Đại Sư Diệp Vấn trên màn ảnh - Phim nào là ấn tượng nhất?

Nếu như điện ảnh Hồng Kông những năm về trước đã làm biết bao khán giả say mê với nhân vật Hoàng Phi Hồng - một anh hùng dân tộc, đại võ sư của của nền võ thuật Trung Quốc, thì trong 10 năm trở lại đây của thế kỉ 21 màn bạc Trung Quốc lại xuất hiện thêm một nhân vật tiếng tăm khác. Đó chính là Nhất Đại Tông Sư, sư phụ của người đệ tử nổi tiếng thế giới Lý Tiểu Long. Ông là Diệp Vấn - người có công lớn trong việc hình thành và quảng bá hệ phái Vịnh Xuân Quyền tại Hồng Kông và trên thế giới. Cũng như Hoàng Phi Hồng từng được nhiều ngôi sao gạo cội như Lý Liên Kiệt, Triệu Văn Trác và cả Thành Long thể hiện, thì đại tông sư Diệp Vấn cũng được hàng loạt tài tử nổi tiếng đưa lên màn ảnh như Chân Tử Đan, Lương Triều Vỹ, Huỳnh Thu Sinh cho đến diễn viên mới nổi Đỗ Vũ Hàng. 

Với phong cách chiến đấu và biểu diễn võ thuật mới mẻ, đẹp mắt, bối cảnh lịch sử thú vị, chủ nghĩa anh hùng dân tộc quen thuộc, các bộ phim về Diệp Vấn luôn khiến khán giả yêu thích và say mê. Chỉ cần bạn đơn giản yêu thích võ thuật, yêu những động tác biểu diễn hay chiêu thức đẹp mắt thì bộ phim nào về sư phụ Diệp Vấn cũng sẽ đều khiến bạn hài lòng. Tuy vậy, các tác phẩm không thể nào có chất lượng như nhau. Phim thì hướng đến khán giả đại chúng, phim thì theo phong cách nghệ thuật, phim cố gắng bám sát thực tế hạn chế sự cường điệu. Nhưng tác phẩm nào đem lại sự ấn tượng mạnh nhất và tác phẩm nào ít thu hút nhất ? Hãy cùng Moveek điểm qua nào!

Diệp Vấn 1,2,3 - Ấn tượng mạnh mẽ nhất với đại đa số khán giả!

Khi nhắc tới phim về Diệp Vấn, hình tượng do Chân Tử Đan mang lại có lẽ là hình ảnh đầu tiên mà đa số khán giả liên tưởng tới. Có thể nói Chân Tử Đan chính là người thể hiện nhân vật Diệp Vấn thành công nhất trên màn bạc. Anh đã có 3 lần hóa thân vào vị nhất đại tông sư này với 3 phần lần lượt ra mắt vào các năm 2008, 2010, 2015, và sắp tới đây sẽ là lần thứ 4.  Cũng chính nhờ vai diễn này, anh cũng đã có được một hình tượng cụ thể và nổi bật để khán giả nhớ tới.

Bộ 3 tác phẩm về Diệp Vấn của Chân Tử Đan cũng chính là 3 tác phẩm thành công nhất về người thầy huyền thoại này. Dù cho chất lượng về sau càng giảm dần do dấu hiệu của hiện tượng “vắt sữa”, cả 3 phần phim đều mang cho mình một công thức nội dung đơn giản thể hiện tài năng của đại tông sư Diệp Vấn, sự khó khăn trong sự nghiệp và cuộc sống của ông, và tinh thần chủ nghĩa dân tộc anh hùng thấm đẫm xuyên suốt bộ phim. 

Diệp Vấn (2008) - Cảm xúc mãnh liệt nhất trong từng chiêu thức

Phần phim đầu tiên này với một Chân Tử Đan còn sung sức đã đem lại các pha giao đấu mạnh mẽ nhất, cảm xúc nhất với các động tác biểu diễn võ thuật cực kì hoa mỹ khi so sánh với tất cả các bộ phim về Diệp Vấn. Khán giả được thưởng thức những chiêu thức võ thuật mãn nhãn của Vịnh Xuân Quyền với các môn phái truyền thống khác của Trung Quốc, và sau đó là những màn giao đấu với võ sĩ người Nhật. Một motif quen thuộc thường thấy ở các bộ phim về đề tài tông sư võ thuật. Có thể thấy nội dung phim có nhiều nét tương đồng với bộ phim Hoắc Nguyên Giáp của Lý Liên Kiệt.

