Đạo diễn/Biên kịch Charlie Kaufman không hay giải thích bộ phim của mình cho khán giả mà để họ tự giải nghiệm, đồng thời ủng hộ bất kỳ diễn giải nào của người xem. Tuy vậy, trong số các phim của Kaufman thì chẳng có bộ phim nào cần lời giải thích rõ ràng hơn I’m Thinking of Ending Things.
Kịch bản của Being John Malkovich và Adaptation là mê cung đi vào linh hồn (psyche) của nam giới, hành trình mà Kaufman tiếp tục với tư cách là đạo diễn trong những phim như Synecdoche, New York và Anomalisa. Trong bộ phim mới nhất của ông do Netflix sản xuất và phát hành, Kaufman xây dựng một câu chuyện xoay quanh một tâm trí đầy bất ổn của nhân vật chính, với quá nhiều hình ảnh ẩn dụ và liên kết đến độ có thể mở một lớp học để phân tích riêng về bộ phim.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết năm 2016 của Iain Reid, nhưng với I’m Thinking of Ending Things, Kaufman đã thay đổi khá nhiều chi tiết, tuy vậy, cốt truyện chính vẫn giữ nguyên: Jake (Jesse Plemons) đưa bạn gái mới (The Young Woman), tạm gọi là Lucy (Jesse Buckley thủ vai) trở về thăm cha mẹ anh ở một trang trại (Toni Collette và David Thewlis trong vai cặp vợ chồng). Tựa đề ngụ ý Lucy đã suy tính đến việc kết thúc mối quan hệ của hai người. Và khi hành trình này bắt đầu với ý nghĩ đó, cả 2 đã phải chịu đựng một bữa tối gia đình trong không khí ngượng ngùng, sau đó trở về trong cơn bão tuyết và cuối cùng là ghé ngang ngôi trường trung học mà Jake từng theo học. Trong khi đó, ông lao công già (Guy Boyd) đang làm việc một mình tại trường, cuối cùng ông gặp họ để đưa đến một cao trào đầy siêu thực.
Đoạn cao trào này đánh dấu một ngã rẽ lớn tách khỏi cuốn sách kinh dị tâm lý của Reid. Kaufman cảm thấy mình thành công nhất với các phim chuyển thể nếu bản thân tự cho phép mình diễn giải câu chuyện trên màn ảnh theo cách hiểu của riêng ông. Và nếu không làm thế, ông sẽ có một bộ phim vô cảm.
Kết quả là chúng ta có một bộ phim khó hiểu với dày đặc thông tin mà chẳng ai xem lần đầu tiên có thể nắm bắt hết được. Dù vậy, phim vẫn có những hình ảnh trọng tâm đầy ý đồ, chẳng hạn như Jake, người từng đắm chìm vào những cuốn sách, băng đĩa DVD, và những sở thích thời thơ ấu, đã tiếp nhận truyền thông đại chúng quá độ đến mức chúng gần như điều khiển suy nghĩ và hiện thực của nhân vật.
Không cần thiết phải hiểu tất cả các khía cạnh của bộ phim, hay thậm chí là trân trọng nội dung của nó, nhưng cách thể hiện vấn đề thông minh và trí tuệ đã giúp làm giàu thêm bí ẩn của chính tác phẩm này, lôi kéo khán giả xem lại nhiều lần. Dưới đây là một số câu hỏi dành cho đạo diễn, và câu trả lời của ông sẽ giúp bạn hiểu thêm được nhiều điều về bộ phim.
Lưu ý 1: Bạn nên xem I’m Thinking of Ending Things trước mà không biết gì để giữ cảm giác lâng lâng mơ hồ mà nó mang lại, sau đó đọc bài viết để hiểu thêm.
Lưu ý 2: Đây là giải thích của đạo diễn về cách thể hiện một số chi tiết của ông. Nếu bạn có những cách diễn giải và cảm nhận ý nghĩa bộ phim theo hướng đi của riêng mình thì cũng không sao cả, vì bộ phim này là để cảm nhận.
Vì sao Jake có thể nghe được suy nghĩ của Lucy?
