Đã có dịp xem nhiều phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cả truyền hình lẫn điện ảnh, cũng như đã xem Hot boy nổi loạn, tôi rất hào hứng đến xem phần 2. Có thể nói, phim đã chạm được vào cảm xúc của khán giả, như rất nhiều phim trước đây của Vũ Ngọc Đãng, bởi phim luôn có những ý tưởng táo bạo và những đoạn lắng đầy xúc động. Thật tiếc khi phim vẫn còn nhiều sạn, nhiều đoạn gượng ép, sử dụng sự tình cờ một cách vụng về, nhiều tình tiết thừa thải, lời thoại ổn nhưng đôi chỗ “anh đi xa quá”… Đặc biệt, cái kết sẽ khiến nhiều người băn khoăn, đây thật sự là một bộ phim “không mơ mộng” hay là một bộ phim lãng xẹt đây?
Nếu hỏi tôi thích phần nào, tôi sẽ mạnh dạn bảo tôi thích phần 2 hơn. Bởi phần 2 có một tuyến truyện gãy gọn hơn, tất cả nhân vật đều có sự liên kết với nam chính (Lam). So với phần 1 hơi lan man và có thể làm khán giả lơ là nhiều phân đoạn, Hot boy nổi loạn 2 tập trung khai thác những dằn xé trong lòng Lam cũng như khó khăn, nguy hiểm, đôi khi là bất lực anh phải trải qua, song song đó là một số mảnh đời được khắc họa thoáng qua, nhưng đủ mạnh để khán giả lưu tâm và thương cảm.
Hot Boy Nổi Loạn 2 là phim Việt đầu tiên cấm khán giả dưới 18 tuổi. Phim chứa không ít cảnh bạo lực đậm chất giang hồ như quăng người xuống cống ngầm, Lam phải ăn cá sống đề tồn tại, các nhân vật không kiêng dè việc sử dụng ngôn từ trần trụi trên màn ảnh. Không có nhiều cảnh khoe da thịt như các phim trước, Hot Boy Nổi Loạn 2 vẫn là dấu ấn rất Vũ Ngọc Đãng với hình ảnh của động vật, cảnh tắm sông hay bị nhốt dưới nước mang hơi hướng Con ma nhà họ Vương. Đặc biệt, phim đã khắc họa thành công những mảng u tối của xã hội, những vấn đề nhức nhối như nạn trộm chó, xung đột bạo lực khi kiếm ăn trên đường phố, những mảnh đời nay đây mai đó đầu đường góc chợ, sự dày vò chịu đựng của những phụ nữ miền Tây trong gia đình có người đàn ông nát rượu...
Tôi rất thích tựa đề “Hot boy nổi loạn”, bởi chữ nổi loạn nghe vừa thu hút, vừa phần nào nói lên được tính cách của Lam. Nếu ở phần 1, phần nổi loạn này được khai thác đủ để khán giả cảm thông, thì phần 2 nó trở nên bùng nổ, và xuyên suốt mạch phim, cảm giác của tôi chính là câu “Tính cách tạo nên số phận”. Lam quá nổi loạn, quá gai góc, quá bản năng… và đôi khi điều đó đẩy Lam vào những tình huống nguy hiểm chết người. Tôi hiểu cho một chàng trai đứng đường bất mãn trước bọn giang hồ đòi tiền bảo kê trên “sức lao động” và “danh dự” của những con người làm nghề thấp hèn trong xã hội, nhưng tôi vẫn luôn cho rằng, con người ta khi đã trưởng thành, phải biết thỏa hiệp, phải biết điều gì là quan trọng, là cần được bảo vệ hơn. Tôi còn nhớ, Lam đã muốn cho cha dượng một bài học, nhưng khi em gái níu lại vì “anh đi rồi dượng sẽ đánh mẹ và em nhiều hơn nữa”, Lam đã dằn sự phẫn nộ của mình xuống. Vậy thì hà cớ gì, anh lại luôn ăn miếng trả miếng khi là chuyện của cá nhân mình? Có thể anh không trân trọng sinh mệnh của mình, nhưng nếu thật sự yêu gia đình, nghĩ cho mẹ, cho em gái, anh không nên liều mạng như thế.
