Đánh giá phim

Loạt bài học đắt giá từ Beef (Netflix)

Mini-series của nhà Netflix gặt hái nhiều thành công trong dịp đầu năm mới với các giải thưởng lớn. Beef đã giành được hai giải thưởng quan trọng với các ngôi sao Steven Yeun và Ali Wong lần lượt mang về Quả Cầu Vàng đầu tiên cho Nam và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong một loạt phim giới hạn. Bên cạnh đó, Beef cũng giành được giải thưởng cao nhất cho Loạt phim giới hạn hoặc tuyển tập hay nhất.

Beef giành được giải thưởng cao nhất cho Loạt phim giới hạn hoặc tuyển tập hay nhất tại Quả Cầu Vàng 2024

Vào ngày 16.01.2024, tại Lễ trao giải Emmy, Beef thắng đậm với các giải thưởng: Loạt phim giới hạn xuất sắc, Đạo diễn phim ngắn (Lee Sung Jin), Biên kịch xuất sắc (Lee Sung Jin), Nam chính xuất sắc nhất (Steven Yeun) và Nữ chính xuất sắc nhất (Ali Wong).

Beef để lại nhiều ấn tượng cho giải Emmy năm nay

Beef (Bất Hoà) là tác phẩm được sản xuất bởi hãng phim A24 và phát sóng độc quyền trên Netflix. Bộ phim một lần nữa khẳng định phong cách độc đáo của hãng phim từng đoạt giải Oscar và khiến khán giả không thể rời mắt. Chỉ với 10 tập phim, Beef đã biến câu chuyện có phần quái dị của mình trở nên bùng nổ hơn với nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống mà khán giả có thể dễ dàng cảm nhận được.

Beef nhắn gửi nhiều thông điệp đến tất cả mọi người

Beef kể về cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa Amy Lau (Ali Wong) và Danny (Steven Yeun) khi họ vô tình gặp gỡ nhau qua một sự cố giao thông trên đường. Từ một đụng độ nhỏ, 2 người lại khiến mâu thuẫn leo thang cực độ khiến cả 2 rơi vào trò chơi trả thù với hệ quả khủng khiếp ngoài mong đợi. Xuyên suốt cuộc xung đột giữa Amy và Danny, bộ phim gửi gắm đến người xem nhiều thông điệp đáng quý trong cuộc sống đầy rẫy áp lực của những con người trưởng thành nơi xứ người.

1. Lời xin lỗi đơn giản có giá trị to lớn

Danny hay Amy mà xin lỗi thì có lẽ không còn phim để xem

2. Luôn chăm sóc sức khoẻ tinh thần của bản thân

Amy sở hữu một cuộc sống mà bất cứ ai cũng mơ ước với sự nghiệp thành công và gia đình đầm ấm. Vòng xoáy cuộc sống khiến cô trở nên quay cuồng theo như một thói quen và dần bỏ quên những bất an le lói trong tâm lý của mình. Dù có tìm đến với chuyên viên tư vấn tâm lý nhưng dường như những rối ren trong Amy chưa bao giờ được giải tỏ thật sự.

Đối lập hoàn toàn với Amy, Danny gặp vấn đề tài chính nghiêm trọng với công ty xây dựng nhỏ của mình. Gánh nặng gia đình và trách nhiệm của một người con cả luôn khiến anh chật vật, tiêu cực và ngày càng huỷ hoại bản thân. Cuộc sống “cơm áo gạo tiền” khiến Danny phớt lờ với cảm xúc của mình, thậm chí có lúc anh tìm đến cái chết.

Danny tiêu cực đến nỗi lan tỏa cho những người xung quanh anh

 

Amy và Danny đều có tuổi thơ gắn liền với những sang chấn tâm lý xuất phát từ chính cha mẹ mình. Danny từ nhỏ đã luôn được kỳ vọng trở thành người thành công theo con đường mà bố mẹ vạch ra và bị rập khuôn theo những quan niệm, chính kiến sẵn có. Còn Amy lại bắt gặp những cuộc cãi vã của bố mẹ mình, ám ảnh đến khi cô trưởng thành. Cả 2 đều được chẩn đoán là mắc bệnh trầm cảm nhưng họ lại không thật sự nhận ra những nguy hiểm tiềm tàng của căn bệnh này.

