Sau thành công của Joker (2019), Joker 2: Điên Có Đôi đã được kỳ vọng là bộ phim có thể tiếp nối hào quang rực rỡ phần trước. Nhưng phần 2 lại gây tranh cãi dữ dội giữa người xem về cách đạo diễn Todd Phillips khắc họa Joker – một ác nhân biểu tượng của DC Comics.
Bất chấp những lời chỉ trích về nhân vật, góc nhìn nhà làm phim dành cho phiên bản Joker này có lý hơn bạn nghĩ. Nhất là cái kết không ai lường trước được là chi tiết đắt giá hoàn thiện tầm nhìn của đạo diễn Todd Phillips.
Cái kết của Joker 2: Điên Có Đôi
Joker 2: Điên Có Đôi chứng kiến Arthur Fleck giờ đây bị giam trong Arkham, chờ ngày ra tòa xét xử tội ác hắn đã gây ra ở phần 1. Với công tố viên Harvey Dent kêu gọi bản án tử hình, luật sư biện hộ của Arthur muốn thuyết phục bồi thẩm đoàn Arthur phạm tội do tâm thần không kiểm soát được hành vi.
Trong nhà thương điên, Arthur cũng đang trải qua những biến đổi tâm lý phức tạp, nhất là khi hắn gặp Lee Quinzel, người cũng là bệnh nhân ở đây. Chuyện tình giữa cả hai nảy nở, nhưng Arthur càng trở nên bất ổn. Lee chỉ khuyến khích những hành vi và lối suy nghĩ bốc đồng của hắn, trong khi cố gắng thao túng Arthur thành phiên bản Joker cô ta sùng bái.
Phần lớn Joker 2: Điên Có Đôi cho thấy Arthur phải chịu đựng một phiên tòa kể lại các sự kiện của Joker, và trốn thoát vào trí tưởng tượng của mình, nơi anh ta được tự do ca hát, vui đùa và thực hiện các cuộc tàn sát đẫm máu với Lee. Bên ngoài, đám đông quá khích thôi thúc Arthur mặc lại lớp hóa trang Joker.
Bộ phim đến thời khắc cao trào khi Arthur nhận ra Lee thật chất là một cô con gái của gia đình giàu có, tự vào Arkham để đến gần với Arthur với ý đồ đen tối. Những tưởng tượng của Arthur cũng bắt đầu tan vỡ khi anh đối mặt với đồng nghiệp cũ Gary Puddles (Leigh Gill).
Gary được Arthur tha mạng trong một trong những vụ giết người hàng loạt của mình trong phần phim đầu tiên, giờ đây bị sang chấn bởi màn “thể hiện” của tên hề. Anh ấy bị chấn thương tâm lý sau màn “thể hiện” của người đồng nghiệp năm xưa, và Arthur thấy khó có thể tiếp tục diễn hề sau khi nghe hậu quả mình đã đem lại cho người duy nhất đã tử tế với hắn.
Sau khi trở về Arkham, Arthur bị lính canh trả đũa cho một số bình luận hơi xúc phạm mà Arthur đưa ra thông qua nhân vật Joker. Sau đó, Arthur tuyên bố từ bỏ Joker, bày tỏ sự hối hận và thừa nhận rằng anh chỉ là một người đàn ông cô đơn tìm kiếm sự chú ý và trả thù.
Lee vô cùng thất vọng và rời khỏi phòng xử án. Sau một màn vật lộn với đám “tín đồ” của Joker, Arthur bị bắt về Arkham. Không lâu sau, Arthur được thông báo bản thân có một cuộc điện thoại. Nhưng trên đường đi đến đó, một bệnh nhân đã chặn Arthur lại để kể một chuyện cười.
Hắn lặp lại câu nói Arthur đã dành cho Murray ở phần đầu rồi đâm Arthur đến chết. Giữa lúc Arthur gục ngã trên sàn, máu tươi lên lán, gã bệnh nhân tự rạch miệng chính mình rồi cười lên điên rồ. Bộ phim cứ thế kết thúc.
Với cái kết này, Joker 2: Điên Cả Đôi đã khiến không ít người cảm thấy bị phản bội và không khỏi thất vọng. Nó hoàn toàn đạp đổ những kỳ vọng của khán giả, như thể Todd Phillips đã ném hai bộ phim nặng nề về một nhân vật không trở thành Joker ra rạp và để khán giả tự xử lý với nỗi thất vọng. Song, bộ phim có vẻ vô lý này có lý hơn bạn nghĩ.