(Ảnh: IMDb)

Diệp Vấn 2 (2010) - Phần tiếp theo đặc sắc và thú vị

Với sự góp mặt của Hồng Kim Bảo và Huỳnh Hiểu Minh cùng câu chuyện về một Hồng Kông tươi mới giao thoa giữa hiện đại và truyền thống đem đến cho khán giả một câu chuyện hết sức thú vị. Nội dung phim giảm bớt sự cường điệu về chủ nghĩa dân tộc so với phần 1. Màn giao đấu của “đại ca” Hồng Kim Bảo và Chân Tử Đan có thể xem là màn tỉ thí hay nhất trong cả ba phần phim.

(Ảnh: IMDb)

Diệp Vấn 3 - Bắt đầu hiện tượng “vắt sữa”

Nội dung của Diệp Vấn 3 có đôi chút bớt ồn ào và cường điệu về tinh thần chủ nghĩa dân tộc hơn so với cả 2 phần trước. Câu chuyện có chút nhẹ nhàng và đơn giản hơn khi miêu tả về sự khó khăn trong cuộc sống của vị đại tông sư Diệp Vấn. Các pha giao đấu vẫn mãn nhãn và tạo sự thú vị khi Vịnh Xuân giao chiến với Quyền Anh và Muay Thái. Song các pha hành động lại không còn mượt mà và hấp dẫn như hai phần trước.

(Ảnh: IMDb)

Phần thứ 3 trong loạt phim làm người xem ngỡ là phần kết thúc của bộ 3 huyền thoại Diệp Vấn của Chân Tử Đan. Nhưng sự thành công về mặt thương hiệu sau sự trở lại này của anh đã đem đến sự phát triển tiếp tục các câu chuyện về sau của Diệp Vấn và cả của nhân vật phụ Trương Thiên Chí sắp xuất hiện trong phần ngoại truyện. Cứ tưởng cuộc chiến Vịnh Xuân đấu Vịnh Xuân đã là một cái kết đẹp thể hiện được tinh thần “kẻ thù lớn nhất mình chính là bản thân mình” thường nghe, song một giang hồ đầy rẫy các cao thủ ngọa hổ tàng long vẫn luôn là đề tài dễ "vắt sữa" đối với các nhà biên kịch.

(Ảnh: IMDb)

Nhất Đại Tông Sư - Ấn tượng nghệ thuật hình ảnh song cảm xúc dần nhạt nhòa

(Ảnh: IMDb)

Đạo diễn Vương Gia Vệ mang lại một câu chuyện đậm nét Á Đông với khung màu trầm tuyệt đẹp với các ngôi sao như Lương Triều Vỹ, Chương Tử Di. Một câu chuyện không cường điệu và khích lệ tinh thần yêu nước nhiều như bộ 3 tác phẩm của Chân Tử Đan nên người xem cũng có thể đôi chút nhàm chán. Diệp Vấn của Lương Triều Vỹ phù hợp với các khán giả chuộng dòng phim nghệ thuật hơn. Các pha hành động biểu diễn võ thuật trong phim cực kì mãn nhãn và đẹp mắt, nhưng cảm xúc mà chúng mang lại thực sự không được mạnh mẽ. Các pha slow motion khá thừa thải và làm người xem bớt hào hứng hơn.

Diệp Vấn Tiền Truyện và Diệp Vấn: Trận Chiến Cuối Cùng - Gần như không tạo được sức hút với khán giả đại chúng

(Ảnh: IMDb)

 

Đạo diễn Khâu Lễ Đào thực hiện 2 tác phẩm về sư phụ Diệp Vấn với câu chuyện về thời niên thiếu tại Phật Sơn và phần 2 về cuộc sống khó khăn của ông tại Hồng Kông. Sự mãn nhãn, hoa mỹ của các pha hành động trong 2 bộ phim này không bằng các tác phẩm kể trên. Kịch bản cũng không tạo được điểm nhấn nên 2 phần phim này không gây được ấn tượng mạnh đối với khán giả. Điểm nổi bật của 2 tác phẩm là sự xuất hiện của Diệp Chuẩn - con trai của sư phụ Diệp Vấn và sự diễn xuất của diễn viên gạo cội Huỳnh Thu Sinh mang đến một hình tượng Diệp Vấn thực tế hơn.

Lời kết

Nhân vật sư phụ Diệp Vấn, huyền thoại võ thuật của Trung Quốc xuất hiện trên màn bạc để kéo khán giả tới rạp thưởng thức và như nhắc họ về những giá trị văn hóa xưa cũ tuyệt mỹ. Các bộ phim trên ra đời vào thời điểm mà các phim về võ thuật, kiếm hiệp Trung Quốc ngày một ít đi. Thế nên chúng gần như là độc nhất vô nhị. Không phô trương kĩ xảo quá đà, không hiện đại máy móc khô khan. Các bài học về làm người, các giá trị chân – thiện – mỹ được khán giả thưởng thức và say đắm theo từng chiêu thức.