Sau những chú chó, những “boss” mèo có lẽ là động vật được yêu thích nhất từng được đưa lên phim ảnh. Không chỉ dừng lại ở màn bạc, mèo đã xuất hiện trong màn ảnh nhỏ, live-action, phim người đóng và cả những phim hoạt hình. Ngoài làm nhân vật phụ, nhiều bộ phim chiếu rạp đã được xây dựng mà mèo là nhân vật chính. Puss in Boots là một trong những bộ phim như thế này, với nhân vật chính là Mèo Đi Hia có máu phiêu lưu và hay mắc kẹt trong những tình huống oái oăm do chính chú ta gây ra. Trước thềm Mèo Đi Hia: Điều Ước Cuối Cùng (Puss in Boots: The Last Wish) khởi chiếu trong tháng cuối năm, hãy cùng điểm qua những “boss” mèo báo quá báo đáng nhớ nhất từng xuất hiện trên màn ảnh lớn, nhỏ. Những chú mèo mang kiếp báo này có khi Puss của chúng ta còn phải gọi là “cụ”.
Xem lịch chiếu và mua vé Mèo Đi Hia: Điều Ước Cuối Cùng trên Moveek
Puss in Boots (Mèo Đi Hia) – Puss in Boots (2011)
Kể từ sự ra đời của Shrek (2001), việc đem một tông giọng trưởng thành hơn vào những nhân vật cổ tích trở thành một biên giới sáng tạo mới. Shrek đã đưa tất cả những nhân vật nổi tiếng của thế giới thần tiên vào một vũ trụ lấy cảm hứng từ Hollywood, trong đó có Mèo Đi Hia, hay còn được gọi với cái tên Puss in Boots.
Là một chú mèo cam đi ủng, đội nón và có tài kiếm thuật điêu luyện, Puss in Boots là một tay chiến binh cừ khôi và quả cảm của xứ xở Far Far Away và là bạn đồng hành tin cậy của Shrek. Tuy nhiên, chú mèo thật sự gây dấu ấn với phần phim riêng Puss in Boots ra mắt năm 2011. Phần phim với câu chuyện dễ hiểu này đem đến cho khán giả một cái nhìn rõ nét hơn về chú mèo cam đã ở cạnh một gã chằn tinh xanh lè đi giải cứu vùng đất Far Far Away. Phần phim 2011 đã lấy cảm hứng từ nguồn gốc 500 tuổi của Mèo Đi Hia trong kho tàng cổ tích thế giới thông qua nhấn mạnh xuất thân khiêm tốn của chú mèo này và lý do đằng những giấc mơ lớn của chú ta.
Mèo Đi Hia sẽ trở lại màn ảnh trong bộ phim Mèo Đi Hia: Điều Ước Cuối Cùng sắp tới đây. Một điều chắc chắn là dù trở lại với tinh thần “báo” nhiều hơn làm, Mèo Đi Hia vẫn chưa thể bằng được với độ “báo” của những cái tên tiếp theo đây.
Goose – Captain Marvel
“Lần cuối cùng tôi tin tưởng ai đó, tôi đã trả giá bằng một con mắt” – Đây là lời của Nick Fury trong bộ phim Captain America: The Winter Soldier như một lời khẳng định tại sao ông ta luôn hoang tưởng về những người xung quanh và gọi đó là bản năng của một điệp viên bẩm sinh. Nghe thì có vẻ ngầu thật, nhưng rồi chứng kiến sự thật thì mới ngã ngửa. Captain Marvel bên cạnh doanh thu $1 tỷ khó hiểu đã hé lộ danh tính kẻ làm mù mắt của Fury – đó là một con mèo tên Goose (nghĩa là ngỗng).
Gọi là mèo nhưng thực chất là một sinh vật số má ngoài hành tinh khiến cho 2 chủng tộc Kree và Skrull nhìn thấy đã muốn hét lên và chạy thật xa. Và một cú cào đến từ sinh vật này đã “báo” Fury mù một bên mắt. Thật ra, những khán giả chưa từng nuôi mèo có thể cảm thấy không thể chấp nhận được nhưng những ai từng làm kiếp con sen cho những “boss” mèo mới thấm thía nỗi đau của Fury. Không như những chú chó luôn gần gũi chủ từ sáng đến tối, mèo thất thường sáng nắng, chiều mưa, tối về lâm râm. Trong một khoảnh khắc chúng khiến những con Sen mềm lòng, mở cờ trong bụng với những cái dụi đầu thân thương, mới quay đi chúng đã “thưởng” cho Sen những cú tát uy lực không vì lý do gì cả.
