Khi cuốn tiểu thuyết “Life of Pi” của Yann Martel đoạt giả “Book of the Year” vào năm 2003, có lẽ những người yêu điện ảnh lạc quan nhất cũng chẳng thể nào nghĩ đến có một ngày, họ sẽ được chứng kiến câu chuyện hiện thực huyền ảo đầy say mê này trên màn ảnh rộng. Bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh duy mĩ nhưng cũng ẩn chứa vẻ khắc khoải và tàn nhẫn trong nội tâm, Lý An đã dám chấp nhận thử thách và ông đã thành công với triết lý làm phim của mình. 120 phút của bộ phim là 120 phút khán giả được chứng kiến một thứ ảo thuật song hành cùng hiện thực mà ở đó, câu chuyện về đức tin đã được kể lại một cách công phu dưới nhiều tầng lớp.
Đẹp và vô cùng tinh tế – Đó là điều mà người xem có thể cảm nhận được trong từng góc quay của “Life of Pi”. Là một bộ phim được trợ giúp tối đa từ kĩ xảo CGI, thế nhưng, Lý An không dựa vào đó để phô diễn kĩ thuật làm phim mà qua từng góc quay, ông đã khéo léo đưa vào những hình ảnh ẩn dụ về đức tin, về đức chúa trời luôn thường trực trong tâm trí của chàng trai 16 tuổi Pi trong 227 ngày lênh đênh trên biển. Nếu ai tinh ý, sẽ rất dễ dàng nhận ra hình ảnh vườn bách thú Pondicherry tượng trưng cho điện bách thần của đạo Hindu hay hòn đảo ăn thịt chính là hình ảnh của thần Vishnu đang nằm ngủ. Có thể nói, vị đạo diễn 61 tuổi đã không ngại ngần né tránh những vấn đề liên quan đến tôn giáo trong cuốn tiểu thuyết mà đã rất tinh tế, nhẹ nhàng điểm xuyết chúng trong từng chi tiết của bộ phim.
Với những ai đã từng đọc tiểu thuyết, chắc chắn sẽ có một cảm giác nhẹ nhàng hơn sau khi chiêm nghiệm thứ ngôn ngữ điện ảnh trong “Life of Pi”. Được đánh giá khá sát so với nguyên tác, thế nhưng bằng một trực quan của một vị đạo diễn tài ba, Lý An đã gia giảm, tiết chế những chi tiết quá bạo lực trong nguyên tác như : con linh cẩu xé xác chú ngựa vằn hay những cuộc đánh nhau tàn bạo của những con thú trên thuyền. Cuộc hải trình của Pi, trên phim, theo một góc nhìn nào đó, tuy khổ hạnh nhưng không đến nỗi khiến con người ta mất hết niềm tin vào cuộc sống như trong chính thiên tiểu thuyết. Những buổi đêm sóng lặn, mặt biển dập dềnh phát sáng nhờ cái ánh bạc của mặt trăng cũng như muôn màu sắc trong lòng đại dương của hàng triệu sinh vật đang lan tỏa khiến cuộc khổ hành chàng trai 16 tuổi lãng mạn, thi vị hơn rất nhiều.
Nói đến thành công của “Life of Pi”, ngoài Lý An thì còn có hai cái tên khác cũng góp phần không nhỏ giúp cho cuộc hành trình của chàng trai Pi đến được với trái tim và tâm hồn của khán giả, đó chính là Suraj Sharma ( Pi năm 16 tuổi ) và Irrfan Khan ( Pi lúc trưởng thành ). Nếu như Irrfan Khan đã thể hiện rất tốt chỉ bằng ánh mắt và giọng kể chuyện trầm ấm, giúp thể hiện hình ảnh của một Pi đã trải qua muôn vàn sóng gió có một tâm thế vững chắc của kẻ dường như đã thấu hiểu chuyện đời, thì Suraj Sharma, trong vai chàng trai trẻ tuổi vướng phải cuộc khổ hành trên biển, đã tỏa sáng rực rỡ cùng vai diễn khiến nhiều tên tuổi lớn phải bất ngờ.
