Đề tài gia đình trong những bộ phim của Hirokazu Koreeda

Hirokazu Koreeda là một trong những đạo diễn hàng đầu tại Nhật Bản ở thời điểm hiện tại. Ông xuất thân từ một gia đình bình thường và không có ai theo truyền thống nghệ thuật trước đây. Về tài năng, ông được giới phê bình điện ảnh trong nước và quốc tế đánh giá cao qua các bộ phim như Nobody Knows (2004), Still Walking (2008), Like Father Like Son (2013), Broker (2022)

Đạo diễn Hirokazu Koreeda với giải thưởng Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes

Gia đình là đề tài quen thuộc trong các bộ phim của Hirokazu Koreeda

Được mệnh danh là Ozu của điện ảnh Nhật đương đại

Nhắc đến đề tài gia đình trong điện ảnh của Hirokazu Koreeda chắc chắn không thể thiếu Shoplifters (Kẻ Trộm Siêu Thị) ra mắt vào năm 2018, bộ phim sau đó nhận về giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 71. Shoplifters là câu chuyện xoay quanh sáu con người nghèo khổ sống cùng với nhau dưới một mái nhà. Họ gồm cặp vợ chồng đều là những lao động tay chân nặng nhọc, một cô gái trẻ làm việc tại câu lạc bộ phục vụ tình dục, một bà lão và một cậu bé được cứu từ chiếc xe hơi màu đỏ. Sau này, cô bé Juri (Sasaki Miyu) bất đắc dĩ trở thành mảnh ghép cuối cùng của gia đình. Bấy giờ, Juri được bắt gặp khi trên người đứa trẻ ấy đầy những vết thương do bạo hành.

Dù không được chọn nơi sinh ra nhưng ai cũng có quyền được chọn nơi để trưởng thành

Phim đã khắc họa về cuộc sống của những con người nghèo khổ tại khu ổ chuột. Trong một gian nhà tồi tàn, xập xệ, sáu con người phải chia nhau chỗ ở và hầu hết những bữa ăn của họ đều là mì gói rẻ tiền nhưng tất cả đều cảm thấy hài lòng về điều đó. Dù cuộc sống cơ cực nhưng họ vẫn luôn có thái độ lạc quan trước hoàn cảnh. Tuy nhắc đến cái nghèo, nói về sự thiếu thốn nhưng Shoplifters lại không xoáy sâu vào những mất mát, đau khổ mà hầu hết các khung cảnh trong phim đều tràn ngập bầu không khí tươi vui. Từ cảnh húp mì xì xụp, mẹo dùng muối để trẻ em không còn tè dầm khi ngủ hay ném răng lên mái nhà lúc thay mới, tất cả đều là được thể hiện một cách chân thật và giản dị.

Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng ngôi nhà lại tràn ngập tình yêu thương

Cái hay của Hirokazu Koreeda chính là cách ông khai thác vấn đề ở đa góc nhìn. Khác với lối suy nghĩ thông thường, đối với các thành viên trong gia đình của Shoplifters, họ xem ăn cắp hay làm việc tại câu lạc bộ phục vụ tình dục tất cả chỉ đơn giản là những công việc kiếm ra tiền, không có sự kỳ thị, phán xét hay khinh rẻ. Bên cạnh đó, họ cho rằng không ai có quyền chọn gia đình để sinh ra nhưng mỗi người đều có quyền chọn gia đình để sống và trưởng thành.

Tuy là những con người xa lạ, không cùng chung huyết thống nhưng khi vô tình tìm thấy nhau giữa đường đời, họ lại quyết định chọn sống cùng nhau, đùm bọc, yêu thương nhau như một gia đình. Điều này người xem có thể cảm nhận rõ nhất trong phân đoạn cả gia đình quây quần trước hiên nhà trời ngắm pháo hoa. Giữa lòng thành phố xa hoa Nhật bản xuất hiện hình ảnh của một căn nhà tồi tàn, rách nát nhưng bấy giờ căn nhà nổi bật lên nhờ ánh sáng của tình thương gia đình.

