Giữa những tranh cãi thể loại siêu anh hùng sẽ mãi không thể rũ bỏ cái mác nông cạn và tính ăn liền, Joker (2019) xuất hiện dường như để chống lại nhận định đó. 11 đề cử Oscar, hai tượng vàng Hàn Lâm, một câu chuyện gốc, và trước khi Deadpool & Wolverine ra đời, Joker là bộ phim nhãn R có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Joker sở dĩ có thể ấn tượng đến vậy, thậm chí gây tranh cãi, là nhờ câu chuyện đúng điệu và tính thẩm mỹ có thể được mô tả là nghệ thuật. 7 khoảnh khắc biểu tượng sau đây chính là những khoảnh khắc đắt giá giúp phim cô đọng hai yếu tố trên, chính thức nổi bật giữa rừng phim siêu anh hùng khác.
1. Arthur gặp Bruce Wayne
Sẽ chẳng có gì khiến các fan DC Comics hào hứng hơn là hai kẻ thù truyền kiếp Batman và Joker giáp mặt. Tuy vậy, cuộc gặp gỡ giữa Arthur – kẻ đang trên đà trở thành tên hề khét tiếng, và một Bruce Wayne còn non trẻ là một trải nghiệm hoàn toàn khác.
Với mũi hề đỏ và màn ảo thuật con nít, Arthur tiếp cận Bruce ngay trước cổng dinh thự Wayne vào một buổi sáng yên tĩnh. Bầu không khí trở nên nặng nề hơn khi Arthur đưa tay lên mặt Bruce Wayne ngây ngô để tạo một nụ cười.
Bruce lặng yên trước gã đàn ông kỳ lạ, còn Joker chiêm nghiệm về gia đình hắn đã có thể có, tương lai sáng sủa nếu là kẻ đứng vào vị trí của cậu bé lúc này. Joaquin khiến người hâm mộ nín thở, tất cả đều tự hỏi liệu anh ta sẽ giết cậu bé hay sẽ có câu trả lời hắn tìm kiếm.
Phoenix không làm gì nhiều, ngoài việc để ánh mắt tràn đầy đau đớn nói lên mọi suy tư thầm kín dạo quanh đầu nhân vật. Với viễn cảnh Arthur và Bruce có thể là anh em cùng cha lơ lửng trong không trung, cuộc gặp gỡ ấy là một trong những cảnh tượng căng thẳng nhất trong Joker.
2. Màn trình diễn cuối cùng
Không lâu sau khi hạ sát Murray, Arthur đã bị bắt. Trên đường đưa hắn về chỗ tạm giam, đám đông nổi loạn đã lao vào chiếc xe cảnh sát đang chuyên chở gã hề và kéo Arthur khỏi băng ghế sau. Họ đặt hắn lên mui xe, nơi trở thành sân khấu của hắn trước đám đông reo hò phấn khích.
Gã hề đứng lên, lấy máu vẽ lên miệng thành một nụ cười toe toét, dang tay biểu diễn trước đám đông yêu mến hắn như khao khát ban đầu của Arthur. Từ đây, Joker chính thức ra đời. Ở con hẻm tối tăm nọ, ông bà Wayne bị một gã đeo mặt nạ hề sát hại trước mặt con trai.
Có lẽ do sợi dây kết nối oan nghiệt hàng thập kỷ giữa Joker và Batman, đạo diễn Todd Phillips đã thực hiện hai khoảnh khắc này song song ở Joker, như một lời nhắc nhở thời khắc nghiệt ngã cả hai được “sinh ra cùng nhau”, mãi mãi khóa chặt họ trong cuộc chiến không hồi kết trên mọi vũ trụ.
Trong bảng màu lạnh lẽo bao quanh tạo hình nổi bật của Joker, khi khúc nhạc vừa thê lương vừa mang tính điềm báo vang lên phía sau. Màn trình diễn cuối cùng với tư cách là Joker tự do của Arthur trong bộ phim trở thành một điểm nhấn không thể nào quên khi cùng lúc nhấn mạnh tính thẩm mỹ và ý nghĩa Joker có thể đạt được.
