Trong Tiểu thuyết Bố già, có một đoạn nói về những kẻ một thời ngang dọc nhưng đến buổi luống tuổi như sau: “cứ như anh kép già đầu hói, bụng phệ ngồi xem lại những hình ảnh hào hùng thuở thiếu thời vậy” (chương 12). Trong cảnh cuối phần 3 của bộ phim cùng tên, ta cũng bắt gặp lại cảnh tương tự: Don Michael Corleone một thời hét ra lửa khi về già chỉ là 1 ông lão khốn khổ tàn tạ mất sạch tất cả sống mơ màng với những hoài niệm và chết gục trong cái nắng vàng vọt của đất Sicily. Sự tàn phá của thời gian là vô kể, chẳng ai có thể chống lại được, kể cả một kẻ tưởng chừng bất tử như Logan.
James Howlett, Vũ khí X, Wolverine, Logan, v.v. đó không chỉ là những cái tên mà còn là từng thân phận và từng mảng đời của dị nhân mang trong mình bộ xương adamantium và bộ móng vuốt của chồn gulô (Wolverine). Và rốt cuộc, kẻ cứng đầu và kiêu dũng trước bao nhiêu cuộc chiến đã phải bước đến đoạn cuối của cuộc đời mình trong bộ phim Logan như lời giã từ của Hugh Jackman đối với vai diễn để đời này sau 17 năm gắn bó. Bước ra khỏi lề thói của phim siêu anh hùng, cũng như cách làm ăn chớp giật của FOX, Logan chuyển hướng sang phim miền Tây tân thời đầy bi tráng để rồi cướp đi nước mắt của bao nhiêu khán giả.
I. Logan – Bối cảnh đầy cảm xúc
Phải nói rằng, Logan đã được khởi động một cách vô cùng xuất sắc từ trailer đầu tiên của mình. Hình ảnh thế giới thời kỳ hậu dị nhân có chút hơi hướm của thế giới hậu tận thế, Logan và Charles Xavier già nua suy sụp, cô bé Laura X-23 lạnh lùng sát thủ nhưng cũng rất con nít (nghe giống Hanna 2011 không?) cùng nhạc nền não nề Hurt của Johnny Cash khiến cho người xem không chỉ tò mò về thế giới hậu dị nhân mà còn xúc động mạnh mẽ. Thậm chí, người viết đã sợ Logan rơi vào tình trạng đạo diễn trailer còn hay hơn đạo diễn chính của phim như nhiều trường hợp gần đây, như Age of Ultron là 1 ví dụ.
Rất may, Logan đã không làm khán giả thất vọng. Chuyển thể từ comic (truyện tranh phương Tây) Lão già Logan (Old man Logan), bộ phim đặt bối cảnh vào năm 2029 khi thế giới không còn dị nhân nào nữa. Thế giới trong đó, qua góc nhìn của Logan, phân cực mạnh mẽ. Đó là nước Mỹ giàu có trở lại nhưng ích kỷ, đồi bại và tăm tối cùng sự trỗi dậy của những tập đoàn lớn và những ông chủ lớn đang nuốt trọn sự tự do cuối cùng của những lớp người nhỏ bé. Nếu trong Lão già Logan là băng nhóm của Hulk thì ở Logan là công ty thực phẩm biến đổi gene Canewood (hình ảnh đá đểu Monsanto ngoài đời).
Đó còn những vùng đất hoang phế (wasteland) vàng vọt, đầy cát và bụi vùng Nam Mỹ, nơi con người ta sống trong mục ruỗng và chết trong tha hóa. Cái màu vàng ấy làm nổi lên sự tàn tạ sau bao nhiêm năm tháng của từng thân phận, như Logan, Charles hay Caliban. Nhắc đến Caliban, tại sao một vampire như y lại chịu chui rúc ở cái xứ cát nắng bụi đường như thế? Tất cả chỉ để nhấn mạnh một điều, những dị nhân cuối cùng cũng đã cùng đường rồi. Họ phải sống chui sống nhủi ở 1 miền đất vô danh đầy cát bụi để tránh đi thế sự nhiễu nhương. Nhưng vẫn có kẻ tìm đến, như Donald Pierce và nhóm The Reavers của y chẳng hạn.
