Nhìn lại điện ảnh Việt năm 2018, có thể thấy đây là một năm buồn nhiều hơn vui. Dù số lượng phim và rạp chiếu đều tăng nhưng doanh thu vẫn không cao hơn năm ngoái. Các nhân tố mới xuất hiện nhưng lại không nhận được nhiều sự chú ý. Thay vào đó, những câu chuyện ngoài lề lại chiếm được nhiều “spotlight” hơn.
Tổng số phim Việt ra rạp trong năm 2018 là 41, nhiều hơn năm 2017 5 phim. Thế nhưng doanh thu lại không tăng, và số phim thực sự thành công về mặt doanh thu chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí nhiều phim còn chưa qua được mức hoà vốn. Tính đến thời điểm hiện tại, trong năm 2019 sẽ có 75 phim Việt ra rạp, liệu rằng doanh thu có khả quan hơn?
5 phim có doanh thu cao nhất của 2018 là Siêu Sao Siêu Ngố (108 tỷ), Lật Mặt: Ba Chàng Khuyết (85 tỷ), Tháng Năm Rực Rỡ (85 tỷ), Chàng Vợ Của Em (80 tỷ) và 798 Mười (55 tỷ). 5 bộ phim này cũng nằm trong top 10 phim Việt có nhiều suất chiếu nhất trong năm 2018. Nhưng vẫn chưa có được bộ phim nào vượt mặt được “cơn sốt” mang tên Em Chưa 18 (169 tỷ).
Tuy năm qua có tới 41 phim nhưng chỉ có khoảng hơn 10 phim thể hiện được sự chỉn chu, còn lại hơn phân nửa đều là những phim dở, nhàm chán về đề tài, nội dung, cách thực hiện thiếu chuyên nghiệp. Tiêu biểu trong số đó là Bao Giờ Hết Ế, Yêu Nữ Siêu Quậy, Yêu Em Từ Khi Nào, Thử Yêu Rồi Biết, Đích Tôn Độc Đắc… Đây đều là những cái tên mà nghe qua khán giả đã thấy nhàm chán, cảm nhận được sự lạc hậu và nghi ngờ về tính thẩm mỹ, chứ đừng nói đến việc bỏ tiền ra để thưởng thức. Quả thật, khi ra rạp, những bộ phim này chỉ có lác đác vài khán giả và nhanh chóng biến mất khỏi rạp chỉ sau 1 – 2 tuần công chiếu, thậm chí có phim còn không trụ được 10 ngày.
Những bộ phim này được thực hiện bởi những nhà sản xuất hạn hẹp về tư duy nghệ thuật, nghĩ rằng việc làm phim là dễ dàng. Vô hình trung, những bộ phim thiếu sự đầu tư như thế này làm loãng chất lượng của điện ảnh nước nhà, đồng thời khiến khán giả tiếp tục mất niềm tin vào điện ảnh Việt.
Tuy số phim Việt trong năm qua có tăng, nhưng so với số phim ngoại được phát hành ở Việt Nam thì vẫn còn chênh lệch quá lớn (230 phim). Nếu như ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, chính sách bảo hộ phim nội được thực hiện rất mạnh mẽ, thì ở Việt Nam phim nội lại bị loại khỏi cuộc chơi ngay trên sân nhà, khiến cho doanh thu bị sụt giảm. Các nhà rạp vẫn ưu ái phim ngoại, xếp suất chiếu vào những khung giờ vàng.
Và mặc dù có tới 16/41 phim Việt được "ông lớn" CGV phát hành, nhưng điều này không có nghĩa rằng khi ra rạp những bộ phim này sẽ được ưu tiên xếp vào khung giờ vàng hoặc trụ rạp được lâu hơn các phim ngoại khác.
Trong điều lệ quản lý điện ảnh Trung Quốc năm 2002, thời gian chiếu phim quốc nội được quy định là không được ít hơn 2/3 tổng lượng thời gian chiếu phim của rạp trong một năm. Hạn ngạch phim nhập khẩu ở Trung Quốc cũng chỉ ở mức 34 phim/năm, và khi phim nước ngoài về Trung Quốc, các nhà phát hành đều có quyền thay đổi lịch chiếu theo từng thời điểm để ưu tiên cho phim nội. Đây là lý do vì sao những phim bom tấn nước ngoài khi về Trung Quốc đều có lịch chiếu khác với những nước khác trên thế giới. Các chính sách này đều giúp hạn chế doanh thu phòng vé chuyển về cho các nhà làm phim nước ngoài, nhằm tăng doanh thu phim nội.
