Tin điện ảnh

Mechanic: Resurrection - Cái giá phải trả cho kẻ bất tuân

Mechanic: Resurrection đem đến nhiều thất vọng. Motif sáo mòn, khiên cưỡng bởi các chi tiết lặp đi lặp lại suốt từ đầu tới cuối. Nếu xem phim với thái độ cưỡi ngựa xem hoa thì chấp nhận được, còn để đặt cho phim một sự kì vọng thành công e rằng khó để gật đầu chấp nhận. 

Jason Statham rất hợp với kiểu phim thuần giải trí. Vậy nên lần tái xuất này không thể chê trách khi người xem có thể dễ dàng nhìn thấy tác phẩm điện ảnh này cho có một duy nhất màu và Jason Statham hoàn toàn độc chiếm toàn bộ sân khấu lớn. Một mình anh chống lại các thế lực thù địch, giải cứu thế giới, bảo vệ các yếu nhân giống hệt như cách anh từng thể hiện với nhiều bộ phim trước đó. Có vẻ như cái bóng của The Transporter vẫn quá lớn khiến nam tài tử này vẫn loay hoay chưa tìm hướng đi khởi sắc hơn trong sự nghiệp.

Trước đây với Joey trong Hummingbird, Jason Statham đã có sự một sự thay đổi đáng ghi nhận. Nhân vật có chiều sâu cảm xúc hơn, nội tâm bị giằng xé, hỗn loạn bởi vết thương tinh thần không thể lành trong quá khứ. Sau một thời gian, anh ta quay lại mẫu nhân vật sát thủ kiệm lời, trong ngoài bất nhất, mặt lạnh như băng nhưng lại mang bên trong một trái tim nóng bỏng, hướng thiện. Người ta vốn chỉ quen làm điều mà người ta giỏi, giờ nếu để Jason Statham đóng hài chắc cũng khó lắm, mà khán giả chưa chắc đã chấp nhận nổi. Thôi anh cứ làm tốt việc của mình, vác súng lên, càn quét từng lớp đội hình địch vừa vui, vừa làm khán giả yên lòng vậy là vẹn cả đôi đường.

Quay trở lại với Mechanic: Resurrection, bộ phim lấy bổi cảnh năm năm sau những sự kiện của phần đầu tiên, lúc này Arthur Bishop đã ở ẩn và hoàn toàn rút khỏi giới xã hội đen. Nhưng có vẻ như cái nghiệp sát thủ chưa từng buông bỏ gã đàn ông này. Bishop bị ép thực hiện ba vụ ám sát những kẻ có máu mặt trong giới để có thể cứu nàng thơ Gina đang bị bắt cóc, đồng thời lấy lại quyền tự quyết cho mình để thoát khỏi vũng bùn tội ác mà anh không muốn lún sâu hơn.

“Thợ máy” là từ mà dân mafia gọi những kẻ như Bishop. Một sát thủ hoàn hảo về nhiều mặt, đặc biệt là nền tảng kiến thức. Thế nên Bishop có thể dựng một vụ ám sát gọn gẽ như một vụ tai nạn thương tâm bình thường, yếu tố đã làm nên sự thành công cho phần đầu tiên. Chia tay Simon West, người kế nhiệm đạo diễn cho phần tiếp theo là Dennis Gansel. Vị thuyền trưởng người Đức đã tạo dấu ấn ngay lập tức bằng những cảnh quay đẹp đến sởn gai ốc. Bối cảnh thực thi nhiệm vụ của Bishop trải rộng từ thành phố Rio cho đến những vùng vịnh xinh đẹp nằm ở Đông Nam Á. Phần nhìn không có gì chê trách bởi hình ảnh được trau chuốt đẹp, kỹ lưỡng. Khán giả sẽ được cảm thấy không khác việc được đi du lịch vòng quanh thế giới là mấy.

Thế nhưng dù diễn xuất của Jason Statham có xuất sắc thế nào, hình ảnh phim đẹp ra sao cũng không thể cứu thoát bộ phim khỏi một kịch bản tệ, thể hiện tệ, dẫn dắt tệ luôn. Phi logic quá nhiều, ba vụ ám sát là ba lần khiên cưỡng, đè nén trong giả tạo. Tâm lý nhân vật chuyển biến nhanh đến nhảm nhí đặc biệt là mối quan hệ của Gina và Bishop. Có thể tạm chấp nhận vì họ có sự đồng cảm bởi quá khứ giống nhau nhưng quả thực mà nói phần thể hiện của Jessica Alba quá kịch theo lối vuốt đuôi, tô vẽ màu mè cho Bishop là chính, không hề để lại nhiều ấn tượng. Thời gian gần đây Jessica Alba cũng không có được nhiều phim ấn tượng nếu tiếp tục chọn phim vô thưởng vô phạt kiểu này không dám chắc sự nghiệp của cô sẽ còn thăng giáng ra sao?

Khâu hành động, cháy nổ bùm vẫn như bao phim hành động khác của Hollywood, không đặc sắc cũng không thay đổi, chỉ tóm gọn một chữ nhạt. Có một sự mệt mỏi dâng trào khi liên tục phải theo dõi hết phân đoạn bắn súng nọ đến trường đoạn truy bắt kia .Cái gọi là ám sát tỉ mỉ như một vụ tai nạn chỉ là hư danh khi Bishop xông thẳng vào chốn nguy hiểm để tung hoành, tả xung hữu đột hạ từng tên lính như chốn không người. Sau 5 năm, các mánh lới của tay sát thủ này đã đạt tới trình độ thượng thừa và có phần nhuần nhuyễn hơn, phải chăng vì thế mà tính an toàn và hợp lý bị bỏ qua mà thay vào đó là những pha đấu tay đôi xôi thịt ngán ngẩm.

Crain là phản diện chính của phim,Sam Hazeldine là người nhận vai diễn. Anh này ngoài đôi mắt đẹp ra thì chỉ biết sai quân lính đi lùng giết Bishop và to mồm la hét. Ban đầu Crain được xây dựng với hình tượng là một ông trùm của các ông trùm, sát nhân máu lạnh và là một kẻ khao khát được trả thủ. Tuy nhiên, cách mà phim thể hiện lại không được như vậy, Crain hoàn toàn không tạo được thế đối trọng với Bishop. Hắn yếu đuối và kém thông minh nên phần lớn thời lượng bị xỏ mũi dắt đi như một con bò ngốc nghếch. 

Ban đầu phim cũng hứa hẹn có sự xuất hiện của một loạt những mỹ nhân như Dương Tử Quỳnh,Yayaying Rhatha Phongam... và sự góp mặt của họ mang đúng tính chất đẹp đội hình, đọc được vài câu thoại và biến mất hút không quay trở lại. Thậm chí tài tử Tommy Lee Jones còn gây ấn tượng được nhiều hơn với người xem bởi hình ảnh là một trùm vũ khí với quan điểm chính trị lệch lạc đến khôi hài.

Mechanic: Resurrection tiếp tục là ví dụ cho việc Hollywood đang cạn kiệt dần ý tưởng làm phim, phải reboot, remake, sequel, spill off các tác phẩm cũ hoặc chấp nhận dựng lại cả những tác phẩm điện ảnh kinh điển. Nhưng càng làm càng dở, chỉ sớm rút cạn niềm tin của khán giả bằng cách thể hiện chống đói, ăn liền kiểu này mà thôi.

Nguồn: Gia Hạ