Moveek
Tin điện ảnh

Lý An - Đạo diễn châu Á nổi tiếng nhất Hollywood với những tác phẩm táo bạo

Có rất nhiều đạo diễn châu Á thành danh ở Hollywood như James Wan, Ngô Vũ Sâm, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca... nhưng có lẽ nổi tiếng và thành công nhất ở thời điểm hiện tại chính là Lý An. Ông là đạo diễn Trung Hoa thành công ở cả phim nghệ thuật lẫn thương mại tại Hollywood. Với hơn 20 năm tuổi nghề, vị đạo diễn tài ba này đã nhận được tới 3 tượng vàng Oscar (con số rất đáng nể so với các đạo diễn châu Á khác), hàng trăm giải thưởng lớn nhỏ khác với những bộ phim táo bạo từng khiến khán giả lẫn giới chuyên môn phải sửng sốt.

Thành công nhờ câu nói động viên của vợ

Lý An là người Đài Loan và được sinh ra trong một gia đình tri thức có mẹ là giáo viên cấp 2, còn cha là hiệu trưởng ở trường cấp 2 mà Lý An từng theo học. Người cha nghiêm khắc của Lý An mong muốn con trai mình trở thành giáo sư, tiến sĩ, nhưng Lý An lại có niềm đam mê với nghệ thuật. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 1978, ông đến Mỹ và học về Sân khấu Điện ảnh tại Đại học Illinois mặc dù bị cha mình phản đối kịch liệt. Đây cũng là nơi ông gặp vợ tương lai của mình - bà Huệ Gia, lúc bấy giờ bà đang học khoa Sinh học. 

Sau khi tốt nghiệp Đại học Illinois, Lý An tiếp tục theo học thạc sĩ Nghệ thuật tại Đại học New York. Trong thời gian này, bộ phim dài 43 phút mà ông thực hiện - Fine Line (1984), cũng là luận án của ông, đã mang về cho ông giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất của Đại học New York. Bộ phim này còn giúp ông nhận được sự chú ý của hãng William Moris và được nhận vào làm. Tuy nhiên, đến lúc vào làm thì hãng không có nhiều cơ hội cho ông, nên ông phải chờ việc mòn mỏi trong suốt 6 năm trời, gửi đi hàng trăm kịch bản nhưng không hồi đáp. Trong thời gian này, gia đình ông phải sống những ngày tháng khó khăn nhờ vào đồng lương ít ỏi của bà Huệ Gia, khi đó đang làm việc tại một phòng nghiên cứu dược. Còn Lý An thì ở nhà làm tất cả các công việc từ nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc con đồng thời làm những việc mà ông yêu thích như đọc sách, bình phim và viết kịch bản.

Vì gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên vai vợ nên sau nhiều lần trăn trở, ông quyết định tạm gác lại giấc mơ điện ảnh và đăng ký một khoá học máy tính tại trường đại học của khu dân cư với mong muốn tìm được công việc nhanh chóng. Rồi bà Huệ Gia vô tình tìm thấy thời khoá biểu học máy tính trong túi của chồng. Vào một buổi sáng trước khi đi làm, bà quay lại nhìn chồng và nói: "An à, đừng quên giấc mơ của anh đấy chứ?". 

Nhưng câu nói vực dậy tinh thần và niềm đam mê làm phim của ông chính là:

"Em luôn tin anh chỉ cần một món quà, đó là được làm phim. Đã có rất nhiều người học máy tính rồi, họ không cần thêm một Lý An để làm việc đó. Nếu anh muốn giành được bức tượng vàng, anh phải hết mình với ước mơ."

Quả thật bà Gia Huệ nói rất đúng. Thế giới không cần thêm một Lý An để học máy tính, thế giới cần một Lý An làm ra những bộ phim nâng tầm vị thế điện ảnh của Trung Quốc và góp phần tô thêm sắc màu cho điện ảnh thế giới. Sau câu nói đó của vợ, ông quay trở lại với đam mê và chỉ vài năm sau sự nghiệp bước lên một tầm cao mới.