Tình bà cháu gắn kết

Tương tự với Shoplifters, ở một dự án khác của đạo diễn Hirokazu Koreeda với tên gọi Broker (Người Môi Giới) cũng một lần nữa đề cập đến đề tài gia đình và điểm chung giữa hai tác phẩm khi đây đều là những câu chuyện về sự giao thoa giữa những con người dưới đáy xã hội. Tại Broker, các nhân vật đều là những kẻ mang nặng nỗi đau quá khứ mà không thể tự nói ra. Với Sang Hyeon (Song Kang-ho), dù là ông chủ tiệm giặt ủi nhưng anh lại túng quẫn vì nợ nần và có một cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc. Đứa con đầu lòng của Sang-hyeon là một bé gái và khi ly dị con gái theo mẹ thế nên cách anh ôm Woo-sung như thể anh muốn chuộc lại những lỗi lầm ngày trước của mình.

Những tháng ngày bên cạnh Woo-sung bấy giờ khiến Sang-hyeon dấy lên khát khao làm cha. Về So-young (IU), đã từng có những ngày tháng sống tại cô nhi viện, sau này khi trốn thoát khỏi đó, cô lại sa vào con đường trở thành gái mại dâm. Tương tự với So-young khi xuất phát điểm của Dong-soo (Kang Dong Won) cũng là một đứa trẻ mồ côi khi ngày trước bị bỏ rơi tại một vùng quê hẻo lánh.

Ai trong số họ đều có những quá khứ đáng để quên đi và đây là điểm chung duy nhất khiến họ trở thành một “gia đình”. Chính khoảnh khắc tại căn phòng tối, năm con người cám ơn lẫn nhau, “cám ơn vì đã được sinh ra đời”. Theo thời gian, dường như sự gắn kết của “gia đình” bất hảo này trở thành liều thuốc giúp họ chữa lành những tổn thương trong quá khứ của mình. 

Broker - khai thác câu chuyện về con người bị bỏ rơi, đứng bên lề xã hội

Phim được lấy cảm hứng từ câu chuyện chiếc hộp em bé tại Hàn Quốc được tạo ra từ một mục sư tại Nhà thờ Cộng đồng Jusarang ở phía nam Seoul - Lee Jong Rak. Trong suốt thập niên vừa qua, chiếc hộp ấy đã cứu sống hơn 1500 sinh mệnh. Bấy giờ, khi trả lời câu hỏi của SBS Dateline, đạo diễn Hirokazu Koreeda chia sẻ rằng: “Khi chuẩn bị cho bộ phim này, tôi đã được lắng nghe câu chuyện của những em nhỏ lớn lên ở trại trẻ mồ côi. Bố mẹ đã từ bỏ việc nuôi nấng các em vì nhiều lý do”. 

Cám ơn vì đã được sinh ra đời

Monster - câu chuyện gia đình được kể theo hiệu ứng Rashomon 

Năm nay, khi tái ngộ tại Liên hoan phim Cannes 2023, đạo diễn Hirokazu Koreeda đã một lần nữa đem đến cho công chúng một tác phẩm nói về gia đình mang tên Monster (Quỷ Dữ). Với thời lượng kéo dài hơn hai tiếng, ngay khi công chiếu, bộ phim đã nhận về tràng vỗ tay kéo dài sáu phút từ khán giả. Phim xuất sắc giành chiến thắng ở 2 hạng mục bao gồm Kịch bản xuất sắc nhất và giải Queer Palm dành cho dòng phim LGBT+. 

Monster rinh về hai giải thưởng danh giá tại LHP Cannes 2023

 

Báo Vanity Fair gọi đây là bộ phim “hay nhất của đạo diễn Hirokazu Koreeda vì đã đạt được một phẩm chất hiếm có: cuộc sống thường ngày tinh tế đến tuyệt vời, trong đó những vấn đề đơn giản của cuộc sống được chuyển mình ngoạn mục và đầy chất thơ”. Cùng một sự việc nhưng lại được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau, cách kể chuyện này tương tự với Rashomon (1950) của đạo diễn Nhật Bản nổi tiếng Akira Kurosawa ngày trước.

Monster mô tả về đời sống nội tâm phức tạp của trẻ em, một thế giới mà người lớn khó lòng chạm đến. Ngoài ra, phim còn đề cập đến các vấn đề xã hội như nạn bắt nạt, kỳ thị đồng tính, những thiếu sót của chính quyền…

Tóm lại, Hirokazu Koreeda là một trong số những đạo diễn đã truyền tải thành công những thông điệp nhân văn về gia đình. Với Monster, tại Việt Nam, phim đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc, bạn đã có thể đặt vé tại Moveek ngay bây giờ.