Chỉ còn đúng một tháng nữa, series ăn khách bậc nhất truyền hình Mỹ Game of Thrones sẽ chính thức trở lại màn ảnh nhỏ. Với việc lập kỷ lục series thắng nhiều nhất trong một đêm tại lễ trao giải Emmy tháng 9 năm ngoái (12 giải), sự trông chờ của các fan dành cho season 6 hiện đang lớn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bên cạnh sự háo hức này, cũng có không ít fan ruột của Game of Thrones đang...bồn chồn không yên. Lý do là nguyên tác của phim, bộ tiểu thuyết sử thi viễn tưởng A Song of Ice and Fire vẫn chưa được tác giả George R.R. Martin hoàn tất, và với sự kết thúc của Season 5, các diễn biến trong series Game of Thrones đã đuổi kịp tình tiết của tập tiểu thuyết xuất bản gần đây nhất. Nói cách khác kể từ season 6, mạch truyện Game of Thrones sẽ không còn lấy nguyên tác của nhà văn Martin làm cốt lõi, mà phải tự có hướng diễn biến riêng.
Nguyên tác tiểu thuyết – Cái nôi của mọi sức hút?
Với độc giả Việt, cái tên A Song of Ice and Fire dường như vẫn chưa mấy quen thuộc, mặc dù bộ sách đã được Alpha Books dịch và xuất bản từ năm 2012. Tại Mỹ, quê nhà của tác giả George R.R. Martin, chuyện tương tự dường như cũng xảy ra khi cuốn đầu tiên A Game of Thrones dù được phát hành từ tận năm 1996 và nhận được rất nhiều giải thưởng văn học danh giá, nhưng phải đến tận năm 2011 (thời điểm series chuyển thể Game of Thrones chính thức lên sóng) nó mới được nhiều bạn đọc biết đến và lọt vào danh sách bán chạy của New York Times. Thậm chí kể cả khi Game of Thrones đã trở thành series ăn khách, nhiều fan vẫn e ngại tìm mua bộ tiểu thuyết này mà chỉ muốn xem phim (khác hẳn những series kỳ ảo nổi tiếng khác như Chúa Nhẫn, Harry Potter, Biên Niên Sử Narnia,...). Lý do được cho là vì các tập sách A Song of Ice and Fire quá đồ sộ, nhiều tuyến nhân vật phức tạp thay nhau dẫn dắt và phạm vi nội dung quá rộng khiến việc theo kịp mạch truyện rất rối rắm và khó khăn.
Khi Game of Thrones lần đầu ra mắt vào năm 2011, nhiều độc giả của A Song of Ice and Fire đã khen ngợi lựa chọn chuyển thể bộ sách thành phim truyền hình nhiều tập thay vì phim điện ảnh. Họ hiểu rõ sức hút chính của Game of Thrones nằm ở diễn biến hấp dẫn, nhân vật đa tầng, những âm mưu thủ đoạn tinh vi được tác giả dày công nhào nặn suốt hàng chục năm trời. Một bộ phim điện ảnh với giới hạn thời lượng 2-3 giờ chắc chắn không thể lột tả hết diễn biến phức tạp của A Song of Ice and Fire. Còn với lựa chọn sản xuất một series truyền hình, không những cốt truyện hấp dẫn có thể được bảo toàn nguyên vẹn, mà những độc giả trước kia từng e ngại nguyên tác tiểu thuyết giờ cũng đã có một kênh dễ nuốt hơn nhiều để thưởng thức tác phẩm đặc sắc này. Thành công vang dội của season 1 đã nhanh chóng chứng minh nhận định trên là đúng. Liên tục những năm sau đó, nguyên tắc “bám sát tiểu thuyết” vẫn được các nhà sản xuất mà tiêu biểu là bộ đôi biên kịch David Benioff và D. B. Weiss triệt để áp dụng. Lần lượt các season 2 và 3 đều trung thành với nguyên tác và nhận được phản hồi rất tích cực từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả truyền hình.
Khi nội dung bắt đầu đi chệch hướng.
Dù cực kỳ hài lòng với chất lượng các season đầu, nhưng sang đến hai season 4 và 5 gần đây nhất, các fan bộ sách A Song of Ice and Fire bắt đầu cảm thấy những dấu hiệu không ổn. Đầu tiên là việc 2 gương mặt Daenerys Targaryen (Emilia Clarke) và Tyrion Lannister (Peter Dinklage) vẫn có mặt liên tục trong series hầu như không sót tập nào, trong khi ở nguyên tác thì cả hai đều vắng mặt trong suốt tập thứ tư A Feast for Crows. Tất nhiên, quyết định này của nhà sản xuất không mấy khó hiểu bởi cả hai đều là những tên tuổi lớn, đông fan giúp bảo chứng thành công cho Game of Thrones, tuy nhiên hệ quả của nó hoàn toàn có thể thấy rõ: mạch truyện của nhân vật Daenerys trong 2 season gần đây diễn biến chậm hơn nhiều so với trước đó, còn mạch truyện của Tyrion thì đã đi ra ngoài khuôn khổ nguyên tác. Một trường hợp khác cũng tương tự là hai chị em nhà Stark: Arya và Sansa. Gần như suốt season 5 Arya chỉ loay hoay trong ngôi nhà Đen Trắng (House of Black and White), làm những công việc tẻ nhạt từ tập này qua tập khác, mãi cho đến tập cuối nhân vật của cô mới có một chút tình tiết gay cấn. Còn đối với người chị Sansa, mạch truyện trong season 5 của cô bị nhiều fan thẳng thắn phê bình là thiếu hợp lý và không nhất quán, đỉnh điểm là cảnh bị Ramsay Bolton cưỡng hiếp trong tập 7 đã vấp phải phản đối dữ dội. Những phản ứng tiêu cực này không hề đáng ngạc nhiên bởi trong truyện, nhân vật Sansa vẫn đang ở ẩn tại vùng núi Vale, và toàn bộ những chi tiết như cưới Ramsay Bolton, được Theon Greyjoy giải cứu mà Sansa trên phim trải qua thực chất là dành cho nhân vật phụ Jeyne Poole mà hai biên kịch đã chọn không đưa lên màn ảnh.
