Giống như tôi đã từng nói ở bài viết trước, đây là một bộ phim về chuyện Superman đánh nhau với Batman. Thiệt tình còn gì là hơn thế nữa?
Batman v Superman: Dawn of Justice dường như muốn trở thành bộ phim mở nguồn vậy. Hầu hết tất cả những gì xảy ra trong phim đều là cái bệ phóng để sử dụng cho các phim sau. Đồng ý là thế giới mới của DC đã được xây dựng từ Man of Steel, nhưng với sự xuất hiện của rất nhiều gương mặt trụ cột như Batman và Wonder Woman thì chúng ta mới thật sự thấy rằng là phía bên kia Metropolis còn có Gotham của Batman, và Wonder Woman thì đang ở trong cái “xó” nào ấy lúc những sự kiện trong Man of Steel diễn ra. Câu chuyện thì diễn ra sau những gì xảy ra trong Man of Steel với Batman nằm ở giữa cái mớ hỗn độn đó.
Công nhận là bộ phim đã làm ra một cái “nguyên nhân sâu xa” khá tốt khi Batman hiểu rằng Superman hiển nhiên là một mối nguy cho loài người nếu như ngày nào đó tên này “dở chứng”. Rồi chúng ta có Jesses Eisenberg như là một đứa “cù nhây” trong vai Lex Luthor và cũng có “lí do chính đáng” để ở trong phim. Chúng ta lại có Wonder Woman (Gal Gadot) và cũng có “lí do chính đáng” để tồn tại trong phim. Và bằng cách nào đó Zack Snyder lại đưa những chuyện “như vậy” vô trong một cái phim và mong rằng nó sẽ “được”.
Có lẽ điều buồn cười nhất về bộ phim đó chính là nó như một câu trả lời dành cho cái trailer của nó vào khoảng thời gian trước. Những gì mà bạn hoài nghi, thất vọng hay “hi vọng” đều được giải đáp ngay trong lúc chiếu phim.
Mở đầu với Ben Affleck vào vai Batman
Chắc ít ai để ý nhưng cái tên phim này bắt đầu bằng “Batman”, buồn cười thay là những lúc hay những gì liên quang đến Batman đều được làm rất tốt và thú vị. Ngay từ khúc giới thiệu thì chúng ta đã được cho thấy rằng: Batman này “ngon” lắm đấy! Bất ngờ thay thì Ben Affleck hoàn toàn là một Batman hay và thú vị. Ngay cả những thứ như “đồ chơi” lẫn những giai thoại nho nhỏ của Bruce Wayne với những sự kiện của phim cũng rất là hay, và phải nói là Jeremy Iron cũng làm tốt vai trò là một Alfred hay. Hầu như tất cả những giây phút “nhẹ nhỏm” đều là từ Alfred của Jeremy Iron trong khi những người còn lại thì lúc nào cũng “ừ tui là vậy đấy”.
Một bất ngờ nữa là Batman này đã “phá lệ”, không còn một Batman nhân nhượng nữa. Khi mà có chuyện thì sẵn sàng xử đẹp mọi thứ cản đường với không một chút nhấc vai. Cái đáng nói là họ dựng nên Batman mới nhưng lại rất “xa cách”, bạn không khi nào đồng cảm với những gì Batman làm hay thật sự hiểu nguyên do. Nhưng điều đó lại phần nào hợp lí khi chúng ta lờ mờ hiểu rằng là có chuyện gì đó xảy ra rồi, với lại ảnh là một tên nhà giàu ăn bận như một con dơi và đi đánh người, không khùng là may.
Có lẽ Batman này rất giống Rorschach của Watch Man (cũng đạo diển bởi Zack Snyder), đại loại là cái vụ không khoang nhượng với tội phạm. Nhưng tiếc một điều là bộ phim lại dành thời gian để xây dựng theo hướng này mà lại bỏ quên đi cái mục đích chính của phim – khiến Batman đánh nhau với Superman. Bởi vì cả phim chúng ta chỉ thấy Batman lúc nào cũng bị ám ảnh về chuyện một ngày nào đó Superman sẽ cho cả nhân loại xuống lỗ. Tôi không hoàn toàn nghĩ rằng điều đó là dở, nhưng cái cách mà phim dựng ra lại không được “ngọt”. Batman vẫn không đến được cái giới hạn như Rorschach, tức là lúc nào cũng công lý là tối thượng, nhưng lại luôn cầm thánh giá và mong chờ cuộc thập tự chinh của mình lên Superman. Nên vô hình chung lại khiến mục đích của Batman đánh nhau với Superman chỉ còn đọng lại là một cuộc “cãi lộn” chứ không phải là một cuộc “so găng” ra trò giữa hai lý tưởng trái chiều. Nhưng dù gì thì Batman cũng chả thể giết Superman chỉ vì những chuyện trong Man of Steel. Cho dù luôn là chúng ta đi theo cái sườn mới của Batman này, thì cũng không thể khiến đó là một lí do chắc chắn được. Sự khác biệt rõ ràng giữa Rorschach và Batman chính là ở chỗ Batman sống vì lí trí nhiều hơn. Có thể nói thẳng ra Batman giống Ozymandias hơn nếu bỏ đi cái phần “không khoang nhượng” của phim. Nhưng bộ phim thì lại bám trối chết vô cái gờ đó, vô hình chung điều đó khiến Batman lại là một nhân vật “mù quáng”.
