Một nước cờ thông minh giúp Nhà Chuột ngày càng ghi điểm trong mắt khán giả.
Nhắc tới Disney, phần lớn khán giả sẽ nghĩ ngay đến hãng phim hoạt hình nổi tiếng khắp toàn cầu. Hoạt hình của Disney nhanh chóng được nhiều người biết đến vì dựa trên một cốt truyện cổ tích, thần thoại mà qua tay các biên kịch hoạ sĩ, câu chuyện ấy trở nên đẹp như mơ và luôn có một kết thúc có hậu.
Trước đây, các nàng công chúa Disney như Lọ Lem, Bạch Tuyết, Công chúa ngủ trong rừng... thường được khắc họa với hình ảnh chân yếu tay mềm, bánh bèo, gặp khó khăn chỉ biết khóc lóc chờ hoàng tử hoặc các bà tiên đỡ đầu xuất hiện và cứu rỗi. Thời bấy giờ, khi các phong trào nữ quyền/bình đẳng giới chưa lên ngôi, phái nữ luôn được mệnh danh là phái yếu, điều quan trọng nhất trong cuộc đời họ chính là chờ một đấng phu quân tới rước về một tổ ấm mới và quây quần trong bếp núc. Bởi ảnh hưởng từ các phim hoạt hình này mà khi nhỏ, nhiều bé gái thường mơ đến một bạch mã hoàng tử cầu hôn, giải thoát bản thân khỏi những rắc rối và sống trong nhung lụa.
Tuy nhiên, thời thế thay đổi, phái yếu chứng tỏ được vị thế và bắt đầu thoát khỏi hình ảnh yếu đuối. Phụ nữ ngày nay ngoài chuyện bếp núc ra còn có thể hoàn tất các công việc ngoài xã hội. Hơn nữa, họ còn tự lo cho bản thân một cuộc sống sung túc thay vì phụ thuộc vào một người đàn ông. Và như thế, hình ảnh một nàng công chúa chỉ biết ngồi khóc trong vô vọng hoàn toàn không còn phù hợp, nhất là ở mặt giáo dục. Phim ảnh là một hình thức giáo dục gần gũi với trẻ em và việc cứ nhồi nhét các bé gái tư tưởng phải trông chờ vào một phép màu đang dần đi ngược lại với sự phát triển của xã hội.
Disney đã vô cùng thông minh trong việc vắt sữa thành công các thương hiệu điện ảnh. Thay vì thực hiện các phần phim tiếp theo trong vô vọng, các nàng công chúa Disney bắt đầu hoá thành người thật qua các bộ phim live action và trở nên bớt vô dụng hơn. Bên cạnh đó, các nàng công chúa từ các phim hoạt hình hiện nay như Công chúa tóc mây, chị em Elsa và Anna, cô bé Moana ham phiêu lưu, Tiana... đã không còn quá phụ thuộc vào một vị hoàng tử mà chính các nàng mới là người quyết định số phận.
Một yếu tố khác giúp Disney được đánh giá cao hơn chính là nội dung. Thay vì cứ nói mãi một chuyện tình đẹp như mơ tới mức siêu thực giữa hoàng tử và công chúa, Disney cùng Pixar dần khai thác các yếu tố tình cảm gần gũi khác như tình mẫu tử thiêng liêng trong Brave hay live action Maleficent, tình chị em của Elsa và Anna trong Frozen mới chiến thắng được bão tố trong lòng Elsa, thay vì để Anna kết hôn với một hoàng tử mới gặp lần đầu. Chưa kể cô thỏ Judy trong bộ phim hoạt hình Zootopia đoạt giải Oscar - đây là bộ phim đề cao bình đẳng giới, nhân quyền... rõ ràng nhất với những thông điệp liên quan đến chủng tộc và các định kiến độc ác lâu đời.
