Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam có nhiều những tín hiệu đáng mừng khi mà các nhà làm phim đã mạnh dạn hơn trong việc lựa chọn những đề tài mới, thể loại khó để thử sức mình, thí dụ như: đua xe, hành động, điệp viên, giả tưởng...
Lưu ý: bài viết có tiết lộ nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc tiếp
Găng Tay Đỏ của đạo diễn Nguyễn Tuấn Anh là một tác phẩm nằm trong số đó. Ngay từ những trailer đầu tiên đã mang đến cho khán giả những hình ảnh hết sức kịch tính và đậm chất hành động. Cùng với cái tên đang lên Ninh Dương Lan Ngọc, liệu Găng Tay Đỏ có làm nên chuyện?
Mình hỏi tu từ đấy, thực ra phim là một nỗi thất vọng tràn trề kéo dài 2 tiếng! Vì sao ư?
Nội dung phim nghe rất ngầu nhé, một tổ chức chuyên đào tạo sát thủ có địa bàn ở châu Âu bỗng nhận được một hợp đồng ám sát tại Việt Nam, mục tiêu là ông trùm của một tập đoàn mafia mà đến cuối phim cũng không rõ là ông này kinh doanh cái gì phi pháp.
Để thực hiện phi vụ, tổ chức sát thủ cử đi cô gái gốc Việt mang tên Số 7 lên đường về nước, chắc cũng tạo điều kiện cho cô về thăm quê luôn thì phải. Tại Việt Nam, các sự kiện mâu thuẫn bên trong bắt đầu nảy sinh khi một sát thủ hồi hương, nội bộ tập đoàn mafia cũng có những kẻ phản bội, bên cạnh đó, cảnh sát Việt Nam cũng đang bằng mọi cách đưa ông trùm ra ánh sáng pháp luật...Nghe có vẻ hấp dẫn đấy, để đưa ngần ấy nội dung vào phim, hoặc biên kịch phải thật cao tay, hoặc nên dùng nó cho một phần của bộ phim Cảnh sát hình sự dài tập.
Thế nhưng, đạo diễn Nguyễn Tuấn Anh vẫn tham vọng đưa hết tất cả vào một bộ phim điện ảnh dài 2 tiếng đồng hồ và tất cả những gì khán giả nhận được là một nồi thập cẩm không hơn không kém.
Trước hết phải nói đến cách truyền tải nội dung của phim, phải nói là mất đi tính cân bằng nghiêm trọng cần có, nhân vật chính của phim ngay từ đầu xác định là Số 7, tuy vậy những trường đoạn tâm lý, thể hiện đầu óc và kỹ năng của cô nàng lại cực kỳ chóng vánh, thay vào đó, chúng ta như được xem một bộ phim gia đình kiểu Bố Già nhưng sến sẩm hơn khi đạo diễn cứ liên tục xoáy sâu vào những cảnh nghĩ ngợi, dằn vặt, đau khổ của ông trùm Huỳnh Đại và cô con gái rượu xinh đẹp, và rồi các phân cảnh thừa thãi như đến thăm cửa hàng hoa của con, cử người bảo vệ, rồi trò chọc phá của cô bé giúp việc, những cảnh hồi tưởng của anh chàng ngổ ngáo do Quang Sự đóng, cảnh ăn uống của 2 bố con nhà này...tất cả thực sự khiến người viết thiếu kiên nhẫn cực độ.
Chính vì mất cân bằng, phim coi như cũng mất đi cao trào cần có của một bộ phim hành động đúng nghĩa. Mạch phim cứ bình bình như vậy, chẳng có lấy một cảnh giật gân, một plot khiến khán giả bất ngờ hay phải nhổm dậy khỏi ghế để theo dõi. Việc xây dựng bối cảnh phim cũng gặp khá nhiều những điểm vô lý như sát thủ Số 7 bị bắt rồi lại quay về đúng nơi cô sinh ra, trùng hợp thật, hay nhân vật của Lâm Vĩnh Hải sau khi bị đánh đến mức bò trên đường nhưng vẫn thoát được khỏi một đám xã hội đen đến hơn chục ngừoi, cảnh cuối cùng thì không hiểu sao lúc bắt đầu thì chạy thoát khỏi toà nhà cao tầng hiện đại nhưng đến khi đụng độ cảnh sát lại ở một công trường trong rừng, mốc thời gian hành động của các nhân vật chính cũng có vấn đề...Phải nói cách xây dựng bộ phim là vô cùng hời hợt và đầy sạn, nhặt mỏi tay cũng không hết được.
