Một bộ phim vượt qua những xúc cảm giải trí thông thường, khẽ chạm vào lòng người xem như một cái ôm hôn lặng lẽ. Một tác phẩm rất khéo nịnh tai, nịnh mắt và cả nịnh lòng.
Công bằng mà nói Kong: Skull Island không phải là một sản phẩm giải trí quá hay. Nhưng bù lại các yếu tố phim hỗ trợ nhau cân bằng nên khi câu chuyện khép lại khán giả vẫn cảm thấy khoái khoái. Nếu nội dung có hơi đuối và lỏng lẻo thì khâu hình ảnh sẽ gồng lên gánh vác, hút hồn người ta vào thế giới của vùng đất được tạo ra bởi Chúa trời. Nếu dàn nhân vật chính quá đuối, yên tâm đã có những cá nhân phụ họa đặc sắc làm thay, thậm chí họ còn để lại dư âm tốt hơn rất nhiều. Bởi vậy mà cán cân cảm xúc được giữ thăng bằng, không chán ghét quá, cũng không thể quá lời mà tung hô. Nếu Kong: Skull Island là một món ăn, xin mạn phép ví nó như một thứ đặc sản với gia vị và nguyên liệu xuất sắc nhưng đáng tiếc thiếu đi một điểm nhấn cụ thể để trở thành một cực phẩm đặc biệt.
Xin trích dẫn lời của một bài hát nổi tiếng về chiến tranh "What is it good for? - Absolutely nothing!" (Chiến tranh có mang lại điều gì tốt đẹp không? – Hoàn toàn không có gì cả!) – War, Edwin Starr. Và bản thân chúng ta, đa phần cũng sẽ đồng ý với điều đó. Chiến tranh mang đến đau thương và sự tàn phá, mang đến điều tệ hại nhất cho nhân loại. Chiến tranh ngày nay đã trở về trạng thái tĩnh nhưng có thể được kích hoạt bởi bất cứ lí do nào. Máu thôi rơi nhưng đạn vẫn sẵn sàng lên nòng.
Nếu bạn là người chuộng “ đồ ăn nhanh” thì Kong là một thứ phim “chống đói”, dễ dàng khiến bản thân thoải mái với những pha giao chiến điên loạn của đám quái vật. Một thế giới nhấn chìm trong cháy nổ và thuốc súng rất đậm chất Hollywood. Nhưng bạn của tôi ơi, nếu có cơ hội hãy thử nhìn vào một khía cạch khác của phim xem, ví dụ như “gia vị chiến tranh” chẳng hạn? Kong sẽ khiến bạn bất ngờ về tinh thần phản chiến của nó, một tư tưởng được đan cài rất khéo léo suốt chiều dài phim, bạn của tôi, bạn có nhận ra điều đó không?
Ở mặt nào đó, Kong cũng được đặt bối cảnh như vậy. Mạch thời gian của phim bắt đầu bằng những cuộc chiến chấn động lịch sử loài người. Từ đệ nhị thế chiến tới cuộc chiến tranh phi lý tưởng ở Việt Nam. Năm 1973, một ngày sau khi Nixon tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam, những người lính không giấu khỏi niềm sung sướng khi chuẩn bị được về nhà thì họ nhận được lệnh phải hộ tống một đoàn khoa học lên đảo Đầu Lâu. Chuyến đi lành ít dữ nhiều, không ai mong muốn cho dù họ được chỉ huy bởi tướng lĩnh xuất sắc Preston Packard (Samuel Jackson).
Đây là một tuyến nhân vật có cá tính, đặc sắc theo lối riêng biệt, đồng thời cũng là kẻ có thể tạo ra đột biến với những nút thắt mở trong phim. Preston Packard mang theo một tinh thần rất Mỹ, không chịu khuất phục hay dễ dàng cúi đầu nhưng dưới bầu trời hòa bình một người hùng chiến tranh sẽ còn nghĩa lý gì nếu không được cầm súng? Thế nên ông ta luôn khao khát được ra trận, coi chiến tranh như sinh mệnh.
Đây cũng là một kình định đối trọng hoàn hảo với Kong, dù chỉ là một người phàm nhỏ bé đồng thời cũng là kẻ không hề cảm thấy day dứt khi bàn tay đã nhuốm đỏ bởi quân thù. Điểm sáng đó đã cứu vãn cho màn diễn xuất nhạt nhòa của Tom Hiddleston hay bóng hồng được giải Oscar, Brie Larson.
Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà Kong được chọn quay ở Việt Nam, càng không thể trùng hợp khi lấy bối cảnh đặt tại một trong những giai đoạn đáng quên nhất của lịch sử quân đội Hoa Kỳ. Đến bây giờ lưỡi roi chiến tranh vẫn vắt ngang qua cả một thế hệ, còn cuộc chiến ở Việt Nam luôn luôn trở thành một đề tài để người ta giễu nhại khi nhắc tới tội ác. Nếu chỉ để tôn vinh, đưa danh lam thắng cảnh của Việt Nam lên tầm thế giới thì nghe chừng có vẻ hơi thường, nhưng Kong sẽ giống như một tấm gương soi chiếu để người Mỹ nhớ lại cuộc chiến năm xưa. Khi mà họ vác bom đi phá nhà kẻ khác nhân danh dưới ngọn cờ công lý, cách làm tương tự của đoàn khoa học khi tới thăm đảo Đầu Lâu. Một bộ phim tận đẩu tận đâu mà dâng cao chủ nghĩa dân tộc thì cũng hơi buồn cười nhỉ.
Có thể sẽ hơi hoang tưởng và bay bổng quá nếu nghĩ đảo Đầu Lâu là một ý niệm của người Mỹ về Việt Nam. Dải đất này từng chưa được công nhận trên bản đồ. Một môi trường khắc nghiệt dễ dàng đoạt mạng bất kì kẻ nào muốn chiếm đoạt nó. Tham vọng bá quyền của kẻ xâm lăng bị chững lại bởi Kong, vị vua muôn loài. Tướng Dwight D. Eisenhower đã từng phát ngôn: "Nếu những người lính phục tùng mệnh lệnh một cách mù quáng trong chiến tranh, họ sẽ thất bại", quân đoàn của tướng Preston Packard đã sa lầy. Vì lý tưởng, vì danh dự và cả vì hận thù họ quyết tâm đoạt cho kỳ được mạng sống của Kong. Ánh mắt thù hận giao nhau đầy đắt giá trong phim giữa Preston Packard và Kong quả nhiên vô cùng đắt giá. Từ đó thấy lí tưởng của một bên muốn trả thù và một lực lượng phản kháng.
Bạn của tôi có nhớ đến cô Đào không nhỉ, nhân vật từng gây sốt trên mạng xã hội với một loạt meme hài hước ấy. Người phụ nữ ấy hóa thân vào phim sao mà dung dị thân thương quá, dù chỉ rất nhỏ thôi nhưng ý nghĩa tỏa ra rất nhiều thiện cảm. Ừ thì dân ta bị bom phá đến nát cả đất nước ra đấy nhưng chúng tao vẫn rất khoan dung, sẵn sàng nuôi ăn, nuôi ở, thậm chí tạo điều kiện cho kẻ sa ngã trở về. Cái gật đầu của các vị bô lão như hòa tan thù hận chiến tranh, nó mang một ý nghĩa biểu tượng và sự tha thứ, dịu đi vết thương dù biết sẽ rất rất lâu mới có thể lành.
Và một lần nữa tình thần phản chiến được nhắc lại thông qua khát khao hồi hương của lão cựu chiến binh già Hank Marlow, kẻ bị bỏ rơi tại đảo từ đệ nhị thế chiến. Ông luôn giữ một hi vọng về ngày trở về, được ngồi đủng đỉnh trên sofa với chai bia và miếng hotdog khoái khẩu, nhâm nhi theo dỗi trận bóng chày ưa thích. Tất cả những người lính tới đảo Đầu Lâu đều mang theo nhiều ẩn ức, họ day dứt về tội ác quá khứ, những cái chết của dân thường.
Bạn của tôi có thấy bộ phim này quyến rũ không? Về ý nghĩa của nó, về bóng ma và tội ác nó đem tới thông qua cuộc chiến dữ dội của Kong? Dù xem phim để ngắm trai hay giải trí đi chăng nữa, đây là một bộ phim rất giá trị để ngâm cứu những ý nghĩa đang lẩn khuất bên trong.