Joker là một ý tưởng, không phải nhân vật
Là nhân vật được sinh ra vào năm 1940, Joker trong đầu truyện Batman #1 là tên tội phạm lão thành, chuyên khủng bố nạn nhân bằng Joker’s Venom – một loại khí gây cười khiến mặt nạn nhân mãi mãi nở một cười đến tận mang tai.
Các họa sĩ của DC Bill Finger, Bob Kane và Jerry Robinson được ghi nhận là những người sáng tạo ra nhân vật này. Còn Joker đáng lẽ không tồn tại lâu dài trong dòng thời gian DC do ban đầu, các tác giả đã có ý định giết chết Joker để chứng minh năng lực hành hiệp của Batman – nhân vật cũng chỉ mới ra đời lúc đó.
Nhưng khi ban biên tập từ chối ý tưởng vào phút cuối, các họa sĩ phải vội vàng thêm một khung hình vẽ Joker sống sót sau cuộc chạm trán với Người Dơi và tiếp tục cuộc đối đối đầu dài hơi giữa cả hai nhiều năm sau.
Đến 1942, họ đã “nerf” Joker từ một tên tội phạm tâm thần thành một tên lưu manh ngớ ngẩn như một nỗ lực để truyện tranh thân thiện với trẻ nhỏ hơn, nhất là trong thập niên nước Mỹ trải qua bất ổn xã hội và tư tưởng chống chính phủ, bạo lực, tội phạm đang hoành hành. Đây đều là những nguồn cảm hứng được sử dụng để làm nên Joker.
Từ dạo đó, Joker đã có hàng loạt các câu chuyện nguồn gốc, những cái tên, những nhân dạng khác nhau xuất hiện sẽ trở thành Joker trong tương lai từ những thảm cảnh đầy sang chấn khác nhau. Nhiều phiên bản nổi bật hơn những phiên bản còn lại.
Nền công nghiệp truyện tranh siêu anh hùng và độc giả của nó là những người đặc biệt say mê những câu truyện nguồn gốc (origin story). Hãng truyện giữ nhân vật của hãng mới mẻ, còn chúng ta dùng những sự kiện định hình anh hùng hay ác nhân để tìm cảm hứng và niềm tin.
Chứng kiến hành trình của Bruce Wayne đến thời điểm anh ta khoác lên mình chiếc áo choàng Người Dơi, ánh mắt đau khổ dần kiên định của Peter Parker trước cái chết của bác Ben, Lex chuyển biến từ một thiếu niên tốt bụng. Tất cả đều mang vết thương tâm lý thành một ác nhân, sự sụp đổ của một biểu tượng công lý như Harvey Dent/Two-Face mang đến những khoảnh khắc khiến chúng ta thương cảm hoặc suy ngẫm về các sang chấn liên hệ với bản thân.
Cho nên, tìm hiểu con người đằng sau, những chiếc mặt nạ, thời khắc họ từng là một trong những người bình thường đến khi sa ngã hoặc thăng hoa, đã luôn hấp dẫn độc giả qua nhiều năm.
Một số “origin story” đã thành kinh điển đến mức sửa một chi tiết cũng đủ để các độc giả trung thành nổi giận. Nhưng trong suốt 80 năm có lẻ, Joker đã chứng minh hắn là một ngoại lệ. Đã trải qua hàng loạt những thay đổi, những cải biên, thậm chí là trở thành một “kỵ sĩ trắng”, Joker thật sự là ai, đã không còn quan trọng nữa.
Joker không được gắn liền với cái tên Jack, Jack Napier hay Mũ Trùm Đỏ, như cách Batman liên hệ với Bruce Wayne. Hắn có rất nhiều câu chuyện nguồn gốc nhưng không một câu chuyện nguồn gốc nào lý giải được hắn thật sự là ai. Hắn có rất nhiều gương mặt và là kẻ vô danh. Nhưng lúc nào cũng chỉ có Joker, kẻ đằng sau không quan trọng.
Một khi hình ảnh Joker sát hại Robin Jason Todd, khiến Barbara Gordon bại liệt bằng một phát súng, tra tấn tinh thần cảnh sát trưởng Gordon trong The Killing Joke (1988), nhấn chìm cả thành phố vào sợ hãi (The Dark Knight Rises), chỉ tên hề và những gì hắn đại diện là thứ thật sự mang sức nặng. Hắn mang sức ảnh hưởng lớn, thậm chí là truyền cảm một cách méo mó và thu hút bất ngờ.
Trong thời đại mà chủ nghĩa anh hùng của Batman không còn là thứ có thể liên kết với khán giả, chủ nghĩa hư vô và triết lý đen tối của Joker lại âm vang trong một xã hội đầy vùng xám và những bất mãn dồn nén. Hắn là thành quả từ những nỗi tuyệt vọng bị phớt lờ, những con người bị bỏ quên, những kẻ bị áp bức và những tâm trí méo mó tồn tại ở bất cứ thời đại nào.