Dù ở nơi phồn hoa hay hoang phế, những dị nhân cuối cùng rốt cuộc đều trở thành nô lệ của xã hội thời điểm đó: nô lệ của đồng tiền, hay nô lệ của thế cuộc. Ở đó đêm đen tha hóa họ, và ngày nắng thiếu đốt họ. Nhưng ánh sáng mặt trời cũng luôn soi sáng chân lý. Ánh sáng ấy khiến kẻ vị kỷ sẵn sàng hy sinh, và dẫn đường cho những kẻ khác đến miền đất Hứa nơi phương Bắc. Đó là nơi cỏ cây xanh tươi, như chính những hy vọng của dị nhân cho một thế hệ kế cận sau 15 năm tuyệt diệt nòi giống. Nhưng con đường dài đằng đẵng đó không bao giờ thiếu vắng những kẻ truy đuổi hòng nô lệ họ một lần nữa.
II. Những nhân vật đau thương
Như chính tên bộ phim, Logan là nhân vật chính trong câu truyện này. Năm 2029, không còn những trận đánh tưng bừng giữa dị nhân và chính phủ hay Hellfire của Magneto nữa. Lúc này đây, Logan chỉ còn là lão già sống qua ngày đoạn tháng với nỗi đau của một kẻ mất đi gia đình – không chỉ 1 lần. Nỗi đau đó xâm lấn vào thể xác, biến gã côn đồ cường tráng ngày nào thành 1 ông lão muối tiêu mệt mỏi, nghiện rượu và tàn tạ. Siêu năng lực tự phục hồi của Logan cũng dần biến mất, để lại 1 cơ thể đầy sẹo phục hồi chậm chạp, cái đầu gối khập khiễng khi phải chịu sức nặng từ bộ xương adamantium cùng bao thương chấn từ những trận chiến trong quá khứ.
Cổ nhân nói “Họa hổ họa bì nan họa cốt”. Diễn tả nỗi đau cơ thể thì dễ, diễn tả nỗi đau nội tâm mới khó. Và Hugh Jackman chứng minh đẳng cấp của mình – thứ bị nghi ngờ qua loạt phim Wolverine trước đó – khi đã diễn tả được nỗi đau mục ruỗng từ bên trong đang giết dần giết mòn Logan. Nỗi đau dằn vặt của kẻ còn sống khi bằng hữu đã vong thân khi đổ lỗi cho chính bản thân. “There’s no living with a killing, there’s no going back for me” (Shane -1953) – đoạn trích trong phim như lời chứng cho nghiệp chướng của Wolveriene khi đã tổn thương quá nhiều người – cả địch cả bạn. Viên đạn adamantium chính là lời chuộc tội muộn màng của Logan.
Logan muốn chết, nhưng chưa thể chết, khi vẫn đang mắc kẹt trong trách nhiệm với người bạn già Charles Xavier – hay còn gọi là Giáo sư X – do Patrick Stewart thủ vai. Vị giáo sư thông tuệ ngày nào rốt cuộc cũng giống như Logan, cũng không thể chống lại được thời gian. Và bộ óc hằng mong muốn đem lại hòa bình giữa loài người và giống loài dị nhân, khi mất đi kiểm soát bởi tuổi già bỗng chốc trở thành hiểm họa cấp độ cao cho bất kỳ sinh vật sống nào. Đến thời điểm trong bộ phim, Charles chỉ còn là 1 lão già sống nửa mê nửa tỉnh, lẩm cẩm, ương bướng như trẻ con, sống qua ngày đoạn tháng cùng những liều thuốc để kiểm soát não bộ.
Nhưng bộ não đó chưa bao giờ hết thông tuệ - nhất là khi được thể hiện bởi diễn viên kỳ cựu Patrick Stewart. Sự thông tuệ không phải từ chỉ số IQ của một ông già bị thoái hóa não, mà từ chỉ số EQ của một một người cha và người ông luôn hướng đến những đứa con đứa cháu của mình. Trong vai một bộ óc vĩ đại lẩm cẩm như vậy mang lại cả tấn sức nặng cho diễn viên. Bên cạnh đó, giống như Wolveriene, sức nặng của vai Charles còn đến từ những dằn vặt trong nội tâm. Mặc dù Logan cố giấu, Giáo sư X cũng lờ mờ nhận ra được mình đã gây ra tai họa gì. Ước muốn thanh thản cũng như cảm giác tội lỗi, như từng tiếng nấc của Charles trong bình mình cuối cùng.
