Tin điện ảnh

Hữu Tuấn: 'Tình yêu đầu đời như một bài kiểm tra'

Đạo diễn sinh năm 1984 của bộ phim teen Dành cho tháng Sáu ví von mối tình học trò giống như một bài kiểm tra mà mỗi đứa trẻ muốn trưởng thành đều phải vượt qua nó.

- Dành cho tháng Sáu là phim đầu tay và do anh tự bỏ toàn bộ kinh phí sản xuất. Anh đã chuẩn bị mọi thứ như thế nào?

- Dự định của tôi bắt đầu từ năm 2006 khi tôi vẫn đang theo học Đại học Kiến trúc và muốn làm một bộ phim của riêng mình. Ban đầu nó vẫn chỉ là ý tưởng sơ qua cho tới cuối năm 2007, tôi mới bắt tay vào viết kịch bản. Năm 2008 tôi đã muốn quay rồi nhưng lúc đó mới xong kịch bản và thiết kế được trận đấu bóng quan trọng. Hai năm sau, khi gom được đầy đủ vốn, tôi thành lập công ty và quyết tâm làm bộ phim này.

- Lần đầu làm phim lại là dân "ngoại đạo", anh gặp phải những khó khăn nào?

- Riêng về vấn đề kinh phí thì tôi không gặp nhiều vấn đề lắm vì đã mất cả một thời gian dài lo cho nó. Tuy nhiên, vì là bộ phim đầu tiên và êkíp tham gia cũng còn rất trẻ nên tôi và họ đã phạm phải khá nhiều sai lầm khó tránh khỏi. Khó khăn nhiều nhất chủ yếu là ở bản thân mình nhưng khi nhận ra được chúng và biết cách sửa chữa thì mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Tôi nghĩ đó cũng là lợi thế của những người trẻ.

- Trải nghiệm mà anh đã đưa vào Dành cho tháng Sáu là gì?

- Cá nhân tôi cũng gặp rất nhiều trắc trở khi ở lứa tuổi teen. Chính vì thế khi làm bộ phim này, tôi mong muốn các bạn trẻ trước bất kỳ khó khăn nào của cuộc đời đều phải tự mình chịu trách nhiệm rồi bước tiếp, đồng thời không được quên những người bạn sẵn sàng chìa tay ra với mình. Phim làm về lứa tuổi mới lớn, tâm lý mỗi người ở tuổi này thường rất nhạy cảm và phần lớn chúng ta đều trải qua những cảm xúc yêu đương đầu đời. Đối với tôi, tình yêu đầu giống như một bài kiểm tra mà mỗi đứa trẻ muốn trưởng thành đều phải vượt qua được. Đó có thể chỉ là một bài học đầu tiên nhưng rất cơ bản để hình thành nên tính cách của mỗi chúng ta.

- Anh lựa chọn các diễn viên cho bộ phim ra sao?

- Tôi không casting rầm rộ lắm vì tôi quan trọng cái duyên khi gặp được diễn viên. Gặp Quốc Trung khi tham gia dự án Chúng ta làm phim của TPD, tôi thấy cậu ấy rất hợp với vai Hoàng và còn biết chơi bóng rổ. Đó là lợi thế của cậu ấy và cũng là một cái duyên. Nếu tôi không tham gia vào dự án đó thì chẳng thể gặp được Quốc Trung.

Còn Huỳnh Anh cũng là trường hợp rất tình cờ. Khi đó, tôi tìm thử những gương mặt được nhiều người biết tới nhưng chưa thấy ai hợp cả. Lúc đó Huỳnh Anh vẫn là cái tên khá xa lạ và mới đóng một vai nhỏ trong Bi, đừng sợ. Khi nhìn vẻ mặt cậu ấy trong một tập hồ sơ, tôi đã cảm nhận được đây là nhân vật mà mình mong muốn.

Vai nữ chính của Thiên Tú khiến tôi mất nhiều thời gian tìm kiếm nhất. Thử qua rất nhiều diễn viên nhưng chưa tìm được, thì một hôm Quốc Trung giới thiệu Thiên Tú tới tham gia casting. Sau đó, tôi đã chọn cô ấy vào vai Minh. Thiên Tú là người có khả năng diễn xuất tốt và hiếm có.

"Dành cho tháng Sáu" khơi gợi những cảm xúc ngọt ngào, trong trẻo của lứa tuổi học trò. Ảnh: June.

- Không học qua trường lớp nào về điện ảnh, anh lấy kỹ năng đạo diễn từ đâu?

- Tôi chưa học qua bất kỳ trường lớp nào về phim nhưng có thời gian tôi xem rất nhiều phim. Khi xem phim vô tình hiểu được rất nhiều chuyện và khi hiểu rồi thì càng ngày càng hiểu hơn. Đến một lúc nào đó thì cảm giác mình đã học được khá là nhiều, đủ để làm bộ phim cho riêng mình. Có lẽ đó là một cách học phi chính thống nhưng với tôi, nó rất hiệu quả. Ngoài ra, tôi còn tích lũy kinh nghiệm ngay trong thời gian quay, khi suy nghĩ, tìm hiểu, đối chiếu thực tế trên trường quay và xử lý các tình huống.

- Bộ phim hay đạo diễn nào ảnh hưởng lớn đến anh?