Khi một số chọn thay đổi điều đó thông qua các giải pháp hòa bình, số còn lại là Joker với ý nghĩ cứ huỷ diệt tất cả. Những ý nghĩ này sẽ rất khó thành sự thật nếu không có một hình mẫu, một biểu tượng "truyền cảm hứng" thực sự hành động. Và tên hề đã thành biểu tượng không chính thức cho những tội ác, bạo lực thù ghét và chủ nghĩa chống thể chế cực đoan.
Đối với những nhân vật như Joker, người mà chúng ta đã thấy trên màn ảnh nhiều lần, họ sống ngoài ranh giới của những bộ phim họ xuất hiện. Nghĩa là, ngay cả khi phần giới thiệu kết thúc và đèn trong rạp chiếu phim bật sáng, hắn vẫn sống trong cả tâm trí chúng ta, trong một góc nhất định của nền văn hóa đại chúng mà họ giúp định hình.
Đây chính là mấu chốt đưa chúng ta đến Joker và Joker 2: Điên Có Đôi của Todd Phillips. Phần đầu là phim tâm lý, phần 2 là nhạc kịch, những yếu tố này chỉ đơn giản là gia vị mô tả bề dày của nhân vật Arthur Fleck. Còn lại, Todd Phillips chỉ đang khắc họa thứ mà Joker đã trở thành – một ý tưởng, không phải nhân vật.
Tại sao Joker 2: Điên Có Đôi có lý hơn bạn nghĩ?
Đối với bất kỳ ai đã đọc truyện tranh Batman sẽ nhận ra Joker 2: Điên Có Đôi là một góc nhìn sâu sắc vào khái niệm mặt nạ và danh tính. Phần phim đầu tiên là hành trình Arthur dần dần chấp nhận các chấn thương thời thơ ấu của mình đã ảnh hưởng đến hành vi vặn vẹo của mình khi trưởng thành như thế nào. Thì đến phần 2 là khoảnh khắc Arthur Fleck nhận ra những cái giá phi nhân tính của việc biến thành một biểu tượng.
Joker 2: Điên Có Đôi sử dụng âm nhạc để nhấn mạnh yếu tố “người” và hành trình giằng xé tâm lý trong Arthur. Bộ phim muốn người xem không chỉ nhìn, mà còn lắng nghe và cảm nhận, để nhìn nhận Arthur Fleck thật sự là ai – hắn không phải Joker, ít nhất là không phải Joker mà chúng ta quen thuộc.
Todd Phillips nhìn nhận Arthur Fleck và Joker như các đầu truyện và phim ảnh đi trước. Đó là mối quan hệ rất phức tạp giữa một người và ý tưởng hắn ta dần hiện thực hóa, rồi lấn át cả con người tạo ra nó. Nói ngắn gọn hơn là khi chiếc mặt nạ đã “vĩ đại” hơn kẻ đeo nó, với cú twist là đây là trường hợp của một thứ biểu tượng, ý tưởng khủng khiếp.
Đạo diễn người Mỹ đã để Joker 2: Điên Có Đôi đặt ranh giới giữa Arthur và Joker ngày càng rõ ràng. Lee muốn Joker, không phải Fleck. Đám khủng bố muốn Joker, không phải Fleck quá nhạy cảm. Truyền thông chỉ hướng ánh hào quang vào Joker, để rồi Arthur và những mớ sang chấn của hắn lại bị gạt bên lề.
Không ai quan tâm đến Arthur cả - Arthur Fleck cay đắng nhận ra trong phiên tòa đang cố gắng kết tội hắn. Arthur chỉ là một con người tội nghiệp, vô cùng nhỏ nhoi, sử dụng Joker như một cứu cánh.
Arthur là một người đã bị biến thành biểu tượng bởi những người mà hắn ta sẽ không bao giờ biết. Khi nhân tính của Arthur bị xé nát bởi cả những người giam giữ hắn ta và những người được cho là yêu "hắn" để nhào nặn hắn thành hình mẫu mà bọn họ muốn.
Điều ấy mang đến một yếu tố bi thảm cho nhân vật. Vì bản thân Arthur cũng tin rằng Joker có thể khỏa lấp những khoảng trống, xoa dịu những vết thương và thỏa được mong muốn được nhìn nhận thật sự. Chỉ để vỡ mộng khi chỉ có Joker mới được chấp nhận, còn Arthur chết dần trong cái bóng ấy – như đoạn hoạt hình ớn lạnh xuất hiện đầu phim.