Bậc thầy của những bộ phim "gây sốc"

Không phải tự nhiên mà người ta xem Lý An là bậc thầy của những bộ phim gây sốc và là đạo diễn châu Á nổi tiếng nhất tại Hollywood. Vị đạo diễn 64 tuổi này đã làm ra những tác phẩm khiến cả thế giới phải xôn xao, từ phim võ thuật, phim siêu anh hùng cho đến tình yêu đồng tính. Ông luôn thử sức mình ở nhiều chủ đề khác nhau và luôn biết cách làm cho tác phẩm của mình trở nên đặc sắc.

Bộ phim đầu tiên mở màn cho sự nghiệp của Lý An là Pushing Hands (Thôi Thủ - 1992), kể về một thầy giáo Thái Cực Quyền Trung Quốc chuyển đến sống cùng gia đình con trai và con dâu ở vùng ngoại ô của thành phố New York. Mặc dù là tác phẩm đầu tay của Lý An nhưng khi được ra mắt, phim lại thành công vang dội tại quê nhà Đài Loan và nhận được tới 8 đề cử giải Kim Mã. Nối tiếp thành công của Pushing Hands, Lý An cho ra đời thêm 2 tác phẩm khác là The Wedding Banquet (Hỷ Yến - 1993) Eat Drink Man Woman (Ẩm Thực Nam Nữ - 1994) và tạo thành một trilogy kể về những mâu thuẫn giữa hai thế hệ già và trẻ khi họ phải thay đổi môi trường sống. Trong đó, Hỷ Yến là bộ phim đầu tiên của Lý An về đề tài đồng tính và được đề cử giải Oscar và giải Quả Cầu Vàng cho phim nước ngoài hay nhất, chiến thắng giải Golden Space Needle ở LHP Quốc tế Seattle và giải Gấu Vàng tại LHP Quốc tế Berlin.

Tiếp nối những thành công bước đầu, Lý An cho ra đời hàng loạt những tác phẩm táo bạo với chủ đề khác nhau, tuy các chủ đề này đã quen thuộc nhưng dưới bàn tay của ông, chúng không bao giờ bị cũ kỹ hay trùng lặp.

Năm 2000, Lý An cho ra mắt Crouching Tiger, Hidden Dragon (Ngoạ Hổ Tàng Long) - bộ phim nâng vị thế điện ảnh Trung Quốc lên một tầm cao mới. Phim đoạt tới 4 giải Oscar, 2 giải Quả Cầu Vàng với doanh thu $213.5 triệu (gấp 13 lần kinh phí), trở thành phim nước ngoài có doanh thu cao nhất tại Mỹ ($128 triệu) và giúp Lý An có chỗ đứng vững vàng tại kinh đô điện ảnh Hollywood. Ngoạ Hổ Tàng Long được đánh giá cao cả nội dung lẫn nghệ thuật, diễn tả xuất sắc câu chuyện về những con người chân thành và dũng cảm. Phim còn gây ấn tượng với những pha đấu võ đẹp mắt, đặc trưng cho dòng phim kiếm hiệp, bối cảnh công phụ, âm nhạc hay và diễn viên xuất sắc.

Năm 2003, Lý An quay lại Hollywood để thực hiện bộ phim Hulk sau khi thất vọng bởi Ride with the Devil (Đi Cùng Với Quỷ - 1999) - bộ phim về đề tài nội chiến bị cấm chiếu ở nhiều nơi. Hulk tuy nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhưng vẫn thành công về thương mại với doanh thu $245 triệu. Sau bộ phim này, Lý An dự định về hưu sớm để dành thời gian cho gia đình, nhưng cha của ông lại khuyến khích ông tiếp tục làm phim. Vì thế, ông quyết định làm một bộ phim nhỏ, độc lập mà ông nghĩ là sẽ không cần phải đầu tư nhiều thời gian để có thể ở bên gia đình nhiều hơn, và Brokeback Mountain (Chuyện Tình Sau Núi - 2003) ra đời trong hoàn cảnh đó. Ông thực hiện bộ phim với tâm thế thoải mái và nghĩ rằng sẽ không ai xem nó, thế nhưng, bộ phim lại khiến cả nước Mỹ phải sửng sốt, ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hoá đại chúng của Mỹ cho đến bây giờ và mang về cho ông giải Oscar ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất.