Còn ở Việt Nam vẫn là một câu chuyện buồn, khi số phim ngoại trong năm 2018 gấp gần 6 lần số phim nội. Trong đó có rất nhiều bom tấn chiếm lượng lớn doanh thu phòng vé như Avengers: Infinity War, Black Panther, Aquaman, Deadpool, Jurassic World: Fallen Kingdom, Venom... Việc có quá nhiều phim ngoại như thế này không chỉ ảnh hưởng đến lịch chiếu, suất chiếu của phim nội, mà còn khiến cho tổng doanh thu phòng vé bị phân bổ không đồng đều. Đây là một trong những nguyên nhân vì sao số lượng phim Việt tăng nhưng doanh thu vẫn không cao hơn năm 2017.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các bộ phim remake và chuyển thể là dấu hiệu cho thấy điện ảnh Việt đang thiếu kịch bản gốc trầm trọng. Đây cũng chính là lý do mà cuộc thi Nhà Biên Kịch Tài Năng ra đời để tìm kiếm những biên kịch tài năng trẻ và có được một “ngân hàng” kịch bản dài hơi, đáng tin cậy. Tuy nhiên, những kịch bản mới này chỉ mới được gửi đến các nhà làm phim, và chúng ta còn phải chờ thêm một thời gian nữa để biết biết được những kịch bản này có thật sự chất lượng hay không.
Năm 2018 không thiếu những bộ phim có kịch bản gốc, nhưng kịch bản gốc chất lượng và làm nên thành công thì lại không nhiều. Đa số vẫn là những bộ phim có đề tài, motif cũ kĩ, theo phong cách của nước ngoài. Những phim có kịch bản gốc có thể nói là chất lượng như Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè, Song Lang, Dream Man (Lời Kết Bạn Chết Chóc), Ống Kính Sát Nhân thì lại không thu hút được khán giả nước nhà, bị lấn át bởi những bom tấn nước ngoài khác.
Trong 5 bộ phim có doanh thu cao nhất năm, chỉ có Lật Mặt: Ba Chàng Khuyết của Lý Hải là bộ phim có kịch bản gốc và thành công một cách bất ngờ. Tuy chưa thực sự xuất sắc nhưng phim đậm chất giải trí, đánh đúng tâm lý và gu của khán giả đại chúng, mang đậm dấu ấn của một biên kịch, đạo diễn Việt Nam.
Chàng Vợ Của Em và Tháng Năm Rực Rỡ là 2 bộ phim thực sự hay và thành công nhất so với mặt bằng chung phim Việt. Nhưng Tháng Năm Rực Rỡ được remake từ bộ phim Sunny của Hàn – vốn đã là một bộ phim có kịch bản quá tốt và đã gây được tiếng vang lớn vào thời điểm ra mắt. Chàng Vợ Của Em thì được chuyển thể cuốn tiểu thuyết ăn khách mang tên Busy Woman Seeks Wife của Annie Ashworth và Meg Sanders. Siêu Sao Siêu Ngố thì được xem như một cú ăn may nhờ được chiếu vào dịp Tết và có sự góp mặt của Trường Giang – danh hài với số lượng fan đông đảo, còn kịch bản và diễn xuất chỉ dừng ở mức trung bình. 798 Mười tuy nhỉnh hơn một chút nhưng cũng chưa phải là xuất sắc.
Một trong những tín hiệu đáng mừng, một tia hy vọng cho thấy điện ảnh Việt vẫn chưa “chết” hẳn chính là sự xuất hiện của những tác phẩm nghệ thuật và những nhà làm phim trẻ tài năng trong năm 2018. Đó là Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè của Cao Thuý Nhi, Song Lang của Leon Quang Lê, Ống Kính Sát Nhân của Nguyễn Hữu Hoàng. Đây đều là những tác phẩm mang đến làn gió mới cho điện ảnh Việt, thế nhưng lại không thu hút được số đông khán giả.
Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè với sự tham gia của những gương mặt mới toanh tuy có nội dung đơn giản, dễ đoán nhưng để lại những cảm xúc khó quên cho khán giả trẻ, đặc biệt là những khán giả yêu dòng phim nghệ thuật. Sở hữu câu chuyện nhẹ nhàng, những khung hình đẹp như tranh tại Nhật Bản, diễn xuất tròn trịa của Phương Anh Đào và Takafumi Akutsu, tuy kịch bản vẫn còn nhiều chi tiết chưa chắc tay và thể hiện sự khiên cưỡng nhưng đây vẫn là một trong những phim nghệ thuật tạo được dấu ấn sâu sắc trong năm qua.
