San Andreas vừa bắt đầu công chiếu tại các rạp tại Việt Nam, vẫn đề tài cũ là thảm họa động đất nên chắc chắn nhiều người sẽ tự hỏi: Làm gì để cho hết 123 phút chỉ để nói về động đất? Tuy nhiên, sau khi xem xong bộ phim này thì thắc mắc đó sẽ được giải đáp một cách thuyết phục. Phim đã có cách riêng để khai thác tốt thảm họa và đủ để khán giả cảm thấy chấn động trong ít nhất 100 phút ở rạp chiếu.
Kỹ xảo: nếu ai đã từng ấn tượng với các cảnh thảm họa trong phim 2012 thì sẽ mãn nhãn với bộ phim về thảm họa động đất San Andreas. Kỹ xảo trong phim này mang lại cảm giác như thật, rất ít những cảnh giả tạo. Từ những chấn động làm các tòa nhà sụp đổ, lửa phun, cho đến cảnh sóng thần, phim đều làm rất tốt. Chỉ có vài cảnh nền như đoạn cuối thì mang chút cảm giác “phông xanh”, do lúc này toàn bộ cảnh trí đều dựng bằng vi tính.
- 3D: Phim có chiều sâu ấn tượng. Chấm hết. Không có độ nổi. Đã vậy còn bị tối nữa.
- 4DX: Rất tuyệt vời nhé! Phim không chỉ có rung lắc tưng bừng ở các cảnh động đất, mà còn nghiêng cũng rất đã. Nhất là trong đoạn trực thăng gặp sự cố và xoay vòng vòng, với góc nhìn đặt phía trong trực thăng, ghế nghiêng qua lại tạo cảm giác như mình đang xoay như chong chóng, đến lúc ngừng hẳn, cả khán phòng đều cười ồ lên vì quá đã. Hoặc giả như cảnh ở trên mặt nước, ghế cũng nghiêng qua lại như đang ở trên tàu, ai bị say sóng coi cảnh này chắc chịu không nổi luôn.
Đã nhất là cảnh vượt sóng thần coi rất tuyệt, khi ghế nghiêng và rung lắc do các chấn động, cộng với góc nhìn thứ nhất hướng về cơn sóng thần khổng lồ.
Đèn chớp kỳ này sử dụng hợp lý hơn, những đoạn dây điện đứt và xẹt lửa, ánh chớp lóe lên cùng âm thanh xẹt xẹt tạo cảm giác đáng sợ hơn nhiều.
Tuy nhiên, cái gây khó chịu vẫn là MÙI của phim. Mô phỏng cảnh hoang tàn của động đất, với mùi lửa cháy, MÙI của phim vẫn tiếp tục là cái khiến ai cũng bịt mũi và than vãn ít nhất 2-3 lần suốt bộ phim.
Ngoài ra, đoạn máy bay bay lên thì ghế ngả ra hơi chậm, không mô phỏng được cảm giác lúc cất cánh cũng như hạ cánh. Đây là điểm trừ khá lớn cho rạp 4DX này, vì cảnh cất cánh diễn ra đến 2 lần.
Nhịp phim: trái với lo ngại ban đầu, nhịp phim khá nhanh và dồn dập, ngang ngửa phim 2012. Ngay từ đầu phim, khán giả đã nghẹt thở trước vụ giải cứu đầu tiên, và sau đó cứ khoảng 10-15 phút nói chuyện, thì kịch tính lại tăng lên với vô số tình huống bất ngờ để tạo thử thách cho nhân vật. Có thể nói biên kịch mới chính là Villian của phim, vì anh không để nhân vật có một phút nào yên ổn. Khi mọi chuyện tưởng đã êm thì lại xảy ra sự cố mới, thử thách chồng thử thách, làm tăng kịch tính và khiến khán giả đứng ngồi không yên.
Tuy nhiên, việc sử dụng chiêu này riết cũng dần bắt đầu nhàm. Vì càng về sau, công thức tạo kịch tính cứ lặp lại, kiểu như nhân vật vừa chạy thoát một thảm họa, đứng lại thở, nói chuyện tâm sự vài câu, thì lại rung động, lại rớt đất đá, bê tông, lại bỏ chạy, rồi lại thở, nói chuyện vài câu…
Âm thanh: phòng chiếu chỉ có âm thanh 7.1 nhưng loa hiệu ứng khá tốt, tuy nhiên không đa dạng, chủ yếu là tiếng máy bay bay từ trái qua phải thôi.
Nội dung: đây là cái mà phim bị chê nhiều nhất, khi background của các nhân vật quá mỏng, ngoại trừ gia đình diễn viên chính được tạo một chút drama, nhưng giải quyết khá nhanh gọn, các nhân vật còn lại chỉ xuất hiện, nói và chạy trốn.
Kịch bản phim kỳ này đã tối giản đi các bài lên lớp về môi trường, về trách nhiệm của cộng đồng nên cũng đã bớt nhàm. Bởi vì động đất hoàn toàn không hẳn do con người gây ra. Đồng thời, các lý thuyết khoa học cũng được làm ngắn gọn và súc tích hơn, chỉ tầm 3-5 phút trong cả bộ phim, nên ai không đọc kịp phụ đề, cứ hiểu đơn giản thế này “ĐỘNG ĐẤT là do các lớp kiến tạo dịch chuyển. Hết”. Không cần phải suy nghĩ là vì sao thế này hay thế kia, vì phim cũng nói lướt rất nhanh.