Mặc dù đã có rất nhiều phim về đề tài đồng tính trước đó, nhưng Brokeback Mountain mới là bộ phim khiến dư luận phải chú ý đến đề tài này. Phim đã mở ra cái nhìn mới về cuộc sống ở miền viễn Tây đầy biến động, nhiều trăn trở, phơi bày mảng tối của vùng đất luôn được miêu tả là lãng mạn. Nhưng nguyên nhân chính khiến bộ phim trở thành đề tài bàn tán xôn xao chính là hai nhân vật đồng tính trong phim lại là hai chàng cao bồi - vốn dĩ đã luôn là hình ảnh tượng trưng cho sự nam tính, mạnh mẽ và hoang dại của người Mỹ.

Sau Brokeback Mountain, Lý An tiếp tục cho ra mắt thêm tác phẩm khác cũng gây sốc không kém là Lust, Caution (Sắc, Giới - 2007) với sự góp mặt của Lương Triều Vỹ và Thang Duy. Phim lấy bối cảnh Thượng Hải trong Chiến tranh Trung - Nhật vào thập niên 1930, kể về một cô sinh viên được giao nhiệm vụ ám sát tên Hán gian họ Dịch. Khi được ra mắt, Sắc, Giới đã gây nhiều tranh cãi khi có nhiều cảnh nóng táo bạo, tổng cộng kéo dài đến hơn 30 phút, đồng thời khiến cho nữ diễn viên Thang Duy bị cấm hoạt động nghệ thuật ở Trung Quốc trong nhiều năm. Tuy vậy, phim vẫn được giới phê bình đánh giá cao và chiến thắng giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice lần thứ 64, giải Phim hay nhất tại lễ trao giải Điện ảnh châu Á lần thứ 27, đồng thời chiến thắng 7 giải tại lễ trao giải Kim Mã.

Sau những tác phẩm gây nhiều tranh cãi, Lý An chuyển thể bộ phim Life of Pi (Cuộc Đời Của Pi - 2012) từ cuốn tiểu thuyết cùng tên và được cho là "không thể nào chuyển thể được". Phim kể về cuộc sống trên biển của cậu bé tên Pi cùng với con hổ Bengal sau khi bị lạc mất gia đình trong một cơn bão. Khi bộ phim được ra mắt, rất nhiều nhà phê bình đã sửng sốt với tài năng của Lý An khi đem lại sức mạnh cho phần hình ảnh. Các nhà phê bình đều nói về bộ phim này với những từ như "kiệt tác", "đẹp đến nghẹt thở" hay "phi thường". Sau Avatar của đạo diễn James Cameron vào năm 2009, thì Life of Pi của Lý An là bộ phim 3D có được vẻ đẹp nghẹt thở đến như vậy. Life of Pi không chỉ là hành trình của Pi, mà còn là hành trình vượt qua những thách thức của vị đạo diễn người Đài Loan. Phim được đề cử 11 giải Oscar và chiến thắng 4 giải vào năm 2013, đồng thời mang về cho Lý An tượng vàng thứ 3 trong sự nghiệp đạo diễn. 

Có lẽ thành công của Life of Pi đã làm cho Lý An cảm thấy mãn nguyện về sự nghiệp của mình và an tâm nghỉ hưu để dành thời gian cho gia đình, bù đắp lại những tháng ngày còn trẻ mà vợ ông đã phải hy sinh. Đến nay, vị đạo diễn không thực hiện thêm tác phẩm nào mới. Nhưng ông vẫn xứng đáng được xem là bậc thầy tạo ra những bộ phim bom tấn, nâng tầm điện ảnh Hoa ngữ và là đạo diễn châu Á nổi tiếng và tài năng nhất ở Hollywood.