Có thể nói 2022 được kỳ vọng là năm đánh dấu sự trở lại bùng nổ của nền điện ảnh Việt sau nhiều năm bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng đáng tiếc thay thực tế lại cho thấy điều ngược lại, thậm chí là bước lùi khó hiểu khi có hàng loạt tác phẩm chất lượng yếu kém lần lượt được ra mắt khán giả. Không chỉ thế, các nhà sản xuất vẫn cứ đều đặn lặp lại vết xe đổ đó để tạo nên những tác phẩm thật sự khiến người xem "cạn lời".
Kịch bản yếu kém, nhồi nhét vô tội vạ, hài nhảm nhan nhản
Điểm hạn chế lớn của điện ảnh Việt chủ yếu nằm ở kịch bản. Phần lớn những tác phẩm được đánh giá là vừa đủ giải trí, có doanh thu khả quan thì đều đến từ những bộ phim remake quen thuộc. Điển hình trong dịp đầu năm mới, sự cạnh tranh của Chìa Khóa Trăm Tỷ, 1990, Trạng Tí và Nhà Không Bán đã cho thấy dù không quá xuất sắc nhưng Chìa Khóa Trăm Tỷ vẫn là cái tên đứng top doanh thu với 58 tỷ vì kịch bản có phần lôi cuốn hơn so với mặt bằng chung. Vốn là một phim Việt hóa trên kịch bản gốc Key of Life (Nhật) và có cả sự học hỏi của phiên bản Hàn là Luck-Key, Chìa Khóa Trăm Tỷ dễ dàng được bảo chứng về tính giải trí đặc sắc. Tiếp tục thành công đó là tác phẩm Nghề Siêu Dễ được remake từ Nghề Siêu Khó của Hàn Quốc, thậm chí còn được đánh giá cao hơn Chìa Khóa Trăm Tỷ vì có sự tinh chỉnh nhất định, phù hợp với văn hóa Việt. Liệu rằng một tác phẩm remake nghe có vẻ đáng tin cậy hơn vì thành công của bản gốc hay kịch bản thuần Việt vốn đã quá mất niềm tin trong mắt khán giả?
Tiêu biểu cho những nhận định trên là "quả bom nghìn tấn" Cù Lao Xác Sống. Với sức nặng của nó thì quả thật đã khiến cho điện ảnh Việt ì ạch, không vượt qua được những định kiến tiêu cực vốn có. Kịch bản của phim phải gọi là quá sức chịu đựng người xem vì nó rời rạc, vô lý, ngớ ngẩn và cực kỳ tạp nham. Tiếp nối "phim zombie đầu tiên của Việt Nam" là Virus Cuồng Loạn cũng thảm họa không kém khi có cốt truyện sơ sài, nhảm nhí. Huyền Sử Vua Đinh - cái tên lập nên kỷ lục doanh thu thấp nhất chỉ khoảng 42 triệu đồng cũng là bộ phim hời hợt không chỉ ở nội dung lịch sử thiếu chiều sâu mà còn ở kỹ thuật cẩu thả.
Xem lịch chiếu & mua vé dễ dàng hơn tại Moveek
Vấn đề hài nhảm vẫn mãi đeo bám khán giả từ năm này qua năm khác mỗi khi họ xem phim Việt. Một số phim mượn thể loại hài để truyền tải nội dung, thông điệp nhưng lại làm vụng về, kém duyên nên cái đọng lại chỉ là những miếng hài nhạt toẹt, phản cảm. Các phim đó có thể kể đến như Những Cô Vợ Hành Động, Mến Gái Miền Tây, Duyên Ma,...
Một điểm đáng nói nữa của phim điện ảnh Việt chính là lời thoại gượng gạo đến mức phải buồn cười. Ở khía cạnh phim truyền hình thì chúng ta đã làm khá tốt với nhiều bộ phim có lời thoại chân thật, gần gũi đời sống. Thế nhưng qua sân chơi điện ảnh thì không được như thế. Lời thoại sáo rỗng, cứng nhắc và thiếu thực tế là thứ hiện hữu trong phần lớn phim chiếu rạp. Kẻ Thứ Ba - một phim đầu tư 11 tỷ của Lý Nhã Kỳ có nhiều câu thoại sến sẩm, thậm chí vô tri. Hay như Ê Ông Già Yêu Ha, Qua Bển Làm Chi cũng có nhiều cảnh nhân vật phát ngôn những điều khá thừa thãi và bình thường sẽ chẳng ai đối đáp như vậy.
Diễn viên không phù hợp
Một bộ phim có kịch bản nhiều sạn cộng thêm diễn viên có trình độ diễn xuất kém hoặc không hợp vai thì càng gây ám ảnh cho người xem. Trong năm 2022, ta dễ dàng bắt gặp nhiều ca sĩ, người mẫu, hot face đảm nhận một vai trong phim điện ảnh, thậm chí là vai chính. Khỏi phải bàn đến thì cũng biết được trình độ chuyên môn của những diễn viên tay ngang là không đủ để có thể thể hiện tốt nhất tính cách nhân vật cũng như những bùng nổ trong tâm lý của họ. Lối diễn rập khuôn, nhả thoại nhấn nhá, biểu cảm cứng đơ là những gì đọng lại trong người xem ở những tác phẩm đã tệ lại còn gây ức chế hơn.
578: Phát Đạn Của Kẻ Điên, Trò Chơi Tử Thần, Ê Ông Già Yêu Ha, Mưu Kế Thượng Lưu,.. đều là những bộ phim sở hữu dàn diễn viên không mấy chất lượng và có phong độ diễn xuất không ổn định. Xuyên suốt với thời lượng trung bình hơn 1 giờ, khán giả phải chịu đựng sự nhạt nhòa, sượng trân của họ ở khả năng nhập vai. Điều đó càng khiến bộ phim nhanh chóng rơi vào danh sách đen, thậm chí nhận nhiều nhận xét tiêu cực từ người xem.
PR quá lố gây phản tác dụng
Xem lịch chiếu & mua vé dễ dàng hơn tại Moveek
Dễ thấy được điều đó nhất là ở những bộ phim thuộc thể loại kinh dị. Chuyện Ma Gần Nhà, Bóng Đè, Nhà Không Bán là những tác phẩm kinh dị khá thành công trong khâu quảng bá khi đã thu hút sự tò mò và lôi kéo nhiều khán giả ra rạp. Nhưng khi ra về thì khán giả lại thất vọng gấp bội vì kết quả không như họ được nghe. Thậm chí với tác phẩm Cù Lao Xác Sống có một facebooker còn đánh giá phim ổn và cho tận 7/10 điểm thì cũng đủ hiểu là người ấy đang seeding rất lộ liễu và chọc cười cho những ai đã từng xem qua bộ phim. Khán giả giờ đã ngày càng e dè hơn với những dự án được gọi là “siêu phẩm A”, “bom tấn B” của điện ảnh Việt vì sự quảng cáo quá đà phần nào đã tạo nên tâm lý đáng nghi ngại cho họ.
Để diệt trừ phim thảm họa thì không chỉ trông đợi vào sự tẩy chay của khán giả mà chính những nhà làm phim cần khắt khe và đầu tư vào chất lượng hơn nữa. Lại tiếp tục đặt hy vọng cho năm 2023, mong rằng phim Việt sẽ tránh đi những sai sót muôn thuở để cho ra đời những tác phẩm xứng đáng với tiền bạc và công sức mà khán giả đã dành cho phim.