Trong trường đoạn mở đầu phim, Jake và Lucy phải chịu đựng một hành trình dài rất chán chường để trở về nhà của cha mẹ anh, trong khi Lucy thì cứ liên tục suy nghĩ về việc chia tay. Thỉnh thoảng, Jake lại liếc nhìn Lucy khi ý nghĩ của Lucy vang lên và có khi còn ngắt dòng suy nghĩ của cô. Thật ra câu trả lời rất đơn giản, ở cuối tiểu thuyết của Reid, Jake và người bạn gái không tên của anh là cùng một người – vị lao công già cô đơn trong trường, người đã tưởng tượng ra cô trong ảo tưởng của chính ông. Cứ nghĩ Psycho kết hợp với Fight Club ấy.
Cũng không cần phải mất quá nhiều thời gian để I’m Thinking of Ending Things ngụ ý điều đó. Khi Lucy, chia sẻ một đoạn thơ của cô thì thực ra đó là một bài từ cuốn Rotten Perfect Mouth của nhà thơ có thật Eva H.D. Trong phim, cũng không rõ tên của Lucy có phải Lucy không. Jake đã dựng nên nhân vật này từ những cuốn sách, phim ảnh, và những cuộc gặp gỡ tình cờ đã định hình nên cách nhìn thế giới xa lạ và cô đơn của anh.
Vậy Lucy là nhân vật chính (main character) và cô cũng không tồn tại?
À… đúng và không. Màn đánh cược phức tạp nhất mà Kaufman mang đến cho bộ phim này chính là câu hỏi mở: Liệu ảo tưởng có thể tự mình tồn tại?
“Cô là một đối tượng (thuộc về trí tưởng tượng của Jake), nhưng tôi muốn cô có thể tách bản thân khỏi điều đó,” Kaufman nói. “Tôi không muốn nó là một cú twist. Tôi cảm thấy nó không hiệu quả trong phim ở thời điểm hiện tại.”
Buckley đã mang đến màn trình diễn có chiều sâu và ám ảnh khi cô vào vai một người phụ nữ trẻ đang cố gắng nắm bắt những khó hiểu diễn ra xung quanh cô. “Trong suy nghĩ của tôi thì điều này sẽ trở thành bạc đãi một nữ diễn viên nếu không cho phép cô ấy diễn một thứ gì đó chân thật,” Kaufman nói.
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa cô là người thật.
Đúng vậy, nhưng cô có sức mạnh ảnh hưởng rõ ràng khi Jake đối mặt với ảo tưởng của mình. Anh hỏi Lucy nếu cô có từng đọc tiểu thuyết Ice năm 1967 của Anna Kavan, lấy bối cảnh một vùng đất bỏ hoang hậu tận thế (cũng tương tự như quang cảnh tiêu điều đầy tuyết trong phim). Nhân vật chính diện (the protagonist) của Ice dành phần lớn thời gian trong cuốn sách để theo đuổi một người phụ nữ không tên trong khi phải cố gắng chống lại cảm giác bị hấp dẫn rất phức tạp của chính mình.
Trong I’m Thinking of Ending Things, Jake cũng phải chịu đựng sự vật lộn tương tự khi ảo tưởng trở nên chống đối (hai nhân vật chính cãi nhau). Đấy là canh bạc kể chuyện độc nhất của nghệ thuật làm phim: Trong “thế giới” của I’m Thinking of Ending Things – một người bị điều khiển bởi Kaufman cũng như nhân vật chính diện của ông – Lucy vì thế có tồn tại.
“Tôi cần cô ấy có động lực để [cô] đóng vai trò như một mảnh ghép kịch tính,” Kaufman nói. “Tôi rất thích ý tưởng là kể cả khi nằm trong ảo tưởng của chính mình, anh [Jake] cũng không thể có được thứ mình muốn. Anh ta phải tưởng tượng ra mối tình này, rồi sau đó tưởng tượng ra rằng ảo tưởng của mình không thể xảy ra, tưởng tượng cô gái sẽ trở nên chán chường với anh ta như thế nào khi cô cho rằng anh không đủ thông minh hay đủ thú vị.”
Dần dần, Jake thôi cố gắng giải quyết vấn đề của mình bằng việc tưởng tượng ra nhiều người mới khác, mà thay vào đó là tập trung vào chính bản thân anh. “Để giữ nguyên ý tưởng cho nhân vật nữ có động lực riêng biệt, tôi không muốn cô phải chịu trách nhiệm cho kết thúc của anh,” Kaufman nói.