Điểm trừ tiếp nữa phải nói đến việc xây dựng bố cục trong từng khung hình, phim sở hữu những đại cảnh đẹp đẽ của Nha Trang, Khánh Hoà nhưng nội cảnh thì hết sức tệ, ngay từ ban đầu đã khiến người xem bật cười khi giữa những căn phòng tăm tối bí ẩn của hội sát thủ lại treo một tấm bản đồ Thế giới quen thuộc có thể tìm mua ở bất cứ nhà sách nào ở Việt Nam, ngay trung tâm căn phòng! Hay nhà của ông trùm thì có cách bài trí thật tầm thường và chật chội, nhà của nhân vật do Quang Sự đóng nhìn bên ngoài cứ ngỡ biệt thự cổ kính, vào bên trong lại cứ như nhà vừa xây xong, trống hươ trống hoác, các cảnh hồi tưởng về quá trình đào tạo sát thủ nhìn vô cùng tầm thường khi ngay cả đã phải lựa chọn những khu rừng ở Việt Nam nhưng vẫn không thể tìm được khu rừng đẹp đẽ hơn mà chỉ là những ngọn đồi xấu xí.
Diễn suất phim cũng có nhiều vấn đề đáng nói, trước hết là Ninh Dương Lan Ngọc, cô Cám bây giờ đã trở thành sát thủ xinh đẹp. Lối diễn suất của cô tương đối kém đa dạng và ít đất diễn, chủ yếu là sừng sỏ lên khi tức hay cười dịu dàng kiểu "và em đã biết mình yêu", tuy vậy có thể nhận thấy tiềm năng diễn viên của Ngọc là rất sáng, chỉ là cô nên cân nhắc hơn trong việc lựa chọn kịch bản nếu không muốn sớm chôn vùi tài năng bằng những bộ phim tầm thường. Quang Sự thì sau mấy năm lại gặp anh chàng này, bản thân người viết thấy anh chẳng tiến bộ chút nào trong cách diễn cả, tuy có vẻ tự nhiên trong các đoạn tưng tửng nhưng tổng thể lại khá kịch, không thật sự lôi cuốn. Hoàng Sơn thì 100% không hợp cho vai ông trùm rồi, xem phim là bạn thấy ngay thôi. Cô tiểu thư do Linh Chi đóng thì đúng chất bình bông di động, xuất hiệm với khuôn mặt trang điểm kỹ lưỡng chỉ biết khóc, khóc, khóc và nấc. Các diễn viên khác cũng chỉ bình thường, không tạo được đột phá, có những vai diễn lại quá thừa thãi. Thoại phim khá kịch và mang kiểu thuộc bài, kiểu nói cũng được mà tốt nhất đừng ai nói gì!
Cuối cùng là nhạc phim, đây là bộ phim có những đoạn lồng ghép nhạc vô duyên nhất mà mình từng xem, cảnh nhân vật ông trùm Huỳnh Đại chết được phim lồng vào một bài hát ca ngợi người cha hết sức kệch cỡm...vâng, một tay trùm mafia hở cái là muốn giết người, còn đang bị công an truy nã và chưa thấy được việc làm lương thiện nào suốt phim khi chết lại được ưu ái bằng ca khúc về cha!
Kết lại, bài đánh giá toàn gạch đá này, bản thân người viết vẫn còn cảm thấy tiếc nuối cho Ninh Dương Lan Ngọc vì sau khi toả sáng với Tấm Cám, cô lại khiến hình ảnh của mình bị hao hụt ít nhiều bởi một bộ phim điện ảnh mang hình hài của một phim truyền hình non tay không hơn không kém. Có lẽ đạo diễn Nguyễn Tuấn Anh cần học hỏi nhiều hơn trên con đường thay đổi sự nghiệp của mình từ một cascadeur chuyên nghiệp...