Sau khi kết thúc Lễ Bế mạc Dự án Làm phim 48 Giờ tại Việt Nam, Moveek có cơ hội được tiếp chuyện cùng Ken Ochiai, đạo diễn của Uzumasa Limelight và phim ngắn Half Kenneth từng gặt hái được rất nhiều giải thưởng và đề cử từ các liên hoan phim, cuộc thi danh tiếng. Tại thị trường Việt Nam, Ken Ochiai từng cầm trịch Vệ Sĩ Sài Gòn và Hồn Papa Da Con Gái gây được tiếng vang phòng vé trên toàn quốc.
Xuất hiện với bộ comple chuẩn mực, khác với vẻ ngoài chuẩn Nhật Bản có phần lạnh lùng, Ken Ochiai nhiệt tình chia sẻ về sự nghiệp làm phim có xuất phát điểm từ rất sớm. Anh cho rằng giới trẻ Việt Nam được trao cho cơ hội làm phim ngay từ những năm 20 tuổi là điều mà chưa có quốc gia nào làm được, kể cả những ông lớn như Hollywood.
Theo đuổi đạo làm phim từ năm 12 tuổi
Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Ken đều trả lời rằng mình làm phim từ lúc còn rất nhỏ tuổi. Động lực nào thúc đẩy anh làm phim đầu tay khi chỉ mới 12 tuổi?
Tôi bắt đầu làm phim cho lễ hội thường niên ở trường. Cứ mỗi dịp lễ hội, tôi và mọi người trong lớp thường được giao cho một dự án gì đó để làm chung, đóng kịch hay mở shop bán đồ chẳng hạn. Thế là, chúng tôi quyết định sẽ làm phim. Tôi đã luôn nung nấu ý định tự mình làm một bộ phim từ rất lâu rồi. Hồi 8 tuổi, tôi có cơ hội xem bộ phim Jurassic Park và đó là bộ phim đầu tiên tôi xem cùng bạn bè mà không có bố mẹ kèm cặp bên cạnh. Hình ảnh về những con khủng long khổng lồ, gầm gừ trên màn ảnh rộng dường như có sức hút mạnh mẽ, làm chúng tôi không thể nào rời mắt. Cứ thế, tôi càng muốn xem nhiều phim hơn nữa, tôi xem nhiều đến một thời điểm tôi quyết định mình phải tự thực hiện, tự mà quay lấy một tác phẩm cho chính mình.
Khoảng thời gian đó, gia đình tôi không mấy hạnh phúc, bố mẹ tôi ly hôn, còn anh tôi thì vướng vào vòng lao lý. Những thước phim trên màn ảnh là liều thuốc giúp tôi trốn thoát thực tại. Hơn nữa, làm phim còn đồng nghĩa với việc tạo ra một không gian dành cho những người giống như tôi, một nơi để họ tạm thời trốn tránh những ký ức buồn bã.
Kể từ đó, việc làm phim trở thành sứ mệnh của tôi, tôi luôn cố gắng hết sức có thể. Tôi từng học trong một ngôi trường chỉ dành cho nam sinh. Chúng tôi từng làm một bộ phim mà có đầy đủ cả diễn viên nữ lần diễn viên nam, đương nhiên các nam sinh phải đội tóc giả và mặc đồ nữ. Ở Nhật Bản, việc nam cải trang nữ và ngược lại là điều thường thấy trong các buổi diễn Kabuki. Tôi nhận ra rằng phim truyền thống tuân theo giá trị Nhật Bản sẽ không phải là thể loại phim mà mình muốn làm. Tôi muốn làm phim kiểu Mỹ, với người Mỹ, người Mỹ gốc Phi, người Châu Á, tất cả mọi chủng tộc sẽ đều xuất hiện trong phim của tôi. Vì thế, tôi cố gắng gia nhập Hollywood và gây dựng tên tuổi của mình tại nơi đây.
Vào khoảng thời gian đó, làm cách nào Ken thực hiện bộ phim đầu tay của mình. Điều gì gây trở ngại Ken hoàn thành bộ phim?