Song Lang của Leon Quang Lê có thể được xem là thành công nhất về mặt nghệ thuật và xứng đáng nhận được lời khen nhất khi đưa những giá trị văn hoá, nghệ thuật nước nhà đến với khán giả trẻ. Không ngoa khi nói rằng đây là một trong những bộ phim chỉn chu nhất của điện ảnh Việt từ trước đến nay, từ kịch bản, diễn xuất, hình ảnh cho đến thông điệp.
Tuy là phim nghệ thuật nhưng những tác phẩm này đều không phải khó xem, cốt truyện đều khá đơn giản và nhẹ nhàng, so với những phim nghệ thuật của các quốc gia khác thì những phim này quả thật còn rất "nhẹ đô". Khi ra mắt, suất chiếu của những bộ phim này cũng không phải là quá ít, cho dù có được chiếu cùng thời điểm với những phim bom tấn nước ngoài. Thậm chí, theo dữ liệu thống kê từ Moveek, thì Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè và Song Lang còn nằm trong số 10 phim trụ rạp lâu nhất của 2018.
Có chăng là do thị hiếu của khán giả Việt vẫn chỉ là phim tình cảm hài thuần giải trí và phim siêu anh hùng, hành động cháy nổ. Nhưng điều này không có nghĩa là lỗi ở khán giả, bởi gu xem phim và nhu cầu giải trí phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Mà ở một đất nước có nền điện ảnh đã có quá nhiều phim dở và sắp bão hoà như Việt Nam thì việc khán giả mất niềm tin và e dè với những món lạ miệng cũng là điều dễ hiểu.
Và những câu chuyện buồn khác...
Ngoài những điều đã phân tích ở trên cùng sự thất bại của hàng tá phim dở, thì điện ảnh Việt trong năm qua còn nhiều câu chuyện bên lề đáng quên khác. Nổi bật nhất chính là chiêu trò PR phim giả tình thật khiến khán giả ngày càng ngán ngẩm.
Đầu năm thì có tin đồn tình cảm giữa Trường Giang - Sam - 2 diễn viên của Siêu Sao Siêu Ngố, sau đó là Nam Em tiết lộ mình từng có tình cảm với Kiều Minh Tuấn gần thời điểm với 798 Mười ra mắt. Và cuối năm chúng ta lại được chứng kiến thêm một drama "cực mạnh" khác từ ekip của Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con với 4 nhân vật chính là Kiều Minh Tuấn, An Nguy, Cát Phượng và nhà sản xuất Dung Bình Dương. Nào là tuyên bố yêu nhau, nào là kiện tụng, rồi sau đó là hàng loạt những màn than khóc, kể khổ, xin lỗi... Chẳng biết bao nhiêu phần trăm là thật, bao nhiêu phần trăm là giả, chỉ biết rằng khán giả đã quá mệt mỏi, chán ngán và thất vọng khi các ekip làm phim ngày càng khinh thường IQ của họ.
Nói vậy không có nghĩa 2018 là một năm hoàn toàn thất bại đối với điện ảnh Việt. Xét ở mặt tích cực thì chúng ta vẫn còn có nhiều tín hiệu đáng mừng như sự xuất hiện của những bộ phim nghệ thuật thể hiện bản lĩnh, cá tính riêng của các nhà làm phim, mặc dù biết rằng làm phim nghệ thuật là chắc chắn thất bại về doanh thu. Ngoài ra còn có những diễn viên trẻ triển vọng khác đang lên ngôi, hứa hẹn về một thế hệ diễn viên tài năng trong tương lai như Thanh Tú, Phương Anh Đào, Kaity Nguyễn. Phim dở vẫn còn nhiều, nhưng may mắn là phim hài nhảm đã giảm đi đáng kể.
Mỗi khi nhắc đến từ "phim Việt", thì đối với đại đa số khán giả đây vẫn là một câu chuyện buồn, và để thay đổi bộ mặt điện ảnh nước nhà không phải là điều dễ dàng, mà cần sự ủng hộ từ phía khán giả, sự hỗ trợ của nhà nước và sự tâm huyết của những nhà làm phim. Hy vọng rằng trong năm 2019, điện ảnh Việt sẽ thay đổi theo hướng tích cực, và câu chuyện về doanh thu sẽ không còn là câu chuyện đầy những cái kết đắng nữa.