Từng có một bộ phim như thế này. Màn cao trào diễn ra với một trận đua xe hoành tráng, mục tiêu phải ngăn chặn là một phản diện hiểm ác đang đóng quân ở Bắc Cực. Đồng hồ trên vũ khí hủy diệt đang đếm ngược. Còn người hùng của chúng ta đang đua nhau trên những chiếc xe cổ điển được chỉnh sửa đến lố bịch, còn xe của kẻ địch thì đang nã tên lửa như điên. Đó là cảnh tượng của Die Another Day – bộ phim được xem là phần phim James Bond tệ nhất mọi thời đại với sự tham gia của Pierce Brosnan (Bond) và Halle Berry vào vai Bond Girl.
Nhưng những chi tiết này cũng được lặp lại trong phần 8 của The Fast Saga, khi Dom và đồng bọn phải đối mặt với một tàu ngầm hạt nhân trên đất Nga. Điều khác biệt là trong The Fate of the Furious, phân đoạn này lại đem lại thành công cho nó, trong khi Die Another Day thì thất bại. Chi tiết này lại lặp lại ở phần 9, thành công hay không thì chưa biết được. Nhưng phần 8 đã cho đề ra các chi tiết lý giải thành công của Fast & Furious.
Chi tiết cô đọng bạn cần biết là Die Another Day nghĩ rằng nó là một phim thông minh. Ngay khi Bond, với hết vẻ ngầu và cao ngạo thường thấy, nhấn nút để lật ngược chiếc xe của mình lại rồi mới né tên lửa đã cho thấy sự màu mè trong một phân đoạn hành động “quá lố” làm bộ phim trở nên thật ngu ngốc, làm việc xem phim không khác gì nghe một người mù âm nhạc hát karaoke và tưởng họ là ngôi sao.
Trong Fate of the Furious vẫn có cảnh đua xe né tên lửa còn lố bịch hơn – khi Dom nằm trong tầm ngắm của tên lửa tìm nhiệt. Anh ta phi xe của mình qua khỏi tàu ngầm hạt nhân và qua khỏi một vụ nổ. Nhưng ngay cả bản thân của The Fast Saga cũng nhận thức được rằng nó không phải là phim thông minh gì cho cam và nó hoàn toàn chấp nhận điều đó, rồi biến nó thành thế mạnh, như thể việc dùng chân đổi hướng một quả ngư lôi. Thông điệp đến phần thứ 8 của The Fast Saga đã rõ ràng – lố bịch là điều nó làm tốt nhất.
Nên khi phần thứ 9 của phim được ra mắt với việc Dom (Vin Diesel) sử dụng dây cáp để nhảy qua một vực núi, người xem như được báo trước tính ngốc nghếch của nó đang chờ đợi ở phía trước. Thật tình mà nói, một bộ phim lố bịch không có nghĩa nó không mang tính nghệ thuật. Cần một tay nghề rất vững chắc để làm một bộ phim có thể được mô tả là hoàn toàn “mất não”. Phần hình ảnh cũng cần chú ý và đầu tư không kém gì phần hành động. Trong khi các bộ phim “thông minh” thực sự thể hiện câu chuyện của nó vô cùng tinh tế và tế nhị trong chi tiết, một bộ phim mất não thì hoàn toàn ngược lại với tính phô trương hoành tráng và đỏm dáng. Những bộ phim như thế này dựa rất nhiều vào các kiểu nhân vật điển hình tràn lan trong thể loại của nó. Bạn có thể nhớ đến Con Air của Nicholas Cage, lố bịch nhưng rất tuyệt vời để xem. Sau đó là thương hiệu Mission Impossible, cũng có sự phi lý dai dẳng từ phần 1 đến phần 6 Fall Out (2018), trừ phần 2 – phần đó thì dở tệ.
Một điều mà Fast & Furious làm đúng là một bộ phim không não phải nhanh, gãy gọn, đơn giản và dồn dập. Đó cũng là lý do 2 Fast, 2 Furious thất bại với cốt truyện lê thê và nhịp phim dàn trải. Chỉ đến khi mùa 5 xuất hiện, khi Fast 5 diễn giải vụ trộm với những chiếc xe kéo theo một két sắt nặng đến đơn vị tấn đối đầu với Dwayne Johnson, The Fast Saga bước qua trang mới.
Sự kết hợp năng nổ không thể ngăn cản của Johnson và Diesel đã mang đến cho thương hiệu một động lực mới. Càng tiến về phía trước từ thời điểm đó, những phần phim Fast càng dồn dập hơn, cũng ngày càng rời xa rời thực tế, càng ngớ ngẩn hơn nữa.
