Với tôi những bộ phim hoạt hình có cây đèn bàn từng là một tuổi thơ nhỏ bé.
Chìm đắm trong vương quốc của những thứ đồ chơi biết nói.
Lang thang trong cuộc phiêu lưu của chú kiến nhỏ.
Rồi lạc vào đại dương bao la với Đi Tìm Nemo.
Hồi ấy, tôi thích lắm cái cô cá hay bị mất trí nhớ Dory. Tôi từng hỏi phim này có phần tiếp theo không. Và thời gian làm tôi quên đi mất câu hỏi của mình.
Cuối năm ngoái, tình cờ thấy một bài viết chia sẻ về Finding Dory, không hiểu sao trong tôi có một cảm giác rất khác. Dĩ nhiên giờ tôi cũng đã biết những bộ phim có cái cây đèn bàn ấy là từ xưởng phim Pixar, nơi những bộ phim hoạt hình luôn chạm tới trái tim không chỉ của trẻ em. Đôi lúc tôi tự hỏi, những đứa trẻ làm sao có thể hiểu hết những gì mà Pixar truyền tải trong những bộ phim của mình khi cả những người đã lớn, đã trưởng thành còn phải ngẫm nghĩ rất nhiều.
Mở đầu cho Finding Dory là phim ngắn Piper, bộ phim về chú chim con được mẹ mình dạy cách kiếm ăn. Tôi không biết vô tình hay cố ý nhưng khi coi xong Finding Dory, cái tôi cảm nhận được rõ nhất lại là cái điều mà ngay từ đầu Piper đã mang lại cho người xem. Cuộc hành trình tìm về cha mẹ của cô cá Dory đã làm cho nó trở nên đẹp hơn rất nhiều. Andrew Stanton đã vẽ ra một bức tranh khiến cho người xem phải theo dõi nó từng tí một nếu không muốn bỏ lỡ từng khoảnh khắc đẹp đẽ mà bộ phim mang lại. Mỗi nhân vật mà Dory hay hai cha con Merlin và Nemo gặp đều có những rét rất riêng, rất con người.
Tôi ấn tượng với hai vợ chồng cá mà Dory nhỏ gặp khi mới đi lạc. Cũng chẳng biết vì sao suốt phim luôn mong chờ gặp lại họ. Rồi họ sẽ giúp Dory tìm lại cha mẹ mình. Nhưng tới khi cuối phim cái điều tôi mong chờ đã không xuất hiện. Trước khi đi coi, tôi cũng đọc kha khá review về Finding Dory, rất nhiều bài nói về Hank, chú bạch tuộc có khả năng biến hóa ấn tượng. Người đã giúp Dory rất nhiều trong hành trình tìm cha mẹ mình. Tôi mong chờ hơn nhiều thứ mà Hank đem lại. Những câu thoại nhiều ẩn nghĩa hay một nhân vật có chiều sâu nội tâm. Tất nhiên, với một nhân vật phụ thì Hank đã là một thành công để mà biết đâu Finding Hank sẽ xuất hiện sớm vào một năm nào đó khi tôi ngoài tuổi 30.
Nếu chọn nhân vật phụ tôi thích nhất trong Finding Dory thì tôi sẽ chọn Destiny. Cô cá heo bị cận thị này làm tôi có một suy nghĩ về chính mình. Lúc mà Bailey nói sẽ làm đôi mắt cho cô và ngoài đại dương kia không có những bức tường. Với tôi đó là một lời ngỏ ý thật dễ thương mà một chàng trai dành cho một cô gái. Cái tên Destiny cũng là một thông điệp nhỏ nhoi mà chính Andrew Stanton muốn dành cho những người xem. Cuộc đời của mình là do chính bản thân mình quyết định. Mỗi con người đều có những vận mệnh riêng của mình. Chẳng ai có thể biết trước được mình sẽ làm gì. Số phận đưa ta đến với những người mà ta yêu. Đưa ta đến gia đình ta. Dù đi đâu thì ta cũng sẽ quay trở về với gia đình mình. Trở về nhà của mình. Giống như chú cá đuối Ray nói vậy, đó là bản năng của mỗi con người.
Dory đã lạc mất gia đình từ khi còn nhỏ. Với một cô cá bị chứng mất trí nhớ tạm thời thì để tìm lại được gia đình thật khó tin. Thế mà cuối cùng Dory vẫn tìm được đường về nhà mình. Từ nhỏ, cô luôn nói với mọi người cô đi tìm một cái gì đó quan trọng mà cô chẳng nhớ được. Khi nhớ ra cô liền đi tìm nó. Vì đó là Dory, cô luôn làm cái điều mình thấy đầu tiên. Đôi lúc nếu ta cứ suy nghĩ, đưa ra những phương án để phải lựa chọn. Lúc ấy ta lại chẳng thể quyết định được mình nên làm gì. Nhưng thay vì thế, cứ làm những gì nảy ra đầu tiên. Biết đâu đó lại là cách giải quyết tốt nhất. Ta vẫn cứ là ta, đừng để ta là người khác, đừng để ta phải lựa chọn theo những gì mà mọi người hay chọn. Cứ sống là mình. Làm những gì mình thích. Sống cuộc đời của chính mình để có thể ngắm nhìn những thứ thật đẹp nhất.