Không còn gì ấn tượng sau Batman
Mặc dù phần nửa đầu của bộ phim cảm thấy như là Man of Steel 2 nhưng thật ra lại chăm chút nhiều vào Batman hơn. Ngay cả cái vụ Dawn of Justice cũng chỉ dừng lại ở mức coi được. Wonder Woman bởi Gal Gadot thì hiển nhiên là làm vừa lòng người xem, nhưng cũng chỉ là vừa lòng chứ không phải gọi là ảo diệu như Ben Affleck. Và cuối cùng thì chúng ta phải nói tới nhân vật gây nhiều cái “phủi tay” nhất đó là Jesse Eisenberg vai Lex Luthor.
Rõ ràng ngay từ trailer bạn có thể thấy rằng đây không thể nào là cái nhân vật “ngầu chảnh” mà mình đã yêu thích bước ra từ trong truyện. Hiển nhiên là phim này đã xác nhận điều đó, buồn cười hơn nữa là Jesse Eisenberg cũng không hẳn là Lex Luthor nữa, mà là con của hắn – Lex Luthor Junior (Jr). Riêng nhân vật này thì thật sự là một cái “nửa vời”. Một phần thì tôi cũng cảm thấy thích thú với hình tượng một Lex Luthor mới, rất là “hỗn mang”. Đây cũng là một thay đổi thú vị như Batman ở trên, khi mà thời đại bây giờ những tài năng thường nở sớm thì một Lex Luthor như vậy lại hợp lí.
Bạn có thể cho rằng cái kiểu “khìn khìn” này khá giống The Joker, có lẽ bạn đúng bởi vì cái chuyện một gã thông minh với những hành vi “loạn lạc” quả là điểm nhấn của nhân vật này. Việc lồng vào bất cứ ai cũng sẽ bị xem là “ăn cắp”, riêng tôi thì cho rằng nhân vật này giống The Riddler được thể hiện bởi Jim Carry trong Batman Forever (cũng của Warner Bros). Cũng cái kiểu ăn nói “tát nước” cùng với sự thông minh vốn có, Jesse Eisenberg hiển nhiên là có kinh nghiệm vào vai một kẻ như vậy. Một nửa còn lại thì thật sự không thích bất kì ai nối gót Mark Zuckerburg. Bởi vì thật sự mà nói, giữa một kẻ “tươm tướp” như vầy với một người tiết chế thì ai hơn? Sự khác biệt là quá rõ ràng, có lẽ vì vậy mà bộ phim có “gợi ý” là chính cha của Lex cũng coi thường hắn.
Có lẽ mọi chuyện sẽ khác hơn nếu như những cái lắp bắp đó được loại bỏ và hướng đến một nhân vật ngầu chảnh hơn thì mọi chuyện sẽ khác. Bởi điều đó sẽ khiến Lex Luthor của Jesse ngang hàng với Batman. Cả hai đều giàu, đều giỏi, đều sợ cái thằng bận đồ bó màu xanh kia, rõ ràng cả hai cứ như là duyên tiền định. Và nếu theo hướng đó thì chúng ta đã có một cái sườn chắc chắn hơn cho cái lí do trên của Batman, bởi vì Batman trong khi bị ám ảnh về chuyện Superman sẽ phá hủy thế giới thì Lex Luthor lại đích thân “rót lửa” vào tai của anh, khiến mọi chuyện thành hiện thực. Rõ ràng điều đó chỉ có cộng thêm chứ không có mất, nhưng hiển nhiên trong phim thì Batman chả bỏ tí quan tâm tới Lex Luthor và Lex Luthor lại đi thao túng Superman – một sự phí phạm!