Laura hay X-23 do Dafne Keen thể hiện cũng là nhân vật chứa đầy đau thương trong một thân xác nhỏ bé. Cô bé bị vứt bỏ, và chứng kiến những người thân của mình lần lượt ra đi trên con đường hướng tới miền Địa Đàng. Đó là tại sao cô bé luôn giữ vẻ mặt cau có, luôn luôn giữ khoảng cách và sẵn sàng đâm chém những kẻ xâm phạm đến mình. Laura lớn lên đầy hoang dã và bạo lực khi không biết gì về thế giới bên ngoài. Nhưng chỉ vài đoạn phim nhỏ, ta vẫn thấy được Laura vẫn chỉ là 1 cô bé với những mong muốn và sở thích của 1 đứa trẻ. Nhưng quãng đường dài cũng đã làm cái vỏ bọc ấy nứt ra, khi gắn kết của cô bé và người thân càng lúc càng rõ rệt.
III. “Gia đình nhỏ” của Logan
Mặc dù là nhân vật thay thế Hawkeye trong comic Lão già Logan, nhưng vai diễn của Patrick Stewart mang chiều sâu hơn rất nhiều. Giáo sư X không chỉ là người đồng hành mà còn là người hướng đạo, tấm gương phản chiếu tâm hồn của Wolverine. “Bữa tối cuối cùng” chỉ gồm những lời bông đùa của nhóm Wolverine cùng gia đình chủ nhà, nhưng nó gợi lên tình cảm thân thương biết bao giữa 2 tâm hồn già nua đã gắn bó với nhau hàng thập kỷ. Charles đã cho Logan một gia đình, và ông cũng như người cha của Logan. Thân thương biết bao, khi Logan bế Charles lên giường - 1 hình ảnh giản đơn nhưng có mấy X-Men được như thế sau cả đời chinh chiến.
Là người cha đối với Logan, Charles cũng là người ông đối với Laura. Trong khi Logan coi Laura là 1 cục nợ rắc rối thì chính Charles tỏ ra yêu thương vô điều kiện đối với cháu gái. Có thể nhờ khả năng ngoại cảm mà Charles đã phá đi phần nào bức tường thế hệ thường thấy giữa ông và cháu. Không những thế, Charles còn yêu thương cô bé vì Laura chính là hiện thân của lớp người dị nhân mới. Đó là tình cảm của một người gần đất xa trời gửi gắm vào thế hệ tương lai những ước vọng chưa thành của chính bản thân mình. Charles cũng ra sức làm cầu nối và thuyết phục Logan hỗ trợ ước mong tìm về chốn Địa Đàng của cô bé.
Có lẽ nỗ lực của Charles đã thức tỉnh tình cảm trong con người khô cằn bị gió bụi Mexico xói mòn của Wolverine. Gã lúc nào cũng thế, luôn tỏ ra cứng đầu và thô thiển. Nhưng sâu trong thâm tâm, gã luôn là một kẻ đầy tình cảm và quan tâm. Chỉ là luôn có thứ gì đó kìm hãm gã lại, ngay khi cả lớp bụi phong trần bao quanh gã đã đổ nát. Để rồi đến khi người đồng hành cuối cùng rời bỏ gã, gã mới bật lên tiếng thổn thức vì sao gã lại luôn tỏ ra lỗ mãng như thế - để nhận về cho riêng mình một niềm cay đắng. Phải, một mình gã gánh chịu là đủ rồi, gã không muốn ai phải chịu những đau thương do nghiệp chướng của chính gã gây ra.
Nhưng những điều đó không giấu được tình cảm cha con dần nảy nở giữa Laura và Logan. Ngay từ đầu, gã chỉ coi cô bé là nhân bản X-23 của mình chứ không liên can gì gã hết. Nhưng dần dần, cách hành xử của gã có những thay đổi vô cùng tinh tế. Một mặt, gã chối từ những hành động thể hiện tình cảm của cô bé với gã mà luôn tỏ ra xa cách. Mặt khác, gã vẫn quan tâm đến cô bé rất nhiều, mặc dù chỉ thông qua những hành động nhỏ. Và cuối cùng, gã đã làm điều mà mọi người cha trong những bộ phim hành động đều phải làm – đứng lên chiến đấu vì đứa con của mình. Tất cả để đổi lấy 1 tiếng gọi thân thương của Laura lúc cuối phim.
