Nếu bạn đã từng mê đắm phong cách làm phim của David Fincher qua những tác phẩm như Seven, Zodiac, Fight Club, Gone Girl… vì bầu không khí căng thẳng và nghiêm túc từ thể loại chính kịch và trinh thám, thì hẳn cũng biết đến sự chỉn chu và cầu toàn của vị đạo diễn này, sẵn sàng bỏ ra hàng chục shot máy chỉ để chăm chút hình ảnh cho thật kĩ lưỡng, cho thấy sự nghiêm túc của ông với tác phẩm của mình.
Có niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật thứ 7 từ nhỏ, David Fincher sớm tiếp xúc phim ảnh từ thời còn là học sinh của trường Ashland. Sau đó, ông tiếp tục được làm việc với vai trò trợ lí quay phim cho studio Industrial Light & Magic (ILM) của George Lucas, rồi vào nghề với vai trò là một đạo diễn clip quảng cáo và video ca nhạc, tích luỹ nhiều kinh nghiệm khi quay các MV như Who Is It? của Michael Jackson, Vogue của Madonna...
Tài năng của ông được 20th Century Fox để mắt tới, giúp ông có cơ hội làm đạo diễn với bộ phim điện ảnh đầu tay - Alien 3. Đáng buồn thay, việc studio can thiệp quá sâu và đẩy tiến độ ra mắt quá nhanh ở quá trình sản xuất khiến phim trở thành một cú phốt thảm hại về mặt chất lượng lẫn doanh thu.
Dù chán nản sau màn mở đầu đó, Fincher vẫn không chùn bước mà rút kinh nghiệm từ thất bại trước, tiếp tục cho ra mắt bộ phim trinh thám li kì Seven với sự góp mặt của Brad Pitt và Morgan Freeman. Bộ phim sở hữu chất lượng xuất sắc và ghi dấu ấn trong lòng khán giả, tạo bước đà cho những tác phẩm chất lượng mang âm hưởng tương tự Seven sau này của Fincher.
Với quan niệm "thừa còn hơn thiếu", ông luôn muốn mọi khía cạnh trong việc tạo nên bộ phim luôn phải hoàn hảo, đưa người xem đến những trải nghiệm tốt nhất, đặc biệt là về mặt hình ảnh. Vì ông tin rằng, kể một câu chuyện qua hình ảnh, qua thị giác luôn có hiệu quả hơn là diễn giải bằng lời nói, để mỗi khung hình đều mang lại một dấu ấn cho khán giả, tạo nên một phong cách riêng biệt của ông. Mời bạn cùng Moveek tìm hiểu những yếu tố đã tạo nên thương hiệu cho những bộ phim của vị đạo diễn vốn nổi tiếng là cầu toàn này.
1. Câu chuyện
Câu chuyện mà Fincher đem tới cho màn ảnh luôn mang một nét ảm đạm, u tối của một thế giới bị tha hóa bởi cái ác như nội dung của Seven, Zodiac, Gone Girl, series Mindhunter hoặc là một kẻ bị cô lập với tài năng xuất chúng như Fight Club, Social Network, Girl With The Dragon Tattoo...
Tất cả đều gần như chung một chủ đề là sự lừa dối. Sự lừa dối thể hiện trong câu chuyện phim của ông đến từ rất nhiều yếu tố trên phim. Như việc hai nhân vật chính luôn trong trạng thái không trung thực (Gone Girl), một nhân vật hoàn toàn do tâm trí của nhân vật chính tạo ra (Fight Club), cả phim là một "cú lừa" (The Game)... Dối trá tạo nên một thế giới đầy đen tối, đầy cạm bẫy, khiến người xem luôn cảm nhận được rằng có gì đó không ổn, tạo cảm giác khó chịu, bất an, vì ông biết rằng, cảm giác khó chịu đó sẽ khiến người xem nhớ lâu hơn là những cảm giác dễ chịu.
Nhân vật trong phim cũng mang một màu sắc kì quái và có phần tách biệt với xã hội, họ đều là những cá thể cô độc và khác biệt như những thiên tài/kẻ chủ mưu, những kẻ có vấn đề tâm lí hoặc những tên sát nhân (John Doe trong Seven, Amy trong Gone Girl, The Narrator trong Fight Club...) hoặc những kẻ bị động với thế lực bên ngoài, luôn bị phần đen tối trong tâm trí xâm chiếm, dẫn đến những sai lầm, sụp đổ (The Narrator trong Fight Club, Thám tử Mills trong Seven, Nicholas Van Orton trong The Game).
2. Kỹ thuật quay phim
Fincher làm rất tốt trong việc kể chuyện qua ống kính, mọi cử chỉ, trạng thái tâm lí nhân vật đều được thể hiện một cách khéo léo qua từng góc máy, cách chuyển động của máy quay. Các góc máy rộng được sử dụng khá thường xuyên để tăng kịch tính, mô tả cái nhìn bao quát về sự việc, đồng thời giới thiệu bối cảnh và tình huống của nhân vật. Ông ít dùng cận cảnh, nhưng một khi làm vậy, chắc chắn có ý đồ cụ thể. Ông chia sẻ rằng việc dùng cỡ cảnh như vậy rất thận trọng và chỉ khi cực kì cần thiết, nhằm thông báo với khán giả rằng: "Nhìn cái này đi, nó quan trọng nè", để mỗi khung hình của ông đều có ý nghĩa, không bị thừa thãi.
