Đất phương Nam là một bộ phim truyền hình Việt Nam được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, do Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) sản xuất vào năm 1997. Đây là một trong số ít những bộ phim truyền hình chuyển thể thành công từ một tác phẩm văn học.
Đã 25 năm kể từ khi Đất Phương Nam lên sóng màn ảnh nhỏ và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả, thông tin bộ phim Đất Phương Nam sẽ có bản điện ảnh với tên phim là Đất Rừng Phương Nam do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cầm cán đang gây được sức hút cũng như sự chú ý vô cùng lớn từ phía người hâm mộ phim Việt nói chung và những người yêu Đất Phương Nam một thời nói riêng. Đây là một tính hiệu rất đáng mừng cho những nhà làm phim khi phim chưa lên sóng đã nhận được sự đón nhận và chờ đợi lớn đến vậy, song vẫn có những nỗi lo riêng và sự dè dặt nhất định cho một sự tái xuất, đưa bộ phim từ màn ảnh nhỏ sang màn ảnh lớn này.
1. Kịch bản – gót chân Asin của điện ảnh Việt
Đầu tiên về phần nội dung kịch bản phim, là một tác phẩm chuyển thể đi ra từ nguyên tác của quyển tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, việc đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sẽ xây dựng hình tượng nhân vật cũng như những tình tiết trong phim Đất Rừng Phương Nam sát với nguyên bản là điều dễ được dự đoán từ trước. Tuy nhiên việc từ một cuốn tiểu thuyết dài chuyển thể thành phim điện ảnh luôn là một thách thức lớn đối với các nhà biên kịch, nhà làm phim khi thời lượng lên sóng của một phim điện ảnh luôn ở mức giới hạn. Chưa kể trước đấy, thành công của bản truyền hình đã gây được những ấn tượng vô cùng mãnh liệt và sâu sắc trong lòng khán giả khi toàn bộ mạch phim diễn ra quá trơn tru, đầy đủ, phản ánh chân thực từng chi tiết nhỏ nhất về cuộc sống kham khổ, bị áp bức, bốc lột của người dân Nam Bộ trong thời kỳ thực dân Pháp và bọn cường hào, địa chủ cai trị.
Việc được dựng thành phiên bản điện ảnh liệu có đủ thời gian để khán giả cảm nhận được hết những sự chân thực mà bản truyền hình đã truyền tải được trước đó? Điều này đòi hỏi rất nhiều ở tư duy và sự chọn lọc chi tiết, tình tiết từ nguyên tác vô cùng kỹ từ phía biên kịch phim để có thể đưa lên màn ảnh những sự kiện, sự việc hay nhất, đắc giá nhất, thỏa được nỗi lòng người hâm mộ.
Bên cạnh đó, với phiên bản điện ảnh lần này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ hy vọng có thể đưa cả hai yếu tố mà theo anh là từng khá thiếu ở bản truyền hình trước đó. Vào năm 1997, do còn nhiều hạn chế về kinh tế cũng như điều kiện làm phim còn chưa quá phát triển, “rừng” và “đất” trong tác phẩm đã không thể cân bằng được cùng nhau, bộ phim đã bỏ bớt đi yếu tố “rừng” trong tác phẩm nguyên gốc, chỉ khai thác được yếu tố “đất”. Trong phiên bản điện ảnh với tinh thần kế thừa và phát huy nguyên tác văn học cũng như bản truyền hình trước đó để tạo nên một bản điện ảnh hay nhất, mang màu sắc hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc và chân thực các giá trị cũ, đạo diễn tin rằng có thể làm trọn vẹn hơn, cân bằng và đầy đủ hơn những yếu tố then chốt đó.
2. Tinh hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn
Tiếp theo, với tình hình dịch bệnh Covid luôn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tiến hành bấm máy và chuẩn bị về khâu dàn dựng cùng việc di chuyển của cả đoàn phim là vô cùng căng thẳng. Thế nên việc tiếp cận được các bối cảnh thực tế sẽ gặp ít nhiều những khó khăn đáng để lo lắng. Được biết dự án này đã được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ấp ủ từ 5 năm trước, song vì tình hình kinh tế và nhiều thứ chưa thực sự phù hợp nên phim đến bây giờ mới chính thức rục rịch khởi quay.
Về vấn đề dịch bệnh như thế này, chúng ta chỉ có thể cầu mong cho dịch mau chóng được kiểm soát thật tốt để việc tiếp cận địa bàn của đoàn phim được diễn ra suôn sẻ, dễ dàng hơn, Đất Rừng Phương Nam bản điện ảnh sẽ có những phân cảnh mộc mạc, chân thực nhất của một vùng đất Nam bộ vốn thanh bình, giản dị, yên ả song vô cùng kiên cường, anh dũng và hào hùng, chứng nhân cho một thời đất nước loạn lạc.
3. Cái bóng quá lớn của bản truyền hình
Cuối cùng và cũng có thể là thử thách lớn nhất của Đất Rừng Phương Nam bản điện ảnh là làm sao để tìm được một dàn diễn viên chất lượng và phụ hợp nhất là khi cái bóng của hai đàn anh Hùng Thuận (vai An) và Phùng Ngọc (vai Cò) ở bản truyền hình là quá xuất sắc. Liệu với diễn xuất của các diễn viên trẻ thời nay có thể truyền tải hết được những xúc cảm cần có của các nhân vật trong Đất Rừng Phương Nam hay không? Họ có thể vượt qua được cái bóng quá lớn của những tiền bối hay không? Đây thật sự là lo lắng có căn cứ được nhiều khán giả đưa ra. Hiểu rõ được thách thức lớn cần phải đối mặt này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng đoàn phim đã và đang có những sự chọn lọc diễn viên vô cùng kỹ lưỡng để làm sao tìm thấy được những gương mặt tiềm năng nhất, phù hợp và triển vọng nhất với từng vai diễn.
Hiện tại, việc casting tuyển diễn viên được êkip sản xuất phim điện ảnh Đất rừng phương Nam thực hiện theo cả 3 hình thức: trực tuyến, trực tiếp và tập huấn. Khác với các hình thức tuyển chọn vai thông thường, ở dự án này sẽ có thêm vòng tập huấn. Sau 2 vòng tuyển chọn trực tuyến và trực tiếp, Ban tổ chức sẽ chọn ra 3 ứng viên ở mỗi vai vào vòng tập huấn. Ở vòng này, các ứng viên sẽ được học kỹ năng diễn xuất cũng như huấn luyện thể lực để đảm bảo cho vai diễn của mình. Sau vòng tập huấn, êkip sẽ chọn ra ứng viên phù hợp nhất cho từng vai diễn. Đây cũng là lần đầu tiên một phim điện ảnh tổ chức tuyển chọn vai bằng hình thức tập huấn cho các ứng viên của phim. (Nguồn thông tin được tham khảo từ trang báo điện tử An ninh Thủ đô).
Với những thành công vang dội từ nguyên tác Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi cũng như bản truyền hình Đất phương Nam kết hợp với tài năng không còn gì phải bàn của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người hâm mộ phim Việt có thể tin tưởng vào một tác phẩm chuyển thể Đất Rừng Phương Nam thật thành công và gây được dấu ấn lớn không chỉ trong và ngoài nước. Phim dự tính sẽ được khởi chiếu trong năm 2022, hãy cùng Moveek đón chờ màn chào sân của dự án được mong chờ nhiều nhất 2022 này nhé!