Có một điều mà cứ hễ mỗi lần viết về phim Hàn là tôi đều lặp lại: điện ảnh Hàn thật sự đã bỏ rất xa mảng truyền hình rồi. Mỗi ngày đều có rất nhiều bạn phát sốt vì những bộ drama Hàn Quốc, vì rất nhiều lý do. Tôi không xem phim truyền hình nhiều nên không muốn lạm bàn. Chỉ thấy đáng tiếc vì có rất nhiều tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc rất hay nhưng lại bị bỏ rơi.
Hầu hết những phim điện ảnh Hàn chiếu ở Việt Nam (trừ Train to Busan vì được quảng bá nhiều) đều không sớm thì muộn sẽ rơi vào "lãnh cung". Đến nỗi những phim Hàn của CGV phát hành gần như chắc chắn có chung một số phận là "sẽ được chiếu với giá 30k". Bản thân tôi cũng là người bỏ 30k ra để xem Vòng Xoáy Tội Ác hồi năm ngoái và sau khi xem xong có cảm giác như mình đang bạc đãi công sức của những người đã làm nên bộ phim vậy. Thế nên những phim điện ảnh Hàn sau đó tôi luôn đi xem ngay khi có thể. Và những Mình Thích Nhau Đi, Chạy Đâu Cho Thoát, Xác Chết Bí Ẩn, Thám Tử Gà Mơ, Himalayas, v.v.. gần như không một phim nào khiến tôi thấy phí tiền.
Không phủ nhận điện ảnh Hàn có một nhược điểm rất lớn đó chính là "quá mello". Phim nào cũng mello, từ phim tình cảm đến phim trinh thám. Nhưng đó cũng chính là đặc trưng của họ. Chẳng phải khán giả ngày xưa rất thích xem phim truyền hình Hàn Quốc dù phim nào cũng ung thư mà chết đó sao? Điện ảnh của họ cũng vậy. Muôn vạn đề tài, trăm ngàn câu chuyện nhưng họ luôn biết cách thao túng cảm xúc của người xem. Đây cũng là điều đã làm nên thành công của Train to Busan, khiến tất thẩy mọi người đều công nhận Hàn Quốc có thể làm phim về zombie theo một cách rất Hàn Quốc.
Đoạn mở đầu dài dòng trên cốt chỉ để chốt lại một ý ngắn gọn: hãy ra rạp để xem Đường Hầm - The Tunnel (phim này Lotte phát hành, không chắc có vé 30k về sau không nên nếu muốn hãy tranh thủ nhé).
Cách đây 2 năm, Hàn Quốc từng có một bộ phim làm khuynh đảo Liên hoan phim Cannes là A Hard Day của đạo diễn Kim Sung Hoon. Bộ phim nhận được khen ngợi nhiệt liệt từ giới phê bình khi chiếu lần đầu tại Cannes, sau đó được đề cử vào hàng loạt các giải thưởng khác nhau và chiến thắng tổng cộng 16 hạng mục ở nhiều giải thưởng lớn nhỏ, trong đó có đến 4 giải "Đạo diễn xuất sắc". The Tunnel chính là bộ phim mới nhất của vị đạo diễn tài ba này. Sau những thành công mà A Hard Day đã làm được, khán giả sẽ không thất vọng với The Tunnel.
Phim mở đầu bằng cảnh nhân vật chính - Lee Jung Soo - trên đường lái xe về nhà. Anh ghé vào một trạm xăng và gặp chút rắc rối với ông lão nhân viên khiếm thính. Vì ông lão không nghe rõ nên đã đổ đầy bình xăng cho Jung Soo thay vì 30 đô như anh yêu cầu. Có chút bực dọc nhưng Jung Soo cũng ngậm ngùi trả tiền cho đúng lượng xăng đã đổ, đồng thời nhận hai chai nước tặng phẩm của trạm rồi tiếp tục về nhà. Khi anh chạy vào đường hầm nối liền Seoul và thành phố mới Hado (vì mới khánh thành nên giao thông trong hầm cực kì vắng) thì gặp một trận lở núi khiến căn hầm bị sụp. Anh may mắn thoát chết nhưng kẹt cứng giữa đường hầm với chiếc xe hơi hư hại, hai chai nước, cái bánh kem mừng sinh nhật con gái cùng chiếc điện thoại còn 78% pin. Phần sau thì như các bạn đã biết, là nỗ lực của Jung Soo và phía cứu hộ để mang anh ra khỏi đường hầm.
Vì được chiếu sát ngay sau Train to Busan, cả hai phim đều dính đến giao thông (tàu điện ngầm - đường hầm) và đều là những cuộc thoát thân nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi những so sánh từ khán giả. Điểm yếu của The Tunnel so với Train to Busan chính là không có những kịch tính liên tục ở bề mặt và những bối cảnh linh hoạt. Train to Busan đánh vào nỗi sợ khiến bạn phải bỏ chạy, còn The Tunnel khai thác sự sợ hãi xung quanh khi bạn không thể làm được gì. Hai phim gần như tách bạch về thể loại (giống như hai kiểu phim kinh dị) nhưng chắc chắn sẽ có những so sánh nên chỉ muốn đề cập sơ qua.