Nếu vụ cướp của Mission: Impossible kịch tính đến mức bạn không thể rời mắt khỏi màn hình vì sợ sẽ lỡ mất tính tiết nào, thì phi vụ trong Fast 5 quá lố đến mức không thể tin được. Thay vì mở két sắt, Dom và đồng bọn giật nó khỏi hầm của ngân hàng và biến nó thành một công cụ san bằng các xe cảnh sát đuổi theo họ khắp những con phố của Rio. Điều mà khoa học chứng minh là không thể. Bỏ Tom Cruise vào Trung Đông, chúng ta được chứng kiến anh ta phải chật vật leo tòa tháp cao nhất thế giới với những khó khăn có cơ sở ở thực tế. Còn nếu bỏ Vin Diesel vào Trung Đông, chúng ta lại được thấy màn bay xe siêu thực từ tòa nhà này sang tòa nhà kia – một lần nữa, không thể làm trong thực tế. Nhưng quan trọng là các phân đoạn thế này hiệu quả với phim trong The Fast Saga.
Nó không ngại phô bày sự không tưởng không chút xấu hổ, nên việc chỉ trích các lỗ hổng kịch bản hay các phân cảnh lố bịch không khác gì bảo biệt đội Looney Tunes vi phạn luật bóng rổ NBA trong Space Jam – chẳng có ích gì và thật hiển nhiên. The Fast Saga là nơi mà Dwayne “The Rock” Johnson có thể tháo bột quanh cánh tay gãy của mình bằng cách…gồng cơ bắp lên như nhân vật hoạt hình Johnny Bravo. Die Hard không thể chơi con bài này. Nhưng Fast & Furious thì có thể và người xem còn trầm trồ thích thú với điều đó.
Hành động không não của Fast & Furious là chưa đủ. Bên cạnh đó còn là lời thoại không thể sến hơn. Không có chút chất kịch hay hùng hồn nào cả, phần lời thoại của các phim nằm trong Fast Saga chỉ có thể được diễn tả là gọn và cô đọng như mấy cái khẩu hiệu của phong trào nào đó, bao gồm cả “Lái hoặc chết!” (Ride or die), “Không ổn rồi!” (Not good!) “Hell yeah!” hay “Giống như ngày xưa” (Just like old time!). Dĩ nhiên phải kể đến những vô số biến thể từ câu nói “Tôi không có bạn, tôi có gia đình” (I don’t have friends, I got family) được thốt lên trong tông giọng trầm, sâu và nam tính như thể nó là triết lý được một nhà triết học dành cả đời để giác ngộ.
Đáng nói là nó có hiệu quả và cũng như các phân cảnh hành động, các lời thoại kiểu này khiến người xem thích thú. Chúng được đánh giá là chân thành và mộc mạc, từ học thuật trong ngữ pháp là “have” đi với chủ ngữ “I” cho đến cách nói dân dã hơn với từ “got”. Chúng không thông minh, cũng không nhất thiết là sâu sắc, nhưng chúng xuất phát từ một trái tim to lớn.
Hành động, lời thoại, hoàn toàn biết bản thân ngớ ngẩn và chấp nhận tính ngớ ngẩn đến phi logic ấy, dồn sức cho phần hình ảnh, âm nhạc để mang tính giải trí cao, Fast & Furious bắt đầu với một bộ phim hành động hạng B trở thành thương hiệu tỷ đô của Hollywood. Đây hẳn là nước đi thông minh nhất của những bộ não đằng sau The Fast Saga. Năm nào phần phim nào ra mắt là cũng kéo được người xem đến rạp. Người xem kháo nhau xem vui là chính và đúng là phim này vui thật, không cần phải động não để tìm ý nghĩa hay vật vã với plot twist. Câu hỏi đặt ra niềm vui có thể kéo dài bao lâu? Việc nào cũng có giới hạn của nó.
Thương hiệu này còn có một yếu tố quyết định thành công nữa. Rõ ràng, để công thức của Fast & Furious hiệu quả, màn bạc là thứ phải có. Màn ảnh nhỏ không thể khiến các yếu tố này phát huy tác dụng tối đa. Màn bay xe của Vin Diesel trở nên thật tầm thường trên màn hình tivi hoặc máy tính. Ngay cả khi bạn xem lại sau khi đã xem rạp, cảm giác phấn khích từ các pha hành động không tưởng cũng không trở lại.
Fast & Furious 9 vừa qua đã chứng minh giới hạn của công thức thành công củaThe Fast Saga. Người xem bắt đầu khó chịu với những màn đua xe chạy nhảy quá lố của phim, cũng như diễn xuất ngày càng hạn chế và kịch bản lặp lại qua các phần – đều là nhóm anh hùng bất đắc dĩ của Dom đi cứu thế giới. Vấn đề là họ còn siêu phàm đến độ băng qua bãi mìn mà vẫn sống sót - điều mà họa may chỉ có Captain America làm được với huyết thanh siêu chiến binh và sự giúp đỡ của FRIDAY. Những pha hành động không não kiểu này khiến người xem có cảm giác phim đang cười nhạo vào trí thông minh của họ. Nên đến một lúc nào đó, Fast & Furious cũng làm người xem chán ngán. Giải pháp duy nhất là thương hiệu này phải nhanh chóng chọn điểm dừng hợp lý cho mình.
Nguồn: Inlander