Kể từ khi phim hoạt hình đầu tiên mang tên Gerite the Dinosaur của nhà sản xuất John Bray ra mắt khán giả vào năm 1914, ngành sản xuất và kỹ thuật làm phim hoạt hình đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Bên cạnh kỹ thuật làm phim theo phong cách truyền thống và kỹ thuật vi tính, thì stop-motion là kỹ thuật làm phim hoạt hình nổi tiếng nhất và được các nhà làm phim sử dụng nhiều nhất. Vậy stop-motion là gì và chặng đường phát triển của nó như thế nào trong hàng chục năm qua?
Stop-motion là gì?
Stop-motion (hoạt hình tĩnh) là kỹ thuật làm phim mà trong đó các nhân vật được dựng lên theo từng động tác, sau đó được chụp hình lại và ghép thành một bộ phim. Mỗi khung ảnh là một động tác riêng và khi ráp lại khán giả sẽ có cảm giác như các nhân vật thực sự chuyển động. Các nhà làm phim thường sử dụng chất liệu đất sét hoặc silicon để tạo ra các nhân vật trong phim. Riêng các phim sử dụng đất sét để làm chất liệu chính được gọi là hoạt hình đất sét. Ngoài ra, đôi khi người ta còn sử dụng người thật để làm mẫu chụp hình.
Lịch sử ra đời của stop-motion
Stop-motion có lịch sử rất lâu đời, có trước cả kỹ thuật truyền thống. Ban đầu, stop-motion thường được dùng để làm phim về những nhân vật là đồ chơi, hình khối hay những đồ vật. Sau này, đối tượng của phim stop-motion bắt đầu được mở rộng ra những nhân vật làm bằng đất nặn và hình rối. Bộ phim đầu tiên sử dụng kỹ thuật này là The Humpty Dumpty Circus (1897) của Albert E. Smith và J. Stuart Blackton sản xuất, kể về các đồ chơi xiếc và các con vật có thể sống được. Đến năm 1902, một bộ phim khác cũng sử dụng kỹ thuật stop-motion được ra mắt là Fun in a Bakery Shop của đạo diễn Edwin S. Porter.
Nhưng những bộ phim này không hề gây được tiếng vang lớn cho thể loại stop-motion cho đến khi The Haunted Hotel (1907) ra đời. Đây cũng là phim do J. Stuart Blackton làm ra, dùng kỹ thuật stop-motion để phác hoạ một bữa ăn được các bàn tay vô hình làm ra. Cũng giống như những phim được kể trên, The Haunted Hotel không tập trung vào phần cốt truyện mà chỉ tập trung vào những chuyển động của stop-motion, và đây là bộ phim thành công nhất về mặt kỹ thuật lúc bấy giờ.
Không chỉ có ở Mỹ mà kỹ thuật stop-motion còn được sử dụng ở nhiều nước khác trên thế giới. Tây Ban Nha thì có El Hotel Eléctrico của Segundo de Chomón. Ý thì có The Atomatic Moving Company (1912) của Roméo Bossetti. Nga thì có The Beautiful Lukanida (1910), The Battle of the Stag Beetles (1910), The Ant and the Grasshopper (1911).
Ở dòng phim hoạt hình đất sét, bộ phim đầu tiên ra đời là Modelling Extraordinary (1912) của Walter R. Booth và nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt từ khán giả. Sau đó, nhà làm phim nữ Helena Smith Dayton cho ra mắt tác phẩm đầu tiên vào năm 1917 mang tên Romeo and Juliet - dựa theo vở kịch của William Shakespeare.
Đến khoảng năm 1925, nhà làm phim Willis H. O'Brien xuất hiện và cho ra đời nhiều tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn đến nền công nghiệp điện ảnh sau này như The Lost World (1925), King Kong (1933), Mighty Joe Young (1949). Nhờ Mighty Joe Young mà ông chiến thắng giải Academy cho Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất. Ngoài ra, hình ảnh loài khủng long T-rex và Stegosaurus trong King Kong đã trở thành hình mẫu tiêu biểu cho những phim về quái thú sau này.
Sau giai đoạn sơ khai này, stop-motion bắt đầu được sử dụng ngày càng nhiều và khán giả được thưởng thức rất nhiều phim kinh điển sử dụng kỹ thuật này như Jason and the Argonauts (1963), Rudolph the Red-Nosed Reindeer (1964), Santa Claus is Comin' to Town (1970), Clash of the Titans (1981), Wallace and Gromit (1989)...
Thế kỉ 21 - Hoạt hình stop-motion đạt đến đỉnh cao
Trong thế kỷ 20, tuy kỹ thuật stop-motion được sử dụng nhiều nhưng kỹ xảo, hiệu ứng và âm thanh vẫn còn nhiều thiếu sót. Sang thế kỉ 21, với sự tối tân của công nghệ, sự phát triển của hàng loạt studio và định dạng 3D giúp phim hoạt hình stop-motion chuyển sang bước ngoặt mới.
Năm 2000, phim hoạt hình 3D đầu tiên có sử dụng stop-motion mang tên Chicken Run (Phi Đội Gà Bay) được ra mắt. Phim kể về một đàn gà tìm cách trốn thoát khỏi trang trại chăn nuôi do ông Tweedy và bà vợ độc đoán của ông ta trông coi, trước khi họ biến những con gà này thành nhân bánh bao. Với nội dung hài hước và tạo hình nhân vật đáng yêu, Chicken Run đã trở thành bộ phim stop-motion đáng nhớ với khán giả.
