Lights Out - Ám Ảnh Bóng Đêm theo chân hai chị Martin và Rebecca. Cả hai phát hiện rằng mỗi khi họ tắt đèn, sẽ có một sinh vật kì dị xuất hiện từ bóng tối. Khi bắt tay vào hành trình tìm kiếm sự thật, cả hai đã biết được những bi kịch vô cùng khủng khiếp từng xảy ra với cô gái Diana, một người bạn thời thơ ấu của mẹ mình.
Lights Out được lấy cảm hứng từ bộ phim ngắn cùng tên ra mắt 2 năm trước. Concept của phim hiểu đơn giản là “đèn sáng thì bạn an toàn, đèn tắt là bạn chết chắc”. Tuy concept phim mới lạ nhưng liệu nó có phù hợp với loại hình phim điện ảnh với độ dài 85 phút hay không? Và câu trả lời là có, bằng 1 cách nào đó, đạo diễn David Sandberg (cũng là đạo diễn phim ngắn) đã khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình và hồi hộp chờ đợi điều gì sẽ xảy ra xuyên suốt cả bộ phim.
Jump scare là 1 thứ không thể thiếu trong các bộ phim kinh dị, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, nó đã bị lạm dụng quá nhiều và dần dần trở nên “vô hại” với khán giả. Thế Lights Out có jump scare nhiều không? Tất nhiên là có. Thế jump scare của phim có hiệu quả không? Khoảng phân nửa jump scare trong phim được biên đạo khá tốt và khó mà đoán được.
Điều khiến Lights Out khác với các bộ phim kinh dị thông thường chính là cách xử lý tình huống của các nhân vật trong phim - họ không bị ngu đần. Rất nhiều lần khi xem các bộ phim kinh dị, bạn sẽ rất dễ bị ức chế bởi những hành động ngớ ngẩn và ngu ngốc của các nhân vật trong phim dẫn đến việc họ bị hại. Lights Out đã không đi theo lối mòn đó. Đa số các nhân vật chính trong phim đều xử lý các tình huống nguy cấp rất logic khiến người xem thỏa mãn. Đặc biệt là nhân vật bạn trai Bret do Alexander DiPersia thủ vai, có thể nói anh là người duy nhất mà cả rạp phải vỗ tay tán thưởng những pha xử lý của anh.
Về mặt diễn xuất trong phim thì ấn tượng nhất chính là cậu bé Martin, em trai của Rebbeca, thủ vai bởi Gabriel Bateman. Tuy tuổi đời diễn xuất còn ít nhưng em đã mang lại 1 màn trình diễn rất tốt.
Tuy nhiên về phần kịch bản phim thì các nhân vật được phát triển khá là tệ. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên 1 bộ phim kinh dị xuất sắc là các nhân vật trong phim được viết và phát triển như thế nào, có khiến khán giả quan tâm và đồng cảm với các nhân vật trong các tình huống éo le hay không. Mặc dù biên kịch đã cố lồng ghép tình mẫu tử vào phim nhưng làm chưa tới và khiến nó trở nên rất hời hợt. Bạn dường như sẽ chẳng hề cảm nhận được tình yêu mà 3 mẹ con dành cho nhau sâu sắc ra sao sau những xích mích đã khiến họ rạn nứt.
Bộ phim cũng có xoáy vô phần quá khứ và nguồn gốc của con quỷ Diana nhưng cũng rất cẩu thả, dễ khiến người xem bối rốt không thể bắt kịp mạch phim.
Cái kết của phim theo mình được xử lý rất tệ, dù ý tưởng cái kết rất tốt nhưng cái cách mà đạo diễn chọn để biên đạo đã phá hỏng cái kết.
Nhìn chung, Lights Out đã hoàn thành những thứ mà 1 bộ phim kinh dị nên hoàn thành. Nó là 1 bộ phim kinh dị khá nhưng chưa xuất sắc. Trước khi xem mình cũng kỳ vọng khá cao vì điểm số trên các trang phê bình rất cao và David Sandberg sẽ đạo diễn cho bộ phim Annabelle 2 vào năm sau với hy vọng sẽ vực dậy series spin-off này sau phần 1 không thể nào tệ hơn. Mình vẫn kỳ vọng rất cao cho Annabelle 2 nhưng mức kỳ vọng đã vơi đi khá nhiều và điểm số của các nhà phê bình cũng đã bắt đầu giảm mạnh. Đối với riêng bản thân thì nó chưa vượt qua được 2 phần The Conjuring của James Wann nhưng nó không cần thiết như thế vì bản thân nó đã là 1 bộ phim kinh dị tốt giữa rừng thảm họa phim kinh dị trong vài năm trở lại đây.
Rotten Tomatoes: 81%
Nguồn: Bảo Lâm