Đấu Trường Ảo (Ready Player One) không chỉ đơn thuần là một bộ phim xuất sắc với kỹ xảo cực kỳ hoành tráng mà ở một góc nhìn khác, bộ phim còn thành công hơn cả khi đưa yếu tố văn hoá đại chúng của nhiều quốc gia từ thập niên 80 vào. Đấu Trường Ảo tạo nên một hành trình với đầy đủ tông màu, cảm xúc cho khán giả.
Đấu Trường Ảo lấy bối cảnh thành phố Columbus – Ohio năm 2045, khi mà thế giới lâm vào tình trạng quá tải dân số, sự phân biệt giàu nghèo diễn ra ngày càng sâu sắc. Để trốn tránh hiện thực tàn khốc, mọi người bắt đầu đắm chìm vào trong một thế giới ảo OASIS được James Halliday (Mark Rylance) tạo ra, trong đây người chơi hiện thân dưới một nhân vật ảo. Vào một ngày, Halliday qua đời và ông đã để lại một thử thách trong OASIS.
Người nào sở hữu 3 chiếc chìa khóa sớm nhất sẽ được toàn quyền quản lý OASIS và sở hữu khối tài sản khổng lồ. Trong suốt 5 năm, không một ai chiến thắng được thử thách này. Cho đến khi Wade Watts (Tye Sheridan), một thợ săn easter egg, tìm thấy chìa khoá đầu tiên. Sau đó, Wade nhận ra rằng công ty IOI với âm mưu để chiếm lấy toàn bộ OASIS, cậu cùng với đội Ngũ Đại vừa đứng lên chiến đấu vừa tiếp tục truy tìm hai chìa khoá còn lại.
Spielberg đã trau chuốt đứa con tinh thần bằng sự kết hợp linh hoạt, tài tình giữa kỹ xảo và văn hoá đại chúng. Với đội ngũ đoàn làm phim tài giỏi, một đạo điễn tài năng, linh hoạt và một nền tảng các thành tựu khoa học kỹ thuật điện ảnh vô cùng vững chắc. Vì vậy, kỹ xảo trong Đấu Trường Ảo là điều không thể bàn cãi. Ở yếu tố còn lại và cũng chính là sự bất ngờ lớn nhất mà Steven Spielberg đem lại cho khán giả: văn hoá đại chúng.
Đấu Trường Ảo được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ernest Cline. Khi Spielberg ngồi ghế đạo diễn, dù có khó khăn đến mấy ông không chỉ muốn bộ phim chỉ dừng lại như trong cuốn truyện mà ông còn muốn hơn thế, ông ấp ủ nguyện vọng biến Đấu Trường Ảo thành một màn trình diễn độc nhất mà không bộ phim nào khác có thể làm được. Và Spielberg đã phải mất tới 7 năm để đi xin bản quyền hình ảnh từ các công ty khác, để chúng ta bắt gặp những Lara Croft, King Kong, Búp bê Chucky, các nhân vật trong game Street Fighter, Halo, Gundam, các loại xe trong Back to the Future, siêu anh hùng Batman, Superman và hàng trăm thứ quen thuộc khác.
Bên cạnh văn hóa truyền thống của mỗi nước khác nhau, văn hóa đại chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ và tác động sâu rộng đến đời sống xã hội. Văn hoá đại chúng đề cập những hệ thống và những sản phẩm văn hóa mà phần đông nhân loại chia sẻ, biết đến. Steven Spielberg nắm rất rõ điều này, ông hiểu rằng con người không chỉ sống và làm việc hàng ngày như một cỗ máy mà họ còn phải trau dồi và tiếp nhận các luồng văn hoá để làm phong phú và mới mẻ hơn cho cuộc sống.
Vì vậy khi theo dõi Đấu Trường Ảo, khán giả cảm thấy sự khác biệt lớn. Họ vừa cảm nhận được sự mới mẻ của bộ phim vừa hoài niệm về những thứ đã gắn bó với tuổi thơ từ rất lâu.
Dù bạn còn trẻ hay người lớn tuổi thì sao có thể quên được những bản nhạc nổi tiếng từ thập niên 70-80 như Jump (Van Halen), One Way or Another (Blondie) từ thời kỳ nhạc pop-rock đỉnh cao hay, và cả những bộ đồ của Ông Hoàng nhạc pop Michael Jackson mà nhân vật Parzival chuẩn bị tới vũ trường để hẹn họ Artemis. Những hình tượng siêu sao thời trang, âm nhạc được văn hoá đại chúng tạo dựng lại, và có tác động lớn đến cách nghĩ, cách sống của xã hội. Steven Spielberg đánh trúng vào tâm lý của các khán giả, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, chỉ cần thấy được những chi tiết đặc trưng của thần tượng, khán giả sẽ rất hứng khởi và tiếp tục theo dõi liệu sẽ còn những chi tiết quen thuộc nào mình sẽ được thấy.