3. Ngưng đổ lỗi, áp đặt hay chiều lòng người khác

Cuộc sống của Amy trong mắt mọi người gần như là hoàn hảo vì vậy cô luôn cố gắng che đậy đi những bộn bề ngổn ngang trong tinh thần bằng cách nở nụ cười giả tạo với tất cả, từ công việc, hàng xóm đến bố mẹ và chồng con của chính mình. Dù cho có không thích, cô vẫn cố vui vẻ và thờ ơ với những cảm xúc thực sự tồn tại trong cô. Đồng thời, Beef cũng phơi bày những kẻ giả tạo chuyên nịnh bợ, thể hiện nhưng bản chất bên trong lại hèn mọn hơn bao giờ hết.

Một xã hội tràn ngập những nụ cười giả lả, xã giao

Với Danny, anh rất thích áp đặt, sắp xếp cuộc đời theo một khuôn mẫu cũ kỹ, thậm chí anh còn áp dụng lên em trai của mình để anh luôn cảm thấy được an toàn và không cô độc. Đặc biệt, Amy và Danny luôn cố gắng trả thù nhau chỉ vì cảm giác chiến thắng, hả hê nhất thời mà nó mang lại. Họ liên tục đổ lỗi cho đối phương, cho những người xung quanh mà không một lần dám đối diện với chính bản thân đang ngày càng mục ruỗng bởi thói lạc quan một cách sáo rỗng. Qua đó, Beef muốn gửi gắm thông điệp mỗi người hãy dám đối mặt, chữa lành những vết nứt trong tâm hồn mình hơn là tìm cách trốn tránh, che lấp vô bổ. 

4. Thất bại là điều tất yếu

Không có quả ngọt nào rơi xuống mỗi ngày cho bạn thưởng thức. Thành công bạn có được đều cần phải đánh đổi với những thử thách, khó khăn. Các nhân vật trong Beef đều sống một cuộc đời với vỏ bọc “tôi ổn, tôi sẽ thành công” nhưng chẳng ai chịu thử một lần chấp nhận thất bại để biết mình nên bắt đầu từ đâu. Họ cứ điên cuồng chạy theo hào nhoáng mà xã hội đặt ra, ngày càng lệch xa với con đường vốn dĩ của riêng họ và rồi cũng đánh mất những phù phiếm ảo mộng đó. Thất bại không xấu xa đến vậy, nó vừa là bài học vừa là động lực để con người phấn đấu và hoàn thiện mình hơn nữa.

Không ai đủ mạnh mẽ để nhận rằng mình thất bại

5. Hành trình đi tìm chính mình rất quan trọng

Chủ nghĩa hiện sinh cũng là một trong những điều mà Beef đề cập đến xuyên suốt cuộc đụng độ giữa Amy và Danny. Cả 2 dường như đang mắc kẹt trong một xã hội xô bồ, nhiều định kiến, khuôn khổ. Sự khủng hoảng từ đó hình thành khi mỗi con người đều sở hữu thế giới quan, tư tưởng độc lập và có thể đối chọi lẫn nhau. Vào lúc đó, con người cần phải tìm ra cho mình mục đích và lý tưởng sống để không mãi lẩn quẩn hay tạm bợ trong cuộc đời của bất kỳ ai.

Sau cùng, chỉ giây phút này Amy và Danny mới có thể thật sự vui vẻ

Beef (Bất Hoà) dù không phải là một bộ phim hợp gu tất cả mọi người nhưng những gì mà nó đem lại thật sự đáng để khán giả dành thời gian theo dõi. Mỗi tập phim đều đọng lại những ấn tượng khó quên để mỗi người xem tự khám phá ra trải nghiệm quý báu cho riêng mình.