Một ví dụ điển hình khác của việc tách rời nguyên tác là những diễn biến xung quanh nhân vật Jaime Lannister. Trong suốt season 5, Jaime bị cuốn vào hành trình giải cứu công chúa Myrcella đồng thời là con gái của mình đang phải làm con tin ở xứ Dorne, một hành trình không hề có trong truyện. Hệ quả là toàn bộ tuyến nội dung này diễn biến một cách rời rạc, thiếu gắn kết mạch lạc và có một cao trào không thể nhảm nhí hơn: Jaime và Bronn bỏ ra bao công sức suốt nhiều tập đầu, lên kế hoạch cải trang tìm cách thâm nhập thành Dorne để rồi cuối cùng bị bắt gô lại chỉ sau vài phút ở tập 7. Dù mạch truyện kết thúc bằng một cú sốc khá nặng ký và thỏa mãn khán giả trong tập 10, nhưng một mình chi tiết này vẫn không thể đủ vớt vát cho một season khá mất hình tượng đối với nhân vật Jaime.
Biên kịch liệu có khả năng tự xoay sở hay không?
Trong suốt 5 season vừa qua, nhiều thay đổi lớn nhỏ khác với nguyên tác đã được bộ sậu biên kịch đưa vào nội dung Game of Thrones nhằm giúp phim dễ tiếp cận hơn với người xem như: giảm bớt quy mô quá rộng của câu chuyện, lược đi một số tuyến nhân vật không quá quan trọng hoặc hợp nhất họ với những nhân vật khác tầm cỡ hơn, san đều thời lượng cho các mạch truyện để không có tuyến nào bị lấn át mà trở nên lép vế…Những thay đổi này đã phát huy tác dụng rất tích cực trong 3 season đầu, khi mà tầm cỡ cốt truyện vẫn còn ở tầm trung và các nhân vật vẫn có liên quan chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên khi quy mô nội dung mở rộng, nhân vật chính không còn ở cùng một nơi mà phân bổ ra hàng loạt địa danh mới, kéo theo nhiều mạch truyện khác được bổ sung (Sam không còn ở The Wall mà đi về phía nam, Arya bỏ Westeros để lên thuyền đến Braavos,...) thì việc thay đổi mà không gây ảnh hưởng đến câu chuyện tổng thể ngày một trở nên khó khăn.
Xuyên suốt từ season 1 đến nay, có thể nói không ngoa rằng những phân đoạn, cảnh phim đắt giá, gây sốc nhất - thỏi nam châm chủ đạo thu hút fan hâm mộ của Game of Thrones - đều dựa trên nguyên mẫu của tiểu thuyết: trận Blackwater, Tiệc Cưới Đỏ nơi nhà Stark bị thảm sát, vụ đầu độc vua Joffrey, phiên tòa đại hình Tyrion, trận tay đôi giữa Oberyn Martell và Gregor Clegane, bà hoàng Cersei đi bộ khỏa thân khắp thành phố,...Nói cách khác, hầu như tất cả những tình tiết đã khiến cho khán giả yêu thích, theo dõi và hâm mộ Game of Thrones đều đến từ cái đầu của nhà văn George R.R. Martin. Còn lại, bộ đôi David Benioff và D. B. Weiss dường như mới chỉ chắp bút được một cảnh duy nhất đủ tầm sánh ngang với những phân đoạn nói trên: trận giao tranh ở làng Hardhome trong tập 8 season 5 (cuộc đối đầu này chỉ được nhắc đến thoáng qua trong truyện mà không được miêu tả chi tiết). Một mình nó chắc chắn chưa thể đủ làm cho khán giả, nhất là những fan ruột của bộ sách A Song of Ice and Fire yên tâm về chất lượng kịch bản của season sắp tới.
Với việc George R.R. Martin ngày càng ít tham gia vào quá trình sản xuất series (vì ông muốn đầu tư thời gian hoàn thành bộ sách của mình) thì season 6 có vẻ sẽ là một canh bạc lớn cho hai biên kịch vừa mới đoạt Emmy của Game of Thrones. Có thể họ sẽ nhận về đánh giá tích cực không thua kém những season trước và khẳng định được thực lực của mình, nhưng không loại trừ khả năng season 6 sẽ trở thành mùa phim Game of Thrones thiếu ổn định nhất từ trước đến nay.