3. Cái chết của Murray
Không ai có thể nói Joker là một bộ phim không bạo lực. Nó có thể không máu me như các phim nhãn R khác, nhưng lúc bạo lực nổi dậy, nó sẽ rung chuyển người xem. Một trong số đó là cái chết bất ngờ của Murray ngay trên sóng truyền hình, ngay trong lúc chúng ta nghĩ thần tượng của Arthur có thể an toàn trong bộ phim này.
Với phân cảnh ấy, Todd Phillips đã chứng minh nhà làm phim có thể tạo nên những khoảnh khắc dồn nén và bùng nổ điệu nghệ đến đâu. Toàn bộ khung cảnh trải dài trong hơn 5 phút đi từ một tràng cười gượng gạo và bất ổn tột cùng, đến cơn phẫn nộ của Arthur, để rồi kết thúc bằng phát súng không do dự nhắm vào Murray.
Cuối cùng, phân cảnh in hằn vào tâm trí khán giả trong tiếng tim đập thình thịch là vẻ thỏa mãn của Arthur và niềm tin cháy bỏng hắn đã làm điều gì đó có ý nghĩa.
Khoảnh khắc này cũng đánh dấu màn cao trào kịch tính của Joker, một màn cao trào đầy giận dữ nuốt chửng lấy Gotham. Và khi mọi người nơi đây cắn xé lẫn nhau, Arthur, giờ đã là Joker, là người cười cuối cùng trong mỹ mãn.
4. Chỉ cần một ngày tồi tệ mà thôi!
Trở thành anh hùng hay ác nhân đôi khi được quyết định bằng một ngày tồi tệ mà thôi. Đối với Joker - Arthur Fleck, đó là ngày hắn thất nghiệp, cô đơn cùng cực, mẹ tâm thần, cuối cùng là bị ba gã lạ mặt đánh đập vì tràng cười hắn không thể ngăn được.
Áp lực rốt cuộc bùng nổ. Arthur ra tay sát hại ba mạng người. Đáng nhớ nhất vẫn là cảnh hắn truy đuổi người thứ ba rồi hạ sát anh ta trong máu lạnh. Ban đầu là tự vệ trong sợ hãi, nhưng sau đó là cảm giác đầy thỏa mãn khi tự tay khiến những kẻ đó phải trả giá.
Khoảnh khắc định mệnh ấy phản ánh tâm trí ngày càng méo mó và cô đọng bi kịch của nhân vật chính hơn là một dấu ấn hình ảnh. Nhưng không có nghĩa là nó không chạm đến người xem.
Điệu nhảy hoàn toàn ngẫu hứng Joaquin Phoenix thực hiện dưới ánh đèn mờ sau đó, khi khúc nhạc rợn người của Hildur Guðnadóttir vang lên đã tạo nên một bức tranh đặc biệt thê lương cho bộ phim, đánh dấu bước đi đầu tiên trên hành trình Arthur dần từ bỏ nhân tính để trở thành Joker đúng nghĩa.
5. Bức tường đẫm máu
Một trong những phân cảnh đắt giá nhất về Joker phải kể đến cái chết của Randall, đồng nghiệp của Arthur. Khi mọi tiêu điểm khác chỉ khai thác sự loạn trí cùng tấn bi kịch của hắn, cái chết đặt biệt này mô tả Arthur Fleck trong một ánh sáng phức tạp vừa ớn lạnh vừa nhân tính.
Trong đây, một cuộc viếng thăm bất ngờ của Randall và Gary khiến Arthur ngạc nhiên. Song, hắn vẫn mời họ vào nhà thật niềm nở, cho đến khi câu hỏi về khẩu súng của Randall khiến Arthur phát điên. Bằng chính bàn tay ngày thường gầy gò yếu ớt, Arthur đã đập đầu Randall vào tường cho đến khi nó thấm một màu đỏ thẫm, đến khi mặt hắn cũng đẫm máu theo.
Trong giây phút các vệt máu lăn dài trên mặt, Arthur lại để Gary, một người lùn từng tử tế với hắn rời đi an toàn. Như một màn chọc cười quái đản, gã hề còn mở cửa giúp bạn mình khi Gary không thể với tới tay nắm cửa.
Joker là câu chuyện về một tên ác nhân, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Joker luôn để lại một chuỗi dài những tử thi và hỗn loạn. Tuy nhiên, với Randall và Gary, nếu nói Arthur Fleck không có lòng trắc ẩn là một lời nói dối. Song, nhận ra điều đó chỉ khiến Joker càng thêm khủng khiếp.
