(Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung của La La Land và Like Crazy)
Bạn tôi nói rằng: “La La Land có đoạn kết buồn nhất trong nhiều phim tình cảm gần đây”. Tôi dĩ nhiên là không đồng tình với quan điểm đó. Tranh cãi nổ ra và cuối cùng tôi vẫn không thể thuyết phục bạn tôi theo suy nghĩ của mình.
Một phần vì người bạn đó có thể chưa từng trải qua cảm giác của Sebastian, hoặc của tôi.
Cách đây một năm, tôi tiễn bạn gái ra sân bay đi công tác. Đây là công việc cô ấy luôn mơ ước và sẽ cố gắng hết sức để giữ nó. Khi tạm biệt nhau, tôi nhận được lời nhắn “Tình yêu vượt qua mọi khoảng cách”. Tình yêu đó vượt qua mấy ngàn cây số được một tháng. Cô ấy bù đầu bù cổ với những buổi training có khi bắt đầu từ lúc mặt trời chưa lên, và chỉ có thể đi ngủ sau khi chuẩn bị xong bài thuyết trình hoặc kiểm tra cho hôm sau, cứ thế 6 ngày mỗi tuần. Tôi thì có vẻ nhàn nhã hơn, nhưng không thể đón bắt cô ấy mọi lúc vì lệch múi giờ. Thế là liên lạc thưa dần. Những lời than thở không còn nữa. Những câu chuyện vớ vẩn các cặp đôi hay gửi nhau được đáp lại bằng chữ “seen” trong Facebook chat. Chúng tôi kết thúc. Giờ đây, cô ấy đang sống với ước mơ của mình, vẫn đi đi về về liên tục, vẫn thường xuyên áp lực, nhưng cô ấy hạnh phúc.
Trong La La Land, Mia của 5 năm sau đã có điều cô hằng mong muốn: sự nghiệp diễn viên thành công. Sebastian cũng đạt được ước mơ ngày trước: anh đã mở quán nhạc jazz thuần chất. Họ chỉ không có nhau. Nhưng đó vẫn là một happy ending dù chàng và nàng không sống với nhau đến đầu bạc. Chủ đề chính của La La Land không phải về tình yêu nam nữ, mà là về tình yêu với đam mê của bản thân. Những chàng trai cô gái Los Angeles ở cảnh tắc đường, 3 cô bạn cùng phòng với Mia, ngay cả ca sĩ ngôi sao Keith lẫn hai nhân vật chính luôn nhấn mạnh đích đến cuối cùng. Họ muốn “vươn tới đỉnh cao”, “đang trên đường cao tốc”. Và giữa hành trình “theo đuổi hào quang trên bầu trời” đó, Mia và Seb vô tình chạm mặt nhau hơi nhiều lần thôi. Họ đều đã có được thành công với đam mê của mình, đó chẳng phải là điều hạnh phúc nhất đời sao?
Seb và Mia chọn theo đuổi đam mê của riêng mình.
Khi tranh luận với người bạn ở trên về việc La La Land phá vỡ quan niệm thường thấy về một sad/happy ending, tôi lấy Like Crazy (Anton Yelchin và Felicity Jones đóng) làm ví dụ. Trong phim này, sau bao khó khăn cách trở, hai bạn nam nữ chính đã về với nhau. Song ở khoảnh khắc cuối cùng, họ chợt nhận ra rằng, hóa ra suốt quãng thời gian cách xa kia, họ đã rẽ hai con đường riêng biệt, họ đã trưởng thành. Tình yêu điên cuồng bấy lâu nay chỉ là ảo tưởng dành cho những hoài niệm thời trẻ dại. Đó mới là kết thúc thật buồn. Buồn vì con tim của họ không chung nhịp đập nữa nữa, dù chúng đang ở cạnh nhau.
Đoạn kết của Like Crazy gây ám ảnh về kết thúc thực sự của một chuyện tình.
Rải rác khắp phim, La La Land “thả hint” cho chúng ta rất nhiều về kết cục của chuyện tình Mia và Seb. “Một ngày anh ấy sẽ ngồi đó dưới ánh đèn dần tắt, nhìn khuôn mặt tôi và tự hỏi mình đã gặp cô ấy ở đâu” trích trong bài hát mở đầu “Another Day of Sun”. Phim mở đầu bằng chương Winter, khi cả hai chưa hề kết nhau, và kết thúc cũng bằng Winter. Mia chỉ cho Seb cửa sổ của Rick và Ilsa trong Casablanca, mà bạn biết kết phim này ra sao rồi đấy. Đạo diễn Damien Chazelle đã có thể chọn lối kể song song để đưa Mia tới tiếng đàn của Seb, nhưng anh đã kể hai câu chuyện riêng biệt cho đến lúc họ gặp nhau. Ở trường đoạn Epilogue, khi Mia và Seb đang mơ về viễn cảnh họ bên nhau (tôi đoán thế vì dường như có 2 đứa trẻ khác nhau trong đoạn này), họ dường như muốn mình thành công hơn người còn lại.
Trong hình dung của Seb, Mia chỉ cần thành công khiêm tốn và sẽ vẫn về với anh.
Tôi tin là Mia sẽ ở lại nếu Seb giữ cô, khi cô ngồi trên ghế đá công viên và hỏi “Chúng ta đang ở đâu?” Tôi cũng từng có suy nghĩ đó khi nắm tay bạn gái cũ và ủng hộ hoàn toàn quyết định của cô ấy. Nhưng câu cuối cùng mà Seb dành cho Mia là “Anh sẽ mãi yêu em”. Thứ chúng ta giữ nên là tình yêu, chứ không phải ước mơ của nhau.