Việc quay phim hồi đó rất là khó khăn, chúng tôi gặp phải hạn chế về trang thiết bị rất nhiều. Nhưng, được làm phim là điều tôi ao ước, thứ tôi thực sự muốn để tâm sức vào. Có người họ thường thử mọi cách, làm nhiều công việc cho đến khi tìm được con đường của họ. Đối với tôi, việc làm phim là một con đường độc đạo duy nhất. Người Nhật chúng tôi có rất nhiều hệ tư tưởng dành riêng cho từng hành động, được gọi là "Đạo".
Đạo là con đường chúng tôi theo đuổi để tiến tới mục đích cuối cùng, chẳng hạn đạo võ sĩ, trà đạo, kiếm đạo. Còn tôi, tôi chọn đạo làm phim. Cho dù bạn may mắn vươn tới đỉnh cao hay bạn lỡ vận lọt hố thất bại, chúng đều không hề quan trọng. Việc làm phim là một con đường dài bất tận, không hề có hồi kết, việc của bạn là đi bộ một cách thong thả, tận hưởng thành quả đạt được. Đối với tôi, đạo làm phim là con đường duy nhất mà tôi tìm được sự thanh thản trong tâm hồn. Thành công hay thất bại đều không thể nào ngăn cản đươc tôi.
Để trở thành một đạo diễn, Ken đã lên kế hoạch cho con đường sự nghiệp như thế nào? Liệu anh có thể thuyết phục được gia đình mình?
Theo tôi, việc thuyết phục gia đình là rất quan trọng. Tôi phải tốn mất 7 năm ròng rã mới thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho tôi lựa chọn con đường này. Bố mẹ tôi là những người làm công việc kinh doanh nên việc tôi trở thành một nhà làm phim là không thể chấp nhận được.
Cũng như nhiều phụ huynh phương Đông khác, họ cho rằng đó không phải là một nghề nghiệp ổn định. Ngọn lửa khao khát được làm phim cháy bỏng trong lòng tôi, tôi hứa với ba tôi rằng tôi sẽ theo học ở một trường điện ảnh nổi tiếng nhất thế giới. Tôi sẽ đến Mỹ học làm phim và kiếm được bằng Thạc sĩ trong ngành điện ảnh. Nhờ đó, tôi có thể theo đuổi con đường giảng dạy để kiếm thêm thu nhập nếu bản thân không thể đặt chân vào cánh cửa đạo diễn.
Tại Nhật Bản, chúng tôi hay truyền miệng cho nhau một câu chuyện như thế này. Đất nước chúng tôi thường nổ ra rất nhiều vụ biểu tình phản đối nhà máy điện hạt nhân. Trong một cuộc họp báo, người đứng đầu những cuộc biểu tình chia sẻ rằng để có thể thuyết phục người lạ nghe lời, trước tiên bạn phải thuyết phục chính những người trong gia đình mình. Nếu bạn đã thất bại ngay từ bước đầu tiên đối với những người thân thiết, tin tưởng, thì làm sao bạn thành công được.
Đạo diễn ưa thích nhất của Ken? Đạo diễn nào truyền cảm hứng cho những tác phẩm sau này của anh nhiều nhất?
Vị đạo diễn có ảnh hưởng nhất đối với tôi chính là Steven Spielberg, đạo diễn của Jurassic Park. Sau này, tôi thích xem phim của David Fincher, Christopher Nolan và Alexander Payne. Đó là những vị đạo diễn nổi tiếng và họ đều có những phong cách làm phim cá tính, có chất riêng, ta xem phim của họ là biết ngay đạo diễn là ai. Bên cạnh đó, Wes Anderson cũng là đạo diễn có phong cách làm phim mà tôi rất yêu thích.
Hành trình là tác nhân định hình nhân vật của tôi
Trên phương diện một đạo diễn, thể loại phim nào định hình phong cách làm phim của Ken?
