Hoành tráng, lôi cuốn và đầy ý nghĩa, Dawn of the Planet of the Apes đã dễ dàng hạ bệ Transformers: Age of Extinction tại các phòng vé Bắc Mỹ trong cuối tuần vừa qua.
Ra mắt vào năm 2011, Rise of the Planet of the Apes - phiên bản reboot của loạt phim phiêu lưu/giả tưởng nổi tiếng Planet of the Apes từ thế kỷ trước, khiến cho giới hâm mộ điện ảnh kinh ngạc. Nội dung hấp dẫn, kịch tính nhưng cũng rất nhân bản, cùng với kĩ xảo hình ảnh đỉnh cao giúp tạo nên những chú khỉ cực kỳ sinh động trên màn ảnh. Bộ phim thu về hơn 480 triệu USD doanh thu toàn cầu, một đề cử Oscar cùng nhiều lời nhận xét rất tích cực. Tới mùa hè năm nay, khán giả được tiếp tục theo dõi số phận của nhân vật chính là chú khỉ Caesar, sau khi tạo ra cuộc nổi loạn trên Cầu Cổng Vàng để tìm kiếm tự do.
Mười năm sau những sự kiện xảy ra trong phần trước, ALZ-113 - loại virus do các nhà khoa học của Gen-Sys vô tình tạo ra bùng nổ thành một đại dịch, gây nên cái chết cho hàng tỷ người trên toàn thế giới, khiến nhân loại đứng trước bờ vực diệt vong. Tại San Francisco, chỉ còn một nhóm người miễn dịch với mầm bệnh do Dreyfus (Gary Oldman) lãnh đạo đang tìm cách sống sót trong tình trạng không có điện, còn nhiên liệu thì gần cạn kiệt.
Trái ngược với điều đó, bầy khỉ do Caesar lãnh đạo nay đã gây dựng được cả một cộng đồng đông đảo, cư trú trong khu rừng Muir tách biệt với thế giới loài người. Một ngày, bầy khỉ tình cờ đụng độ một nhóm người do Malcolm (Jason Clarke) dẫn đầu đang tìm cách tiếp cận khu rừng nhằm vận hành một đập thủy điện cũ để phục hồi nguồn điện. Vô tình làm bị thương một chú khỉ, nhóm người bị bầy khỉ đuổi khỏi khu rừng. Nhận thấy nguy cơ từ phía loài người, Caesar đích thân dẫn binh đoàn khỉ đến nơi cư trú của nhóm người sống sót, tuyên bố chủ quyền và cảnh báo con người không được xâm phậm lãnh thổ của loài khỉ. Dù vậy, xung đột tiềm tàng giữa hai giống loài vẫn âm thầm phát triển, và chỉ chờ một mồi lửa để bùng nổ thành một cuộc chiến đẫm máu.
So với phần trước, Dawn of the Planet of the Apes có phần u ám và tăm tối hơn rất nhiều. Ngay từ giây phút đầu tiên, khán giả được giới thiệu về đại dịch bùng nổ tiêu diệt gần hết con người trên Trái Đất. Chỉ sau 10 năm, thế giới chứng kiến sự thay đổi không tưởng, khi tương quan lực lượng giữa người và khỉ không còn chênh lệch như trước. Con người không còn là giống loài thống trị, còn bầy khỉ chẳng còn là những con thú bị loài người giam cầm, thí nghiệm hay mua vui nữa. Sự cân bằng đó khiến cho nguy cơ xung đột giữa hai giống loài có thể nảy sinh bất cứ lúc nào, và đều có thể gây ra sự hủy diệt cho bất cứ hai bên.
Dawn of the Planet of the Apes cũng nhuốm màu sắc xung đột chính trị khá rõ nét. Sau khi Caesar tuyên bố chủ quyền với nhân loại, bộ phim đã tạo ra hai phe phái đối đầu nhau với những tư tưởng biệt lập một cách rõ ràng. Bên phe loài người, khi lãnh đạo Dreyfus chủ trương gây chiến để tránh hiểm họa sau này, thì Malcolm lại chủ trương đi theo con đường hòa bình.
Sự kiện nhóm người của Malcolm lên núi tìm cách phục hồi đập thủy điện cũ là một sự kiện lớn có tính chất quyết định đến mối quan hệ giữa hai giống loài. Đạo diễn đã xây dựng hình tượng nhóm Malcolm như những nhà ngoại giao ở giữa lãnh thổ đối phương. Mỗi hành động, mỗi quyết định dù nhỏ nhất của nhóm người lúc này đều có thể tạo ra những sai lầm không thể cứu chữa, đẩy tính mạng của họ vào tình trạng nguy hiểm. Hoặc tệ hơn, đẩy hai phe vào một cuộc chiến đẫm máu. Các cao trào, xung đột diễn ra liên tục trong phim, đẩy nhân vật vào không ít hiểm cảnh một cách rất thuyết phục.
Đồng thời, những xung đột xảy ra giữa hai giống loài cũng tạo ra xung đột bên trong cộng đồng loài khỉ, cụ thể là giữa Caesar và Koba. Koba vốn là một con vật thí nghiệm của Gen-Sys trước khi được Caesar giải thoát khỏi phòng thí nghiệm. Nhiều năm bị hành hạ đã khiến cho Koba mang một nỗi hận thù không bao giờ phai nhạt với loài người. Khác với Caesar luôn hướng đến hòa bình và tự chủ, Koba tìm mọi cách để kích động chiến tranh, tìm kiếm quyền lực và sự thống trị.