Tình cảm luôn là mối quan hệ 2 chiều. Dẫu có sự can thiệp của Charles, thì tình cảm cha con của Logan và Laura cũng không thể nảy nở nếu thiếu đi phần của cô bé. Laura lúc đầu cũng đâu coi Logan là cha. Cô bé bỡ ngỡ với thế giới bên ngoài phòng thí nghiệm và đầy tính hoang dã ấy chỉ dịu đi trước Charles – người duy nhất kết nối được với em. Nhưng khi chứng kiến cảnh gia đình êm ấm trong giây phút nghỉ ngơi trên quảng đường trốn chạy, đặc biệt cảnh Logan bế Charles, từ sâu trong cô bé đã thèm muốn được quan tâm. Sau đó, chứng kiến cảnh mất mát của Logan, chắc hẳn cô bé cũng nảy sinh sự đồng cảm quan tâm người cha sinh học của mình.
Không có Logan, cô bé chắc chắn sẽ không thể vượt qua quãng đường đầy xa xôi. Không có Laura, Logan đã có thể vùi xác trên đường như bao kẻ vô danh mỏi mệt và lạc lối. Do đó, 2 người dựa vào nhau mà tiến bước đến vườn địa đàng của chính mình. Và đó cũng là sợi dây thắt chặt tình cảm của 2 người mà lúc đầu mối liên hệ duy nhất chỉ là bộ mã trong DNA của mình. Cũng có lúc 1 trong 2 muốn cắt bỏ sợi dây ấy vì muôn vàn lý do. Nhưng chính bản thân họ vẫn nắm thật chặt đầu dây mà không thể nào buông bỏ được. Và chữ cần đầu bên kia rung động báo hiệu nguy hiểm, họ đều không màng an nguy bản thân mà lao đến.
IV. Giá mà…
Logan là một bộ phim xứng đáng được người viết lên ngay Amazon hoặc Ebay và pre-order đĩa Bluray về cho bộ sưu tập của mình. Đó là một điều không thể bàn cãi. Nhưng Logan cũng không tránh khỏi những điều khiến người ta phải "giá như", đặc biệt là với bộ phim đầy tính tự sự như lời giã từ cho vai Wolverine của Hugh Jackman sau 17 năm gắn bó.
Phim đã làm rất tốt mạch truyện chính cùng 3 nhân tố chính trong cậu truyện: Charles-Logan-Laura. Tuy nhiên, có lẽ vì thế mà bộ phim đã bỏ qua kha khá phần xây dựng các nhân vật phản diện. Donald Pierce xuất hiện rất ngầu nhưng chẳng thể hiện gì nhiều ngoài việc khoe cánh tay máy của mình. Đám The Reavers hay các đặc vụ cũng y như thế, rốt cuộc đều trở thành bia tập chém cho cả Logan và Laura. Từ giữa phim xuất hiện Dr. Zander Rice – một kẻ góp công rất lớn vào sự “tuyệt diệt” của giống loại dị nhân và sự ra đời của những dị nhân mới. Thế nhưng ngoài việc thao thao về kế hoạch của mình và gào thét X-24, nhân vật này chả thể hiện được gì.
Donald Pierce và nhóm The Reavers, cùng với Dr. Zander Rice, đều là những kẻ có hận thù sâu sắc với X-Men nói chung và Logan nói riêng và đều là những kẻ nguy hiểm chết người. Tuy nhiên, may ra Donald Pierce còn thể hiện được nguy hiểm chứ Zander Rice chỉ thể hiện được sự…ngơ ngơ. Đó là chưa kể đám The Reavers, hay đám lính đặc vụ khác, từ đầu đến cuối phim dường như chỉ biết lao lên đâm bổ vào đám dị nhân mà không có bất kỳ một kế hoạch nào khác mặc dù thể hiện rằng có công nghệ hiện đại. Đó là chưa kể họ đều nắm điểm yếu của đám dị nhân trẻ kia? Có kẻ Rice và Pierce nên học hỏi August Kuratov (Guardians – 2017) thì hơn.
Một điểm yếu khác của đám phản diện này là chính là…mục đích của chúng. Chúng truy đuổi là để bắt lại Laura và những đứa trẻ dị nhân khác. Nhưng ý định đằng sau lưng chúng là gì? Bộ phim Logan thể hiện rất yếu điều đó. Thậm chí Donald Pierce giải thích rằng là để kiểm soát chúng thì điều đó cũng khá là hợp lý. Để một đám trẻ con với siêu năng lực có-khả-năng-giết-người nhưng khả năng kiểm soát và hiểu biết về xã hội gần như bằng không lông nhông bên ngoài quả là 1 điều không hay ho gì. Tất nhiên, người hâm mộ lâu năm biết cái cơ sở ở hồ Alkai của Zander nó tồi tệ như thế nào, nhưng đó không phải là lý do để bộ phim không thèm nói với khán giả.