Tại sao phim nhắc đến Robert Zemeckis?
Ông lao công già là một nhân vật thụ động trong trường trung học, đứng bên lề nhìn ngắm những gương mặt và những câu chuyện đang diễn ra. Trong một cảnh, khán giả thấy ông ngồi trong một căn phòng trống, ăn trưa và xem phim trên truyền hình. Đấy là những phút cuối cùng của một bộ phim lãng mạn sến sẩm về cô gái ăn chay làm việc trong một nhà hàng hamburger, nuôi ước mơ trở thành luật sư giành quyền động vật. Khi phim kết thúc, credit hiện lên. “Do Robert Zemeckis đạo diễn”.
(Robert Zemeckis là đạo diễn, biên kịch người Mỹ, có cách kể chuyện trực quan trong làm phim, tiên phong trong việc sử dụng hiệu ứng hình ảnh, từng đạo diễn nhiều phim bom tấn và sở hữu nhiều phim kinh điển. Một số phim tiêu biểu của ông là Forrest Gump, Cast Away, Back to the Future, Who Framed Roger Rabbit…)
Vậy tại sao Kaufman quyết định đưa tên của vị đạo diễn đã làm nên The Polar Express vào trong phim? Kaufman trả lời phỏng vấn rằng điều này diễn ra hoàn toàn ngẫu nhiên, do trợ lý của ông gợi ý sau khi xem qua một loạt những cái tên đạo diễn trên mạng.
Zemeckis còn không xuất hiện trong phiên bản gốc của kịch bản do Kaufman chấp bút.
“Thỉnh thoảng mọi việc hài hước vì chúng hài hước, và tôi cảm thấy Zemeckis rất có thể làm một bộ phim giống vậy, dù khả năng cao là ông sẽ không làm,” Kaufman nói. Song song đó, cũng có một chút trớ trêu trong quyết định này. “Tôi không nghĩ rằng Zemeckis từng hoặc sẽ làm một bộ phim như thế này,” ông chia sẻ. “Nó giống kiểu phim của Nancy Meyers hơn. Ông ấy không phải là hình mẫu sẽ làm nên bộ phim đó. Phim của ông thường là high-concept, nhưng vẫn có khả năng, vậy nên trò đùa này mới buồn cười theo cách nào đó.” Kaufman đã xin phép vị đạo diễn 68 tuổi để đề tên ông vào trong phim, và Zemeckis được cảm ơn trong phần credit.
Vậy nên đấy chỉ là ngẫu nhiên?
Đúng vậy, ngẫu nhiên đến độ khó có thể tin được nhỉ? Dù sao thì Zemeckis là một trong những đạo diễn phim thương mại lớn nhất trong suốt 30 năm qua, còn tác phẩm của Kaufman chắc chắn không phải phim thương mại. Hơn nữa, Kaufman từng suýt làm việc chung với Zemeckis khi ông chuyển thể tiểu thuyết Chaos Walking vào năm 2012. Dự án đã qua tay nhiều biên kịch, dù Kaufman vẫn được đề tên credit trong phiên bản do Doug Liman đạo diễn, ra mắt vào năm 2013, nhưng Zemeckis ban đầu muốn làm bộ phim này.
“Chuyện xảy ra với Robert Zemeckis là khi tôi viết bản nháp đầu tiên của Chaos Walking, tôi đoán ông ấy đọc được và hứng thú với việc đạo diễn nó,” Kaufman nói. Lionsgate đã sắp xếp để họ gặp nhau. "Đấy là một buổi gặp gỡ thú vị... Tôi chưa bao giờ gặp ông ấy trước đó, nhưng chúng tôi đã nói chuyện rất vui và nghĩ ra một vài giải pháp cho vài vấn đề và kết thúc tại đó. Nhưng tôi vẫn không quên được, và ông ấy cũng thế."
Vì sao nhân vật cha mẹ lại cứ liên tục thay đổi ngoại hình?