Nói không sai khi nhận xét những bạn nuôi mèo thường có máu M trong người mà! Và con Ngỗng kiêm sinh vật người ngoài hành tinh trong hình dạng con mèo này đúng là ví dụ tiêu biểu cho nhận định này.
Garfield – Garfield: The Movie
Vào một ngày đẹp trời, chính xác là vào năm 1973, một người đàn ông quyết định sửa lại nhân vật chính trong hình hài một chú bọ của bộ truyện mình mới sáng tác thành một con mèo màu cam tròn vo. Vì chủ biên tập nói với ông rằng không phải ai cũng thấy dễ chịu về những loài côn trùng và những chú chó thì đã quá phổ biến trong truyền thông rồi. Chú mèo này tên là Garfield, còn cha đẻ của chú ta là Jim Davis – một hoạ sĩ truyện tranh và hoạt hình. Từ đó, Garfield là một trong biểu tượng văn hoá nổi tiếng nhất của Mỹ, với hàng loạt truyện tranh, phim hoạt hình, tv series và những phần phim điện ảnh như Garfield: The Movie và Garfield: The Tale of Two Kitties.
Là một con mèo Tabby màu cam, béo, tròn vo, lười biếng và ham ăn, Garfield gây ra đủ thứ rắc rối cho người chủ Jon. Và mọi thứ rối thêm khi Garfield cố gắng giải quyết những mớ rắc rối đó. Nói chung là một con “báo” thật sự. Garfield: The Movie chứng kiến chú mèo này đụng độ kẻ thù truyền kiếp là chó Odie – sinh vật nổi tiếng đối lập hoàn toàn với loài mèo, nhằm tranh giành tình thương của cậu chủ Jon. Đến cuối cùng, bộ phim kết thúc với thông điệp ấm áp là ngay cả mèo cũng cần một người bạn thân (người không tính vì chúng ta thân làm nô tì), dù để đi đến kết luận này, Jon đã muốn đau tim mấy lần.
Oggy – Oggy và Những Chú Gián
Một chú mèo chúng ta từng thấy thường xuyên vào những năm 2010 trong hình hài rất gợi nhớ về chú chó Courage sợ sệt trên Cartoon Network, nhưng lần này, chú ta là một con mèo xanh dương. Không, không phải Doraemon, mà là Oggy.
Đến từ series hoạt hình lấy cảm hứng từ thương hiệu kinh điển Tom & Jerry, Oggy and the Cockroaches (Oggy và Những Chú Gián) lấy bối cảnh trong một ngôi nhà ngoại ô bên trong rộng hơn bên ngoài, chú mèo xanh dương Oggy chỉ muốn coi TV trong yên bình, nhấm nháp những món ăn tuyệt vời mà chú ta chuẩn bị (đại gia ngầm nên không cần đi làm), nhưng chú ta liên tục bị 3 chú gián sặc sỡ quấy rầy, bày những trò tai quái khiến trời long đất lở.
Oggy có thể nói là một lời gợi nhắc hiện đại hơn về chú mèo Tom huyền thoại. Tính cách của cả 2 cũng có nhiều điểm tương đồng khi đều chia sẻ mối quan hệ vừa thù vừa bạn với những sinh vật nhỏ hơn vô cùng nghịch ngợm, từ đó rơi vào tình huống dở khóc dở cười mà những chú mèo phải “ăn hành” rất nhiều. Phần lớn những “giải pháp” diệt gián mà Oggy nghĩ ra đều mang tác dụng ngược, khiến Oggy nhiều lần chịu đòn từ chính kế hoạch của mình – một ca tự báo mình rõ rệt. Song, mối quan hệ rắc rối này mang lại cho người xem những tràng cười thoải mái. Còn Oggy cũng là một sinh vật hết sức dễ thương, tốt bụng, hiền lành, và đặc biệt rất giỏi việc nhà.
Doraemon
Là một 9x mà không biết đến chú mèo này thì chắc chắn là một chuyện kỳ lạ hơn cả Mặt trời mọc đằng tây. Được coi là nhân vật anime nổi tiếng nhất tại Việt Nam, Doraemon đã đồng hành nhiều thế hệ độc giả lẫn khán giả với những cuộc phiêu lưu kỳ thú và những món bảo bối đi trước thời đại.
Chú mèo máy đến từ thế kỷ 22 này có lẽ là trường hợp đặc biệt trong danh sách này. Doraemon có tính cách vô cùng trách nhiệm, trưởng thành và so với đám bạn, một chú mèo khá thông thái. Nhưng Nobita lại một trường hợp trái ngược. Tuy nhiên, vì tình bạn mà Doraemon đã mủi lòng cho Nobita hậu đậu mượn bảo bối, khiến cậu bé gây họa khắp nơi. Nhiều trong số này, Doraemon phải xách cái thân tròn vo đi dọn dẹp hậu quả của cậu bạn thân. Quả là trường hợp tự mình “báo” mình, đi “báo” và bị “báo” mà.