Nhận ra điều đó đã khiến Fleck từ bỏ Joker. Hắn ta không phải là một biểu tượng cách mạng, chỉ là một người đàn ông biết rõ mình đang làm gì. Hắn ta chỉ là một kẻ vô danh muốn trở thành ai đó, muốn được yêu thương. Và giờ đã thất bại trong cả hai.
Việc không ngờ nhất là hành động của hắn được lan rộng và đồng tình với những kẻ cùng khổ, lan rộng đến những người sống trong áp bức. Tuy nhiên, không như họ nghĩ, Arthur có thể để mắt đến những người bất hạnh như hắn, nhưng hắn hoàn toàn không thể giúp họ như họ muốn.
Joker 2: Điên Có Đôi trông có vẻ là một bộ phim tiếp theo miễn cưỡng của phần đầu, như thể ý tưởng của nó đến bất ngờ khi Todd Phillips không có ý định làm tiếp một phần phim Joker nào nữa. Thế nhưng, nhìn lại, hướng đi của phần hai không thực sự bất ngờ đến vậy.
Một trong những lời phê bình đối với Joker (2019) là Arthur Fleck chỉ là Joker trên danh nghĩa, không hoàn toàn phản ánh được nhân vật mà chúng ta biết từ truyện tranh. Thay vào đó, hắn ta với một người đàn ông buồn bã trong xã hội đầy biến động. Bộ phim mô tả nhân vật, cũng là một bộ phim mô tả sự sinh ra của một ý tưởng – Joker.
Giờ đây, chúng ta thấy Joker 2: Điên Có Đôi càng củng cố điểm nhấn này. Joker vẫn là một câu chuyện nguồn gốc, nhưng cũng là câu chuyện mô tả khởi nguồn của một ý tưởng. Phần 2 là thời khắc ý tưởng đó vượt qua cái bóng của kẻ sáng tạo khi nó lây lan trong đám đông giận dữ và các nhân cách phản xã hội ở mọi tầng lớp.
Còn Arthur phải vật lộn với hậu quả trở thành một biểu tượng hắn không kham nổi. Thật ra, sự sinh ra của Joker chỉ là điểm hội tụ của một cơn bão hoàn hảo, bao gồm bất ổn xã hội, khoảng cách giàu nghèo, thù ghét, những nỗi đau bị quên lãng kết hợp và một tâm lý bất ổn – như cách Joker sinh ra ở thập niên 40 vậy.
Như bộ phim tiết lộ, Arthur Fleck không thực sự là Joker ngay từ đầu, một điểm được nhấn mạnh bởi cái kết gây chú ý của bộ phim. Arthur quá nhạy cảm để trở thành Joker. Nhưng sáng tạo của hắn đã lan đủ rộng, đủ bạo lực, và đủ đáng nhớ để tiếp tục tồn tại trong những kẻ muốn một thay đổi đẫm máu hơn, trong những kẻ như Lee.
Arthur Fleck, một Joker, đã chết để một Joker khác tàn bạo hơn, kẻ đã giết nhân tính của bản thân – điều mà Arthur không thể làm, trỗi dậy từ kết thúc bi kịch của kẻ tiền nhiệm. Lớp hóa trang của Arthur có thể được tẩy rửa bất kỳ lúc nào, nhưng vết sẹo trên mặt thì không. Và nếu hắn thiệt mạng, sẽ có một người nữa thay thế.
Cái chết của Arthur và sự ra đời của một Joker khác gợi nhớ đến một khoảnh khắc trong V for Vendetta (2005). Khi ai đó cố giết V, anh ta nói, "Ông có nghĩ đến việc giết tôi không? Không có máu thịt nào trong chiếc áo choàng này để giết. Chỉ có một ý tưởng. Ý tưởng là bất khả xâm phạm." (tạm dịch).
Người xem mong đợi họ sẽ được chứng kiến một Joker họ quen thuộc chiếm lĩnh khung hình của Joker 2: Điên Có Đôi, một kẻ có thể gây ra hỗn loạn thiêu đốt Gotham. Thứ họ nhận được là một bộ phim xét xử các quan niệm về Joker. Họ tất nhiên không thể không cảm thấy bị phản bội. Nhưng Joker 2: Điên Có Đôi vẫn có lý của nó về góc nhìn Todd Phillips dành cho Joker.
Vì nhà làm phim nhắm đến sự khai sinh và lây lan của Joker như một ý tưởng hơn là một nhân vật. Thứ ý tưởng này đã nhấn chìm nhân vật này từ lâu. Ý tưởng cách mạng có thể được sinh ra và có thể thay đổi thế giới trăm năm sau, điều đáng sợ là ý tưởng khủng bố cũng có sự trường tồn như vậy.