I Can Speak là nhan đề tiếng Anh của bộ phim Hàn Quốc mới ra rạp tại Việt Nam với tựa Tiếng Anh Là Chuyện Nhỏ. Hẳn rằng khán giả sẽ đang mong chờ một bộ phim hài hước, vui nhộn. Hãy yên tâm là bạn sẽ được xem một bộ phim "dở khóc dở cười" nhưng vô cùng tuyệt vời, vì sau khi xem bạn sẽ "cười ra nước mắt".
I Can Speak là câu chuyện về một bà già khó tính, lắm điều với sở thích chuyên khiếu nại các vi phạm xảy ra trong khu dân cư. Chuyện phim sẽ chẳng có gì hấp dẫn, cho đến một ngày, bà già gặp... thanh niên nghiêm túc - một nhân viên mới của văn phòng tiếp dân có khả năng bắn tiếng Anh như gió, khiến bà già khó tính thay đổi 180 độ, làm đủ mọi cách để được anh dạy tiếng Anh. Từ đó, những tình huống dở khóc dở cười bắt đầu xảy đến đúng như mong đợi của khán giả. Và cũng chẳng có gì bất ngờ khi diễn biến của phim đi theo chiều hướng tình bạn nảy sinh giữa hai con người chênh lệch tuổi tác này. Nhưng nếu chỉ dừng ở đây bộ phim sẽ chẳng có gì đáng nói. Điều thật sự hấp dẫn khiến khán giả bất ngờ và nên đến rạp xem phim chính là câu chuyện buồn đằng sau của I Can Speak. Bạn có thắc mắc tại sao một bà già lại phải vất vả học một thứ tiếng xa lạ ở cái tuổi gần đất xa trời? Điều bà muốn nói là gì? Tôi không nên tiết lộ nội dung phim ở đây mà hãy xem phim và khi tìm câu trả lời chắc chắn bạn sẽ khóc vì những gì bà có thể nói.
Với nhiều khán giả yêu thích phim Hàn thì diễn viên Na Moon-he đã quá quen thuộc trong rất nhiều tác phẩm truyền hình và điện ảnh. Tuy nhiên, chính điều này có thể khiến khán giả cảm thấy nhàm chán. Thêm vào đó phim không có diễn viên hot girl xinh đẹp, không hot boy ngôi sao với lượng fan khủng, nội dung cũng không có nhiều yếu tố giật gân. Vậy điều gì khiến I Can Speak vẫn đủ sức lôi cuốn khán giả?
Nếu là bạn thiên về dòng phim nghệ thuật và mong đợi một câu chuyện nặng nề, cầu kỳ hơn thì chắc chắn bạn sẽ cảm thấy không hứng thú với một kịch bản phim thay đổi tông liên tục, từ hài hước đến hiện thực xã hội, từ ly kỳ chuyển sang chính kịch như I Can Speak. Tôi thì lại thấy phim đã rất khéo léo khi kết hợp vừa đủ những yếu tố hài, tâm lý, xã hội, thậm chí là một chút hình sự, rùng rợn để tạo sự hấp dẫn cho bộ phim. Tuy nhiên điều mà tôi thấy I Can Speak thật sự ấn tượng đó chính là những tình tiết nhẹ nhàng nhưng vô cùng tinh tế, là những chi tiết rất nhỏ nhưng đã được phim xử lý rất tình. Đó là sau khi ngoại già dám nói lên sự thật giấu kín suốt nhiều năm trời, trở về nhà bà phải chứng kiến những ánh mắt lảng tránh của người hàng xóm. Phải chăng họ không dám đối diện với bà? Phải chăng họ coi thường bà? Tôi đã tự hỏi mình lúc đó, nhưng kịch bản phim đã rất khéo léo khi tạo nên tình tiết bất ngờ. Khán giả thật sự thấy xúc động khi biết lý do vì sao những người hàng xóm lại không dám đối mặt bà, bởi vì họ cảm thấy hối hận vì đã không hiểu được người ngay bên cạnh mình, họ cảm thấy tiếc nuối và cả chua xót với quá khứ đau buồn mà bà không dám nói ra. Và đặc biệt là chi tiết cô bạn hàng xóm lại trách bà rằng tại sao là bạn thân suốt nhiều năm mà bà không chia sẻ cả những nỗi đau giấu kín nhất. Chi tiết giản dị và chân thực này đã toát lên ý nghĩa của tình bạn, tình người.