Thực ra, shot máy cận là một thứ khá "biểu tượng" đối với ông dù ít khi dùng, nói đúng hơn là cảnh đặc tả, cho thấy một chi tiết đặc biệt quan trọng trong câu chuyện của phim, giúp chúng ta thấu hiểu được đối tượng muốn nói tới.
Một ví dụ cụ thể cho việc cỡ cảnh ảnh hưởng thế nào tới cảm xúc người xem là cảnh "Chiếc hộp" khét tiếng trong Seven, cận cảnh và cảnh đặc tả của ông đều phát huy tác dụng một cách triệt để bắt trọn khoảng khắc cảm xúc của từng nhân vật, từ sự thảng thốt của Sommerset khi nhìn thấy "thứ" trong chiếc hộp, cảm xúc bình thản của một kẻ chiến thắng ở nhân vật John Doe, cho tới cảm xúc tò mò đến tức giận của anh cảnh sát đáng thương Mills, mọi sức nặng tâm lí đều được thể hiện rõ ràng, khiến người xem chỉ biết nín thở đợi kết cục. Nhưng còn một thứ còn tạo nên dấu ấn của Fincher hơn cả các cảnh đặc tả, đó là cách di chuyển máy quay.
Mỗi chuyển động của máy quay trong phim đều là mấu chốt cho ngôn ngữ hình ảnh của ông, nghiêng nhẹ, xoay, di chuyển xa gần... mọi thứ đều có mục đích của nó. Bằng cách này, ông đã làm khán giả chú ý hơn những tiểu tiết, hành động của nhân vật (cử chỉ, cái nghiêng đầu hay di chuyển của nhân vật đó...), hay nói cách khác là ông mô phỏng ánh nhìn của khán giả, khiến họ nhập tâm với từng hành động của nhân vật đó với sự vật, sự việc xung quanh.
Những cảnh di chuyển của nhân vật gần như đồng bộ với máy quay đến mức hoàn hảo, điều này còn nhằm nói tới sự tỉ mỉ của ông trong quá trình làm phim, tới mức một cảnh ông có thể quay đến gần 50 lần nếu mọi thứ chưa hoàn hảo. Do luôn hướng tới sự hoàn hảo, nên cả việc sử dụng máy quay cũng phải vậy, ông luôn dùng máy quay có chân tripod để các cảnh quay đều mượt mà tới mức máy móc, hạn chế tối đa việc sử dụng máy quay cầm tay để tránh các chuyển động dư thừa, thiếu chính xác.
3. Màu sắc
Màu sắc và ánh sáng cũng là thứ dùng để tạo cảm xúc rất tốt trong các tác phẩm của ông. Vị đạo diễn đa phần sử dụng những màu đơn sắc làm màu chủ đạo cho toàn toàn bộ bối cảnh (Fincher rất thích sử dụng màu xanh dương và vàng), có vai trò như một "bộ lọc" cho cảm xúc nhân vật theo từng hoàn cảnh và cũng để diễn tả thế giới lạnh lùng, thô cứng trong thế giới quan cứng nhắc, phiến diện của nhân vật trong phim.
Trong tập đầu tiên của Mindhunter do ông đạo diễn, khi Holden Ford đang thẩm vấn Ed Kemper, ta có thể thấy màu xanh dương xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ đồ vật tới quần áo, màu xanh dương thường là một màu sắc nhẹ nhàng, mang cảm giác yên bình, nhưng ở trường hợp này lại khiến người xem cảm nhận sự bình thản, vô cảm đến mức...không bình thường của nhân vật Ed Kemper.
Hay trong Fight Club, Người Dẫn Chuyện/The Narrator (Edward Norton thủ vai) luôn luôn bị bao quanh bởi những màu trầm lạnh, xám xịt, thể hiện sự ảm đạm, tẻ nhạt trong thế giới quan của anh ta, cho tới khi nhân vật Tyler Durden xuất hiện, phá hủy cuộc sống "bình thường" của anh bằng những màu sắc ấm nóng đầy sự nổi loạn và gai góc.
Ngoài ra, để thu hút sự chú ý của mọi người vào đồ vật cụ thể hoặc khắc hoạ sự cô lập của nhân vật đó với các nhân vật khác, ông sử dụng tông màu cho chủ thể đó trái ngược với màu nền của cảnh vật xung quanh. Trong Gone Girl, nhân vật Nick ở buổi thông báo tìm kiếm Amy, màu xanh dương trên áo anh hoàn toàn bị bao bọc bởi sắc vàng hiện diện ở mọi nơi trong phòng, khiến cho anh bị cô lập với thế giới, đồng thời trở thành nghi phạm số một cho việc mất tích của Amy.