Phim thiên về drama sẽ là thể loại mà tôi định nghĩa bản thân. Bởi vì drama là thể loại phim linh hoạt, ta có thể kết hợp nó với bất kì yếu tố nào. Đồng thời, drama còn tập trung rất nhiều vào việc phát triển nhân vật, ta có thể dung hợp thể loại phim hành động, hài hước hoặc hành động - hài hay phim âm nhạc.
Chẳng hạn, hai bộ phim mà tôi làm ở Việt Nam đều xoay quanh các thể loại trên. Mặt khác, tôi rất thích xem phim hài và muốn làm thêm nhiều phim có tính chất vui vẻ hơn nữa. Ngoài ra, dòng phim kịch tính còn là thể loại tôi muốn thử sức, tôi dự định kết hợp và thực hiện một loạt phim hành động - kịch tính trong tương lai.
Khi xây dựng nhân vật chính trong phim của Ken, anh có tuân theo một quy chuẩn hay công thức nhất định nào không?
Vâng có chứ, theo tôi phim ảnh vốn dĩ đều tuân theo một công thức nhất định như tất cả nhiều phim ở Hollywood, từ phim thương mại cho đến phim nghệ thuật. Tuy nhiên, nếu bạn từng xem phim của đạo diễn Hirokazu Kore-eda hay Bong Joon Ho, những tác phẩm của 2 đạo diễn này thường có xu hướng phá vỡ mọi quy luật và đó là điều tôi mong muốn học hỏi từ họ. Tôi nhận thấy ngay cả ở Việt Nam, mọi người cũng đều copy ý tưởng từ các phim ở Hollywood. Nhưng cũng có nhiều trường hợp các nhà làm phim ở Việt Nam mong muốn thử thách bản thân với những phim mang tính nguyên bản cao. Vì thế, việc hợp tác với môi trường làm phim ở Việt Nam sẽ giúp tôi sản xuất những tác phẩm độc nhất.
Phần lớn nhân vật tôi xây dựng thường là những người luôn cảm thấy lệch pha giữa xã hội hiện tại. Họ có một khao khát "tìm đường về nhà" tìm về một nơi mà những giá trị nguyên bản của họ được trân trọng và phát huy. Bản thân tôi cũng thuộc về mẫu nhân vật này. Tôi xa quê hương Nhật Bản từ những năm 20 tuổi và đã du hành khắp mọi nơi trên thế giới. Vì thế, ý tưởng "tìm đường về nhà" sau khi học hỏi và thử thách bản thân luôn là mô tuýp chính cho các nhân vật trong phim tôi thực hiện.
Uzumasa Limelight là một bộ phim tuyệt vời, sở hữu cốt truyện độc đáo. Lý do nào Ken quyết định thực hiện bộ phim như vậy?
Xây dựng nhân vật chính là công đoạn quan trọng nhất. Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về một diễn viên đóng thế chuyên đóng vai ác, một người phải diễn cảnh bị chém chết hơn 15000 lần trên màn ảnh rộng. Đó thực sự là một câu chuyện tuyệt vời. Bị chém chết hơn 15000 lần đồng nghĩa với việc bạn tự mình đứng dậy hơn 15000 lần.
Câu chuyện rất có tác dụng truyền tải thông điệp hãy sống và cố gắng hết mình đối với người trẻ. Vì khi một người đã trải qua nhiều lần như vậy, họ đã được tôi rèn ý chí cũng như học được bài học và sẵn sàng đối đầu với những cú chém tiếp theo, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bộ phim cũng tương đồng với ý chí và tinh thần không ngừng cố gắng của người Nhật chúng tôi.
Theo định nghĩa của Ken, phim ngắn và phim điện ảnh có sự khác nhau như thế nào?