- Có rất nhiều đạo diễn tác động đến tôi nhưng tôi không sao chép phong cách của họ mà cố gắng suy nghĩ theo lối tư duy của họ. Với Dành cho tháng Sáu, tôi chọn cách suy nghĩ của Sofia Coppola và Paul Thomas Anderson. Họ là hai cái tên rất nổi tiếng trong giới làm phim độc lập Mỹ. Hai bộ phim của họ tôi xem kỹ là Lost in TranslationBoogie Nights. Từ hai bộ phim này, tôi đã tìm ra cách xử lý phù hợp cho Dành cho tháng Sáu.

- Phim độc lập Việt Nam đang rất phát triển và càng ngày càng có nhiều người đến với điện ảnh, bắt đầu bằng các phim ngắn. Anh nghĩ sao về xu thế làm phim ngắn ở Việt Nam?

- Tôi khá nghi ngại việc làm phim ngắn của các bạn trẻ hiện nay. Giờ họ đã có thể quay phim bằng máy ảnh - một lợi thế kỹ thuật so với thời của tôi. Tuy nhiên khi có kỹ thuật trong tay, họ lại gặp vấn đề về ý tưởng. Tôi lo rằng nhiều bạn trẻ sẽ mắc phải cái bẫy của phim ngắn: Không thể làm những bộ phim lớn hơn mà chỉ đều đều với các phim ngắn có chất lượng trung bình. Tôi mong "tinh thần độc lập" lan tỏa nhiều hơn trong giới trẻ.

Nhiều người vẫn nghĩ phim độc lập là sản xuất phim một cách độc lập chứ không hiểu rằng tinh thần độc lập là sáng tạo một cách cá nhân và đột phá. Tinh thần độc lập không chấp nhận sự nửa vời. Khi có điều kiện kỹ thuật tốt hơn thì hãy nên tập trung nghĩ ý tưởng thật sâu và tránh vội vàng. Tôi cũng quan niệm rằng một người trẻ không nên làm quá nhiều phim ngắn. Hãy chỉ làm một phim khi bạn thực sự cảm thấy nó mới lạ, khác với những người khác.

- Là một người quan tâm và theo dõi điện ảnh thường xuyên, anh nhận thấy điện ảnh Việt Nam trong 5 năm trở lại đây thế nào?

- Tôi nghĩ đó là 5 năm rất tuyệt vời. Nếu không có quãng thời gian ấy thì tôi sẽ không dám làm Dành cho tháng Sáu bởi bản thân tôi cũng là một người sản xuất. Nếu điều kiện thị trường không thuận lợi thì sẽ chẳng thể đầu tư vào làm phim được. 5 năm qua là những bước thay đổi vô cùng vũ bão của điện ảnh Việt Nam. Từ những bước chập chững, giờ chúng ta đã có một lượng phim kha khá chiếu rạp hàng năm. Chất lượng sản xuất ngày càng tăng, thể loại cũng đa dạng hơn. Tôi nghĩ chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, điện ảnh nước nhà sẽ thực sự cất cánh.

- Gần đây, việc kiểm duyệt phim ở Việt Nam gây rất nhiều tranh cãi. "Bi, đừng sợ" khi ra rạp đã bị cắt đi những cảnh nóng quan trọng phục vụ cho nội dung phim. Mới đây, Bẫy cấp 3 bị cấm chiếu do câu chuyện và cảnh quay không phù hợp. Cá nhân anh nghĩ sao về chuyện kiểm duyệt?

- Thực sự, tôi nghĩ các nhà làm phim bị hạn chế sáng tạo trước áp lực của khâu kiểm duyệt là có. Tuy nhiên, cá nhân tôi ủng hộ việc duyệt phim ở Việt Nam như hiện nay vì dù sao, đôi khi cũng cần có những chuẩn mực nhất định để thẩm định một bộ phim. Tôi rất tiếc khi Bi, đừng sợ bị cắt đi những cảnh nóng và ảnh hưởng tới mạch của câu chuyện. Nhưng tôi cảm nhận rằng có lẽ những cảnh đó cũng không thực sự cần thiết lắm, dù bản thân tôi rất thích bộ phim này.

Liệu có phải chúng ta cứ cố gắng làm "chuyện đó" hay không? Đôi khi làm phim cũng cần suy nghĩ xem cảnh nóng có ý nghĩa gì với câu chuyện, hay chỉ muốn câu khách và thể hiện những ẩn ức của riêng bản thân chứ không phải của nhân vật.

Trường hợp bị cấm chiếu của Bẫy cấp 3 tôi cũng rất tiếc vì tôi quý tinh thần làm việc của nhà sản xuất Trần Trọng Dần. Tuy nhiên, đó cũng là sự cảnh tỉnh với việc làm phim quá nhanh, quá gấp của phim Việt thời gian gần đây. Về lâu về dài, tình trạng này gây một cảm nhận chung không tốt của khán giả đối với chất lượng chung của phim Việt.

- Anh đã có dự định gì cho bộ phim tiếp theo?

- Thần tượng điện ảnh lớn nhất của tôi là Stanley Kubrick. Trong sự nghiệp kéo dài gần 50 năm của ông ấy chỉ có 16 phim nhưng là 16 phim hoàn toàn khác nhau. Stanley cũng thành công ở tất cả các phim và tôi muốn học tập điều đó ở ông ấy. Bộ phim thứ hai của tôi sẽ là phim trinh thám, có phần đen tối và khác hoàn toàn với không khí của Dành cho tháng Sáu.