Michael Bay là cái tên luôn được các nhà phê bình đối xử khá “tốt”, mọi phim mà Bay ra mắt luôn nhận được hàng tá “bom dội” từ mọi người, từ nội dung tệ hại tới những cảnh cháy nổ thừa thãi. Có thể nói, ông được xem là vị đạo diễn tệ nhất của dòng phim thương mại.
Tuy vậy, thích hay ghét ông, bạn không thể phủ nhận được sự ảnh hưởng của vị đạo diễn này lên văn hóa đại chúng thế nào, vì thực sự ngoài cháy nổ và mãn nhãn, có rất nhiều thứ đã làm nên thương hiệu của riêng Michael Bay.
Bay vào nghề bằng việc tham gia vào công ty Propaganda, chuyên thực hiện những MV ca nhạc và clip quảng cáo thời bấy giờ. Từ những ngày đầu, những nét riêng trong phong cách đạo diễn của ông đã nổi bật qua những quảng cáo, MV ca nhạc. Một trong những sản phẩm đậm tính cá nhân nhất là MV I’d Do Anything For Love (But I Won’t Do That) của Meatloaf, hội tụ đầy đủ các đặc điểm sau này trong phim của Michael Bay như là cảnh bình minh, những chiếc phi cơ, những mỹ nữ đỏm dáng, cờ Mỹ và chắc chắn không thể thiếu được: những vụ nổ. Phong cách làm phim đó càng lúc càng được định hình rõ ràng, bắt đầu phim điện ảnh không-tệ-lắm Bad Boys.
Giữa nhiều cái tên làm phim tệ hại khác, Michael Bay lại thực sự nổi bật và được người xem nhớ đến nhiều hơn. Vậy vì sao Michael Bay lại trở nên nổi tiếng, vì sao phong cách làm phim của ông lại dễ dàng được nhận biết dù ở bất cứ đâu và hơn thế nữa, phim của ông có thực sự hoàn toàn tệ như những gì mà mọi người bàn tán không?
1. Cháy nổ, phá hủy... và cháy nổ
Ai cũng yêu thích những vụ nổ hoành tráng trên phim ảnh, mà Bay lại là bậc thầy trong việc đó. Các đại cảnh cháy nổ và những trường đoạn rượt đuổi xe cộ mang tính phá hủy công trình công cộng là không thể thiếu trong phim của ông. Điểm đặc trưng đó còn nổi tiếng tới mức có một set máy quay chuyên dụng mang một cái tên không thể nào kêu hơn dành riêng cho vị đạo diễn: Bayhem (kết hợp giữa tên họ và từ mayhem, tức hủy diệt).
Phong cách đó lần đầu tiên được thể hiện rõ nhất qua bộ phim Armageddon, và hoàn hảo nhất phải kể đến series Transformers. Chỉ trong một phần phim Transformers, ông đã đem 208 vụ nổ lớn nhỏ chỉ trong thời lượng 144 phút của phim, không tính phần credit, thì thử tưởng tượng lượng thuốc nổ mà ông dùng suốt cả một series đó là bao nhiêu.
Bay thích sử dụng những hiệu ứng thực tế cho cảnh hành động hơn là làm chúng hoàn toàn bằng CGI. Ở series Transformers, các cảnh hành động có liên quan tới người máy đều được thực hiện ở ngoại cảnh cùng với các vụ nổ, lật xe hoàn toàn thật (không sử dụng phông xanh), rồi người máy được thêm vào sau cùng bằng CGI, kết hợp với những góc máy, các pha quay chậm khoe trọn sự hoành tráng từ các vụ nổ.
Sự phá hoại trong phim ông đã trở thành một thứ không thể thiếu trong văn hóa đại chúng và chắc chắn sẽ không có dấu hiệu dừng lại. Vì bạn biết đó, dù gì đi chăng nữa, Michael Bay chả quan tâm dư luận nói gì.
2. Năng lượng bùng nổ trong từng cảnh hành động
Hiếm có một khung hình nào trong phim Bay là tĩnh quá 5 giây, các góc máy và cắt cảnh phải được diễn ra liên tục dù nhanh hay chậm, kể cả những đoạn đối thoại. Một trong những cảnh quay dễ nhận biết và đặc trưng nhất là Hero shot (Cảnh quay đặc biệt trực diện nhân vật chính, làm sao cho họ tuyệt vời nhất có thể trên khung hình, giống như một vị anh hùng vậy) nhưng được biến thể dành riêng cho ông, với máy quay di chuyển quanh nhân vật cùng một background hoành tráng, tạo thành một cảnh quay vô cùng ấn tượng.
Logic cho cảnh hành động hả? Quên đi, vì ông quan tâm cách cảnh hành động đó hút mắt người xem ra sao, chứ không phải là làm cho nó trông hợp lý nhất có thể. Các cắt, chuyển cảnh dù liên tục và đầy năng lượng nhưng vẫn có một sự rõ ràng, mạch lạc trong các cảnh quay, đẩy phần hành động lên đỉnh điểm, khiến người xem phải dán mắt vào màn hình.