4. Hậu kì
Ở công đoạn sau cùng của quá trình làm phim, Fincher gần như thể hiện hết những gì mình giỏi nhất mà ông có được từ thuở mới vào nghề, đó là hiệu ứng hình ảnh (VFX). Với kinh nghiệm từng có ở công ty ILM, ông biết cách tận dụng chúng thế nào và khi nào vào từng thước phim, sử dụng những công nghệ tối tân nhất về mặt đồ họa và kỹ xảo, tạo nên một thế giới có chiều sâu hơn trong mỗi câu chuyện của mình.
Ông thường CGI để ghép 4 địa điểm khác nhau bằng một cú máy siêu dài và ảo diệu, kéo từ địa điểm này tới địa điểm khác nhằm thể hiện khoảng cách của chúng, không bị cản trở về mặt địa lí mà cách quay thông thường khó mà làm được (đoạn mở đầu trong Fight Club là một ví dụ điển hình). Kỹ xảo hình ảnh cũng là thứ duy nhất có thể giúp ông đảm bảo mặt hình ảnh luôn chỉn chu, chính xác từng chi tiết mà không gặp trở ngại về tìm kiếm đạo cụ, cũng như dễ dàng thực hiện cảnh quay mà không cần phải quay đi quay lại nhiều lần (thứ mà Fincher luôn bị ám ảnh).
Sự đồng bộ của người xem vào nhân vật còn thể hiện qua cách cắt ghép các cảnh quay ở phần hậu kì. Nếu như cách di chuyển máy quay là một cách để chúng ta "trở thành" nhân vật và đồng cảm với hành vi của họ, thì về mặt biên tập dựng phim sẽ khiến chúng ta chú ý tới những gì mà nhân vật quan tâm. Bằng cách cắt, chuyển cảnh liên tục từ cảnh quay này sang cảnh quay khác, nhịp phim diễn ra dồn dập hệt như những dòng suy nghĩ mà nhân vật cảm nhận tại thời điểm đó.
Âm thanh cũng là một phần quan trọng không kém trong việc thể hiện cảm xúc cảnh quay. Phần lớn các âm thanh ông dùng đều là các dạng âm thanh thô, phóng đại của bất kì thứ gì xung quanh nhân vật. Nếu như màu sắc là để thể hiện cảm xúc, tâm trí nhân vật qua thế giới xung quanh, thì âm thanh để thể hiện yếu tố ngoại lực tác động vào nhân vật, có thể là sự đe dọa, sự đau đớn, hay thậm chí là sự sống của nhân vật đó.
Ngoài âm thanh thông thường ra, âm nhạc trong phim ông cũng rất đa dạng. Nhạc không lời hay có lời đều được tận dụng một cách triệt để cho mỗi cảnh quay. Trong Zodiac, ông sử dụng những bản nhạc nền không liên quan đến tình huống trong phim, sự hỗn loạn, chết chóc hòa lẫn với không khí vui tươi của bản nhạc khiến người xem có phần hơi... rợn người, thể hiện sự trớ trêu của thế giới này khi mà ta chẳng biết tên giết người liệu có còn đâu đó ngoài kia, nghe bài nhạc chúng ta đang nghe. Còn trong Fight Club, sử dụng bản nhạc Where is my mind ở phần kết của phim, ông đã thể hiện được sự hỗn loạn trong tâm trí của Người dẫn chuyện, nổi bật chủ đề của cả bộ phim. Âm nhạc nếu biết dùng vào thời điểm chính xác sẽ khơi gợi đúng cảm xúc mà người làm phim muốn cho khán giả cảm nhận, đó chính là những gì mà David Fincher đã thực hiện được.
5. Lời kết
Niềm đam mê và tâm huyết của David Fincher cho phim ảnh chính là thứ quý giá nhất cho nền điện ảnh hiện nay, khi khán giả càng ngày càng thông minh hơn với lựa chọn xem phim của mình, không còn dễ dãi với những bộ phim "ăn liền". Theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo và hiểu biết được tầm quan trọng của hình ảnh trong phim, ông đã đem đến những thước phim có hồn, mang ý nghĩa còn nhiều hơn lời nói, đúng với nguyên tắc: "Show, don't tell" tức là cho người ta thấy đi, chứ đừng kể lể. David Fincher không phải là một đạo diễn xuất sắc nhất, nhưng là người luôn chỉn chu trong mỗi tác phẩm (tất nhiên là trừ Alien 3 ra).
Sắp tới, David Fincher có ra mắt bộ phim có tên gọi Mank vào năm 2020, bộ phim tiểu sử kể về cuộc chiến giữa Herman J. Mankiewicz với Orson Welles trong việc giành quyền đứng tên cho kịch bản của bộ phim huyền thoại Citizen Kane. Hãy cùng đón chờ xem liệu ông sẽ mang lại điều bất ngờ gì cho chúng ta.
Nguồn: Studiobinder, Tổng hợp