Bộ phim là câu chuyện đẹp về tình yêu của chàng samurai mù và người vợ hiền thảo. Love and Honor cán mốc doanh thu $50 triệu tại thị trường nội địa Nhật Bản.
Love and Honor (Danh Dự Người Võ Sĩ) là bộ phim cuối cùng trong bộ ba phim điện ảnh về samurai của đạo diễn Yamada Yoji. Ông khai thác một samurai rất khác với những hình ảnh và định nghĩa quen thuộc như kiêu hãnh, mạnh mẽ, lạnh lùng và dũng cảm.
Twilight Samurai (2002) và The Hidden Blade (2004) đều mang đến một hình ảnh samurai khác biệt, Love and Honor (2006) cũng như vậy. Không phải những phẩm chất này không được tìm thấy trong các samurai của Yamada, nhưng những điều đó bị lu mờ bởi ý thức về khoảng cách giai cấp và mối quan tâm của con người đối với cuộc sống hàng ngày.
Phim có câu chuyện khá đơn giản nhưng cách kể chuyện thật xuất sắc. Shinnojo Mimura (Kimura Takuya) là một samurai thấp cấp với nhiệm vụ thử đồ ăn cho lãnh chúa. Vào ngày làm việc định mệnh anh vô tình ăn phải món có độc và trở thành kẻ mù lòa đến hết đời.
Bộ phim xây nên hình ảnh một samurai chính trực nhưng cũng hài hước, thể hiện thông qua những lời châm biếm và chọc ngoáy ông lão người hầu của Shinnojo. Nhân vật người hầu phục vụ cậu chủ dù tuổi tác đã gần đất xa trời dễ khiến người xem liên tưởng đến ông Alfred – người phục vụ thân cận nhất của Batman.
Bên cạnh Shinnojo luôn có sự xuất hiện của người vợ tần tảo Kayo Mimura (Rei Dan). Kayo là người phụ nữ xinh đẹp, là điểm nhấn dịu dàng và tuyệt mỹ giữa dàn nhân vật nam gai góc. Trước và sau khi chồng bị mù cô đều hết lòng hết dạ chăm lo cho anh từ trang phục, miếng ăn đến giấc ngủ.
Nếu ai biết câu nói “Ăn cơm Tàu, Ở nhà Tây và Lấy vợ Nhật” thì hẳn Kayo là minh chứng rõ ràng nhất cho việc tại sao các cụ ngày xưa lại “ưng cái bụng” phụ nữ Nhật đến thế. Họ dịu dàng, hết mình vì chồng con, gia đình, hi sinh bản thân và dành mọi điều tốt đẹp nhất cho người đầu gối tay ấp. Tuy người viết không quá đề cao đức tính hi sinh này, nhưng Kayo thì thật là người phụ nữ đáng khâm phục.
Đầu phim, đôi vợ chồng Mimura là hình ảnh rõ ràng nhất cho câu “Chồng đối ngoại, vợ đối nội”. Người đàn ông sẽ đi kiếm tiền, xây dựng sự nghiệp để bảo vệ và nuôi gia đình. Người phụ nữ thì chăm lo và nuôi dưỡng cuộc sống của mọi thành viên trong ngôi nhà. Nhưng từ khi Shinnojo là kẻ mù lòa, mọi gánh nặng tài chính đè lên vai Kayo khiến cô sa bẫy vào lời nói dối đáng khinh thường của tên tướng quân đốn mạt.
Hình ảnh cặp chim Shinnojo nuôi như tình cảm khăng khít và vững bền giữa anh và vợ. Khi một con chết anh liền thả ngay đứa còn lại vì biết nó cũng chẳng sống nổi nếu thiếu bạn đời. Hay vào ngày quyết đấu, Shinnojo vòng quanh đầu bằng sợi dây buộc áo của Kayo cũng là minh chứng cho việc anh sẵn sàng chết để bảo vệ cho danh dự và lòng tự tôn của bản thân và vợ. Tình cảm đáng quý đáng trân trọng của họ từ lúc bắt đầu đến khi phim kết thúc chính là thứ thần dược “made your day”.
Câu chuyện Love and Honor dễ hiểu và đơn giản, tuy có chút buồn nhưng đó là lí do làm bật lên cái đẹp dung dị và đầy tính nhân văn. Phim không hề thiếu những cảnh hài hước và châm biếm nhẹ nhàng. Khi samurai như Shinnojo cũng thật tinh tế pha trò chọc cười khán giả. Hãy để ý đến những phân đoạn có sự xuất hiện của ông lão người hầu và bà dì tọc mạch cùng đứa con trai.
Love and Honor có độ dài 2 tiếng, thời gian khá trọn vẹn để xây dựng cốt truyện và xử lý các tình huống. Diễn xuất của Kimura Takuya và dàn diễn viên tròn trịa, duyên dáng và dễ chịu. Bộ phim ra mắt vào năm 2006 đã mang về rất nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải Người mới cho Dan Rei (Blue Ribbon Awards), giải Nam chính cho Kimura Takuya, giải Nam phụ cho Sasano Takashi (Nikkan Sports Film Awards) cùng các giải thưởng cho quay phim, ánh sáng…
Người xem sẽ có những trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời cùng Love and Honor, phim nhuốm màu vàng và mang hơi thở cổ kính. Những khung hình được bố trí hoàn hảo để tia nắng len lỏi và xuất hiện như một nhân vật tuyệt đẹp trong cảnh phim.
Đề tài samurai vốn được khai thác rất nhiều trong phim điện ảnh nhưng với góc nhìn mới mẻ mà gần gũi, Love and Honor đã chinh phục không chỉ khán giả Nhật Bản mà còn cộng đồng quốc tế. Bộ phim là một trong năm tác phẩm được trình chiếu trong khuôn khổ liên hoan phim Japan Hour 2020. Chương trình do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp cùng hệ thống rạp chiếu phim BHD Star Cineplex tổ chức.
Bên cạnh đó, các phim được chọn trình chiếu còn có: Nana Du Ký, Hãy Nói Yêu Anh, Qill - Chú Chó Dẫn Đường, Hành Trình Vĩ Đại. Đây là những bộ phim nổi tiếng với thể loại phong phú được sản xuất và phát hành bởi hãng phim danh tiếng Shochiku. Cùng khám phá điện ảnh Nhật Bản và tìm hiểu về văn hóa con người nơi đây thông qua liên hoan phim nhé.