Himalaya là một trong những dãy núi cao nhất và được xem là “nóc nhà của thế giới” hiện nay. Dãy núi này có trên 100 núi khác nhau cao trên 7.200m và có đến 14 đỉnh núi cao trên 8.000m, trong đó có đỉnh núi cao nhất thế giới - Everest. Vì vậy, mỗi năm có tới hàng trăm khách du lịch tới đây để được chinh phục điểm đến tuyệt vời nhất hành tinh này, dù trong số đó có không ít người thiệt mạng, hàng trăm người bỏ cuộc và không thể lên được những đỉnh núi cao nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những hành trình chinh phục kỳ diệu những đỉnh núi cao nhất Himalaya của những con người vượt lên chính mình, vượt qua những khó khăn mà ngay cả một người bình thường cũng khó có thể thực hiện. Đó là những người bại liệt, người mù, hay thậm chí đó là cụ ông 80 tuổi, họ đã đạt được những kỉ lục leo núi đáng kinh ngạc nhất thế giới.
Người đàn ông già nhất leo lên đỉnh Everest 3 lần
Trong tháng 5 năm 2013, ông Yuichiro Miura 80 tuổi, một nhà leo núi người Nhật đã trở thành người cao tuổi nhất leo lên đến đỉnh núi Everest. Trước đó, ông đã 2 lần leo lên đỉnh Everest vào năm 55 tuổi và năm 70 tuổi.
Trước khi lên đến đỉnh núi, Miura đã phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe. Ông đã phải trải qua cuộc phẫu thuật tim vào tháng 1 năm 2013 vì nhịp tim bất thường, đó là lần phẫu thuật tim thứ tư của ông kể từ năm 2007.
Ngoài ra, ông còn bị vỡ xương chậu và xương đùi trái trong một tai nạn trượt tuyết năm 2009. Để chuẩn bị cho cuộc leo núi đầy mệt mỏi, ông Miura đã tập leo núi ở Tokyo và trên máy chạy bộ trong phòng có lượng oxy thấp được thiết kế đặc biệt trong nhà ông.
Người cụt cả hai tay đầu tiên leo lên Everest
Cũng trong tháng 5 năm 2013, chính quyền Nepal xác nhận ông Sudharshan Gautam, 30 tuổi, người Nepal gốc Canada đã trở thành người không tay đầu tiên leo lên đỉnh núi Everest.
Gautam mất cả hai cánh tay trong một tai nạn khi đi thả diều ở Kathmandu, Nepal. Khi diều bị mắc vào dây điện, ông đã sử dụng một thanh sắt để gỡ chiếc diều ra, sau đó bị điện giật và bị bỏng nặng dẫn đến việc phải cắt bỏ cả hai cánh tay.
Phương châm của ông Gautam là: "Khuyết tật không phải là không có khả năng". Ông đã từng ghi tên mình vào những đỉnh núi khác trước đó như núi Ramdung cao 5.925 m và núi Yala cao 5.732 m. Ông cũng đã trèo lên đỉnh Everest mà không sử dụng tay giả.
Người bại liệt đầu tiên leo lên đỉnh Himalaya
John Maggi bị bại liệt khi còn là một đứa trẻ và đã trải qua 50 năm đầu tiên của cuộc đời mà không thể đi lại được. Ông có được khả năng đi lại nhờ sự giúp đỡ của chân giả. Đây là một trong những phát minh khoa học đem lại hy vọng cho những người bị bệnh như ông.
Tháng 7 năm 2015, ông đã hoàn thành hành trình tuyệt vời là leo lên đỉnh dãy Himalaya ở phía Bắc Ấn Độ. Đối với Maggi, hành trình này đánh dấu cả một sự tái sinh về thể chất và tinh thần và là một chiến công thực sự của ông.
Suốt cuộc hành trình, Maggi chỉ sử dụng một chiếc xe lăn để leo lên đỉnh núi. Ông đã đi đến độ cao cao nhất có thể đạt được là 5.600m.
Người mù đầu tiên leo lên đỉnh Everest
Ngày 25 tháng 5 năm 2001, Erik Weihenmayer đã trở thành người mù đầu tiên trên thế giới leo lên đến đỉnh Everest. Năm 2008, ông leo lên đỉnh Carstensz Pyramid trên đảo Papua New Guinea, điểm cao nhất của mọi châu lục. Thành tựu này đã kết thúc một cuộc hành trình 13 năm leo núi của ông bắt đầu từ năm 1995.
Người phụ nữ đầu tiên chinh phục được 14 đỉnh Himalaya
Bà Gerlinde Kaltenbrunner, người Áo, đã trở thành người phụ nữ đầu tiên chinh phục được 14 đỉnh cao trên 8.000 m thuộc dãy núi Himalaya mà không cần bình dưỡng khí vào ngày 23 tháng 8 năm 2011.
Nữ y tá 40 tuổi này là một trong số 3 người phụ nữ từng chinh phục 14 đỉnh núi cao ngất ngưỡng trên. Tuy nhiên, điều khác biệt với hai người phụ nữ còn lại là bà Kaltenbrunner không cần dùng đến bình dưỡng khí.
Lúc 18 giờ 18 phút (giờ địa phương) ngày 23-8-2011, bà Gerlinde đã chạm đỉnh K2, cao thứ hai sau đỉnh Everest nhưng nguy hiểm hơn nhiều, trong tiết trời buốt giá. Trước đây, bà đã từng 6 lần thất bại ở đỉnh K2 – theo chia sẻ của ông Ralf Dujmovits, chồng bà Gerlinde, viết trên trang cá nhân.
Thành công hôm 23-8-2011 đã đặt dấu chấm hết hoàn mỹ cho cuộc chinh phục 14 ngọn núi thuộc dãy Himalaya, bắt đầu từ tháng 5-1998 của bà Gerlinde.
Trước đó, người đầu tiên đặt chân lên tất cả 14 đỉnh cao trên 8.000m của Himalaya là nhà leo núi người Ý Reinhold Messner vào năm 1986.
Việc thám hiểm những đỉnh núi cao nhất thế giới thuộc dãy Himalaya là vô cùng nguy hiểm nhưng cũng không kém phần thú vị. Với kết quả đạt được là việc đặt chân lên những nơi mà người bình thường cũng khó lòng chạm đến, Himalaya vẫn luôn là nơi thử thách những giới hạn của con người và tạo nên những điều kì diệu.
Sắp tới đây, nếu ưa thích thể loại phiêu lưu, thể thao, mạo hiểm, và đặc biệt là yêu thích dãy núi Himalaya thì bộ phim cùng tên được trình chiếu vào 26.02.2016 sẽ là lựa chọn mà bạn không thể bỏ qua.
Xem lịch chiếu The Himalayas.