Đến năm 2005, hãng Laika Entertainment được thành lập và đánh dấu một cột mốc quan trọng cho phim hoạt hình stop-motion. Nếu như Disney được biết đến với những phim hoạt hình 3D với kỹ xảo trau chuốt, tỉ mỉ, thì Laika nổi tiếng với công nghệ làm phim stop-motion độc đáo và cho ra đời nhiều tác phẩm gây tiếng vang lớn. Tất cả các quy trình sản xuất phim của Laika đều được làm bằng tay, từng bộ phận của các búp bê tạo hình nhân vật đều được tỉa tót thủ công tỉ mỉ. Mọi bộ phim của Laika đều được đánh giá cao ở phần hình ảnh cầu kỳ, màu sắc hài hoà, taọ hình nhân vật ấn tượng và giàu cảm xúc. Điều này có thể được thấy rõ qua những phim hoạt hình như Coraline (2005), The Corpse Bride (2005), ParaNorman (2012), The Boxtrolls (2014), Kubo and the Two Strings (2016)...
Một tác phẩm khác thể hiện đỉnh cao của kỹ thuật stop-motion mà không thể không nhắc đến chính là loạt phim hoạt hình Shaun the Sheep của nhà sản xuất Nick Park. Nick Park cũng chính là người tạo ra tác phẩm kinh điển Wallace and Gromit, và chú cừu Shaun đã từng xuất hiện trong thời lượng 4 phút cùng với nhân vật Wallace và chú chó Gromit trong bộ phim A Close Shave (1995). Tuy chỉ lộ mặt trong thời lượng ngắn ngủi nhưng chú cừu Shaun đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả. Thế là, Aardman Animation đã ra hẳn một TV show riêng cho chú cừu thông minh này.
40 tập phim của Shaun the Sheep là những cuộc phiêu lưu, nghịch phá, rong đuổi của Shaun và đàn cừu ở nông trại. Do sở hữu lượng IQ còn cao hơn cả người bình thường và bộ óc hiếu kỳ, nên đôi khi chính Shaun là người giật dây cho nhiều âm mưu quậy phá như đặt bánh pizza, đào hồ bơi, biến nhà kho thành vũ trường. Ngoài Shaun ra còn có nhiều nhân vật đáng yêu khác mà khán giả không thể nào quên như cô cừu béo Shirley có thể ăn cả thế giới, bé cừu dễ thương Timmy, chú chó chăn cừu Bitzer, cô cừu mái có mái tóc quăn - mẹ của Timmy và cũng là dì của Shaun, 3 con heo láu cá luôn tìm cách gây rắc rối cho đàn cừu... Có thể nói Shaun the Sheep đang là phim hoạt hình stop-motion được nhiều người yêu thích nhất hiện nay bởi nội dung cực kì hài hước, tạo hình các nhân vật vô cùng đáng yêu, sống động và kỹ thuật stop-motion đỉnh cao.
Và sắp tới, khán giả sẽ được thưởng thức thêm một tác phẩm stop-motion khác được giới phê bình đánh giá cao mang tên Isle of Dogs (Đảo Của Những Chú Chó). Đây là một phim hoạt hình độc, lạ sử dụng kỹ thuật stop-motion đậm tính nghệ thuật, được nhào nặn bởi đạo diễn lừng danh Wes Anderson (đạo diễn của The Grand Budapest Hotel). Phim lấy bối cảnh tại thành phố Megasaki, Nhật Bản, khi thị trưởng Kobayashi (Yunichi Nomura) đưa ra lệnh trục xuất tất cả loài chó đến một hòn đảo hoang vì cho rằng chúng mang mầm bệnh nguy hiểm. Trong đám chó đó, có 5 chú mạnh mẽ nhất là Chief (Bryan Cranston), Rex (Edward Norton), Duke (Jeff Goldblum), Boss (Bill Murray) và King (Bob Balaban) đã hợp thành một nhóm để sinh tồn và chống lại các phe chó đối thủ. Một ngày nọ, một chiếc máy bay đâm sầm xuống đảo. Trong chiếc phi cơ ấy là cậu bé Atari (Koyu Rankin) mạo hiểm tính mạng đến hòn đảo để tìm lại chú chó cưng tên Spot. Bị lay động bởi tình cảm của cậu bé, nhóm chó trùm đã quyết định giúp đỡ cậu trong chuyến phiêu lưu đầy nguy hiểm này.
Không chỉ thành công ở việc sử dụng thủ pháp stop-motion mà Isle of Dogs còn được giới phê bình ca ngợi ở cốt truyện đầy nhân văn và phong cách nghệ thuật rất riêng. Tuy là tác phẩm điện ảnh do người Mỹ làm ra nhưng Isle of Dogs lại hoà trộn rất nhiều chi tiết văn hoá của xứ sở mặt trời mọc. Trong phim, các nét văn hoá của Nhật như mì ra men, sushi, môn đấu vật sumo hay tinh thần võ sĩ đạo đều được khắc hoạ rất chi tiết và dí dỏm.
Isle of Dogs dự kiến khởi chiếu tại các rạp Việt Nam từ ngày 01.06.2018.