Dù thế nào cũng phải khẳng định, như Samuel L. Jackson nói, Kong: Skull Island chỉ đơn thuần là bộ phim giải trí. Tại sao? Vì Kong: Skull Island là một bộ phim không có chiều sâu kịch bản.
Một đoàn thám hiểm quyết định khám phá một hòn đảo chưa từng được biết đến, và ngoài việc chạm trán với mấy sinh vật khổng lồ lạ hoắc trên hòn đảo thì chẳng có gì đặc sắc. Đó là còn chưa kể motif này đã quá quen thuộc. Nhưng nói vậy cũng không có nghĩa Kong có một kịch bản được đầu tư sơ sài, nó dừng ở mức chấp nhận được chứ không đến mức tồi. So với phiên bản Kong gần nhất, King Kong (2005) của đạo diễn Peter Jackson thì rõ ràng ăn đứt Kong: Skull Island về mặt nội dung. Nhưng nếu so với đối thủ của Kong trong tương lai, đó là Godzilla – bộ phim ra mắt 2014, thì kịch bản của Kong: Skull Island lại nhỉnh hơn đôi chút.
Kong: Skull Island không chỉ không có một kịch bản hấp dẫn, xây dựng nhân vật cũng không có chiều sâu. Với sự tham gia của nhiều ngôi sao như Brie Larson, Tom Hiddleston, Samuel L. Jackson thì đáng ra tuyến nhân vật của Kong phải được chăm chút kĩ lưỡng hơn. Công nhận rằng nhân vật được thủ vai bởi 3 ngôi sao trên có rất nhiều đất diễn, nhưng nếu để lại được dấu ấn đậm nét chắc chỉ có Samuel L. Jackson trong vai chỉ huy một đội lính Mĩ. Có vẻ đó là một sự phung phí với sự có mặt của những cái tên nổi tiếng trong Hollywood.
Nhưng như tiêu đề, dù Kong: Skull Island không có chiều sâu cả về mặt nội dung cũng như dàn nhân vật thì bộ phim lại làm tốt phần "bề rộng".
Về nội dung, dù đó là một kịch bản đã khá cũ nhưng những thứ tạo nên kịch bản ấy lại rất đa dạng. Bộ phim đã làm tốt nhiệm vụ biến Skull Island thành một hòn đảo bí ẩn nhất hành tinh. Những cơn bão bao quanh hòn đảo, những sinh vật khổng lồ và nhiều điều khác nữa, tất cả tạo nên một hệ sinh thái đa dạng và cũng được khắc họa rất chân thực. Đặc biệt phải nói đến cảnh sắc thiên nhiên. Dưới bàn tay của các nhà làm phim Hollywood, Việt Nam đã đẹp lại còn tuyệt vời hơn rất nhiều. Hệ thống các đảo nhỏ ở vịnh Hạ Long, hệ thống các hang động, con sông, rừng tre và những đồng ruộng ở Ninh Bình và Quảng Bình đều choáng ngợp một cách tuyệt vời. Dù khi lên màn ảnh rộng, những điều đó mang theo một vẻ hoang vu và nguy hiểm đúng chất Skull Island nhưng lại cũng rất Việt Nam. Tóm lại, Kong: Skull Island đã thành công trong việc khắc họa thành công nhiều yếu tố tạo nên hệ sinh thái của Skull Island.
Về tuyến nhân vật, như đã nói ở trên, ngoài Samuel L. Jackson thì bộ phim không có nhân vật nào để lại dấu ấn đậm nét nữa, kể cả là Brie Larson hay Tom Hiddleston. Dù vậy, sự ấn tượng lại được trải đều vào các nhân vật. Gần như tất cả các nhân vật đều để lại một ấn tượng gì đó, dù lớn hay nhỏ, trong lòng những người xem phim. Ngay cả những nhân vật phụ cũng đều có những giây phút của riêng mình, dù ngắn nhưng ấn tượng. Như vậy, dù dàn nhân vật không có chiều sâu nhưng "bề rộng" của tuyến nhân vật lại được làm rất tốt.
Giờ hãy đề cập đến tính giải trí của Kong: Skull Island. Đối với người xem phim chỉ để giải trí thì chẳng có gì phí tiền với Kong: Skull Island. Những cảnh hành động của bộ phim đều khá đặc sắc và "đã" mắt, nhất là những đoạn có sự xuất hiện của Kong. Dù giống như Godzilla, Kong không xuất hiện quá nhiều trong bộ phim mang tên mình nhưng cứ khi Kong ra mặt thì miễn chê. Biểu cảm khuôn mặt và những hành động của Kong đều được làm rất tự nhiên. Nhà sản xuất đã thành công trong việc khắc họa một tầm vóc lớn, một thương hiệu toàn cầu và vị vua của Skull Island.
Về phần hiệu ứng âm thanh, Kong: Skull Island cũng thực hiện rất tốt điều này. Âm nhạc và hình ảnh lồng ghép rất hợp lí.
Như nhiều bộ phim khác, Kong: Skull Island cũng có những tình tiết nhỏ gây cười. Dù vậy, nhiều đoạn hơi lố và chẳng có gì đáng cười hết.
So với phiên bản King Kong (2005) của Peter Jackson thì Kong: Skull Island vẫn còn kém xa.