Không có những cảnh công trình sụp đổ tan hoang nhưng bộ phim của đạo diễn Lars von Trier lại tạo nên sức ám ảnh mãnh liệt về ngày tàn của nhân loại.
Khải huyền và nỗi ám ảnh về ngày tận thế là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh ra đời trong nhiều thế kỷ qua. Những tảng thiên thạch rơi, các bệnh dịch lan tràn trên thế giới, thảm họa hạt nhân theo trí tưởng tượng của các nhà sản xuất về ngày tàn của nhân loại lần lượt ra đời và tràn ngập trên màn ảnh. Thế nhưng, giữa "rừng" phim bom tấn thảm hoạ Hollywood na ná nhau, Melancholia nổi lên như thể một luồng sáng đặc biệt, thô ráp và thẳng thắn.
Đây là bộ phim tâm lý pha lẫn thảm họa ra mắt tại LHP quốc tế Cannes lần thứ 64 (năm 2011), đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Lars von Trier sau bộ phim về dục vọng gây nhiều tranh cãi nhất cũng tại LHP Cannes hồi năm 2009 là Antichrist. Melancholia là câu chuyện xoay quanh hai chị em Justine (Kirsten Dunst) và Claire (Charlotte Gainsbourg). Sau khi lấy chồng, Justine bắt đầu thay đổi và trở nên sầu não. Khi Trái đất có nguy cơ bị hủy diệt bởi sự va chạm với một hành tinh khác, Justine tỏ ra rất thản nhiên và chấp nhận số phận.
Trong khi đó, Claire trở nên hoang mang, sợ hãi và không dám đối đầu với thảm họa sắp xảy đến. Bộ phim thể hiện rõ ràng cuộc xung đột thái độ giữa hai chị em Justine và Claire, thông qua ngôn ngữ điện ảnh khác lạ và đầy sức ám ảnh của Lars von Trier. Trong thời khắc sinh tử chia lìa mà tất cả mọi người đều như nhau ấy, chỉ có lòng người là hỗn loạn khác nhau và đó là ý tưởng khơi nguồn cho bộ phim Melancholia. Bộ phim lọt vào danh sách tranh giải Cành Cọ Vàng và mang về danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc cho Kirsten Dunst.
Melancholia có cấu trúc tưởng chừng như rất mạch lạc nhưng hoá ra lại phức tạp bất ngờ khi được chia ra làm hai phần chính và đoạn mở đầu đặc biệt kéo dài 8 phút. Chỉ trong vòng 8 phút đầu tiên ấy, đạo diễn đã truyền tải toàn bộ không khí tăng tiến của phim thông qua các khung hình chuyển động siêu chậm khi một hành tinh lớn đâm vào Trái Đất. Những hình ảnh mang tính biểu tượng thể hiện rõ nét từng cung bậc cảm xúc trong đoạn phim này, từ nỗi sầu muộn sơ khai, rồi khi bị nhấn chìm, gục ngã, cố gắng níu kéo cho tới lúc chấp nhận số phận.
Điểm phức tạp của Melancholia không nằm trong mạch truyện, mà là trong những nghiên cứu sâu sắc về tâm lý của hai nhân vật nữ chính qua hai phần phim, cách họ tiếp nhận thông tin hành tinh Melancholia đang tiến gần tới Trái Đất và phản ứng với nó ra sao. Có chủ đề về thảm họa địa cầu đậm tính thị trường, nhưng Melancholia lại được thực hiện theo một phong cách đặc biệt dưới cảm quan rất riêng của Lars von Trier.
Bộ phim 136 phút này không có cảnh những công trình to lớn đổ sụp tan hoang, không có những đoàn người hoảng loạn khi hành tinh Melancholia sắp va vào Trái Đất. Nó chỉ khắc họa những đổ vỡ trong tâm lý và những dồn nén có dịp thổ lộ của các nhân vật nữ. Claire hoảng hốt vì nỗi lo mất đi tất cả - tình yêu, gia đình, cuộc sống - vào ngày tận thế. Cô phản đối, không dám đối mặt với sự thật hiển nhiên rằng tất cả sẽ phải chết khi Trái Đất bị hủy diệt. Còn Justine thì đại diện cho một thái cực đối lập. Cô không ngại ngần tắm dưới ánh trăng hủy diệt của hành tinh Melancholia, như một sự giũ bỏ mọi phiền muộn, thất vọng về Trái Đất và chấp nhận cái chết đang tới dần.
Trong một bài phỏng vấn, đạo diễn Lars von Trier tiết lộ rằng ông lấy ý tưởng thực hiện Melancholia từ những gì mình đã trải nghiệm trong thời thơ ấu, khi ông là nạn nhân của mọi thứ tồi tệ nhất, từ chiến tranh hạt nhân cho tới căn bệnh viêm ruột thừa mãn tính. Và hành tinh Melancholia (tiếng Việt: U Sầu) như một sự ẩn dụ cho những nỗi buồn mà bất cứ ai cũng gặp phải. Ban đầu, nó có thể nhỏ bé và bình thường. Nhưng khi nỗi buồn dần lớn lên thì nó có thể khiến con người trở nên ngạt thở. Rồi có những lúc, ta tưởng rằng nó đã rời khỏi chúng ta, nhưng hóa ra nó vẫn quay lại, mạnh mẽ hơn bao giờ hết và làm con người gục ngã.
Mang ý nghĩa siêu hình rõ nét, nhân vật Justine ẩn dụ cho chính hành tinh Melancholia sầu muộn, trong khi hình tượng của Claire thể hiện cho Mặt Trời. Và như trong bộ phim, hành tinh U Sầu kia đã cam đảm lộ diện từ phía sau Mặt Trời, như thể hiện cho việc Justine bộc bạch cõi lòng đầy bất cần trong lễ cưới. Nhưng dù nghĩ theo cách nào đi chăng nữa, đơn thuần thảm họa hay có lồng ghép tính ẩn dụ, thì Melancholia vẫn có một kết cấu câu chuyện dễ theo dõi và đồng cảm. Tuy nhiên, phim không dễ dãi về nghệ thuật và cũng không dễ chịu đối với những cái đầu nóng nảy luôn mong chờ những cảnh quay hoành tráng.
Gây ấn tượng đặc biệt trong Melancholia là hình ảnh cuối cùng - một trong những đoạn kết xứng đáng trở thành kinh điển. Khi đó, hành tinh Melancholia tiến rất gần tới Trái Đất và Justine, Claire cùng cậu bé Leo đi nhặt cành cây, tạo thành một túp lều như tấm lá chắn mỏng manh. Đó là hình ảnh đẹp và nhân văn hơn bao giờ hết trong một bộ phim thô ráp và thẳng thẳn nhìn vào thực tế. Dù thảm hoạ có to lớn tới cỡ nào, con người vẫn có thể quay về với mái nhà nguyên sơ của mình, cùng nắm chắc tay, chống đỡ sự u sầu đang tiến dần đến.