Không chỉ vậy, I Can Speak còn phản ánh hiện thực đời sống xã hội một cách nhẹ nhàng nhưng vẫn châm biếm sâu cay về cách làm việc của các cơ quan công quyền có thái độ thờ ơ, cản trở những người dân nghèo phải đối mặt quá trình đô thị hoá và kinh tế thị trường. Tuy nhiên, phim cũng cho thấy cái nhìn cảm thông với những viên chức nhà nước. Với khán giả trẻ tuổi, tôi tin rằng họ sẽ thấy bản thân mình đâu đó qua hình ảnh anh chàng nhân viên mới của văn phòng tiếp dân, chúng ta đều cố gắng phấn đấu học thật xuất sắc và luôn nung nấu những hoài bão ước mơ được làm công việc mình yêu thích như kiến trúc sư, nhưng thực tế thì đôi khi chúng ta phải an phận với công việc như nhân viên tiếp dân, xử lý những vấn đề giấy tờ hành chính liên quan đến xây dựng. Và nếu bạn có cái nhìn không thiện cảm với viên chức nhà nước thì đôi khi họ cũng chỉ đang làm việc theo nhiệm vụ, nguyên tắc, trong khi đó họ phải tiếp những công dân nhiều chuyện như ngoại già khó tính thì nếu là bạn, bạn có thể lúc nào cũng niềm nở, thoải mái tiếp đón được không?
Thêm một điều thú vị nữa từ nhan đề của bộ phim. Tôi thường khá khó chịu với cách đặt tựa cho phim nước ngoài khi ra rạp Việt. Và cũng đã có khán giả sau khi xem I Can Speak thì không hài lòng với cái tựa Tiếng Anh Là Chuyện Nhỏ vì cho rằng nó chưa toát lên đúng nội dung ý nghĩa của phim. Tuy nhiên tôi lại thấy cái tựa này rất thú vị và khá hợp lý, vì trong phim phần đầu tiên thì Tiếng Anh Là Chuyện Nhỏ còn cậu chuyện lớn hơn ở phía sau. Thế nên cái tựa phim đôi khi không cần phải quá cụ thể vì chắc chắn không ít khán giả như tôi đang chờ đợi một bộ phim hài giải trí đơn thuần thì cái kết cuối cùng của phim sẽ khiến người xem cảm thấy bất ngờ và đánh giá cao bộ phim.
Nhắc đến nội dung thì ngay trong tên của "ngoại già khó tính" Ok-boon biên kịch đã rất khéo kéo khi có từ Ok trong đó như muốn nói lên tinh thần "Tôi ổn" của bà. Và I Can Speak cũng đã mang đến cho khán giả những bài học đơn giản nhưng quan trọng và hiệu quả trong việc luyện kỹ năng học tiếng Anh, mà không chỉ cho các cụ già mà ngay cả người trẻ cũng không thể không áp dụng những phương pháp hiệu quả này, đó là: tự ôn luyện, chỉ sử dụng tiếng Anh trong lớp và đặc biệt là không ngại giao tiếp với người nước ngoài. Chắc hẳn rằng nhiều khán giả sau khi xem cũng phần nào rút ra được cho riêng mình những kỹ năng cơ bản và hữu ích cho việc học ngoại ngữ.
Câu tiếng Anh được nhắc lại nhiều lần trong phim, thậm chí ngay cả trong chi tiết quan trọng đó là "Hello - How are you? - I'm fine, thank you, and you?" Có thể bạn sẽ thấy câu thoại này chẳng có gì đáng chú ý, nhưng tôi lại thấy đây là một chi tiết được kịch bản xây dựng rất tinh tế. Bởi hãy nghĩ xem, để biết nói tiếng Anh đâu quá phức tạp, dù chỉ là vài câu xã giao, nhưng điều ý nghĩa quan trọng vẫn là để con người kết nối, hỏi thăm nhau. Và thật tuyệt biết bao khi chúng ta được nói với người bạn, người đồng nghiệp... rằng: I'm fine, thank you, and you?