Tôi cảm thấy điều khác biệt duy nhất giữa 2 thể loại phim chính là thời lượng. Vấn đề chính mà các nhà làm phim ngắn gặp phải là cố gắng biến tác phẩm của họ trở thành một phiên bản mini của phim điện ảnh. Điều đó có nghĩa là họ bỏ vào đó quá nhiều yếu tố gây thừa thãi so với chỉ vài phút của bộ phim ngắn, thay vì sử dụng chất liệu đơn giản và linh hoạt để giúp người xem bắt kịp mạch phim. Một ví dụ khác cho trường hợp này là khi ta thực hiện việc chuyển thể câu chuyện trong sách sang phim, đạo diễn thường cố gắng tổng hợp các chi tiết trong đó nhiều nhất có thể lên màn ảnh rộng.
Điều này biến bộ phim trở thành một phim bản cô đặc của cuốn sách. Nhưng, điện ảnh lại không phải như thế. Khác với sách vở, điện ảnh có một hoặc nhiều ngôn ngữ riêng. Điều khiến một bộ phim thành công là bạn luôn bám lấy 1 ý tưởng duy nhất và phát triển nó lên thành một câu chuyện quy mô. Bạn lấy nhân vật chính làm nền tảng, rồi tận hưởng thú vui nhìn ngắm nhân vật chính phát triển và xây dựng một cuộc phiêu lưu cho họ. Theo tôi, một bộ phim như vậy mới là bộ phim có trọng lượng.
Việt Nam là môi trường làm phim hiệu quả
Đây là lần thứ mấy Ken đến Việt Nam? Tại sao Ken chon Việt Nam là nơi tác nghiệp đạo diễn tiếp theo của mình?
Tôi xem Việt Nam như ngôi nhà thứ 3 của mình. Nhật Bản là nơi tôi sinh ra và ngôi nhà thứ 2 của tôi là Los Angeles nước Mỹ. Đây là năm thứ 3 tôi làm việc ở Việt Nam, tôi cứ thể bay đi bay lại giữa 3 ngôi nhà, 3 quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, tôi dành nhiều thời gian ở Việt Nam hơn cả. Chỉ có ở đây, tôi luôn cảm thấy mình được chào đón. Tôi yêu thích việc hợp tác với người Việt Nam vì họ cho tôi một cảm giác thoải mái và thân thiện. Làm việc với người Nhật lúc nào cũng tạo cho tôi một áp lực vô hình.
Còn người Việt Nam, họ luôn cởi mở trong công việc, nếu họ không đồng tình việc gì đó thì ngay tức khắc họ sẽ nêu lên ý kiến riêng một cách chân thực. Bên cạnh đó, bạn sẽ không bao giờ muốn làm việc với một Yes-man (người luôn đồng ý trong mọi việc), người mà luôn đóng góp ý kiến tích cực hoặc bất đồng với bản thân bạn mới là một đối tác làm việc tốt. Nhờ vào những góp ý trái chiều mang tính xây dựng, bộ phim của bạn mới trở nên hoàn hảo. Chính vì thế, tôi yêu môi trường làm việc ở Việt Nam và mong muốn gắn bó với đồng nghiệp nơi đây.
Chất liệu thuần chất Việt Nam nào Ken có thể tận dụng cho phim của mình. Có điều gì khó khăn khi truyền tải đến khán giả hay không?
Tôi đã đọc qua khá là nhiều sách vở của người Việt từ truyện cổ tích, truyện dân gian cho đến những tác phẩm văn học cận đại thuộc thập niên 40, 50 kể về chiến tranh Việt Nam. Đó là những cột mốc lịch sử với nhiều sự kiện làm tôi trở nên thán phục con người Việt Nam. Vì thế, tôi đang có dự định làm phim hoạt hình dựa trên những chất liệu trên.
Tôi cho rằng giữa 2 nền văn hóa Việt Nam và Nhật Bản có rất nhiều sự bất đồng văn hóa. Đặc biệt, tôi còn không phải là một người Nhật Bản truyền thống điển hình, tôi là một sự tổng hòa giữa các giá trị phương Tây và một chút Nhật Bản. Tuy nhiên, đó lại chính là lợi thế của tôi, sự đa dạng và tư duy luôn mở. Ý tưởng của tôi nhiều lúc sẽ trở nên chán ngán và không phù hợp đối với phần lớn khán giả Việt Nam.
