Phim kinh dị đã đến thời điểm bão hòa – đó là điều mà các mọt phim phải thừa nhận khi ra rạp vào năm 2013, cho đến khi họ chứng kiến dự án kinh dị The Witch và studios sản xuất bộ phim này, A24, vào năm 2015. Gọi Hồn Quỷ Dữ (Talk to Me) mới đây tiếp tục kế thừa và phát huy những gì đã được trải đường và phát triển cách đây hơn một thập kỷ. Không khó để gọi tên những đặc trưng của bộ phim, kinh phí thấp, bối cảnh đơn giản, diễn viên không quá nổi nhưng thực lực, câu chuyện không mới nhưng được thực hiện một cách mới mẻ chỉ tốn $4.5 triệu để làm.
Dù có bị chê hay khen hết lời, bộ phim vẫn là một thành công đối với nhà A24. Và studio này hoàn toàn có thể tự tin vào điều đó. Trong thời đại mà tất cả những nỗi sợ và quái vật đã được đưa trên màn ảnh, A24 đã chắt lọc bản chất của những nỗi sợ hãi nguyên thủy nhất của chúng ta - gia đình, các mối quan hệ, mục đích sống, ám ảnh với cơ thể - với phong cách và sự phô trương, nhưng cũng được thực hiện với sự tối giản hiệu quả. Và khi làm như vậy A24 có thể đã cứu được thể loại này. Nhưng câu chuyện về cách nó đã làm điều đó thế nào không chỉ bắt đầu với những ý tưởng sáng tạo.
A24 và phim kinh dị “rẻ, bổ, và ngon”
Cái tên A24 lấy cảm hứng từ đường cao tốc cùng tên ở Ý mà Daniel Katz, cựu giám đốc tài chính điện ảnh của các nhà đầu tư lớn như Guggenheim Partners, đã lái xe ngang qua khi ông có ý tưởng thành lập công ty. Như định mệnh, những nhà tiên phong điện ảnh Ý cũng thường sáng tạo những thay đổi lớn lao trên những cung đường cao tốc. Và cái tên A24 ra đời, một công ty điện ảnh coi trọng nghệ thuật và sự thể hiện hơn tính thương mại."
Chúng tôi thường nói về 'Ồ, phải có một cách tốt hơn'," Katz thường nói khi nói đến cách làm phim. Phương châm của A24 là ngân sách thấp, sáng tạo cao và những ai chi tiền thì phải vắng mặt ở phòng lên ý tưởng. Người ta nhớ đến studios độc lập này qua những bộ phim được đề cử và chiến thắng Oscar (Moonlight, Everything Everywhere All At Once…), nhưng phim kinh dị là thứ đã biến A24 thành một cái tên đáng gờm. A24 gọi đó là “Elevated horror” (không, đây không phải là kinh dị nghệ thuật).
Sau Under the Skin năm 2014, hoặc Enemy (2013) nếu bạn nhạy cảm với sự thay đổi của thể loại kinh dị khi A24 xuất hiện, bộ phim có tiền đề vô cùng kỳ lạ mà điểm hút khách nhất là nữ diễn viên chính Scarlett Johansson, đạt được thành công, thì The Witch năm 2015 là bước ngoặc mà studios cần. Cạnh tranh với cái tên lớn năm đó là Poltergeist phiên bản remake từ bộ phim kinh điển năm 1982 do Fox 2000 Pictures trực thuộc Walt Disney sản xuất, The Witch thắng đậm với $40 triệu, so với ngân sách $4 triệu bỏ ra. Nhưng bất ngờ nhất là lời khen dành cho bộ phim.
So với Poltergeist truyền thống và điển hình hơn, The Witch đem đến tông màu ảm đạm, các yếu tố hình ảnh không chính thống như tỷ lệ khung hình thường thấy và sự nhấn mạnh vào những màn hù dọa lặng lẽ nhưng chân thật, xếp loại R, tất cả hợp lại thành một đặc điểm chống lại kỳ vọng của khán giả về thể loại kinh dị truyền thống. Những dự án tiếp theo tiếp tục khiến người ta kinh ngạc với cách chúng chống lại những nhận định điển hình về phim kinh dị như thế nào.
Những bộ phim kinh dị của A24 làm bạn cảm nhận được nó vô cùng đơn giản. Đó là vì chúng đơn giản thật, ít nhất là về phần cứng như bối cảnh, dựng cảnh và kỹ xảo. Ngân sách dành cho những bộ phim kinh dị A24 không quá $12 triệu. Thể loại kinh dị vốn là một thể loại phim kinh phí thấp và rất hiếm khi chịu khoản lỗ quá đau đớn. Nên A24 đã sử dụng lợi thế kinh phí thấp để thử những cái mới, nhưng bản thân studios cũng rất biết cách vận dụng đến đồng xu cuối cùng.
Với Midsommar diễn ra trong khung cảnh đầy nắng, Hereditary không để thực thể tà ác nào hiện hình từ đầu đến cuối. The Lighthouse về cơ bản là một phim kinh dị, nhưng với tông màu trắng đen, nó trở thành một phim tư liệu đặc biệt sống động về tâm lý bị cô lập và tính nam. It Comes at Night khiến khán giả liên tục băn khoăn chuyện gì đang diễn ra. The Monster có thể là phim kinh dị A24 truyền thống nhất mà studios từng làm. The Lamb nhìn nhận tính sở hữu cố chấp của con người. Saint Maud, một góc nhìn vào sự cuồng tín khiến bạn nổi da gà, và nhiều hơn nữa.
