau, chơi “xấu” nhau, rung động tình cảm với nhau. Có lẽ vì thế, sang đất Mỹ, bà Út Trong không còn nữa nhưng Tư Lành và Năm Triều vẫn gắn kết với nhau, họ không chỉ là những người bạn, mà còn là người anh em, ông Năm như một chỗ dựa cho ông Tư, một chút quê hương mà ông Tư có ở nơi xa lạ.
Dù phút cuối cô cháu đã thấu hiểu được tình cảm của ông nội, nhưng có vẻ ông Tư Lành trút hơi thở trên vai người bạn chí cốt Năm Triều với bài ca Dạ cổ hoài lang còn dang dở trên môi lại thanh thản hơn. Ông ra đi nhưng lại thức tỉnh con cháu về quê hương, về cội nguồn, có vẻ như điều đó đã quá đủ với một người yêu nước như ông.
Như đã đề cập ở trên, Dạ Cổ Hoài Lang vẫn còn thiếu gì đó cao trào, nó chạm đến trái tim khán giả, nhưng chưa đủ sức bóp nghẹt mà điều đó nằm ở cách giải quyết vấn đề. Chi tiết ông bố tự cầm quyển nhật ký vừa đọc vừa hồi tưởng cho cô con gái về những uẩn khúc trong quá khứ khá là gượng gạo. Hơn nữa, không biết có phải vì đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm phim dưới góc nhìn mới nên màu phim dưới quê quá tươi sáng, đẹp thì có đẹp nhưng lại quá hiện đại, thiếu đi sự chân chất.
Xuyên suốt bộ phim là những giai điệu, lời ca của bài hát Dạ cổ hoài lang: “Từ là từ phu tướng...Bảo kiếm sắc phong lên đàng...Em luống trông tin chàng...Ôi gan vàng quặn đau í a...Đêm luống trông tin bạn...Ngày mỏi mòn như đá vọng phu...” được lồng ghép một cách hợp lý khiến bộ phim trở nên da diết hơn. Có những phút cao trào, nhờ âm nhạc mà diễn biến được đẩy cao hơn, thổn thức hơn.
Tựu chung, nền điện ảnh Việt Nam rất cần những bộ phim đậm chất nhân văn như thế này hơn là hài nhảm, thiếu nội dung. Là một cuốn phim buồn, nhưng không có nghĩa là bộ phim thiếu đi chất hài, cái hài mà hai nghệ sĩ Hoài Linh và Chí Tài thể hiện trong bộ phim rất duyên, nhẹ nhàng mà dễ gần. Có thể khán giả trẻ chưa cảm được Dạ Cổ Hoài Lang, nhưng với những khán giả trung niên xa xứ, nó như một tiếng vọng từ sâu lắng tâm hồn.