Bằng tầm vóc của mình, Lý An hoàn toàn có thể chọn lựa một tên tuổi nổi trội hơn trong hơn 3000 diễn viên casting cho vai chính, thế nhưng, trực giác đã mách bảo ông về tài năng của chàng trai Suraj Sharma và niềm tin của ông đã không hề đặt nhầm chỗ. Pi trên màn ảnh đã khiến cho người xem, những trái tim yêu điện ảnh phải thổn thức mà theo dõi cuộc hành trình của cậu cho đến phút cuối, họ đau khổ, lạc lõng, lo sợ cùng với những xúc cảm của cậu trong cuộc hành trình lênh đênh trên thái bình dương rộng lớn. Phong cách diễn xuất của Suraj rất tự nhiên, chân chất, nó giúp cho vai diễn Pi hiện lên một cách bình dị nhưng hiện thực nhất có thể và qua đó, nó chiếm được cảm tình của khán giả cũng như dẫn dắt họ từ từ tiến vào thế giới kì ảo của vị đạo diễn tài ba Lý An.
Và, có lẽ sẽ thật thiếu xót nếu không nói đến công lao của những nhân viên làm kĩ xảo, những người đã đóng góp đến 70% thành công của bộ phim. Để tái hiện những thước phim đẹp đến diễm lệ trong phim, đội ngũ hình ảnh R&H artists cùng với đông đảo thành viên đến từ Los Angeles, Mumbai và Hyderabad (India), Kuala Lumpur(Malaysia), Vancouver(Canada) và Kaohsiung (Taiwan) đã phải làm việc vô cùng vất vả mới có thể đưa được hình ảnh của con hổ Richard Parker oai phong và đầy chết chóc như vậy lên trên màn ảnh. Còn Thái Bình Dương rộng lớn trong phim, theo lời tiết lộ của nhà quay phim Claudio Miranda, thực chất là một cái bể nước lớn tại sân bay, dung tích của nó có thể chứa tới 1.7 triệu gallon nước và đó là điều vô cùng thích hợp để đoàn làm phim có thể tạo hiệu ứng mưa, gió, bão lên trên đó mà không mất quá nhiều công sức.
Chính vì những phút giây lao động miệt mài trên phim trường đến như vậy mà “Life of Pi” đã nhận được vô số lời khen tặng từ các nhà phê bình, đạt doanh thu 609 triệu đô la trên toàn thế giới mặc dù đây là thể loại phim khá kén người xem. Trên tất cả, tại liên hoan phim danh giá Oscar lần thứ 85, “Life of Pi” còn được đề cử tới 11 giải và đoạt 4 giải trong đó bao gồm : Đạo diễn xuất sắc nhất – Lý An, Quay phim xuất sắc nhất- Claudio Miranda, Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất và Nhạc phim xuất sắc nhất – Mychael Danna.
Sau “Ngọa Hổ, Tàng Long” và “Brokeback Mountain”, một lần nữa Lý An lại khẳng định được thành công nhờ triết lý làm phim của mình. Câu chuyện trong Pi là một câu chuyện vô cùng đẹp, nó đẹp về lòng can đảm , đức tin không bao giờ cạn kiệt vào đứa chúa trời và sự kì diệu của cuộc sống . Cùng với thiên tiểu thuyết của Yann Martel đã làm sống lại cái nghệ thuật huyền ảo trong văn học, “Life of Pi” của Lý An chính là một tác phẩm giúp người xem thêm một lần nữa tin vào vẻ đẹp của điện ảnh, một vẻ đẹp không chỉ hào nhoáng bên ngoài mà còn ẩn chứa vô số những giá trị sâu thẳm, tốt đẹp của cuộc sống.