Phần hành động của bộ phim là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu của bộ phim. Phải, bộ phim đã làm người hâm mộ lên đỉnh với những màn đâm chém bằng vuốt sắc đầy máu me, bạo lực và cuồng dại như chính bản thân Wolverine và X-23. Thậm chí, phân cảnh Logan đấu X-24 cũng rất ấn tượng với cảnh ăn miếng trả miếng giữa 2 bộ móng vuốt kim loại. Nhưng những cảnh đó cứ lập đi lập lại theo 1 kiểu rất dễ gây nhàm cho khán giả nếu để ý kỹ. Giống như Chris Evans trong Civil War, tại sao không để Logan biểu diễn nhiều nhiều thế đánh hơn? Chẳng phải trong bộ phim cũng chưng thanh kiếm Muramasa đó sao?!
Thật ra, bộ phim có đa dạng chút khi ở cuối phim, các dị nhân trẻ thể hiện được năng lực sát thương của mình. Tuy nhiên, vài giây ngắn ngủi ấy chẳng đủ để thỏa mãn người hâm mộ lâu năm. Chưa kể, nó tạo nên một điểm yếu trong kịch bản: tại sao đám nhỏ không hỗ trợ Wolverine trong cuộc chiến với X-24? Ngoài X-23 và 1 cậu bé dị nhân có khả năng điều khiển đồ vật, tất cả đám dị nhân trẻ còn lại đều chỉ đứng xem và…bỏ chạy. Nếu tất cả bọn chúng hợp lại, có thể cảnh bi kịch cuối phim đã không diễn ra. Tất nhiên, đó có thể là ý đồ đạo diễn để đẩy cao bi kịch cuối phim nhằm mua nước mắt khán giả và chấm dứt hoàn toàn vai diễn của Hugh Jackman.
Một vấn đề khác mà bộ phim mắc phải đó chính là hình tượng Logan. Tuy biết là chuyển thể không có nghĩa là sẽ giống hoàn toàn, nhưng Logan trong bộ phim này…yếu đuối quá mức cần thiết. Lý do chủ yếu mà Logan suy sụp là mất đi gia đình X-Men của mình. Nghe thì có vẻ rất có lý nhưng…điều này thật sự diễn ra với kẻ đã từng sống từ đầu thế kỷ 19 sao? Trong truyện, Logan gác…móng vuốt vì phạm phải tội lỗi tày trời: giết sạch đồng đội X-Men của mình. Chưa kể Logan lui về ở ẩn để bảo vệ gia đình nhỏ của mình, bất chấp nhiều lần chịu nhục. Còn Logan trong bộ phim cùng tên năm 2017 này? Lý do không thuyết phục tí nào.
Vấn đề cuối cùng chính là cái chết của Wolverine. Đúng là để Wolverine chết là điều gần như hiển nhiên, vì cái kết này vừa đẩy cao cảm xúc của khán giả vừa là dấu chấm hết tuyệt đối cho vai diễn này của Hugh Jackman. Wolverine cũng không phải bất tử vì cũng đã nhiều lần chết trên comic rồi. Nhưng vấn đề ở đây là, Wolverine chết rồi thì ai sẽ dẫn dắt những dị nhân trẻ khi thế hệ dị nhân trước đó đã bị xóa sạch hoàn toàn? Những đứa trẻ thừa năng lực nhưng thiếu hiểu biết và kiềm chế ấy khi ra ngoài xã hội chẳng phải sẽ vô cùng nguy hiểm sao? Chính ngôi trường của Charles cũng là để bảo vệ những dị nhân trẻ khỏi các tai họa từ chính năng lực của mình.
V. Kết luận:
Logan (2017) là một bộ phim tương đối hay – thậm chí có thể coi là hay nhất trong series X-Men ngang với First Class (2011). Thay vì đi vào vết xe đổ của những màn đâm chém hoành tráng nhưng vô nghĩa, Logan đi vào khai thác 2 thứ: cuộc sống phía bên kia con dốc cuộc đời của những X-Men và tình cảm gia đình của họ - mong ước nhỏ nhoi mà chẳng mấy X-Men nào thực sự làm được. Các diễn viên đều làm tốt vai trò của mình, khi thể hiện đủ những cung bậc tình cảm khiến người xem dễ dàng bị cuốn theo. Tuy nhiên, đáng tiếc là bộ phim xoáy sâu vào quan hệ của gia đình nhỏ của Logan mà bỏ qua một phần chiều sâu kịch bản.