Nhà Chuột cũng khá táo bạo khi sẵn sàng đá đểu chính họ trong các phim hoạt hình sau này. Họ không ngần ngại troll và dìm chính những quy tắc cũ kỹ của thế hệ đi trước trong cùng công ty. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua trailer Ralph Breaks the Internet: Wreck-It Ralph 2 (Ráp-phờ Đập Phá 2: Phá Đảo Thế Giới Ảo). Trong phần 2 của Wreck-It-Ralph, Ralph và Vanellope đột nhập thế giới Internet, quậy tưng bừng nơi đây. Sau khi Vanellope yêu cầu được đưa đến một nơi "super intense and nuts" - tạm dịch: thật điên, thật dữ dội, cô bé và Vanellope được đưa đến trung tâm của Disney.
Ngay khi đến nơi đây, cô bé Vanellope đảo mắt chán nản khi lạc vào thế giới của những công chúa, phản ánh thái độ ngán ngẩm của khán giả cứ giữ khư khư định kiến ẻo lả dành cho Disney. Và Nhà Chuột đã có một động thái đáp trả vô cùng hài hước. Tuy bước vào căn phòng mà các nàng công chúa đang chải chuốt cho nhau, Vanellope nhanh chóng bị các công chúa bao vây, thậm chí nàng Lọ Lem liễu yếu đào tơ ngày nào còn dám đập vỡ chiếc giày pha lê và chĩa vào đe doạ cô bé. Các biên kịch còn lầy lội tới mức đưa ra những câu hỏi xác nhận thân phận công chúa mà các nàng váy xoè dành cho Vanellope như “Em có mái tóc ma thuật không? Hay bàn tay thần kỳ? Động vật có nói chuyện với em không?” Tưởng chừng như Vanellope không đủ tiêu chuẩn nhưng với câu hỏi của Rapunzel: "Mọi người xung quanh em có cho rằng chỉ cần một anh chàng cao to xuất hiện thì mọi vấn đề của em sẽ được giải quyết hay không?", cô bé gật đầu và tất cả đều khẳng định Vanellope là một công chúa.
Không phải đến bây giờ mới xuất hiện các nàng công chúa với phong cách thế hệ hiện đại. Ngay từ những năm cuối thế kỷ trước, Disney cũng manh nha các bộ phim về sự trỗi dậy của các nàng công chúa, cụ thể là nàng Pocahontas và nàng Hoa Mộc Lan can trường dám đấu tranh từ chiến trường đến những buổi ngoại giao vì mảnh đất quê nhà. Tuy nhiên, việc ra mắt trong thời điểm mà nạn phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới đang tồn tại quá mạnh mẽ, khán giả chỉ nhớ tới những nàng công chúa mắt xanh, tóc vàng, da trắng và quên đi Disney thật sự có những nàng công chúa đa sắc tộc khác. Điều này thật sự không công bằng với Nhà Chuột tẹo nào.
Tuy đề cao các nhân vật nữ nhưng không vì thế mà các chàng trai của chúng ta bị bỏ quên. Trong một phim mà nhân vật nữ là ngôi sao chính của phim, kề bên nàng là một chàng phụ tá lanh lợi, hữu ích thay vì các anh hoàng tử bóng bẩy. Cái hay của Disney là tận dụng những nhân vật nam không phải hoàng tử, giúp các bé nhận thức rằng, những người thân bên cạnh mình, hoặc một ông chú cao to xăm trổ (trong Moana) có thể là người tốt và là người bạn đồng hành chất lượng hơn một người đẹp mã xa lạ nào đó.
Cái kết trong các bộ phim hoạt hình Disney vẫn luôn có hậu, nhưng thay vì công chúa phải cưới hoàng tử để trả ơn, các nàng có quyền lựa chọn tiếp tục đồng hành với người bạn đó hoặc tự bước tiếp trên con đường riêng. Một điều đáng hoan nghênh và điểm 10 trân trọng trao cho Nhà Chuột.