Trong phim gần nhất của ông - 6 Undergrounds, cảnh rượt đuổi đầu phim khá căng thẳng khi mọi thứ cực kì hỗn loạn, mờ mịt vì xe cộ và các công trình liên tục bị phá hủy, đến nỗi người xem không biết là diễn biến cuộc rượt đuổi tới đâu rồi. Nhưng cái Bay muốn đem tới không phải là sự rõ ràng trong vị trí địa lý, mà muốn mọi cảnh hành động, mọi khung hình đều phải có sự choáng ngợp, điên cuồng nhưng cũng đồng thời mạch lạc nhờ vào tài năng biến hóa sự hỗn loạn thành một thứ... thú vị, và tất nhiên là mãn nhãn.
Tuy vậy, cách thức dựng phim chớp giật càng ngày càng bị ông lạm dụng hơn ở những tác phẩm sau này, nhiều tới mức gần như giống như Taken 3 (một bộ phim vốn nổi tiếng với nhiều cảnh hành động sử dụng shaky-cam và nhiều góc máy liên tục để che đậy khả năng thực hiện cảnh hành động của diễn viên) khiến các phân cảnh đó khó lòng mà nhận dạng được. Đó cũng chính là một phần lý do vì sao mà phim ông càng ngày càng bị ghét.
3. Tính thương mại, quảng cáo ở khắp mọi ngóc ngách
Một điểm đặc trưng trong phim ông ngoài những vụ nổ, đó chính là những mỹ nữ xinh đẹp và dàn siêu xe đời mới, một phần vì ông muốn mọi thứ trong phim phải lý tưởng hóa, trông phải "tốt" nhất có thể. Nếu như trong nền điện ảnh chính thống, ông là kẻ bị ghét bỏ, thì trong lĩnh vực quảng cáo, ông không khác gì một tên tuổi gạo cội, một ông hoàng. Bay biến mọi thứ dù tầm thường tới mức nào cũng đều trông thật đắt tiền, lòe loẹt và thượng hạng. Có lẽ vì bản chất của những clip quảng cáo, thời lượng clip có hạn cũng chính là thứ thúc đẩy đạo diễn phải sáng tạo, tập trung nhấn mạnh vào thông điệp ngắn gọn, cụ thể mà không phải dài dòng.
Năm 1993, nhằm khích lệ người dân tiêu thụ sữa nhiều hơn tại Mỹ, một chiến dịch quảng cáo mang tên Got Milk? được phát động và nổi tiếng tới mức duy trì được tận 25 năm, Michael Bay chính là vị đạo diễn làm ra clip quảng cáo đầu tiên cho chiến dịch này.
Mọi thứ trong clip đều rất bình thường, không đặc sắc, nhưng cách quay, chuyển cảnh, màu sắc và cách đặc tả của ông khiến cho chiếc clip đó không khác gì những phân đoạn đỉnh điểm của các cảnh hành động, mục đích của nó là khiến sữa như một thứ quý giá nhất, quan trọng nhất đối với nhân vật chính. Điều này áp dụng cho hầu hết các bộ phim của Bay, ông biến mọi cảnh quay của mình đều trông có vẻ quan trọng nhất và cao cấp nhất.
Như ở Pain & Gain, phim có kinh phí thấp thứ hai trong những bộ phim của ông (Sau Bad Boys), ông đã hô biến nó trông không khác gì những bộ phim bom tấn khác, vô cùng bóng bẩy. Ngoài ra, ông còn có rất thích biến mọi cảnh quay trở nên kịch tính và căng thẳng dù cho tính huống lúc đó thế nào, lấy ví dụ như phân đoạn Mike và Marcus nói chuyện với đội trưởng Conrad trong phòng tập, Conrad chỉ luyên thuyên vớ vẩn nhưng Bay lại làm cảnh quay không khác gì thời khắc sẵn sàng cho một cảnh hành động.
Ngoài ra, ông còn có thói quen nhét các sản phẩm vào phim để quảng cáo, và điều đó được thể hiện một cách vô cùng thiếu tinh tế và khéo léo, cứ lộ ra cho khán giả xem như vậy. Đó cũng chính là một phần lý do cho việc nhiều người rất khó chịu khi xem phim của Bay.
4. Một câu chuyện đậm chất giải trí
Chắc ai cũng còn nhớ Pearl Harbor và The Island của Michael Bay chứ, hai bộ phim đó là một sự thử nghiệm của ông trong việc thay đổi cách thức đạo diễn của mình. Sau Bad Boys, The Rock và Armageddon vô cùng bùng nổ, Bay quyết định chậm lại một chút, cố gắng tạo ra một bộ phim thảm họa và tình yêu để có thể trở thành một hiện tượng như Titanic, nhưng cuối cùng thất bại phòng vé vì vẫn vương vấn đặc điểm của trong cách chỉ đạo cũ. Khiến phim nửa nạc nửa mỡ, biến sự kiện đau lòng đó trở thành một bộ phim hành động lòe loẹt.