Cấu trúc kịch bản có nhiều cao trào, kịch tính, nhưng không có tình huống bất ngờ làm xoay chuyển câu chuyện, và khá đơn giản kiểu nhân vật đi từ A đến B và gặp vài trở ngại trên đường. Thế nên nói chung cũng không hấp dẫn lắm, vì không tạo nên sự háo hức tò mò chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng nhờ vậy mà ai xem cũng hiểu.
Diễn viên: cái không có gì để nói, vì background nhân vật khá nông nên cũng không có gì nhiều để diễn, các nhân vật chỉ cần la hét, gào thét, sợ hãi, khóc lóc một chút rồi… đi tiếp và hoàn thành câu chuyện phim.
Thậm chí nhiều nhân vật xuất hiện chẳng để làm gì cho câu chuyện phim. Như ông nhà khoa học xuất hiện để giới thiệu lý thuyết động đất, lên TV cảnh báo rồi… cầu nguyện cho bà con bình an. Hay cô phóng viên luôn xuất hiện phỏng vấn đội cứu hộ và nhà khoa học rồi trốn chung với họ luôn.
Anh The Rock vẫn hợp với vai anh hùng cơ bắp và Cool, khiến các bạn nữ trầm trồ. Mặc dù biểu cảm của anh đã tốt hơn nhưng kịch bản nó đơn giản quá nên muốn diễn hay hơn cũng khó.
Yếu tố hài: phim có vài yếu tố hài duyên, không thô tục dơ, nhưng khá cũ kỹ. Mặc dù vậy, khán giả cười khá nhiều, có lẽ vì muốn giảm căng thẳng sau các màn động đất.
Phụ hợp với thiếu nhi?
Phim có vài cảnh chết chóc nhưng dùng kỹ xảo vi tính và quay off screen nên không có gì đáng sợ, mặc dù có thể làm bất ngờ và giật mình. Một chút máu me nhưng không bạo lực, chỉ tạo cảm giác sởn gai ốc do… đau đớn thôi.
Tóm lại: Đây là một bộ phim hay về thảm họa thiên nhiên nên coi ở rạp, đặc biệt là 4DX, để tận hưởng và trải nghiệm sự kinh hoàng của thiên tai, động đất, cũng như nhiều cảm giác mới như trực thăng và lái tàu vượt qua sóng thần.
Nếu ai không thích 4DX thì coi 2D là đủ, không cần coi 3D vì kính 3D làm phim khá tối.
Như đã nói, phim bị chê vì kịch bản nông, nhàm chán, dễ đoán, nhân vật xuất hiện kiểu có cũng như không, lời thoại nhảm nhí, viết cho có kiểu, nghe tin con gặp tai nạn, vợ hỏi chồng: Anh sẽ làm gì? Chồng trả lời: Đi cứu con.
Là cha mẹ mà nghe tin con gặp nạn còn hỏi một câu ngây thơ như vậy, và trả lời một câu hiển nhiên như vậy thì đúng là biên kịch phim này viết thoại cho diễn viên có cái để nói, và để người làm phụ đề có cái để dịch thôi, chứ chẳng rút ra được giá trị gì cả”.
Cũng như một vài cảnh sụp đổ hay thiên tai không khác mấy so với các phim cùng đề tài trước đây. Nhưng nếu bạn đọc kỹ các review nước ngoài, rất ít người chê phim này về kỹ xảo (visual) cũng như về tính hành động dồn dập (action packed).
Cũng giống như đi xem Transformer chủ yếu là xem robot đánh nhau ầm ĩ. Xem phim có Hoài Linh, Trường Giang, Thái Hòa là để cười. Thì xem phim về thảm họa là để sống với thảm họa và kỹ xảo, chứ ai lại đi xem phim thảm họa mà mong kịch bản gay cấn về thân phận con người trong thiên tai như phim Oscar.
Chính vì tiêu chí đó mà phim này tốt ở khía cạnh giải trí vì làm hài lòng khán giả, khiến ai cũng im phăng phắc ở các cảnh thiên tai và cười phá lên khi mọi chuyện đã lắng xuống, hay thở phào nhẹ nhõm.
Và nó tốt hơn nữa khi xem 4DX vì mang lại cảm giác đã hơn. Rất ít phim khai thác được thế mạnh của 4DX kể từ khi rạp này khai thác ở VN. Đến lúc này chỉ mới có Interstellar, Fast & Furious, Mad Max, phim này và sắp tới là Jurassic World (dựa theo trailer).
Khe Nứt San Andreas phù hợp với mọi lứa tuổi. Phim được thực hiện bởi đạo diễn Brad Peyton với sự tham gia của các diễn viên Dwayne Johnson, Alexandra Daddario, và Carla Gugino.
Khe Nứt San Andreas khởi chiếu từ ngày 29.5, xem lịch chiếu tại đây.