Superman 1 nhân vật rất ư là một sự khó chịu
Như đã nói ở trên là khoảng một nửa đầu phim chúng ta có sơ sơ Man of Steel 2, khi mà bộ phim cứ liền mạch đổ lên đầu Superman bao nhiêu là nghi vấn, thù hận và sự chê bai này nọ. Có nhiều lời phàn nàn rằng trường đoạn này rất là khó hiểu và dài dòng. Tôi hoàn toàn đồng ý, mặc dù các tình tiết được dựng rất đàng hoàng với ý đồ rõ ràng. Nhưng rút gọn đi thì mọi chuyện có lẽ đã bớt rối rắm và nhiêu khê hơn. Có nhiều chuyện xảy ra trong giai thoại của Superman: nào là chuyện con người không chấp nhận anh, chuyện anh cảm thấy gai mắt khi Batman đi hành sự, rồi chuyện anh làm Clark Kent tại cái tòa báo chung với Lois Lane, đến chuyện Lex Luthor lúc nào cũng lăm le đòi hành hung Superman.
Trước hết tôi xin đính chính một chuyện, đó chính là về đạo diễn Zack Snyder. Có lẽ Zack Snyder là “thần truyện tranh” cho cả thể loại truyện lên phim. Có rất là nhiều cảnh trong phim này rất đậm chất truyện. Nhưng khúc mở đầu giới thiệu của Batman là chúng ta đã thấy rõ “tài năng” của ông. Nếu như một ngày nào đó mà chúng ta có những tờ báo với ảnh động như trong Harry Potter thì 100% là phát minh của Zack Snyder. Nhưng ngoài cái đó ra thì lại không ấn tượng lắm.
Đơn cử nhất đó chính là cảnh Superman đang “lơ lửng” giữa không trung trước đám người tị nạn trên nóc nhà bởi cơn lũ. Rõ ràng nếu đây là truyện thì cảnh này sẽ là một tranh. Và trong phim thì cảnh này hoàn toàn rất là đẹp. Nhưng nếu xét đây là phim thì cái cảnh này chả có tí logic nào cả. Tại sao Superman không bay vèo xuống cứu người mà lại tạo dáng cho ngầu? Và đó hầu như là cái vấn đề của tất cả những phân đoạn nêu trên về Superman. Những sự kiện xảy ra chung quy đều chỉ là cái vụn bánh mì chỉ để dụ bạn về cái lõi chính đó là Lex Luthor âm mưu giết Superman. Chuyện con người không chấp nhận anh cũng là do Lex Luthor thao túng từ trước, lợi dụng người làm của Bruce Wayne, lợi dụng chính quyền, rót lửa vào tai họ về Man of Steel là đại họa như thế nào. Chuyện về tòa báo mà Clark Kent làm cũng vậy, nó chỉ là cái nền cho chuyện Lois Lane đi tìm tung tích viên đạn để rồi hướng về Lex Luthor. Ngặc nỗi những cảnh phim ở tờ báo chỉ được thể hiện sơ sài đến khó chịu, rồi ngay cả cuộc “thập tự chinh” của Lois Lane cũng hoàn toàn tào lao khi mục đích chính là để minh oan cho Superman trong khi đáng lí ra nó phải là một cái vụn bánh như trên, phí phạm một tài năng như là Laurence Fishburne và Amys Adam. Đến lúc quyết định, Lex Luthor lại bắt cóc Lois Lane và mẹ của Superman để ép anh đánh nhau với Superman. Cuối cùng thì những gì tôi hy vọng về một cuộc chiến hoành tráng không chỉ là về lực mà còn về trí thì chỉ đọng lại thành tại tình huống đẩy đưa. Mặc dù tôi nói ở đây thì rõ ràng thế nhưng khi xem phim thì lại rất rối rắm và mông lung.
Superman chết là bất ngờ?
Điều khiến người người than khóc hoặc thậm chí cảm thấy bị sụp đổ khi xem bộ The Death of Superman đó chính là sự bất ngờ. Họ không ngờ rằng là DC một ngày nào đó lại có gan ban án tử cho chính người siêu anh hùng được yêu quý nhất của họ. Trước đó thì các bộ truyện về Superman chỉ tìm hiểu về khoảng đầu của anh như là một mở đầu mới, nên chuyện đặt dấu chấm hết ngay đó quả là “không đỡ nổi”. Trong phim này thì cảm giác ngạc nhiên vẫn giữ nguyên, nhưng để gọi là “đau đớn” như trên thì còn lâu! Bởi nếu xét riêng về thế giới “điện ảnh” của DC thì chúng ta chỉ mới có một phim về Superman thôi. Ngay cả bộ phim đó cũng chưa cho chúng ta thấy được đường lối cao thượng của anh, chưa thấy được cái “Super” trong anh. Tất cả chỉ mới dừng lại ở cái “man” của anh. Để rồi qua phim này chúng ta vẫn gặp lại một Superman non nớt như trước, đồng ý là sẽ tới đó, nhưng con đường đắc đạo đó thì Superman trong phim này chưa một lần bước lên.