Trong suốt buổi ăn tối rùng rợn, cha mẹ của Jake thay đổi ngoại hình rất nhiều lần, từ trẻ, đến già, rồi lại trẻ. Jake cơ bản đang sống qua rất nhiều thời điểm trong cuộc đời của cha mẹ anh, một quá trình đã làm phức tạp ý tưởng đưa bạn gái mới về nhà. Anh sẽ đặt cô vào đâu trong dòng thời gian đó? Anh không thể tìm được một khoảnh khắc hoàn hảo vì nó không tồn tại. Dù anh rất muốn ở lại trong nhà với cô, họ dần phải rời khỏi nơi đó vì cô nằng nặc muốn đi.
Trích dẫn bài phê bình của Pauline Kael về Woman Under the Influence.
Khi đang ở nhà Jake, Lucy bước vào phòng ngủ khi còn bé của anh. Căn phòng chất đầy phim ảnh, sách và những thứ khác. Cuốn sách nổi bật nhất trong phòng mang tên: For Keeps: 30 Years at the Movies (1996), tuyển tập các bài đánh giá của nhà phê bình tờ New Yorker - Pauline Kael. Khi đi trên đường, Lucy và Jake đã có một cuộc thảo luận dài. Đoạn hội thoại của họ có trích dẫn nội dung và quan điểm trong rất nhiều bài viết khác nhau, từ Society as Spectacle của Guy Debord cho đến giả thuyết về màu sắc của Goethe hay bài tiểu luận của David Foster Wallace từ tuyển tập A Supposedly Fun Thing I'll Never Do Again.
Tất cả những mảnh vụn này đều bổ nghĩa cho ý tưởng liên quan đến nỗi ám ảnh của Jake, nhưng không có cuộc thảo luận nào dài hơn bài phê bình của Pauline Kael năm 1974, chê phim Woman Under the Influence của Cassavetes (Lạ kỳ là bài review đó không nằm trong tập For Keeps).
Khi tranh luận về bộ phim cùng diễn xuất của Gena Rowlands, Lucy cơ bản đã trở thành chính Kael, lặp lại lời của nhà phê bình giống đến cả sắc thái. “Tôi luôn thích bà ấy, lớn lên cùng bà ấy và đọc những bài viết của bà, và nghĩ rằng bà thông minh hơn tôi." Kaufman nói. Sau khi Lucy phê bình xong bộ phim mà Jake thích, anh đã im lặng.
“Điều đó bổ sung cho ý tưởng Jake không thể có mọi thứ mà anh muốn,” Kaufman giải thích. “Anh ấy có ý kiến riêng về bộ phim, nhưng rồi [bày tỏ] thất bại. Đấy là trải nghiệm mà tôi có - khi bạn bỗng dưng thích một thứ, nhưng rồi bạn đọc một bài viết từ người mà bạn ngưỡng mộ, và bạn cảm thấy mình là một tên ngốc vì đã thích nó."
Chuyện ở Tulsey Town Ice Cream là sao?
Hành trình của họ dừng lại ở Tusley Town Ice Cream, tiệm kem ở thị trấn nhỏ mở cửa giữa đêm trong một trận bão tuyết. Khi đến đó, Jesse và Lucy nhớ lại bài hát quảng cáo của tiệm kem. Cặp đôi dừng lại để mua và Lucy gặp ba người phụ nữ kỳ lạ sau quầy. Hai người thì cứ cười rồi nhìn trêu ghẹo Jake, người còn lại thì trông rất sợ hãi.
Theo Kaufman, họ đều là những hình mẫu phụ nữ mà Jake đã từng nhìn thấy. “Và rồi có ý tưởng rằng rất nhiều thế hệ những đứa trẻ học trung học đã làm việc ở đó và anh đã từng tiếp xúc với chúng qua nhiều năm, cũng như có vấn đề với chúng,” Kaufman nói. “Đấy là một trạm dừng chân mơ ảo đi vào tâm trí của anh, đi vào quá khứ của anh.”
Trong tiểu thuyết, cặp đôi thực ra dừng lại tại một tiệm kem Dairy Queen. “Chúng tôi không thương lượng được quyền để dùng nó [thương hiệu Dairy Queen] trong phim, vậy nên tôi đã thay đổi chi tiết đấy,” Kaufman nói. “Nhưng tôi nghĩ kết quả cuối cùng tốt hơn, vì nó trở nên bí ẩn và mang tính địa phương hơn.”