Gumball – The Amazing World of Gumball
Nếu so sánh về tuổi đời, nhân vật mèo Gumball này sẽ là một chú mèo trẻ, được sinh ra trong năm 2011 thông qua series The Amazing World of Gumball. Nếu thị trấn Derry trong It có thật nhưng hoàn toàn bị lược bỏ tính kinh dị, kết hợp với thế giới phép thuật mà bạn từng đọc trong những cuốn tiểu thuyết, thêm vào yếu tố khoa học viễn tưởng và những tố chất X-men, thì bạn sẽ được gì? Câu trả lời là thành phố viễn tưởng trong The Amazing World of Gumball mang tên Elmore. Đây là nhà của chú mèo Gumball Watterson, gia đình cậu gồm ba thỏ, em thỏ và mẹ mèo, cùng người bạn thân kiêm con nuôi gia đình là chú cá vàng có chân Darwin.
Khỏi phải nói gia đình kỳ dị này là hiện thân của Elmore, nơi mà nhưng dân cư đa dạng từ khủng long T-rex, robot biến hình, một quả chuối biết đi, một hồn ma...cho đến một chiếc bong bóng biết nói, chưa kể đến một bà cô tinh tinh có khi đã sống hành triệu năm. Và từng tập của series này đi từ những cuộc phiêu lưu thường ngày của Gumball và Darwin cho đến những sự thức tỉnh về tính hư cấu của bản thân mình đến từ những nhân vật chính, bên cạnh đó là những hiện tượng siêu nhiên diễn ra như cơm bữa.
Để sống sót trong thị trấn này, có lẽ bạn cũng mường tượng được chú mèo Gumball số má đến mức nào. Đầu tròn, thân thon, lười, quậy phá nhưng rất tốt tính, Gumball là người bạn mà bạn có thể trông cậy những lúc khó khăn. Tất nhiên là những lúc chú ta không phải là người gây đi “báo” làng xóm với tính cách tinh nghịch của mình. Tuy nhiên, trình độ “báo” của Gumball vẫn chưa là gì nếu so với gia đình của mình. Ví dụ, một sự thay đổi nhỏ trong tính cách của ba thỏ như siêng đi làm cũng khiến thực tại của Elmore tan tành rồi rơi vào tận thế.
Tom – Tom & Jerry
Nhắc đến những chú mèo đáng nhớ nhất màn ảnh lớn nhỏ, sao có thể thiếu cái tên Tom của Tom & Jerry. Những mọt phim 9x không thể không nhớ đến chú mèo kinh điển này trong một trong những bộ hoạt hình được yêu thích nhất mọi thời đại. Xoay quanh một chú mèo có mong ước cháy bỏng là tóm bằng được một chú chuột thông minh sống chung nhà, Tom và Jerry ra mắt lần đầu tiên vào năm 1940, từ ý tưởng của William Hanna và Joseph Barbera, và đến nay, sức hút của bộ đôi này vẫn chưa từng mất đi. Là phim hoạt hình hài rượt đuổi kinh điển dài tập của Cartoon Network, Tom & Jerry không chỉ là một loạt phim mà còn là một hiện tượng toàn cầu trong lòng nhiều thế hệ.
Bên cạnh chú chuột Jerry ranh mãnh, Tom lại là một thái cực trái ngược với tính cách khá ngốc nghếch, thường bị Jerry “bón hành” trong những màn rượt đuổi của cả hai. Điều an ủi là Tom vẫn giành được chiến thắng vào lúc khác. Những trò mèo của Tom, cộng hưởng với những nhân vật đáng yêu, khung cảnh sống động, và những màn hài hước dành cho mọi lứa tuổi, đã đưa Tom trở thành chú mèo đáng nhớ từng xuất hiện trên màn ảnh.
Thực tế là so với độ phá hoại của Tom, những chú mèo còn lại chưa “báo” gì khi đứng cạnh trò kinh thiên động địa không tưởng của mèo Tom. Song, đó không phải là tất cả. Tom cũng truyền tải những bài học ý nghĩa về tình bạn với kẻ thù truyền kiếp của mình, lòng quả cảm, kiên trì và tính tốt bụng với những sinh vật bất hạnh như chú vịt lạc mẹ Quacker, ba chú mèo con Fluff, Muff và Puff, và nhứng chú cho con mồ côi. Đó và những nhân vật khác như chuột Jerry hay chó Spike cũng đều có những bài học ý nghĩa gửi đến khán giả nhỏ tuổi.