6. Hãy giới thiệu tôi là Joker
“Ông có thể giới thiệu tôi là Joker không?” là một cảnh quay đặc biệt duy mỹ trong Joker được bồi đắp theo chiều hướng tăng dần rồi rơi vào khoảng lặng rùng mình cực kỳ khó chịu trước khi cơn bão kéo đến.
Bao bọc trong các ánh sáng và bóng tối cường điệu khéo léo, các gam màu nóng, lạnh đan xen bắt mắt phủ lên hết mọi vật. Dưới ánh đèn sân khấu, mọi thứ như trở thành một kỳ quan gay gắt thu hút ánh nhìn.
Trong đó là Arthur Fleck, kỳ quan mới nhất của chương trình chờ đợi ra mắt công chúng. Sân khấu đã được dọn sẵn và người ta hô “diễn”. Vấn đề là hắn là một kỳ quan rẻ tiền, được mang đến chỉ để trở thành tiền đề bị cười cợt ngay trên sóng truyền hình.
7. Điệu nhảy trên cầu thang
Joker lúc ra mắt là một bộ phim nhận rất nhiều lời khen chê lẫn lộn, kể cả những tranh cãi về cách Todd Phillips khắc họa ác nhân này theo góc nhìn có phần đồng cảm. Tuy nhiên, nói gì về bộ phim này cũng được, bạn không thể không thừa nhận tính biểu tượng của khoảnh khắc Arthur khiêu vũ trên cầu thang.
Phải, phân cảnh ấy chắc chắn đã thổi bùng cảm hứng cho nhiều meme, nhưng khi đặt nó vào toàn bộ bộ phim Joker, nó thật hoàn hảo. Arthur đã có nhiều khoảnh khắc hắn chấp nhận bản ngã Joker, nhưng không lúc nào hắn cảm thấy tự do bằng lúc hắn bước xuống dải cầu thang đó.
Điệu nhảy này tượng trưng cho sự thay đổi của Arthur từ một diễn viên hài độc thoại thất bại với chứng rối loạn thần kinh cười không kiểm soát thành một Joker tràn đầy tự tin khi tìm được mục đích cho sự tồn tại của mình. Hắn có mối nợ dang dở với xã hội thối nát đã “nạn nhân hóa” hắn cả cuộc đời. Và hắn nhảy để ăn mừng con người mới mẻ hắn đạt được sau trò chơi nạn nhân ấy.
Đến thời điểm điệu nhảy cầu thang này diễn ra, các phân cảnh quan trọng nhấn mạnh từng mảng nhân cách Arthur vứt bỏ. Thật trớ trêu là chúng đều khiến người xem thấu hiểu, để rồi thương cảm cho hành động của gã hề.
Đến lượt cảnh quay biểu tượng, Joker không đòi hỏi bất cứ sự đồng cảm hay thương hại nào nữa, mà chỉ đơn thuần để toàn bộ bộ phim thở để chuyển mình sang chương cuối khốc liệt.
Sau đó, nó để khán giả nghiền ngẫm về quỹ đạo nhân vật chính đã đến đâu, và toàn bộ tầng ý nghĩa phim đã reo rắc từ đầu đến cuối. Nói chúng là một khoảnh khắc thỏa mãn nhu cầu hình ảnh và kịch bản cùng một lúc.
Joker về cơ bản là một bộ phim sở hữu nhiều công cụ chỉ để lột tả một nhân vật phức tạp. Không có nghĩa là phim không thể đẹp như một thước phim nghệ thuật đôi lúc trở nên quái đản với những điệu nhảy. Nên người viết chẳng ngạc nhiên lắm khi Todd Phillips biến Joker 2: Điên Có Đôi thành một vở nhạc kịch cho đúng điệu.
Đó chắc chắn là một nước đi mạo hiểm đến từ ghế đạo diễn. Phản ứng từ LHP Venice là bằng chứng cho tính canh bạc của bộ phim. Không sao, hãy để 7 khoảnh khắc đắt giá này gợi nhắc bạn tay nghề điêu luyện của Phillips với tư cách là đạo diễn kiêm biên kịch. Joker 2: Điên Có Đôi có thể gây tranh cãi, nhưng sẽ là một bộ phim thỏa mãn từ câu chuyện đến nghệ thuật.