Hình tượng Caesar và Koba không khác gì so với con người, những kẻ ở chung chiến tuyến nhưng lại có lý tưởng, lợi ích khác biệt. Ở Koba không chỉ có thù hận, nó còn biết học tập cả thói lừa đảo, mưu mô và bản tính hiếu chiến, tàn bạo. Nó căm thù con người, nhưng rốt cuộc lại giống con người nhất trong số đồng loại của nó. Dawn of the Planet of the Apes đã rất thành công trong việc khắc họa cục diện của hai phe trước trận chiến không thể tránh khỏi, giúp cho khán giả thấu hiểu một cách sâu sắc nguyên nhân của cuộc chiến, cũng như giật mình nhận ra rằng kẻ thù thật sự không phải loài khỉ, mà loài người thực ra đang phải chống lại chính ác quả mà mình từng gây ra mà thôi.
Không chỉ có trận chiến ngoại giao đầy căng thẳng, Dawn of the Planet of the Apes tiếp tục đẩy xung đột lên cao với một trận chiến thật sự giữa hai giống loài. Dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, không có nhiều pha cháy nổ kịch tính, nhưng cảnh chiến đấu giữa con người và loài khỉ được dàn dựng rất tốt và hấp dẫn. Khán giả sẽ bất ngờ khi thấy bầy khỉ nguy hiểm thể nào khi được tiếp cận với súng đạn, những loại vũ khí tối tân vốn là ưu thế của con người. Tiếc rằng trận chiến quyết định của bộ phim lại diễn ra khá vội vàng, cũng như phần kết thúc mở cho phần tiếp theo khiến cho khán giả có phần hụt hẫng, không có được cảm giác trọn vẹn như ở phần trước.
Dawn of the Planet of the Apes có phần hình ảnh và âm thanh rất tốt. Sử dụng máy quay 3D và quay chủ yếu tại các địa điểm thực, phim đem lại những đại cảnh khá hoành tráng và đẹp mắt như cảnh nơi trú ngụ của bầy khỉ trong rừng Muir, hay thành phố San Francisco hoang tàn đổ nát sau đại dịch. Đặc biệt, bầy khỉ được tạo nên từ kỹ xảo máy tính giờ đây càng trở nên chân thực hơn hẳn so với phần trước. Các khán giả đã từng kinh ngạc với những hành động, biểu cảm như thật của các chú khỉ trong phần trước thì giờ đây lại sẽ còn ấn tượng hơn trước tạo hình ngày càng chi tiết và biểu cảm phong phú hơn hẳn. Phần âm thanh của phim cũng được làm tốt, những tiếng gầm, hú lẫn tiếng nói của bầy khỉ được chú ý nhấn mạnh và làm nổi bật lên, khiến cho ấn tượng về bầy khỉ khi xuất hiện càng rõ nét.
Tập trung nhiều hơn vào bầy khỉ nên các nhân vật khỉ trong Dawn of the Planet of the Apes có nhiều đất diễn hơn hẳn so với phần trước. Caesar, lãnh đạo của bầy khỉ, tiếp tục là nhân vật chính quan trọng nhất của cả bộ phim. Tạo hình của Caesar không chỉ chân thực hơn mà còn ấn tượng hơn, khi vừa có nét hoang dã, vừa mang vẻ uy nghiêm.
Ngoài ra cũng phải kể tới Koba, kẻ xuất hiện như một vai phụ nhỏ ở phần trước, nhưng giờ đây đã trở thành một vai chính và đối đầu trực tiếp với Caesar. Những tính cách xấu xa của Koba được xây dựng một cách rõ ràng xuyên suốt cả bộ phim, để rồi cuối cùng xuất hiện một vai phản diện không kém phần ấn tượng so với vai chính.
Không có nhiều đất diễn bằng nên các nhân vật loài người tỏ vẻ lép vế hơn. Trong số này, nhiều đất diễn hơn cả là vai kiến trúc sư Malcolm, cầu nối giữa hai giống loài, do nam diễn viên Jason Clarke đảm nhận. Tiếc rằng nhân vật lẫn diễn xuất của anh không gây được ấn tượng nào đặc biệt, còn khá đơn giản và hết sức một chiều. Các vai diễn khác cũng chỉ dừng ở mức tròn vai. Nam diễn viên gạo cội Gary Oldman có phần diễn xuất tương đối ấn tượng với vai Dreyfus, lãnh đạo của cộng đồng loài người, nhưng thời lượng xuất hiện quá ít khiến vai diễn này chưa tạo ra được sức nặng.
Căng thẳng, kịch tính và ấn tượng, Dawn of the Planet of the Apes là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất kể từ đầu năm 2014. Sau cuộc chiến để giành lấy tự do, Caesar cùng bầy khỉ thêm một lần nữa phải đối đầu với con người trong cuộc chiến sinh tồn đầy nghiệt ngã. Khán giả chắc chắn sẽ tìm thấy nhiều thông điệp thú vị ẩn chứa trong bộ phim bom tấn mùa hè này.
Bài viết: http://news.zing.vn/Su-khoi-dau-cua-hanh-tinh-khi--Phim-bom-tan-so-1-mua-he-post437340.html#category4
Nguồn Zing News