Đối với những nhà làm phim Việt Nam lẫn Việt Kiều như Charlie Nguyễn, Michael Thai, họ lại thích chúng vì đó là những ý tưởng nổi bật khác biệt. Họ sẽ cho tôi nhiều lời khuyên quý giá để từ đó biến chuyển sao cho phù hợp với thị hiếu người Việt. Chính vì thế, sự kết hợp ý tưởng của chúng tôi sẽ mang tính quốc tế, đồng thời cũng mang trong nó tính đại chúng. Mọi người, mọi phân khúc khán giả đều hiểu được ý tưởng đó. Nhờ vào kết quả của sự kết hợp ăn ý trên, 2 bộ phim gần đây nhất ở Việt Nam đều được mang đi công chiếu ở nhiều nơi trên thế giới và thu được doanh thu khủng. Tôi dường như đã thành công trong việc quốc tế hóa phim Việt Nam, điều mà ít đạo diễn nào có thể làm được.
Cảm nghĩ của Ken về Dự án Làm phim 48 Giờ? Hãy nêu tên 3 tác phẩm mà Ken thích nhất?
Hiển nhiên là FGS rồi, tiếp theo là Coda và Avalon, sản phẩm của họ thực sự có cá tính và nổi bật. Theo tôi, tác phẩm của họ được đánh giá cao như vậy vì nhân vật mà họ xây dựng rất có trọng lượng. Xem xong những bộ phim đó, điều để lại trong lòng bạn lâu nhất chính là những nhân vật như vậy.
Bởi vì, chính nhân vật mới là người truyền tải sự thành công bộ phim chứ không phải cốt truyện hay thể loại. Bên cạnh đó, tôi cũng rất thích phim Yêu Người Đã Cũ. Cặp đôi người tình trong phim tạo cho tôi cảm giác u buồn man mác chính bởi những ánh nhìn, diễn xuất của họ. Cặp đôi thực sự thành thực và ăn ý với nhau. Đối với tôi, đó là những cảm xúc chân thật. Và đó là những điều mà tôi luôn tâm niệm mình phải theo đuổi, sự thành thực của chất liệu trong phim.
Ken có lời nhắn nhủ nào với các nhà làm phim trẻ Việt Nam không?
Trên phương diện của một nhà làm phim Việt Nam, các bạn hãy nhận ra rằng các bạn may mắn đến nhường nào. Các bạn được trao cho những cơ hội làm việc với những mentor dày dạn kinh nghiệm, dàn cast chất lượng cũng như sự hỗ trợ về thiết bị. Tuổi đời của các nhà làm phim Việt Nam hiện tại là rất trẻ so với các nước khác. Ở Nhật Bản hay Mỹ, bạn phải lăn lộn cho đến 30 tuổi mới làm được một bộ phim đầu tay. Còn ở Việt Nam, bạn có thể làm phim ngay khi mới 20 tuổi và đây là điều chưa có quốc gia nào làm được. Trở thành nhà làm phim lúc 20 tuổi đồng nghĩa với việc bạn sở hữu 18 năm để làm thêm 18 phim nữa và cứ mỗi phim hoàn thành, chuyên môn của bạn được tôi rèn.
Vì thế, Việt Nam trở thành môi trường phù hợp giúp các nhà làm phim trẻ phát triển. Thỉnh thoảng, tôi nghe mọi người đổ vấy cho việc làm phim của họ không mấy khả quan vì đó là ở Việt Nam. Tôi chỉ cảm thấy ngược lại, được làm phim ở một môi trường như Việt Nam là một điều mà chúng ta phải cảm thấy tự hào. Nghĩa vụ của chúng ta là tiếp tục làm cho những quốc gia khác phải ghen tỵ, bằng cách cho ra nhiều sản phẩm chất lượng ở chính sân nhà Việt Nam.