Còn ở The Island, mọi thứ đều được cải tiến thêm rất nhiều. Vẫn những đặc điểm cũ làm nên tên tuổi của Bay, nhưng được tiết chế hơn, mọi thứ đều có chiều sâu, từ cảnh quay đến câu chuyện, nhưng do quá trình quảng bá phim quá tệ dẫn đến việc phim không may... lại thất bại tiếp tục ở phòng vé. Sau hai cú vả đau đớn trên, không có gì lạ khi ông tiếp tục quay lại con đường an toàn cũ, đem đến những thước phim hành động giải trí nhất có thể để thoả mãn khán giả.
Không phải ngẫu nhiên mà Bay luôn được nhắm đến cho phần lớn các bộ phim hành động, vì nhà sản xuất biết thứ khán giả muốn và thứ vị đạo diễn này có thể làm được. Có vẻ như nhiều năm trôi qua, ông vẫn không hề chán khi thực hiện những bộ phim này, vì đó chính là thứ mang lại cho ông danh tiếng. Thế mạnh của thể loại hành động lại càng rõ rệt hơn khi ông có cơ hội được đạo diễn Transformers, doanh thu của loạt phim này chính là thứ khiến Bay có kinh phí để làm mọi thứ ông muốn, và được cấp phép bởi nhà sản xuất để đạo diễn mọi phim mà ông có thể, vậy thì tại sao ông lại không tiếp tục cơ chứ?
5. Dàn nhân vật tệ hại có chủ đích
Nếu bạn để ý kĩ, thì có thể biết được ông có một sự tôn trọng đặc biệt với những người lính (Transformers series, The Rock, Pearl Harbor, 13 Hours: The Secret Soldiers Of Benghazi,...) hoặc những người có sự cống hiến tương tự như những người lính (Những công nhân dàn khoan trong Armageddon), có một sự thù ghét nhất định với chính quyền nước Mỹ (đều được diễn tả như những tên chỉ biết nói nhiều hơn làm) và những người... không phải lính.
Mọi nhân vật không có xuất xứ từ quân đội sẽ đều được ông thể hiện khiếm nhã và thiếu tôn trọng đến mức khó tả, ngay cả những nhân vật chính cũng vậy. Như việc nhân vật hất tung người đi đường lên trời trong khi người trên xe vẫn đùa giỡn (6 Undergrounds) hay Mike và Marcus cán bay đầu những cái xác người trên đường đi.
Trong Pain & Gain, mọi nhân vật trong phim đều được diễn tả vô cùng đáng ghét và tệ hại đến mức "kì diệu", như việc diễn tả 3 nhân vật chính hành động cực kì đần độn, cả nhân vật phụ cũng làm người xem khó chịu. Optimus Prime trong Transformers cũng tương tự khi cuối phim nói đạo lí về hòa bình, sang phần sau moi tim đồng loại. Mọi thứ đó chả có ý nghĩa gì, đơn giản chỉ là phương tiện để Bay truyền đạt sự bạo lực giải trí mà khán giả muốn xem mà thôi.
6. Những bản nhạc phim bắt tai
Một điểm mà ai cũng thích phim của ông chính là nhạc phim, mấy ai mà không ngân nga giai điệu bài hát New Divide khi credit vừa xuất hiện, rùng mình với những bài nhạc nền không lời mỗi khi phe Autobot "lên hình" trong Transformers, hay nổi da gà vì giọng hát của Aerosmith với bài ca I Don't Want To Miss A Thing trong Armageddon. Giây phút những bản nhạc vang lên trong phim chính là lúc mọi cảm xúc của khán giả sau những giây phút hành động mãn nhãn, tạo một cảm giác ngầu không kém nhân vật trong phim.
7. Lời kết
Công bằng mà nói, khả năng đạo diễn của Bay không hề tồi, ông thực sự có thể tạo ra những tác phẩm đàng hoàng nếu ông muốn (The Island, The Rock) và thường thì ông... không muốn. Sau cùng, ông vẫn biết được mình giỏi ở thứ gì, ông biết thứ mà mọi đứa trẻ hay những gã đàn ông đều mong mỏi là những cảnh hành động đầy phấn khích mà chẳng cần phải quan tâm đến câu chuyện. Khán giả vẫn tiếp tục xem, vẫn... chửi, nhưng phim vẫn hái ra tiền và vòng lặp cứ tiếp diễn.
Ông có thể được coi như là một vị đạo diễn phim thương mại tệ nhất, nhưng chắc chắn là vị đạo diễn phim thương mại thành công nhất. Dù hay hay dở, phim của Bay cũng đều đạt được doanh thu rất cao, chễm chệ giúp ông đứng trong hàng ngũ những vị đạo diễn có phim đạt doanh thu toàn cầu cao nhất từ trước tới giờ. Mọi thứ vị đạo diễn này làm là để đem hình ảnh, sự giải trí tuyệt đỉnh nhất dành cho khán giả, để mọi người quên đi những điều nặng đầu trong cuộc sống mà phấn khích như những đứa trẻ lên 10 lần đầu xem phim siêu nhân. Dù cho điểm số phim ông có ra sao đi nữa, thì người xem vẫn tiếp tục xem, bỏ não đi và tiếp tục tận hưởng những bữa tiệc thị giác mà Michael Bay mang lại.
Nguồn: Michael Bay - Understanding A True American Auteur