Các bạn có biết nhân vật mà tôi thích nhất trong Hot boy nổi loạn 2 là ai không? Là một người không thật sự xuất hiện trong phim, mà chỉ hiện ra qua những lời kể và ký ức của Lam. Đấy chính là Khôi. Khôi luôn tạo cho cảm giác, cho dù là chưa từng xem phần 1, vẫn sẽ tò mò không biết chàng trai có thể khiến một kẻ nổi loạn như Lam yêu đắm say như vậy, sâu nặng như vậy là người như thế nào? Dĩ nhiên tôi đã xem phần 1, nhưng sau từng ấy năm, gặp lại Khôi trong hồi ức, tôi đã muốn một lần nữa chiêm nghiệm lại mối tình nồng nàn của họ.
Không chỉ với phim này, mà rất nhiều phim và tiểu thuyết khác, tôi luôn sống với từng nhân vật mình biết, muốn yêu cùng với họ, muốn đặt mình trong hoàn cảnh của họ để xem mình sẽ ứng xử ra sao. Đã có lúc tôi tự hỏi, tôi có thể nào tiếp tục yêu một người mà suốt nhiều năm mình chưa gặp lại không? Và như Lam đã nói, người đồng tính không thể chịu đựng nỗi cô đơn, và họ sẽ tìm một người khác để yêu trong những tháng ngày tuổi trẻ. Ấy thế mà Lam vẫn yêu Khôi da diết… Tôi từng hồ nghi rằng, tình cảm ấy chỉ là thứ để Lam bám víu, để tìm cho mình một mục đích của cuộc đời. Chẳng phải vì thế mà trong suốt 4 năm tìm kiếm Khôi, trong những giấc mơ, hình ảnh dày đặc nhất xuất hiện không phải là Khôi, mà là những ngày tháng Lam đứng đường. Nhưng trong chi tiết Lam đi khách với mối tình đầu của Khôi, dù tình huống khá ngượng ngạo, nhưng tôi vẫn cảm thấy có cái gì đó bóp nghẹn trái tim mình. Lam có hai quy tắc, một là không hôi môi khi làm tình với khách, hai là khách không được hôn lên hình xăm nơi ngực trái của anh, bởi Khôi đang nằm nơi ấy. Đây không phải là tôn trọng và yêu, thì là gì?
Thật ra không khó để đoán được khoảng thời gian Lam mải miết kiếm tìm Khôi là vô ích. Nhưng nếu lựa chọn giữa việc Khôi đã yêu một người khác, và Khôi đã ra đi, dù rất đau lòng, tôi vẫn sẽ chọn cái kết như biên kịch – đạo diễn đã chọn. Hãy cứ để việc Khôi lang thang ở Sài Gòn rồi quyết định về quê ôn thi đại học là một giấc mơ của Lam và khán giả thôi, hãy để Khôi nằm lại ở mảnh đất mà cậu đã ngỡ là thiên đường, bởi nơi đó có Lam, có một người mà cậu đã yêu, và đã đau lòng như thế nào ở cái tuổi 20 đẹp đẽ ấy. Hãy cứ để cái chết của cậu là điều đau đớn nhất của Lam, và thức tỉnh Lam quay về với cuộc đời ý nghĩa hơn.
Như đã nói ở trên, sẽ có nhiều khán giả hụt hẫng với cái kết của phim. Đáng lẽ Lam phải được hạnh phúc, vì anh xứng đáng. Tạo ấn tượng cho người xem với một kết thúc buồn nhưng chẳng làm thông điệp phim mạnh mẽ hơn, thế nhưng, suy cho cùng, cái kết không đẹp của Lam, mở ra những cái kết đẹp cho những người mà Lam yêu thương. Và quan trọng hơn hết, Lam đã có thể gặp được Khôi, ở thiên đường. Tôi tin là như thế.
Nguồn: Yu1 Gak4y& Aka!chan