A24 cho thấy những chủ đề cũ và thường xuyên của thể loại kinh dị hoàn toàn có thể được thổi sức sống mới với cách kể chuyện chưa từng được thử trước đây. Quan trọng hơn, rất ít kỹ xảo hay ngoại cảnh được sử dụng ở đây. Những bộ phim diễn ra trong bối cảnh tối giản có kiểm soát, đề cao tâm lý và biểu cảm nhân vật để phục vụ cho sáng tạo thay vì những bối cảnh quy mô lớn và các góc quay phức tạp. Đến đây, A24 đã tìm được kim chỉ nam trong cách làm phim không chỉ có kinh dị cho mình – “Rẻ, bổ và ngon”. Quan trọng hơn, những ai chịu trách nhiệm chi tiền không có mặt trong phòng lên ý tưởng.
Bằng cách làm nên một câu chuyện ấn tượng, A24 cũng gửi gắm đến khán giả một thông điệp tích cực – nhiều lúc thử những cái mới không đáng sợ như ta thường nghĩ. Trong khi đó, sự điên rồ và không tưởng phim thể hiện xuất phát từ những bộ não mà studios thả tự do.
Chiến dịch Marketing kiểu A24
Thật không dễ để làm một studios độc lập ở Hollywood. Nơi đây là sân chơi bị chiếm lĩnh bởi 5 studios lớn và lâu đời, bao gồm Walt Disney, Universal, Warner Bros., Sony và Paramount. Những studios với nguồn tiền khổng lồ và những tài sản trí tuệ dồi dào có thể sản xuất những bộ phim với tốc độ mà những studios độc lập không thể so bì. Nhưng những gã khổng lồ vẫn có điểm yếu.
Sau những năm tháng tạo nên những thương hiệu kinh điển, bộ 5 studios lại mắc kẹt ở vũng bùn xào lại những tài sản cũ. Đó là lúc mà A24 bước vào. Nhưng sẽ có phép màu nào nếu A24 không thể nổi bật trong những cái tên quen thuộc. Và chiến dịch định hình thương hiệu của studios đã giúp hãng trở thành một “giáo phái” đáng gờm không chỉ ở phim kinh dị. Hệ thống mà studio sáng tạo đã trải đường cho cả những bộ phim đầy đủ cả thể loại.
Trong mười năm tồn tại, A24 đã phát hành hơn 100 bộ phim ở gần như mọi thể loại có thể tưởng tượng được, từ phim kinh dị tâm lý, slasher, tà giáo, cuồng tín cho đến những câu chuyện vui nhộn về sáng chấn giữa các thế hệ. Trong những năm đầu, thương hiệu này được xây dựng dựa trên những bộ phim cường điệu như Spring Breakers cũng như những bộ phim thuộc thể loại trí tuệ như Ex Machina. Song, bạn có biết A24 thật chất đã dành những năm đầu mua lại những bộ phim. Phải đến năm 2016, stduios mới bắt tay sản xuất phim chính hãng.
A24 tránh chi tiêu quá nhiều cho quảng cáo truyền thống như bảng quảng cáo và truyền hình. Thay vào đó, hãng tập trung vào việc biến các bộ phim thành cơn sốt lan truyền trên mạng xã hội. A24 là người sớm sử dụng Instagram, nơi các bức ảnh meme không liên quan gì đến phim. Và những phương thức “bá đạo” khác.
Để quảng bá Ex Machina tại South by Southwest, công ty đã tạo ra một tài khoản Tinder đóng giả nhân vật của Alicia Vikander, Ava, để “rủ” người đã được ghép đôi đến xem phim. Đối với The Witch, A24 đã tạo một tài khoản Twitter cho con dê satan Black Phillip. Tài khoản này đã củng cố sự đáng nhớ của nó đến mức người hâm mộ kêu gọi con dê ấy được trao giải Oscar.
A24 đã may mắn xuất hiện vào đầu những năm thập niên 2010, thời điểm mạng xã hội đang chuyển đổi từ văn hóa văn bản sang văn hóa hình ảnh của các bài đăng trên Instagram, meme Reddit và GIF phản ứng. A24 hoạt động vận dụng sự sôi nổi của cuộc chuyển đổi. Từ đoạn độc thoại gây ấn tượng của James Franco trong Spring Breakers đến điệu nhảy trong Ex Machina của Oscar Isaac đến nụ cười toe toét của Adam Sandler trong Uncut Gems, các bộ phim của hãng đôi khi dường như được xây dựng cho mục đích để “viral” hơn là phục vụ mục đích điện ảnh. Nhưng về đường dài, chúng đã chứng minh hiệu quả.
Chiến dịch quảng bá của A24 không chỉ giúp studios chen chân, mà còn trở nên nổi trội giữa những chiến dịch hàng triệu đô la của các studios lớn. A24 đã xác lập vị trí của mình trong tâm trí khán giả - một hãng phim chuyên về những ý tưởng kỳ lạ nhất, điên rồ nhất, và sáng tạo nhất và Hollywood quá sợ hãi để thử. Đó là A24. Về lâu dài, A24 đã trở thành một cái tên bảo chứng cho chính những bộ phim của hãng.
Trong suốt thời gian hoạt động, A24 đã có những thất bại, ví như The Revenge of the Green Dragon và cả Springbreakers – bộ phim đầu tiên được A24 lăng xê. Nhưng đó không thể khiến A24 chậm lại. Và Studios không chỉ làm phim “Cult”, bản thân nó đã trở thành một “Cult” theo cách riêng của nó. Mặc dù A24 chưa thể giải cứu Hollywood như nhiều người hằng tưởng, studios đã phần nào cứu được phim kinh dị. Đã là một “Cult”, A24 có một đội quân hùng hậu những “tín đồ” và đó là tin vui cho bất cứ phim ở thể loại nào.