Với tôi từng câu thoại trong I Can Speak đều được tối giản một cách tinh tế. Ví dụ như cảnh cậu nhân viên văn phòng tiếp dân, gia sư tiếng Anh của ngoại già khó tính, kể câu chuyện về cuộc đời mình bằng một tràng tiếng Anh, sau khi lắng nghe thì bà nói: "Chuyện của cậu thật buồn". Không riêng nhân vật anh gia sư bất đắc dĩ mà khán giả cũng rất bất ngờ. Nhưng còn bất ngờ hơn khi bà nói rằng: "Nghe giọng cậu tôi có thể hiểu cậu đã trải qua chuyện buồn thế nào". Đâu cần phải sử dụng chi tiết gì quá đắt, chỉ qua vài câu thoại tưởng như đơn giản, nhưng bộ phim đã gửi gắm những thông điệp giản dị mà sâu sắc rằng: Chúng ta có thể không hiểu ngôn ngữ của nhau, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được cảm xúc qua giọng nói của nhau.
Có thể nói I Can Speak đã xuất sắc khi phản ánh những vấn đề chính trị, xã hội một cách nhẹ nhàng, tinh tế nhưng rất sâu cay và mang nhiều thông điệp ý nghĩa mà bất kỳ khán giả nào cũng có thể cảm nhận. Nếu gần đây bộ phim Đảo Địa Ngục tái hiện câu chuyện chiến tranh một cách nặng nề thì trong I Can Speak quá khứ đau buồn của người dân Hàn Quốc được khắc họa giản dị, tinh tế và dễ đi vào lòng người. Đây là điều mà có lẽ không phải nền điện ảnh nào cũng có thể làm được. Làm thế nào để đề tài chiến tranh, lịch sử... không khiến khán giả trẻ thờ ơ vì nội dung quá nặng nề, đao to búa lớn? Hãy học tập cách các nhà làm phim Hàn Quốc đã rất khéo léo khi xây dựng một tác phẩm giải trí nhưng vẫn lồng ghép một câu chuyện có giá trị nhân văn và đặc biệt là mang thông điệp lịch sử tới khán giả.
"Đó là điều tôi muốn quên nhưng tôi không muốn vứt bỏ nó. Nếu quên thì đã thua rồi!"
Câu nói của "ngoại già khó tính" rất đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Dù quá khứ lịch sử có thể rất đau buồn và không ai muốn nhắc lại, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có quyền chối bỏ, bởi nếu lịch sử bị lãng quên thì chính chúng ta sẽ là những kẻ thua cuộc. Một thông điệp sâu sắc mà I Can Speak cũng đã truyền tải thành công đó là: Hãy kịp nói lời xin lỗi trước khi quá muộn và đó cũng là cách giúp chúng ta khép lại quá khứ đau buồn để có thể bình yên sống tiếp. Một lời xin lỗi tưởng như đơn giản và sáo rỗng, nhưng đôi khi nó là lời nói vô cùng quan trọng mà không phải ai, và ngay cả chính phủ cũng không dám đối mặt và nói ra.
Mặc dù vậy, những vấn đề được đề cập tới trong I Can Speak đều chưa được giải quyết dứt điểm. Những khiếu nại của khu dân cư và văn phòng quận vẫn chưa có phương án hợp tình hợp lý. Lời xin lỗi của chính phủ Nhật vẫn chưa được thực hiện. Nhưng đây mới chính là điểm thành công nhất của bộ phim, bởi thông điệp mà bộ phim muốn nói tới chính là: I Can Speak - chúng ta đừng im lặng với lịch sử, hãy sẵn sàng lên tiếng trước những bất công trong xã hội. Đây chính là điều tôi thật sự cảm thấy yêu thích và đánh giá cao tài năng của những nhà biên kịch và làm phim Hàn Quốc, vì chỉ trong một bộ phim giản dị, nhưng lại có thể nói lên những thông điệp lớn lao.
I Can Speak - Tôi có thể nói rằng đây thật sự là một bộ phim vô cùng sâu sắc. Và tôi tin không chỉ khán giả lớn tuổi mà khán giả trẻ hãy nên đi xem bộ phim này.