Hãy cùng nói về trường đoạn khiêu vũ cuối phim.
Sau khi họ đỗ xe tại trường trung học, Jake chạy ra ngoài xe, tức giận vì ông lao công nhìn trộm họ từ đằng xa. Khi Lucy vào trường tìm Jake, cô có một cuộc nói chuyện ấm áp với ông lao công trước khi rời đi - gợi ý rằng nhân vật đã chấp nhận việc phải rời xa ảo tưởng của bản thân. Giải thích thêm về ý tưởng này, Lucy và Jake sau đó gặp nhau trong hành lang, họ được một cặp đôi múa ballet thay thế, mặc đồ cũng giống họ. Sau vài phút, họ cùng phối hợp trong một vũ điệu rất sống động, được biên đạo giống một khoảnh khắc tương tự trong vở nhạc kịch Oklahoma!.
Đầu phim, ông lao công bước ngang một sân khấu kịch, có một trường đoạn trên sân khấu khi nhân vật Laurey đứng giữa việc phải chọn lựa 2 đối tượng là Curly McLain và Jud Frey. Laurey mơ thấy Curly và Jud đánh nhau và Curley bị đâm chết. Trường đoạn khiêu vũ trong phim kết thúc khi Curley/nhân vật thay thế Jake nhận được cái kết tương tự, ngụ ý rằng Jake đã chấp nhận ảo tưởng tình yêu của mình là chuyện không thể xảy ra.
“Có một vài thứ trong Oklahoma! tương đồng song song với câu chuyện mà chúng tôi đang kể,” Kaufman nói. Còn với trường đoạn khiêu vũ giấc mơ: “Tôi đã luôn bị hấp dẫn bởi nó, vì nó quá rùng rợn, và tôi thích ý tưởng được thể hiện qua góc nhìn từ song trùng (doppelganger) [của nhân vật] trong đó.” Nói cách khác, Jake giả vờ anh là một người khác, và dùng khung hình kể chuyện từ Oklahoma! để loại bỏ ảo tưởng tình yêu hạnh phúc của chính bản thân mình.
Và rồi có con heo hoạt hình.
Thực ra thì đây là một hình ảnh khá thẳng thừng. Trong xe, ông lao công có thể đã chết. Giống như Charles Foster Kane thì thầm "Rosebud" trên giường (ý nói đến phim Citizen Kane), lao công Jake nhìn thấy tuổi trẻ của mình lướt qua lần cuối, bao gồm cả bài nhạc quảng cáo Tulsey Town Ice Cream. Sau đó xuất hiện một con heo có giòi trên bụng - gợi nhớ đến buổi "tham quan" trang trại mà Jake từng dẫn Lucy đi. Con lợn này đã đưa Jake đi suốt quãng đường còn lại trong tâm tưởng của chính mình.
Có điều gì đó về sự ngây thơ, vô tội của con lợn và cái bụng đầy giòi kinh dị của nó đã khiến Jake cảm thấy bị ám ảnh khi còn trẻ. Ở tuổi già, Jake đã chấp nhận được sự mất cân bằng cơ bản trong vũ trụ của ông.
Cảnh cuối, mọi người đều đã trở nên rất già. Nhưng trông thật… giả.
Cảnh cuối, Jake đứng trước một tấm phông từ vở Oklahoma!, hoá trang để trông như một ông già. Nhưng anh không cô đơn. Tất cả mọi người đều có mặt tại đó, kể cả cha mẹ anh và Lucy, cũng hoá trang giống như vậy. Ban đầu thì Kaufman đã đưa vào các tiểu tiết nhỏ để giải thích chi tiết này.
“Có một cảnh khi ông lao công tìm thấy một cuốn sách trang điểm trong phòng tắm khi đang dọn dẹp, vì có ai đó đang make-up trong phòng thay đồ nam hoặc nữ,” Kaufman nói. Việc tưởng tượng này cho phép Jake kéo tất cả mọi người trong đầu anh vào vở kịch mà anh đang diễn.“Tất cả những người ngồi dưới khán đài cuối phim, trừ các diễn viên chính, đều là diễn viên quần chúng đóng vai học sinh trung học trong toàn bộ bộ phim,” đạo diễn giải thích. “Vậy nên họ đều là những gương mặt trẻ đang make-up cho già đi.”
