Dr. Strange có màu sắc phương Đông khi khai thác những khung cảnh Nepal, Hong Kong. Nhưng hơn hết, nó là một bộ phim khắc họa con đường “đắc đạo” của một người trong cuộc đời của mình.
Phải nói là tôi rất thích cách làm film của Marvel và Disney: bài học của phim được diễn đạt hợp lý kết hợp với sự chỉn chu, tinh tế trong từng chi tiết nhỏ. Sự tài tình dễ thấy nhất của họ chính là ở khâu casting: Một Benedict Cumberbatch “chuyên trị” vai thiên tài cao ngạo, một Mads Mikkelsen với những vai ác nhân “máu lạnh”, và cả Tilda Swinton với đôi môi như luôn muốn nói một điều gì đó để rồi bị chặn lại. Tiếp theo đó là những cảnh quay ảo hết mức có thể, được hỗ trợ bởi nền nhạc hoành tráng và réo rắt, mở rộng hết cỡ trí tưởng tượng của khán giả.
Nếu nhắc đến hạn chế, thì đó là Dr Strange vẫn chưa thoát khỏi cái vỏ PG-13 để khai thác thêm nhiều yếu tố mới. Và với một khán giả có bệnh về mắt, thì bộ phim sẽ hơi khó xem do yếu tố ‘ảo lòi’ của nó.
Và như đã nói ở trên, điểm cộng lớn nhất là sự truyền tải thông điệp của phim. Khi xem hành trình của Dr Strange, bạn sẽ thấy rất quen thuộc vì mô típ “làm lại từ đầu” vốn rất quen thuộc trong tiểu thuyết võ hiệp: một hiệp khách tài giỏi gặp biến cố (bị đầu độc/ bị té xuống vực/ bị phế võ công…) nhưng rồi bằng ý chí, vị hiệp khách đó gặp cao nhân/ tìm được bí kiếp/ uống phải thần dược…mà trở nên mạnh mẽ hơn, và quan trọng hơn, là tìm được “Đạo”- con đường của mình.
Dr Strange khai thác mô típ đó ở một mức cao hơn: Stephen Strange là một bác sĩ, một nhà khoa học, nhưng rồi một tai nạn cướp đi đôi tay tài năng của anh lẫn sự bình tĩnh cần có. Kẻ hoàn hảo giờ đã đầy khiếm khuyết, phải chấp nhận làm một điều cực kì khó khăn: quên đi những gì đã đem đến vinh quang cho mình (tri thức vốn có), mà bước đi trên con đường đòi hỏi một cái giá tối thượng: lòng tin vào tinh thần con người, những thứ mà ông ta vốn chưa từng thấy. Vậy Stephen Strange đã đạt đến “Đạo” của mình nhờ vào điều gì? Phải chăng là trí tuệ giúp ông trở thành bác sĩ và pháp sư tài ba? Hay là sự giác ngộ vào lúc ông nghe lời tự thú của bậc thầy truyền dạy cho mình? Hay khi ông quyết đi cứu cứ điểm cuối cùng? Không, ông đạt được Đạo từ tất cả mọi quyết định trong đời mình: quyết định đi tầm sư học đạo, nỗ lực rèn luyện, và cả những hành động vô thức như nhảy ra can ngăn tên ác nhân đang định giết người bảo vệ cứ điểm New York. Từng hành động nhỏ, như những con suối hòa thành một nguồn, tạo nên hình hài Pháp sư tối thượng vĩ đại đến sẵn sàng hi sinh tất cả để cứu thế giới. Những bạn trẻ hãy đi xem Dr Strange và hiểu rằng thế giới này với những biến cố của nó vốn rất tàn nhẫn, thứ duy nhất đem bạn qua bóng tối chính là bản ngã, là tâm thế kiên cường của chính bạn, thể hiện qua những hành động nhỏ nhất mỗi ngày.
Một điều tôi hài lòng khác ở Dr Strange là: tuy chưa đủ “bạo tay”, nhưng bộ phim cũng đã dám bứt phá, cho một nhân vật chết thực sự, bởi vì sự giác ngộ của một cá nhân đôi khi đòi hỏi một cái giá vô cùng đắt.