Đánh giá phim

[REVIEW] Chiếm Đoạt Ký Ức – Khi ký ức không còn là của riêng ai

Ký ức con người thật sự là một điều kì bí và hấp dẫn. Ta tưởng nó là sở hữu cá nhân nhưng nó cũng thuộc về người có liên quan khác chứ. Ta tưởng nó không có thật vì không thể cảm nhận bằng giác quan nào hết, nhưng nó tồn tại và bám dính lấy cuộc đời ta. Chiếm Đoạt Ký Ức là bộ phim sử dụng triệt để hai yếu tố trên tạo ra sự gây cấn đến phút cuối cùng cho người xem dù chủ đề vẫn không mới: vì tình yêu mà giết người.

Nhan sắc 'xí trai' của Hoàng Bột luôn tỉ lệ nghịch với khả năng diễn xuất

Trải qua cuộc phẫu thuật xóa bỏ đoạn ký ức, Giang Phong (Hoàng Bột) lại tự nhiên nhìn thấy vụ giết người, nạn nhân tên Lý Huệ Lan, mà hung thủ lại là chính mình. Điều đáng sợ hơn việc ký ức đột nhiên bị đánh tráo là Giang Phong chỉ có 72 giờ để tìm ra hung thủ thật sự lẫn đoạn ký ức bị mất. Nếu không ông sẽ phải sống cả đời cùng quá khứ nhuộm đầy máu ấy. Trên đời này, có ai lại muốn sở hữu phần ký ức đã không phải của mình mà còn kinh hoàng như vậy không?

Các nhà làm phim đã xây dựng nghề nghiệp cho Giang Phong khá tinh tế. Trong Chiếm Đoạt Ký Ức, Giang Phong là một nhà văn – công việc luôn bị mặc định sở hữu đầu óc treo ngược cành cây. Do đó, vụ đánh tráo ký ức có vẻ tào lao này được trình báo bởi một ông nhà văn thì ai mà tin đây? Nếu vậy thì làm sao mà phá án để đòi công lý cho người đã mất?

Chiếm Đoạt Ký Ức có sự hư cấu nhưng không quá đáng. Tình tiết viễn tưởng chỉ dừng lại ở việc phẫu thuật xóa bỏ phần ký ức theo yêu cầu bệnh nhân và ký ức bị hoán đổi. Thêm nữa, ký ức đang trong giai đoạn khôi phục (như kiểu mấy người bị mất trí nhớ) nên rất mơ hồ, không liền mạch khiến cả Giang Phong cũng thắc mắc chuyện quái gì đã diễn ra. Phim gợi cho khán giả sự tò mò, tại sao ký ức có thể chuyển đổi, kẻ trong ký ức đó là hung thủ sao, kẻ đó đang ở đâu, ai đang nắm giữ phần ký ức kia, và hàng loạt câu hỏi khác. Người xem buộc phải theo dõi và tư duy để tìm ra hung thủ thật sự với số lượng manh mối hạn chế và thay đổi liên tục.

Mạch phim biến hóa rất nhanh và khó đoán trước. Bản chất của ký ức vốn không rõ ràng, nên khi đặt vào tình cảnh hóan đổi sẽ càng dễ bị biến dạng. Cứ mỗi lần Giang Phong hồi tưởng thì sẽ tìm được thêm manh mối, nhưng vấn đề là bỏ vào đâu cho hợp lí. Thậm chí, đến khi chuỗi kí ức này được kết lại và gần như khẳng định tên hung thủ thì lại có ký ức dội về. Nó phủ nhận hầu hết suy luận trước đó, đồng thời tạo ra một nút thắt khác lồng vào nút thắt đang có. Đến phút 89 của Chiếm Đoạt Ký Ức, vẫn còn bí mật được mở tung ra một cách nghẹt thở.

Mặc dù không đưa nhiều tình tiết bạo lực vào nhưng cảnh nào có yếu tố này xuất hiện cũng khá đắt giá. Chúng giúp kể lại một cách chân thật và rõ ràng hơn những gì mà tên giết người đã từng chứng kiến. Đồng thời giải thích tại sao kẻ đó lại có cảm giác vui mừng khi tự tay kết liễu mạng sống người mình yêu thương nhất.

Việc hoán đổi ký ức có ảnh hưởng đến cảm xúc của người sở hữu hay không? Nếu như vậy thì tên hung thủ sẽ vì tình yêu một lần nữa mà ra tay hãm hại Trương Đại Thần – vợ Giang Phong hay sao? Khi mọi thứ gần như được phơi bày, ta nghĩ ký ức đã tìm đúng người nhưng có phải vậy không? Liệu ông Giang có tìm ra kẻ giết người để bảo vệ Đại Thần và lấy lại đoạn ký ức bị mất kia? Chiếm Đoạt Ký Ức đã tạo ra một câu chuyện khiến bạn khó bình tĩnh vì sự thật tưởng là vậy bỗng chốc bị đảo lộn mà vẫn hợp tình hợp lí. 

Nếu phim có một kết cấu chắc tay thì dàn diễn viên lại trở thành điểm hạn chế. Nhân vật nào ra nhân vật đó, đạt đúng vai trò cần có nhưng chưa thật sự sâu sắc. Có lẽ do ảnh hưởng của ký ức mơ hồ nên các ánh mắt, lời nói và hành động của mỗi nhân vật cũng không rõ ràng. Họ khiến ta nghi ngờ (thậm chí là tin) họ đang che giấu điều xấu, mà khi lật lại ta không cảm nhận được một sự cài cắm nào diễn xuất ở đây.

Chiếm Đoạt Ký Ức có chứa yếu tố viễn tưởng nên một vài chi tiết không hợp lý, nhất là đoạn đối mặt của Giang Phong và kẻ giết người ở khúc gần kết. Dẫu vẫn, khán giả vẫn có thể tôi bật cười. Cười vì trong lúc dầu sôi lửa bỏng như vậy mà bộ phim vẫn có thể xoay chuyển mà ta không ngờ được.