Hậu cung không đậm chất thơ mà là một bản nhạc u buồn, tuyệt vọng. Ở đó, tình yêu là thứ xa xỉ mà để có được nó một lần, đôi khi ta không còn được thấy ngày mai...
Nổi tiếng với các bộ phim Bungee Jumping Of Their Own (2001), Blood Rain (2005) và bộ phim tình cảm nhẹ nhàng Trace of Love từng được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Pusan lần thứ 11 năm 2006 (nay được đổi tên thành LHP Busan), 2012 đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Kim Dae-seung bằng tác phẩm điện ảnh The Concubine - tác phẩm nằm trong top 8 phim Hàn được mong đợi nhất năm 2012.
Sau nhiều năm ấp ủ, đạo diễn Hậu cung mang đến cho người xem câu chuyện tình bất lực giữa chốn cung cấm cùng bao nhiêu âm mưu gian xảo làm thay đổi con người. Phim xoay quanh chuỗi liên kết giữa Hwa-yeon (hoàng hậu của vua đời trước), Sung-won (em trai của vua, sau này lên ngôi vì anh trai băng hà - mang lòng yêu chị dâu Hwa-yeon), Kwon-yu (thái giám cận thân của Thái hậu, cũng là người yêu thuở quê nhà của hoàng hậu Hwa-yeon) và vị Thái hậu độc ác (mẹ ruột vua Sung-won).
Hậu cung chuyển tải những thước phim lột tả tình dục nóng bỏng, khát khao yêu đương thật sự nhưng rồi chợt bóp nghẹt trái tim người xem bằng sự thống khổ phơi bày khi từng động tác, cử chỉ ái ân của một vị vua cô đơn đều bị giám sát từng giây phút. Những cảnh sex được thể hiện uyển chuyển mang tính nghệ thuật chứ không dung tục. Ở cảnh phim vị vua Sung-won ân sủng tì nữ của Hoàng phi Hwa-yeon mà trong lòng là hình ảnh của Hwa-yeon, đó có thể xem là vẻ đẹp tráng lệ nhất của thứ tình yêu tuyệt vọng nhưng đầy khao khát... Phim được đẩy đến cao trào khi vị Hoàng đế Sung-won chạm được người con gái mà ông yêu nhất - cũng là khi ông phải đánh đổi hạnh phúc đó bằng mạng sống và ngôi vị của mình. Bối cảnh phim ngắn gọn, hoàng cung được quay bởi những góc máy rộng, tầm xa nhưng lúc nào cũng nhuốm màu sắc ngột ngạt, u buồn. Phim chủ yếu xoay quanh chuỗi nhân vật chính, lời thoại ít đi kèm những biểu cảm nội tâm chính yếu của vị vua Sung-won và Hoàng phi Hwa-yeon.
Âm thanh và nhạc phim được đầu tư khá tốt, tạo nên hiệu ứng hồi hộp và đau xót cho người xem. Tuy nhiên có một số phân cảnh, âm thanh phụ quá nhiều khiến thước phim trở nên ồn ào, hỗn tạp, khó có thể tập trung vào lời thoại của nhân vật chính. Phim mang âm hưởng của sự ám ảnh về ước muốn được sống tự do, muốn là chính mình, do đó nhạc phim cũng theo xu hướng trầm lắng và ngân dài.
Phim được thể hiện theo trình tự thời gian, sự biến đổi của không gian qua các mùa cũng khiến tâm tư con người thay đổi. Ban đầu phim chỉ bình lặng bởi một Hoàng phi Hwa-yeon cam chịu, u uất thì càng về sau, sự trỗi dậy mãnh liệt của những đau đớn, giằng xé khiến bộ phim trở nên tha thiết hơn với hình ảnh Hwa-yeon ôm lấy xác hoàng đế Sung-won khi chính cô đã dùng cây trâm Sung-won tặng để kết liễu người. Một số khán giả nhận định rằng Hậu cung xây dựng tình yêu không lối thoát được đặt trong những toan tính quyền lực nặng nề sẽ khiến người xem cảm thấy sợ hãi khi không thể nhận ra đâu là tình yêu thật và đâu là sự vụ lợi cá nhân. Nhưng cũng có người nhiệt thành ủng hộ bởi chất nghệ thuật qua những thước phim đẹp mà đau lòng, huy hoàng mà điêu tàn đó.
Từ trước đến nay, phim cổ trang Hàn Quốc luôn vấp phải sự chỉ trích của dư luận bởi những "hạt sạn" phi lý do cẩu thả trong kỹ thuật quay cũng như bối cảnh. Tuy nhiên, Hậu cung gần như đã vượt qua được thành kiến đó.
Hậu cung không đậm chất thơ mà là một bản nhạc u buồn, tuyệt vọng, bởi ngay cả lúc ngủ nhân vật phim cũng không được là chính mình... Cái kết phim gợi cho người xem cảm giác về một sự tiếp diễn tranh đoạt vương quyền không lối thoát cùng một tình yêu đã vùi chôn thật sâu mà ngọn mầm nảy lên chỉ còn trơ lại sự tính toán và lợi dụng... Ở nơi đó, tình yêu là thứ xa xỉ nhất mà để có được nó một lần, đôi khi ta không còn được thấy ngày mai...
Hậu cung khởi chiếu ngày 5/10 tại các cụm rạp Lotte Cinema trên toàn quốc.