Ba năm sau khi Godzilla, bộ phim đầu tiên của MonsterVerse ra mắt, hãng Legendary Pictures tiếp tục trình làng nhân vật tiếp theo, vốn là đại kình địch của Godzilla: King Kong.
King Kong là một trong những hình tượng khá quen thuộc đối với mọi người ngay từ những năm 30. Ba bộ phim King Kong trước đây của Ernest Schoedsack, John Gullermin và Peter Jackson đều mang cùng một format, cùng một câu chuyện của Kong ở đất Mỹ, nơi chúa tể của Đảo Đầu Lâu bị thuần hóa, bóc lột làm thú vui và cuối cùng chết dưới bàn tay của loài người. Nhưng trong lần reboot thứ 4 này, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã chọn một cách tiếp cận hoàn toàn mới.
Kong: Đảo Đầu Lâu lấy bối cảnh vào những năm cuối của cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Bill Randa (John Goodman) và Houston Brooks (Corey Hawkins), hai nhà nghiên cứu của Monarch được chính phủ Mỹ lựa chọn làm đầu não của cuộc thám hiểm đi tìm một hòn đảo chưa từng được khai quật ở phía Nam Thái Bình Dương. Mục đích chính của cuộc thám hiểm này không chỉ để khai thác khoáng sản, mà nó còn phục vụ cho tham vọng độc chiếm của Mỹ trước khi Liên Xô có thể đặt chân lên vùng đất này. Randa và Brooks sẽ được một tiểu đoàn hộ tống, dẫn đầu bởi Preston Packard (Samuel L. Jackson) và một nhiếp ảnh gia thời chiến – Mason Weaver (Brie Larson). Người cuối cùng mà họ cần, gia nhập không chính thức và được trả công trước chuyến đi, là một người theo dấu động vật, James Conrad (Tom Hiddleston), bởi họ tin rằng đây là một cánh cổng dẫn đến một không gian khác.
Để tránh được vấn đề “quái vật chất – người nhàm” mà người tiền nhiệm Godzilla đã mắc phải, Jordan Vogt-Roberts đã tập hợp một dàn cast với rất nhiều cái tên sáng giá. Qua phần lớn trailer của Kong, nhiều người cho rằng Tom Hiddleston sẽ là người dẫn dắt bộ phim, tuy nhiên màn trình diễn của nam tài tử người Anh cũng chỉ ở mức tạm ổn, không có gì đặc biệt và nổi trội (cảnh đặc sắc nhất chắc là lúc Tom đeo mặt nạ quăng kiếm trong màn khói dày). Nhân vật của Brie Larson, thật đáng tiếc, xuất hiện ít và vô cùng nhạt nhòa. Samuel L. Jackson thì miễn bàn, cho dù là vai diễn nào đi nữa thì chú cũng cân được hết. Điểm sáng bất ngờ của Kong: Đảo Đầu Lâu chính là Hank Marlow dưới diễn xuất tài tình của John C. Reilly, trái tim và tiếng nói của Đảo Đầu Lâu. Với lời thoại hài hước nhưng cũng không kém phần sâu sắc, Reilly đã lột tả một cách vô cùng chân thực cá tính của một kẻ lập dị sống 30 năm trên đảo hoang. Jason Mitchell, dù chỉ vào vai anh lính tốt bụng, cũng "steal the show" khá nhiều cảnh mà anh xuất hiện. Tất cả các yếu tố trên đều cộng hưởng với nhau, tạo nên một tuyến nhân vật đa dạng và đặc sắc.
Từng thước phim của Kong: Đảo Đầu Lâu đều đẹp đến mỹ mãn. Jordan Vogt-Roberts đã tô điểm thắng cảnh thiên nhiên Việt Nam với nhiều tông màu khác nhau, tạo nên một nét riêng biệt, rùng rợn nhưng lại vô cùng kỳ vĩ của Đảo Đầu Lâu. Bộ phim không hề lạm dụng CGI. Quyết định để Kong cao đến 45m (súng bắn chỉ như muỗi đốt) nhiều lúc làm một vài cảnh quay trở nên phi lý, thế nhưng lại khiến cho vị chúa tể trở nên dữ tợn hơn, giống như một thế lực của thiên nhiên vậy. Kong được diễn tả giống như một con quái vật hơn là thú vật, hung ác, tàn bạo và sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ nơi trú ẩn của mình (đây cũng là lần đầu tiên anh Kong không dại gái rồi bị lùa đến Mỹ rồi chết thê thảm ở đó). Soundtrack và original score cũng vô cùng đặc sắc, hoàn toàn ăn khớp với những cảnh hành động máu lửa.
Kong: Đảo Đầu Lâu là một bộ phim kịch tích và hấp dẫn từ những giây phút đầu tiên cho đến khi những dòng credit bắt đầu xuất hiện. Một phiên bản Apocalypse Now trộn lẫn cùng một chút yếu tố viễn tưởng và những cảnh quay mỹ lệ, một cách tiếp cận mới đối với Kong nhưng vẫn gửi gắm một thông điệp quý giá từ 3 phần trước: Đừng bao giờ khinh thường sức mạnh của tạo hóa. Nhờ có Jordan Vogt-Roberts, Kong is King again.