Trong tiểu thuyết gốc của Ernest Cline, có rất nhiều chi tiết liên quan tới Steven Spielberg bởi các bộ phim của ông truyền cảm hứng cho Cline. Và chiếc xe mà nhân vật Parzival đua chính là chiếc DeLorean trong phim Back to the Future do Spielberg làm nhà sản xuất. Ngoài ra trong đoạn đua xe còn có sự xuất hiện của khủng long T-Rex, làm khán giả nhớ tới bom tấn Jurassic Park do Spielberg thực hiện năm 1993. Đây không chỉ đơn thuần là những hình ảnh đặc trưng mà còn là sự tôn trọng cao quý mà Spielberg và Cline dành cho nhau.
Để tìm được chìa khoá thứ 2, nhóm Ngũ Đại phải vượt qua thử thách trong bộ phim The Shining. Steven Spielberg thực hiện việc này nhằm vinh danh một trong những bộ phim kinh dị kinh điển nhất của thập niên 80 và đây cũng là món quà tri ân mà ông gửi tặng đến người bạn là đạo diễn quá cố Stanley Kubrick. Một lần nữa vị đạo diễn khó tính này lại phải làm cho con tim bao khán giả phải cảm phục vì tình bạn quý giá giữa hai người.
Ở câu đố cuối cùng, khán giả được biết rằng chính Adventure - tựa game đầu tiên mà Easter Egg xuất hiện trên thế giới mới là điều kiện để tìm thấy chìa khoá cuối cùng. Tại sao Robinett lại quyết định đưa vào dòng chữ: “Tựa game này được thiết kế bởi Robinett” trong tác phẩm của ông? Vào những năm 1979, khi mà ngành công nghiệp game điện tử vẫn còn chưa lớn mạnh, các nhà thiết kế lúc này vẫn bị các công ty game đối xử như những công nhân tầm thường, chứ không phải là tác giả của những đứa con tinh thần của họ. Người chơi thường xuyên chỉ biết đây là game của hãng nào (ở đây là Atari), chứ không hề biết ai làm ra nó. Warren Robinett đưa ra một quyết định chưa từng có trong lịch sử.
Spielberg đưa chi tiết này vào trong Đấu Trường Ảo nhằm mục đích tôn lên giá trị và tài năng của con người, đồng thời cho khán giả thấy rằng việc tôn trọng bản quyền có ảnh hưởng quan trọng như thế nào với người tạo ra nó.
Chính nhờ những chi tiết trong tổng số giúp bộ phim trở nên quen thuộc, nhân văn hơn. Tất cả những ai hâm mộ Stephen King và cả những bộ phim của đạo diễn Kurbrick chắc chắn cảm thấy ấm lòng, họ tìm thấy một phần cuộc sống của mình trong chính bộ phim. Dù cho những ai không biết rõ nguồn ngạnh của sự việc, nhưng khi họ đã hiểu rõ nét đẹp văn hoá Spielberg mang lại, họ sẽ lan rộng ý nghĩa đằng sau đó, đến với những ai chưa xem hay chưa từng biết.
Văn hoá đại chúng có thể tạo ra những không gian, diễn đàn văn hóa để thu hút được mọi người tham gia. Mỗi một người đều có thể tự tạo nên dấu ấn, tạo thương hiệu, giá trị riêng của mình trong một cộng đồng. Khi Đấu Trường Ảo được công chiếu, những người hâm mộ từ nhiều nơi đổ về và qua những nhân vật, bộ phim hay trò chơi, họ đều đem ra bàn luận và phản biện liên tục. Điều này làm cho không gian văn hóa trở nên sôi động và những cái mới luôn được cập nhật. Việc thụ hưởng văn hóa không còn là đặc ân dành cho người có điều kiện và năng lực, mà dành cho tất cả mọi người đã và đang xem Đấu Trường Ảo.
Thành công của Steven Spielberg không chỉ ngoài việc áp dụng thành công kỹ xảo điện ảnh vào Đấu Trường Ảo mà thông qua văn hoá đại chúng được mã hoá bằng ngôn ngữ điện ảnh, ông muốn gửi gắm đến khán giả những hiểu biết, tình cảm, mong muốn, kinh nghiệm sống, giá trị đạo đức, văn hóa tinh thần... giống như thông điệp mà Halliday gửi gắm đến Wade Watts ở cuối bộ phim.
Đấu Trường Ảo trong phim khác biệt rất nhiều so với cuốn tiểu thuyết nhưng điều cốt lõi chính là tinh thần chủ đạo của bộ phim, cũng như tình yêu với văn hóa đại chúng của một thời đã qua vẫn được giữ nguyên vẹn.
Nguồn: Tham khảo từ Quaivatdienanh, Ghienreview, Vnexpress