Nói gì thì nói, chúng ta cũng chỉ mới theo chân anh có một lần, làm sao mà có thể đạt được cái gắn bó mà cả một bộ truyện đã đạt được từ người xem sau cả một đời người.
Rồi đến Doomsday, có một cảm giác là đạo diễn chỉ làm như thế này như là cái ngã mủ cho fan hâm mộ. Vấn đề này lại một lần nữa lại là lỗi của Zack Snyder như trên. Trường đoạn này rất hay, rất mãn nhãn, nhưng nếu xét về tổng thể thì tại sao cái bộ phim này lại phải vậy? Tại sao lại phải có đến hai sự kiện chính trong một bộ phim? Tại sao? Và cả cái cách mà bộ phim xây dựng để “xì” ra được Doomsday lại cũng chấp vá một cách khó chịu.
Nếu làm Lex Luthor như ở trên đề cập thì có thể hợp lí vì biết đâu Batman với tính cách như trong phim sẽ quyết tâm đến mức tạo ra Doomsday? Một lần nữa thì vấn đề vẫn y như trên, phí phạm cả một trường đoạn hay. Mà thực sự họ cũng đâu có gan giết hẳn Superman như trong truyện, rõ ràng luôn. Lúc Superman chết, bỏ qua những điều trên thì rõ ràng họ cũng muốn thổi một làn gió mới vào. Rất bạo gan nhưng cũng đồng thời thú vị, nhưng để rồi khi cái quang tài rung rung thì…“xì”. Cả trường đoạn cứ như là đạo diễn muốn chơi chiêu “Giê-su hóa” Superman vậy. Người thiện tột bậc lại bị chối bỏ rồi phải chịu chết cho chính lỗi lầm của những kẻ khác. Dường như chiêu này đã xài nhiều đến mức nó thành một lối mòn “sáo rỗng” của điện ảnh luôn rồi. Ngay cả cái vụ sống lại cũng giống y chang! Đây có lẽ là điểm trừ lớn nhất của cả phân đoạn này. Mặc dù tôi biết rằng là họ sẽ hồi sinh Superman bằng cái “rổ min bú cụ” nào đó. Nhưng việc họ không đồng lòng dẫn đến một sự thở phào nhẹ nhỏm của người xem. Họ biết rằng là Superman còn sống, nên họ không phải lo là DC có hồi sinh Superman không, họ không phải mày mò những trailer mới để xem liệu Superman có còn trở lại màn ảnh không. Cái hay trong truyện The Death of Superman là ở chỗ chúng ta hoàn toàn biết rằng điều gì sẽ xảy ra nhưng lại chả thể làm gì cả ngoại trừ chứng kiến. Bộ truyện “xoáy” hay đến nỗi mà ai đọc cũng cảm thấy thật. Giống như họ đã xem Superman như là một người thân và cái chết của anh nó giống y như bão tuyết vậy. Nó ùa xuống đầu bạn và bạn thì lại bất ngờ trước sức mạnh vũ bão của nó. Để khi định thần lại bạn mới nhận ra rằng mình đã mang sẹo cả đời.
Bộ phim này đã thất bại trong việc xây dựng nên hình tượng Superman để bạn yêu quí, và thất bại luôn trong cả việc phải khiến bạn thương cảm cho anh. Bạn không đồng cảm với những gì xảy ra với Superman bởi vì trong phim những mâu thuẩn kể trên đều không được giải quyết bởi Superman, mà nó chỉ đơn giản là tự được giải quyết. Một lần nữa, đây quả là một sự phí phạm rõ mồn một.
Lời kết
Nhìn tổng thể thì rõ ràng tôi đang đổ hết lên đầu cho Zack Snyder. Thú thật tôi không rõ là Zack Snyder có thật sự hiểu những gì tạo nên Superman và Batman hay không (ngoại trừ những thứ như hình tượng). Nhìn lại lúc trước tôi từng viết một bài nói rằng là chỉ cần WB làm cả cái phim về chuyện Superman đánh nhau với Batman thì cũng đủ câu khách, thú thật tôi không ngờ là họ làm thế thật. Hiển nhiên là ngoài cái chính đó ra tất cả đều ở dưới mức tạm ổn. Bạn có thể bảo rằng là tại chính sự kỳ vọng của mình hại mình, nhưng nói thật với một kịch bản tham vọng thế, không lẽ tôi cũng không được hy vọng rằng mình sẽ phải làm cho “không lời” sao?. Cả bộ phim chỉ là một sự phí phạm cả về ý tưởng lẫn cách thể hiện, lâu lâu mới có vài thứ hay ho.