Kịch bản của The Tunnel rất tốt. Thứ nhất bởi vì nó được chuyển thể từ một quyển tiểu thuyết cùng tên của So Jae Won và được chính đạo diễn Kim Sung Hoon chấp bút. Có cảm giác như Kim Sung Hoon hiểu rất rõ điểm mạnh của mình nên những tình tiết xuất hiện trong phim được giải quyết rất thông minh và đúng chất của anh. Ai từng xem A Hard Day hẳn vẫn còn thích thú cái cảm giác rất cân bằng mà phim mang lại. The Tunnel vẫn giữ được cái hay đó. Cân bằng ở đây chính là sự không lên gân ở tất cả các phân đoạn. Những mảng miếng cảm xúc được phân bổ đồng đều vào mạch phim, không gây ngộp ở bất kì đoạn nào và cũng nhờ vậy mà phim không quá mello.
Ở phần đầu, khi Jung Soo mới bị kẹt trong hầm, không khí chủ đạo là hài hước kiểu thoải mái, không quá đà. Những tình tiết đều mang lại cảm giác lạc quan dù sự thật chẳng lạc quan nổi. Sau đó khi mạch phim đi sâu hơn, nhiều nhân vật xuất hiện hơn thì nhiều điểm nội nội dung khác cũng dần được hình thành. Càng về sau, phim càng thể hiện rằng nội dung của nó không chỉ đơn thuần là thoát chết khỏi một tai nạn mà còn là những câu chuyện nhức nhối về các cấp lãnh đạo của một nhà nước, về những công trình xây dựng bị rút ruột để vào túi riêng, về giá trị mạng sống của một con người. Phim như được chia ra thành nhiều hồi với đầy đủ mọi cấu tứ rất cuốn hút, như một tấm lưới được đạo diễn giăng ra từ từ, để càng về cuối phim bạn sẽ càng thấy hồi hộp dù bạn nghĩ chắc rằng thế nào anh này chả được cứu.
Ngoài sự cân bằng về cảm xúc, phim còn có cả sự cân bằng về thực tế. Bạn sẽ không thể nghiêng hẳn về một bên nào chỉ bởi vì bạn cảm thấy tội nghiệp cho anh chàng đang mắc kẹt trong đường hầm kia. Cách đạo diễn - biên kịch đưa vào những tình tiết để tạo ra xung đột, giải quyết xung đột đều hết sức bình tĩnh và khách quan. Tự khắc bản thân bạn sẽ phải đặt câu hỏi cho chính mình, ở từng nhân vật, xem nếu là họ bạn có làm như họ không. Tôi tin chắc là bạn sẽ không có những lựa chọn khác, vì thế mà dù phim không đẩy mạnh sự bi kịch hay tang tóc, không dùng nước mắt để bắt khán giả cảm động, bạn vẫn cảm thấy chua chát. Mọi thứ trong The Tunnel đều cân bằng là vì thế.
Nam diễn viên Ha Jung Woo trong vai Lee Jung Soo đã thể hiện rất xuất sắc vai trò của mình. Không có những đoạn cần phô diễn kĩ năng hành động gây khó khăn, điều mà Ha Jung Woo làm tốt chính là cơ mặt và tâm lí nhân vật. Anh hoàn toàn lột tả được nhiều sắc thái của Jung Soo trong rất nhiều hoàn cảnh. Lúc cố gắng lạc quan để trấn an vợ, lúc tỏ ra nhẫn nhịn tươi cười với cô gái trong hầm, lúc giành ăn với chú chó nhỏ, hay cả lúc anh lấy hết can đảm để uống nước tiểu của mình. Gần như mọi phân cảnh Ha Jung Woo đều nhập vai rất chuẩn.
Bên cạnh đó, Oh Dal-Su trong vai người cứu hộ Dae Kyung cũng không kém cạnh. Từng đóng qua nhiều loại vai và hình như chẳng vai nào làm khó được anh. Cái nét mộc mạc lơ ngơ rất đặc trưng trên gương mặt của Oh Dal Su được anh biến hóa linh hoạt vào mọi vai diễn. Tin chắc khán giả sẽ rất quý anh cứu hộ nhiệt thành nhưng hơi ngây thơ trong The Tunnel.
Cá nhân tôi thì rất thích vai diễn của chú chó pug. "Nhân vật" này không chỉ là điểm thú vị để liên kết Jung Soo với con gái mình mà còn là một "người bạn" đồng hành vô cùng đáng yêu trong công cuộc sống sót dưới đường hầm tối, là điểm sáng giúp cho khán giả không quá căng thẳng (dù cá nhân tôi luôn lo sợ không biết khi nào con chó sẽ bị đá đè chết). Đây cũng là một minh chứng cho thấy cách đạo diễn Kim Sung Hoon xây dựng và giải quyết tình huống rất độc đáo.
Những điểm hạn chế trong The Tunnel vẫn có. Tất nhiên, làm gì có phim nào chỉ hay từ đầu đến cuối. Nhưng suy cho cùng vẫn là những điểm lặt vặt có thể bỏ qua. Bản thân tôi nhận thấy cách giải quyết mọi vấn đề trong đoạn cuối vậy là quá ổn, đạo diễn vận dụng rất linh hoạt các chi tiết nhỏ của mình để "dĩ hòa vi quý" mọi xung đột, khiến phim không bị thừa. Nhưng thực chất ai nấy đều hiểu rằng những vấn đề ấy luôn luôn tồn tại, không chỉ ở Hàn Quốc mà bất kì quốc gia nào. Đặc biệt nếu có phiên bản làm lại ở Việt Nam hẳn là phim sẽ không được duyệt mất. Đùa thôi.
Rất xứng đáng để trải nghiệm đó.