Bạn có đang cảm thấy cô đơn không? Một câu hỏi mà chẳng ai muốn thừa nhận câu trả lời là có. Cô đơn luôn là một điều gì đó đáng sợ, người ta cố gắng né tránh nó bằng những cuộc vui, những cuộc gặp mặt chốc lát. Vậy nhưng lại có những người khắc họa nỗi cô đơn ấy đẹp đẽ lạ thường, đấy là Vương Gia Vệ.
Mỗi thước phim của Vương đều có vẻ man mác buồn, cô đơn và lẻ loi. Gã đàn ông và người phụ nữ cô đơn trong chính tình yêu hôn nhân trong Tâm Trạng Khi Yêu, những con người thất tình, va vào nhau trong Trùng Khánh Sâm Lâm. Và đến Đọa Lạc Thiên Sứ, nỗi cô đơn ấy như lan tỏa và bao trùm cả tác phẩm, nhiều nhân vật, nhưng mỗi người lại sống trong nỗi niềm riêng.
Câu chuyện thứ nhất kể về gã sát thủ tên Ming cô độc sống và làm việc với những quy tắc của mình. Cô đối tác của gã cùng một cô nàng Tóc Vàng say mê và dành tình yêu mãnh liệt đến Ming, nhưng Ming từ chối và né tránh tất cả, để rồi cả ba đều đau khổ và cô đơn.
Câu chuyện thứ hai xuất hiện một tên tội phạm bị câm, một kẻ cố bám víu vào xã hội nhưng bị hắt hủi và trốn tránh. Tinh yêu va vào gã trong một khoảnh khắc tình cờ, tiếc là người gã yêu lại đang mải mê với hình bóng khác. Rồi khi gặp lại tình yêu của đời mình một lần nữa, cô ta chẳng hề nhớ gã câm này là ai.
Những biểu hiện chân thực nhất của người cô đơn được diễn tả chân thật và đầy nghệ thuật qua từng thước phim trong Đọa Lạc Thiên Sứ.
1. Sống về đêm
Thưởng thức xong tác phẩm, hẳn bạn sẽ chú ý một chi tiết đặc biệt rằng hầu hết mọi cảnh quay trong Đọa Lạc Thiên Sứ đều là về buổi đêm. Sát thủ Ming làm việc về đêm, cô đối tác sang nhà anh dọn cũng vào đêm, anh tội phạm câm cũng bắt đầu hành động của mình vào thời điểm đó. Tất cả chẳng phải là ngẫu nhiên. Đạo diễn họ Vương muốn dành sự quan tâm đến những phận đời, những con người bên rìa số phận, không một ai quan tâm. Nơi họ đang xoay sở với cuộc sống quẩn quanh của bản thân.
Màn đêm là bạn của những nỗi cô đơn. Ban ngày ta có thể trưng cho cả thế giới dáng vẻ yêu đời và năng lượng và nhiệt huyết, nhưng khi đêm về, khi chỉ còn lại một mình, là lúc ta đối diện với bản thân và ôm lấy nỗi cô đơn. Tâm trạng nhất vào đêm, nghĩ nhiều nhất vào đêm chính là biểu hiện đầu tiên của nỗi cô đơn.
2. Sống trong thế giới riêng
Xuyên suốt Đọa Lạc Thiên Sứ chẳng có mấy lời thoại, phần nhiều là lời dẫn của nhân vật chính, đôi lúc họ giao tiếp với nhau, nhưng đó là những đoạn đối thoại rời rạc, thiếu sự kết nối, cứ như thể họ mượn sự đối thoại để tự độc thoại với chính mình vậy.
Các nhân vật đứng gần nhau, nhưng mỗi người lại phiêu lưu với những suy nghĩ trong đầu mình. Không ai hiểu họ, họ cũng chẳng hiểu những người xung quanh. Rốt cuộc thì, đâu mới là thế giới dành cho người cô đơn?
