Chị Dâu do Khương Ngọc đạo diễn là một trong những tác phẩm điện ảnh Việt Nam đáng chú ý nhất năm 2024. Lần đầu tiên điện ảnh Việt khai thác những mâu thuẫn từ mối quan hệ giữa chị dâu và các em chồng, tác phẩm mang tới những giây phút suy ngẫm đáng giá về tình thân, sự thông cảm và những bi kịch gia đình thường thấy.
Đám giỗ - Nơi hội ngộ cũng là lúc lột trần góc khuất gia đình
Chị Dâu lấy bối cảnh trong một đám giỗ, nơi các thành viên trong gia đình tụ họp và những mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm. Những bí mật, sự ganh ghét và định kiến dần được lộ diện, tạo nên một bức tranh chân thực về hàng loạt vấn đề tồn tại trong nhiều gia đình Việt Nam. Những vấn đề tưởng chừng vô hại lại ngấm ngầm phá hủy hạnh phúc của từng thành viên.
Bảo thủ, áp đặt và định đoạt cuộc đời của con cái
Nhân vật Ba Kỳ (Hồng Đào) là một người phụ nữ trưởng thành, thông minh nhưng lại mang trong mình nhiều nỗi khổ tâm. Cô lạm dụng rượu như một cách để tránh đối diện với những áp lực trong cuộc sống và luôn cố tạo ra vỏ bọc thành công hoàn hảo. Ba Kỳ đặc biệt luôn muốn áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác và nghĩ đó là điều tốt nhất cho họ, đặc biệt là với cô con gái Nhi.
Cách áp đặt con cái của Ba Kỳ không chỉ làm rạn nứt tình cảm mẹ con, mà còn tạo ra sự định kiến trong gia đình. Ba Kỳ không hề nhận ra rằng việc kiểm soát con cái quá mức thực chất là tước đoạt quyền tự do lựa chọn và phát triển của con cái. Những bữa cơm gia đình trong phim thường xuyên diễn ra căng thẳng vì những lời giáo huấn đầy áp lực của Ba Kỳ. Thay vì là chỗ dựa tinh thần, cô trở thành một nỗi sợ hãi trong lòng con cái.
Sự kỳ thị và phân biệt giới tính
Chị Dâu đã không ít lần đề cập đến những khác biệt giới tính trong xã hội hiện nay. Điển hình là nhân vật Tư Ánh (Đinh Y Nhung) và Quân (Trung Dũng) – chồng của Ba Kỳ. Cả 2 đều gây bất ngờ cho người xem khi họ tiết lộ mình thuộc cộng đồng LGBT+. Họ không chối bỏ chính mình và sẵn sàng đối mặt với dư luận xã hội.
Tuy nhiên, thì chính gia đình và xã hội lại là những người không chấp nhận họ. Tư Ánh đã từng cô đơn, lạc lõng và không ít lần rơi vào lưới tình để rồi bị lợi dụng bởi những người phụ nữ cô yêu. Còn với Quân, sau bao năm giới tính thật của anh vẫn được xem là nguyên nhân đã phá vỡ hạnh phúc gia đình. Bà con, xóm làng dự đám giỗ cũng không ít lần buông lời phán xét, dè bỉu về cái gọi là “ô môi” của Tư Ánh.
Lối sống ích kỷ, thiếu chính kiến
Một mẫu người dễ bắt gặp trong xã hội đó chính là nhân vật Năm Thu (Lê Khánh) với lối sống ích kỷ và thiếu chính kiến rõ ràng. Cô luôn tìm cách phù hợp với ý kiến của số đông để tránh xung đột và giữ hòa khí trong gia đình. Thay vì đứng lên bảo vệ quan điểm của mình, Năm Thu chọn cách đứng giữa, không ngả hẳn về phe ai. Điều này khiến cô trở thành một nhân vật ba phải, không có chút đáng tin nào.
Năm Thu thường xuyên thay đổi thái độ, lúc thì đồng tình với Ba Kỳ, khi lại đứng về phía chị Hai Nhị và xỏ xiên bên còn lại. Sự ba phải này không giúp cô tránh khỏi mâu thuẫn mà ngược lại, đẩy cô vào tình huống bị cả hai bên quay lưng. Lê Khánh đã thể hiện Năm Thu một cách dí dỏm nhưng đầy châm biếm, cho thấy sự thất bại của những người không dám đứng lên bảo vệ bản thân.
Út Như (Ngọc Trinh) là nhân vật đại diện cho thế hệ trẻ, có phần sống thiếu định hướng và luôn ỷ lại vào gia đình. Cô không có công việc ổn định, sống dựa vào tài chính của người thân và không có mong muốn thay đổi. Út Như cho rằng việc mình là con út là một đặc quyền, khiến cô trở nên lười biếng và vô trách nhiệm với chính cuộc sống của mình.
Ngọc Trinh đã thể hiện Út Như là một nhân vật thiếu chính chắn, có chút vô lo vô nghĩ, nhưng đồng thời cho thấy mặt trái của sự hồn nhiên đó. Khi mâu thuẫn chị em nổ ra, Út Như là người đầu tiên rời bỏ và không muốn gánh vác trách nhiệm. Cô thường xuyên đổ lỗi cho hoàn cảnh và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người chị thay vì tự thân tìm cách giải quyết vấn đề.
Sự thấu hiểu – Thông điệp của bộ phim
Chị Dâu không chỉ dừng lại ở việc phơi bày những bi kịch cá nhân mà còn mang đến thông điệp về sự thấu hiểu và hòa giải. Bằng cách khắc họa sâu sắc từng nhân vật, bộ phim khiến người xem nhận ra rằng mỗi người đều có những góc khuất và nỗi đau riêng. Chỉ khi các thành viên trong gia đình biết lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm với nhau, mâu thuẫn mới có thể hóa giải.
Chị Hai Nhị (Việt Hương) là một nhân vật khá hoàn hảo với tình yêu thương vô bờ bến dành cho gia đình chồng. Nhưng cô lại là người không biết yêu lấy chính bản thân khiến giá trị của mình trở nên mờ nhạt và những điều cô làm dường như là lẽ hiển nhiên mà không ai mảy may công nhận. Khương Ngọc đã khá tinh tế khi sử dụng những tình tiết đời thường như thế để truyền tải thông điệp mạnh mẽ về tình cảm gia đình.
Chị Dâu là một tác phẩm điện ảnh đáng xem, không chỉ bởi diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên mà còn bởi cách tiếp cận thẳng thắn các vấn đề gia đình và xã hội. Phim mang đến những bài học sâu sắc về sự thấu hiểu, lòng vị tha và tầm quan trọng của việc đối mặt với những khuyết điểm cá nhân để xây dựng một gia đình hạnh phúc và bền vững.