Bài phát biểu kết thúc trong phim A Beautiful Mind?
Khi Jake trên sâu khấu nhận giải thưởng của chính mình, anh đọc lại bài diễn văn đoạt giải Nobel của nhà kinh tế học John Nash (Russell Crowe) cuối phim A Beautiful Mind. Thực tế thì cả trường đoạn này đều được xây dựng để giống như kết thúc của bộ phim điện ảnh năm 2001 của đạo diễn đoạt giải Oscar Ron Howard.
Đầu phim I’m Thinking of Ending Things, một đĩa DVD A Beautiful Mind xuất hiện thoáng qua trong phòng Jake, bộ phim ấn tượng với Jake vì anh cảm thấy kết nối với câu chuyện về một người đàn ông thiên tài đang vật lộn với chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng, gặp vấn đề trong việc phân biệt hiện thực trước mắt. Kaufman đã rất thận trọng giải thích chi tiết này.
“Tôi không cảm thấy thoải mái lắm khi nói về nó bởi vì nó chạm đến trọng tâm của bộ phim này,” nhưng rồi cuối cùng đạo diễn tiết lộ. “Đây là bộ phim về trải nghiệm của một con người khi họ tiếp nhận những gì họ thấy và biến nó trở thành một phần bản thể của họ,” ông nói. “Vậy nên đây là cách mà một người tưởng tượng ra điều gì đó.”
Vì A Beautiful Mind là một trong những ứng cử viên thắng giải Oscar gây tranh cãi trong thập niên vừa qua (cùng năm mà Adaptation ra mắt), cũng không ngạc nhiên khi người ta lầm tưởng kết thúc này là kiểu cao trào kể chuyện sến sẩm thường thấy, hơn là nhận ra bản chất đích thực của [cảnh này] chính là sự vật lộn mang tính duy ngã [của nhân vật Jake]. (Solipsism: Thuyết duy ngã, một tư tưởng triết học cho rằng chỉ có tâm trí của mỗi người là chắc chắn tồn tại, thế giới bên ngoài và tâm trí của những người khác đều có khả năng không tồn tại)
Đây điều mà Kaufman đã khám phá và thể hiện trong phong cách làm phim của chính ông. A Beautiful Mind mang đến một kết thúc đẹp cho chủ đề đó, nhưng trong I'm Thinking of Ending Things, thì sự vật lộn chưa bao giờ là kết thúc.
Và rồi Jake hát...
Vâng, một cảnh nữa lấy ra từ Oklahoma!. Khi đứng trước phông nền sân khấu trông như phòng ngủ thời thơ bé của mình, Jake hát một đoạn buồn trong bài Lonely Room, lúc Jud tuyên bố ý định cưới Laurey. Bài hát bao gồm một câu, “Tìm một người phụ nữ của riêng tôi.” Mơ đi, Jud - và đương nhiên là cả Jake. “Nhân vật Jud có nét tương đồng với Jake,” Kaufman chia sẻ. Đứng trước một phông nền với những mảnh ghép nhỏ đã định hình nên cuộc đời của anh, Jake trở thành ngôi sao trong vở kịch của mình và bị giam hãm trong chính nó.
Ông lao công già đã chết.
Hình ảnh chiếc xe ngập trong tuyết cho thấy lao công Jake đã chết trong đêm. Một kết thúc buồn và bi kịch cho câu chuyện về một người đàn ông đối mặt với thất bại của cuộc đời mình khi rời bỏ thân xác. Kaufman hi vọng người xem sẽ nán lại để theo dõi credits, vốn liệt kê rất nhiều cảm hứng mà ông dùng trong suốt bộ phim. “Có rất nhiều thứ trong phần credit quan trọng với tôi,” Kaufman nói. “Chúng được sử dụng trong phim hoàn toàn có chủ ý.”
Tổng thể thì Kaufman không nghĩ rằng I'm Thinking of Ending Things che giấu gì nhiều trước khán giả. “Cách tôi thể hiện như thế nào, bạn có thể sẽ tự hiểu ra,” ông nói. “Đấy là điều mà nhân vật đang trải qua. Hoặc là bạn sẽ hiểu hoặc là không.”
Nguồn: Indiewire