3. Thiếu vắng cảm giác yêu và được yêu
Nếu hỏi những người cô đơn, phần lớn sẽ thừa nhận muốn yêu và được yêu nhiều như thế nào. Chỉ là, thời chưa đến, tình chưa tới nên là chấp nhận một mình vậy thôi.
Bởi vì cô đơn nên họ thiếu thốn và thèm khát cảm giác yêu đến cuồng nhiệt. Cách yêu của từng nhân vật trong Đọa Lạc Thiên Sứ cũng khác nhau. Cô đối tác yêu một bóng hình mãnh liệt dù chẳng gặp mặt, nàng Tóc Vàng yêu Ming mãnh liệt dù biết mối quan hệ chẳng đi đến đâu, Ming thiếu vắng tình yêu và lao vào những cuộc tình tình cờ rồi rốt cuộc vẫn chọn làm bạn với cô độc, chàng câm thì cứ hoài vọng tưởng về một người chẳng dành cho mình.
Hơn ai hết, những người cô đơn mới là người khao khát và tìm kiếm tình yêu mãnh liệt nhất. Vậy nhưng, hành trình dài tìm kiếm, người chạy theo tình, người trốn cuộc tình, chẳng ai trong số các nhân vật tìm được một nửa phù hợp của mình. Và như một quy luật, họ lại tiếp tục bầu bạn với cô đơn.
4. Đẩy mọi người ra xa mình
Dù vô tình hay cố ý, những người cô đơn đều đang đẩy mọi người ra thật xa mình. Xem đến những phân đoạn anh chàng câm lôi kéo người khác thực hiện dịch vụ kinh doanh của anh, khán giả vừa buồn cười lại vừa chua xót.
Anh chàng câm mất mẹ từ nhỏ, từ bé đến lớn chỉ luẩn quẩn cùng cha. Không thể nói chuyện, cách mà chàng giao tiếp với thế giới cũng kỳ quặc và khác thường. Vậy nhưng cứ khi anh muốn kéo mọi người lại gần với mình, thì họ lại đẩy anh ra thật xa. Ta bất giác bật cười khi chàng ép một người lạ phải gội đầu, đè tên ăn xin ra giặt quần áo, ép cả một gia đình người đàn ông ăn ngốn ăn nghiến cả tấn kem. Nhưng ẩn sau hành động bi hài đó, là một con người đang cố gắng níu kéo sự chú ý của xã hội về mình. Vậy nhưng ai cũng rời đi khỏi cuộc đời của anh mặc cho anh níu giữ, từ người cha cho đến mối tình đầu đầy vương vấn.
Ngược lại với đó là gã sát thủ Ming. Dù đến hai cô gái yêu gã mãnh liệt, Ming vẫn dứt khoát né tránh, đẩy tất cả ra thật xa cuộc sống của mình. Chẳng phải do anh lạnh lùng, chỉ là cảm giác tự ti, chẳng rõ bản thân, chẳng biết mối quan hệ đó rồi đây sẽ như thế nào. Sự quy tắc, quen sống một mình với nỗi cô đơn ngự trị đã khiến gã cự tuyệt với cả thế giới. Để rồi trong chuyện tình tay ba này, tất cả đều bị tổn thương, chẳng một ai hạnh phúc.
Suy cho cùng...
Sự cô đơn của những nhân vật trong phim đồng thời cũng là nỗi cô đơn thời đại. Mất phương hướng, bế tắc trong việc tìm kiếm giá trị và bản thân là tình trạng mà ai cũng trải qua trong đời, ở bất cứ giai đoạn nào trên hành trình sống. Đọa Lạc Thiên Sứ kể về những người cô đơn, nhưng bộ phim không chỉ bao trùm bằng gam màu u tối. Kết thúc mở của Đọa Lạc Thiên Sứ hướng đến một niềm hi vọng, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi, rằng mọi điều phía trước vẫn đáng để chờ đón.